Trong đời sống Ki-tô hữu, chúng ta thường nghe nói về những thương tổn và sự chữa lành. Chúng ta hiểu rằng những thương tổn này không chỉ là những tổn thương thể xác, mà còn là những thương tổn ẩn sâu trong tâm hồn, thứ sẽ để lại di chứng lâu dài. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sự chữa lành có nghĩa là gì? Và cuối cùng được chữa lành có nghĩa là gì?
Cho đến dạo gần đây, tôi đã cố mang theo những tâm thế là “phải cố gắng vượt qua nó”, “phải tiến lên”, hay “nó đâu phải là chuyện lớn gì”. Nhìn lại, tôi chỉ có thể cười với cái tiến trình để vượt qua mọi thứ trước đây của mình, phần lớn bởi vì tôi là người luôn cảm nghiệm mọi thứ một cách sâu sắc. Và dù phương pháp nhanh chóng “phải tiến lên” nghe có vẻ hay, nhưng nó hiếm khi hiệu quả với một người như tôi (tức là trái tim của một người thường). Không hề có ý mỉa mai, tôi nói điều này với tất cả sự chân thành; một phần của đời sống con người là trải qua cảm giác xấu hổ, tội lỗi, đớn đau, khổ sầu, v.v. thật vậy, đó là hậu quả của tội nguyên tổ.
Dẫu vậy, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, “hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Một chuẩn mực khá cao, phải không? Có lẽ bạn đang rơi vào tình trạng “không hoàn hảo” lúc này, và điều đó không sao cả; tôi cũng vậy! Vì vậy, có thể chúng ta không thể hoàn hảo hôm nay, nhưng chắc chắn chúng ta có thể cố gắng hướng tới điều đó bằng những bước đi tích cực. Tuy nhiên, để đạt tới sự hoàn thiện đó, chúng ta PHẢI tích cực tìm kiếm sự chữa lành.
Bằng cách chủ động dành thời gian để tìm kiếm sự chữa lành cho bản thân, bạn thực sự đang đi tìm sự thánh thiện. Bởi vì khi phần bị tổn thương trong tâm hồn chúng ta được chữa lành, chính là chúng ta đang lãnh nhận sự thanh tẩy; chúng ta càng được thanh tẩy, chúng ta càng gần với sự thánh thiện. Vì vậy, hãy để tôi nhắc lại: bạn KHÔNG HỀ ích kỷ chỉ vì muốn chăm sóc cho bản thân. Nhưng nó không có nghĩa là bây giờ ta được bật đèn xanh để nằm dài trên giường và sa đà vào ăn uống, chè chén, và công nghệ mỗi ngày. Hiển nhiên là tất cả chúng ta thi thoảng đều cần thời gian để thư giãn, nhưng việc chăm sóc bản thân mà tôi đang đề cập đến có ý nghĩa nhiều hơn như vậy. Vì vậy, hãy quay lại câu hỏi ban đầu của chúng ta: Việc tìm kiếm sự chữa lành có nghĩa là gì? Và cuối cùng được chữa lành có nghĩa là gì?
“Việc tìm kiếm sự chữa lành có nghĩa là gì? Chúng ta bắt đầu từ đâu đây? Thời điểm cảm nhận nỗi đau của những vết thương lòng và băn khoăn nên đối diện với chúng ra sao có lẽ là đoạn khó khăn nhất. Nhiều người tôi biết, bao gồm cả tôi, có xu hướng thu mình lại và kiềm nén trước khi hành động. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh này, đừng sợ hãi vì đó là điều rất bình thường! Cơ thể bạn chỉ đơn giản là đang cố gắng bảo vệ bạn bằng cách chuyển sang chế độ phòng vệ. Điều này khá dễ hiểu, bởi vì văn hóa của chúng ta chỉ cho chúng ta hai lựa chọn hành động trong những thời điểm như thế này, và những lựa chọn đó là: 1) kiềm nén, hoặc là 2) chiều theo. Nhưng tôi ở đây để tiết lộ sự thật tuyệt vời rằng thực tế còn một lựa chọn thứ ba. Tôi thực sự tin rằng bước đầu tiên của sự chữa lành là mang những tổn thương của bạn ra ánh sáng. Điều đó có thể giống như tâm sự với bạn bè, linh mục, nhà trị liệu, cha mẹ, anh chị em, v.v. Hãy tìm một người mà bạn tin tưởng, một người sẽ tôn trọng những gì bạn chia sẻ. Lý tưởng nhất là tìm một người sẵn sàng đồng hành với bạn trong hành trình chữa lành đó. Tôi nhận thấy việc tìm kiếm một chuyên gia là vô cùng hữu ích, bởi vì họ chắc chắn sẽ giúp bạn chia sẻ khi bạn cảm thấy muốn đóng kín mình lại. Tôi hoàn toàn không khuyên bạn nên mở lòng với bất cứ ai; đây là một phần rất mong manh trong trái tim bạn cần được đón nhận với sự kính cẩn và tôn trọng. Bước đầu tiên của việc mang nỗi đau của bạn lên bề mặt là rất quan trọng và khiến bạn cảm thấy đầy tự do! Tôi khuyến khích bạn, đừng đánh giá thấp sức mạnh của bước này! Nó có vẻ đơn giản, nhưng thực sự cần thiết để thực hiện bước đầu tiên này.
Sau thời điểm từ trong tối bước ra ngoài sáng, bạn có thể cảm thấy thôi thúc muốn thu mình lại và kìm nén; có thể giả vờ như nó chưa bao giờ xảy ra. Đây là cảm giác mà một người bạn của tôi từng gọi là “sự nôn nao dễ bị tổn thương”. Vào thời điểm khi bạn dốc bầu tâm sự của mình một cách chân thành và dễ bị tổn thương, và vài ngày sau bạn cảm thấy bị phơi bày và xấu hổ về điều đó. Đây chính xác là lý do tại sao tôi cực kì khuyến khích bạn đến gặp ai đó mà bạn thực sự tin tưởng, và còn tuyệt vời hơn nếu là một chuyên gia (tức là một nhà tư vấn, một chuyên viên hướng dẫn cho đời sống hoặc một nhà linh hướng) để bạn có thể có một sự giải trình để xem bạn đang làm thế nào và để nhẹ nhàng kéo bạn trở lại. Có thể bạn không muốn đến gặp một chuyên gia, và điều đó cũng được! Nếu vậy, trong khoảnh khắc thành thật và dễ bị tổn thương, sẽ hữu ích khi yêu cầu người đó kiểm tra tình hình của bạn sau vài ngày để xem bạn đang làm thế nào hoặc bạn cần gì. Hoặc đơn giản là yêu cầu sự giải trình liên tục! Tính nhất quán là chìa khoá.
Từ những điều trên, chúng ta sẽ đi đến đâu? Cần nói trước, tôi không phải là một chuyên gia. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cá nhân và quan sát trong cuộc sống của mình, tôi đã và đang thấy rằng đây thường là nơi chuyến hành trình của bạn tiến thêm mười bước để dần trở nên duy nhất đối với bạn và với tình thế của bạn. Không có bước cụ thể nào về cách xử lý hoặc sẽ mất bao lâu để hoàn thành. Có thể bạn cần tư vấn trong ba tháng, ba năm hoặc có khi là cả đời. Đó là hành trình CỦA BẠN, không phải của một ai khác. Tính cách của bạn là độc nhất đến nỗi có thể cần một điều gì đó hoàn toàn khác xa so với người tiếp theo gặp phải di chứng cảm xúc tương tự. Lời khuyên cụ thể nhất và có vẻ đơn giản nhất mà tôi có thể đưa ra là hãy tự hỏi bản thân câu hỏi, “Tôi cần gì ngay bây giờ?” Hãy dành một phút để ngồi xuống với câu hỏi này mỗi ngày, và nếu thực sự nghiêm túc, tôi hứa rằng bạn sẽ tìm thấy những gì đang thiếu vắng trong cuộc sống của mình.
Mục tiêu cuối cùng: Ý nghĩa sau hết của việc chữa lành là gì? Như tôi đã nói trước đó, đau khổ là một phần của trải nghiệm con người. Với ý kiến không phải là chuyên gia của tôi, tôi thực sự không biết liệu có bao giờ mình trải qua một thời điểm trong đời mà không có bất kỳ đau khổ nào hay không. Điều đó sẽ hơi đáng kinh ngạc nếu đúng như vậy, nhưng tôi thực sự không thể nói liệu điều đó có bao giờ là trải nghiệm của tôi trên đời hay không. Chúng ta được tạo dựng cho thiên đàng, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ liên tục trải qua nỗi đau và khao khát trong trái tim mình cho Nước Trời đến khi chúng ta đến đích. Tuy nhiên, với cùng một dấu hiệu, tôi có thể lập luận rằng một sự chữa lành hoàn toàn từ những tổn thương của chúng ta có thể trải qua trên trần gian. Những gì tôi đã thấy, đã trông và cảm nhận giống như là tự do.
Tự do là chính mình và yêu thương những người xung quanh mà không do dự hay xấu hổ. Tự do sống trong thực tế với bản chất con người của bạn cùng sự tự tin và niềm vui. Tự do cảm nhận cảm xúc của bạn mà không cần kìm nén. Tự do để nhận tình yêu một cách ân cần. Tự do. Luôn có một con quỷ muốn chúng ta bị nô lệ, muốn thao túng sự bị thương của chúng ta đến mức khiến chúng ta xấu hổ về con người mình. Chúa muốn tự do của bạn, vì vậy sau cùng, hiển nhiên rằng NGÀI là người chữa lành. Với tất cả những điều được xem xét cân đo, tôi thỉnh cầu bạn hãy thương xót chính mình trong chuyến hành trình chữa lành của bạn, bởi vì thực tế là chúng ta đang trong một trận chiến.
Chúng ta đang chiến đấu chống lại cái ác, kẻ đang cố gắng hết sức để khiến chúng ta thất bại. Nhưng tin tốt lành là Chúa Giê-su đã thắng trận chiến! Ngài đã đánh bại ma quỷ và tiếp tục bảo vệ bạn cho đến khi bạn chết. Chúa muốn chữa lành trái tim của bạn. Ngài muốn bạn sống cuộc đời mình trong sự tự tin và tự do. Và hãy tin tôi khi tôi nói, bạn xứng đáng với điều này. Bạn xứng đáng khi coi trọng trái tim mình một cách nghiêm túc và cả khi chạy nước rút hướng tới sự chữa lành cùng với tự do mà Cha chúng ta định sẵn cho bạn.
Tác giả: Clare
Lê Minh chuyển ngữ từ thecultureproject.org
Nguồn: dongten.net