3 Lý Do Chúng Ta Rất Cần Đức Maria Là Mẹ Chúng Ta

Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Càng hướng về Mẹ của Sự Sống ấy, chúng ta càng khám phá và đón nhận sự sống một cách trọn vẹn.

Hôm nay, trong lễ kính trọng thể Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chúng ta sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện: “Chúng con vui mừng tuyên xưng Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, là Mẹ của Con Chúa và là Mẹ của Giáo Hội.” Tại sao chúng ta luôn khởi đầu Năm Mới bằng việc chiêm ngắm vai trò làm Mẹ của Đức Maria?

Chúng ta cần Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ của mình, và có ít nhất ba lý do để ta khao khát điều ấy.

1. Tình yêu của Mẹ Thiên Chúa đánh thức ta và cho ta là chính mình

Nhà thần học Hans Urs von Balthasar đã suy ngẫm về một chân lý đơn giản của cuộc sống: “Đứa trẻ thức tỉnh ý thức về bản thân qua việc được yêu thương bởi tình yêu của người mẹ.” Trong cuốn sách Bi Kịch Của Đứa Trẻ Tài Năng [The Drama of the Gifted Child], nhà tâm thần học Alice Miller giải thích cách mà:

“…mọi đứa trẻ đều có nhu cầu chính đáng được chú ý, được hiểu, được xem trọng và được tôn trọng bởi mẹ của mình. Trong những tuần tháng đầu đời, chúng cần sự hiện diện gần kề của mẹ, phải có khả năng thấy chính mình nhờ người mẹ... Người mẹ nhìn vào đứa trẻ trong vòng tay mình, và đứa trẻ nhìn vào gương mặt của mẹ, nhận thấy chính mình trong đó, khi và chỉ khi người mẹ thật sự nhìn vào sinh linh nhỏ bé, yếu ớt, độc nhất trước mặt mình, chứ không phải phóng chiếu những kỳ vọng, nỗi sợ hãi hay kế hoạch của mình cho đứa trẻ. Bằng không, đứa trẻ sẽ không thể tìm thấy chính mình trong gương mặt của mẹ mà chỉ thấy toàn những gánh nặng của mẹ. Đứa trẻ ấy sẽ chẳng có chiếc gương nào để soi chiếu chính mình và suốt đời sẽ khao khát tìm kiếm nó trong vô vọng.”

Thật buồn thay, đây là tình cảnh của nhiều người. Nhưng đó không phải là kết thúc. Bởi vì chúng ta có Mẹ Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng vẫn hằng đáp lại mọi kêu cầu của chúng ta – Đức Maria chính là Chiếc Gương mà chúng ta vẫn kiếm tìm. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận:

“Vai trò của người mẹ không chỉ dừng lại ở việc trao ban sự sống. Với sự quan tâm sâu sắc, người mẹ giúp con cái trưởng thành, dạy chúng cách sống, luôn đồng hành bằng sự chăm sóc, tình cảm và tình yêu, ngay cả khi chúng đã trưởng thành. Nói ngắn gọn, một người mẹ tốt giúp con cái trở nên chính mình.”

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng bày tỏ điều tương tự:

“Một người mẹ không chỉ là mẹ của một sinh linh về mặt thể lý được sinh ra từ cung lòng mình, mà còn là mẹ của một nhân vị mà bà đã hạ sinh. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa bởi vì Mẹ đã đồng hành với Con Thiên Chúa trong sự trưởng thành của Người. Vai trò làm mẹ của Đức Maria không chỉ đơn thuần là một mối dây tình mẫu tử – Mẹ còn cộng tác cách hữu hiệu vào sự chào đời thiêng liêng của chúng ta và vào sự triển nở của đời sống ân sủng trong lòng mỗi người chúng ta.”

2. Mẹ Thiên Chúa ngăn chúng ta biến Chúa Giêsu thành một ý niệm trừu tượng

Chúng ta cần Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa ngăn ta khỏi việc biến Chúa Giêsu thành một ý niệm trừu tượng… khỏi việc thu hẹp Chúa Giêsu chỉ với những bài giảng, thông điệp, hay mẫu gương. Vì Chúa Giêsu không phải là một triết lý để học hỏi, mà là một Ngôi Vị, Đấng để ta yêu. Và chỉ có Mẹ Thiên Chúa mới yêu Chúa Giêsu cách hoàn hảo và xứng hợp như Người đáng được yêu. Đó là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng: “Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Đức Kitô, nhưng Đức Kitô dẫn chúng ta đến với Mẹ Người.”

Bản chất của người mẹ là làm cho mọi điều trừu tượng trở nên hữu hình. Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa nhìn nhận rằng: “Thiên Chúa đã âm thầm đi vào cung lòng của một người nữ. Thiên Chúa chạm đến trọng tâm của vấn đề: [từ] ‘mater’ [mẹ] xuất phát từ ‘materia’ (vật chất).” Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, luôn dẫn chúng ta trở về trọng tâm của vấn đề: nhân tính của Con Thiên Chúa.

Như lời Chân phước Guerric thành Igny từng khẳng định: “Đức Maria là Mẹ của Sự Sống, mà nhờ đó vạn vật được sống.” Chẳng có điều gì là mơ hồ, trừu tượng, hay xa cách về sự sống ấy. Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Càng hướng về Mẹ của nguồn sống ấy, chúng ta càng khám phá và đón nhận sự sống một cách trọn vẹn. Và nếu chúng ta muốn nguồn sống ấy thêm dồi dào trong đời mình, chúng ta cần một Người Mẹ để trao ban cho chúng ta. Và Đức Maria chính là Đấng ấy.

3. Mẹ Thiên Chúa trao ban cho ta sức mạnh vượt thắng sự chết

Một bài báo cách đây vài tháng trên tạp chí The Atlantic đã trích lời của một y tá chăm sóc người bệnh giai đoạn cuối chia sẻ rằng vào giây phút lâm chung, “hầu như ai cũng cất lời gọi ‘Mẹ’ hoặc ‘Mẹ ơi’ trong hơi thở cuối.” Dường như có một điều gì sâu thẳm trong trái tim chúng ta biết rằng, khi lâm cảnh ngặt nghèo, khi cái chết cận kề, chúng ta cần đến mẹ mình. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta kết lời Kinh Kính Mừng bằng việc cầu xin Đức Maria, Mẹ của chúng ta, “cầu cho chúng con khi này và trong giờ lâm tử.”

Người ta kể rằng, để không rơi vào vực thẳm của tuyệt vọng, văn sĩ Dostoyevsky thường dành thời gian ngồi suy niệm rất lâu trước bức họa Đức Mẹ Ẵm Chúa Hài Đồng (The Madonna)

Tôi vẫn còn xúc động khi nhớ về một bài báo tôi đọc cách đây nhiều năm, kể về một cô gái trẻ vì tuyệt vọng đã leo qua hàng rào trên cầu vượt, định lao mình xuống đường cao tốc để kết thúc cuộc đời. Một người phụ nữ – một người mẹ của hai đứa con và bà ngoại của sáu đứa cháu đã nhìn thấy cô, bà lập tức dừng xe, gọi cảnh sát, sau đó leo đến bên cô gái đang nghĩ quẩn và khẩn khoản: “Đừng làm vậy, con ơi!”  Bà vươn tay qua hàng rào, nắm lấy quần áo cô gái và cố hết sức giữ chặt cô lại. Một số tài xế khác cũng dừng lại, cùng hợp lực giữ chặt cô gái qua những kẽ hở của hàng rào. Một cảnh sát đến hiện trường đã mô tả cảnh tượng anh chứng kiến: một cô gái lơ lửng bên cầu vượt, được “một khối người khổng lồ” giữ lại bằng tất cả sức lực.”

Điều gì đã khiến cô gái trẻ đi đến hành động tự hủy hoại ấy? Người phụ nữ đã đến cứu cô gái kể lại rằng, cô liên tục thốt lên: “Mẹ không thương con. Mẹ không quan tâm đến con.” Nhưng người phụ nữ ấy đã dịu dàng an ủi cô qua hàng rào, liên tục trấn an cô: “Không đâu, chúng tôi thương con.”

Chính một người mẹ đã nhận ra nỗi tuyệt vọng của cô gái trẻ. Chính một người mẹ đã chạy đến cứu giúp cô. Chính một người mẹ đã dùng tình yêu thương để trấn an cô. Và cũng chính một người mẹ đã khơi dậy lòng nhân ái nơi những người qua đường để tất cả cùng chung tay cứu giúp. Như một người trong số họ đã quả quyết: “Mọi người đều quyết tâm sẽ không buông cô gái ấy ra dù bất cứ lý do gì.” Bài thánh thi cổ Kính Mừng Đức Maria Ngôi Sao Biển [Ave Maris Stella] vang lên lời một khẩn cầu: “Hãy tỏ mình là Mẹ” (Monstra Te esse Matrem). Đôi khi, trên bờ vực sinh tử chỉ có một Người Mẹ mới đủ sức để cứu chúng ta.

Hành động của những người Samari nhân lành ấy chính là minh chứng sống động cho một chân lý mà Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từng viết:

“Sự sống mà một người mẹ trao cho con mình không chỉ nằm ở bình diện thể lý; người mẹ còn trao ban sự sống cách trọn vẹn khi nhận lấy những giọt nước mắt của con mình và biến chúng thành nụ cười. Chỉ khi cuộc sống được chấp nhận và cảm nhận là được chấp nhận, nó mới trở nên đáng sống. Nếu một người muốn chấp nhận chính mình, thì ai đó phải nói với họ: “Sự hiện hữu của bạn thực sự là một điều tốt lành” – phải nói điều đó không chỉ bằng lời nói trên môi miệng, mà còn bằng chính hành động yêu thương trọn vẹn, điều mà chúng ta gọi là tình yêu.”

Từ: Aleteia

Tác giả: Antoine Mekary

Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Nguồn: dongten.net

Xem Thêm

SNLC – CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH – Mt...

https://youtu.be/sYPHFApnrsI Lời Chúa Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có...

Hơn 21.000 Bạn Trẻ Mỹ Tham Dự Hội Nghị...

Hơn 21.000 người đã tham gia hội nghị dành cho thanh thiếu niên Công giáo lớn nhất...

Giáo Hội Úc Mời Gọi Người Công Giáo Sử...

Các Giám mục Công giáo Úc kêu gọi các cha mẹ và chính phủ bảo vệ trẻ...