Singapore là trạm dừng chân cuối cùng của Đức Phanxicô ở Đông Nam Á, là móc xích để nối hai cường quốc: một hữu hình về địa lý, chính trị, đó là Trung Quốc; một phi vật chất, toàn cầu và thần học, đó là Giáo hội công giáo. Nếu Trung Quốc đang đi qua giai đoạn cứng rắn chống lại các tôn giáo với ý định hán hóa và kiểm soát hoàn toàn, thì thời kỳ này lại trùng với một triều giáo hoàng chưa từng có, triều của Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, nổi tiếng là người “Châu Á” và đặc biệt đam mê Trung Quốc. Chính xác Giáo hoàng Dòng Tên nhìn thấy tương lai của Giáo hội ở khu vực này.
Bản đồ các quốc gia Châu Á Đức Phanxicô nói lên nhiều điều, với chặng dừng chân ở Singapore, thành phố nằm ở cực điểm của Malasia, ngài đã đi bao quanh Trung Quốc kể từ năm 2013! Xuất phát từ phía Bắc, ngài đi Mông Cổ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Thái Lan, Miến Điện, Kazakhstan… Dù thiếu Việt Nam, nhưng Việt Nam đã được đưa vào kế hoạch đầu tiên của chuyến đi. Vòng quanh Trung Quốc rộng lớn này không phải là một chiến thuật mà là một xu hướng đánh dấu triều của ngài: Đức Phanxicô mơ ước đi Bắc Kinh.
Nhưng vì sao ngài lại dừng ở Singapore “nhỏ bé” trên đường trở về Rôma sau những giờ phút thắng lợi đến Indonesia và Đông Timor? Giáo hội Singapore là giọt nước giữa hai đại dương Ấn Độ và Thái Bình Dương: 176.000 giáo dân công giáo chỉ chiếm 3% dân số của thành phố-quốc gia có 6 triệu dân trên diện tích 724 cây số vuông. Hoạt động ngân hàng là vua ở đây, một thiên đàng thuế hơn cả thiên đàng thiêng liêng! Với 80% dân số là người Trung Quốc, vì thế theo các chuyên gia, đây là nơi lý tưởng để giải quyết vấn đề Bắc Kinh.
Thông điệp này sẽ được chắt lọc như thế nào? Cách đây đúng một năm, khi trở về từ Mông Cổ, ngài nói với các nhà báo, ngài lấy làm tiếc hình ảnh Giáo hội công giáo bị suy giảm nghiêm trọng ở Trung Quốc, Giáo hội bị cho là một “thực thể nước ngoài”. Ngài khuyên: “Chúng ta phải đi xa hơn trong khía cạnh tôn giáo, tránh để người dân Trung Quốc nghĩ rằng Giáo hội không chấp nhận văn hóa và giá trị riêng của họ, Giáo hội phụ thuộc vào một thế lực nước ngoài.”
Vì vậy công tác giáo dục là cần thiết, chuyến đi này là chuyến đi cần thiết. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trên máy bay của ngài có nhà báo nổi tiếng người Ý Stefania Falasca, thân cận với ngài, bà thường viết bài cho bản tin văn hóa Trung Quốc Tianouzhiku, liên kết với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, họ rất quan tâm đến chuyến đi này, trong khi chờ đợi ngài đến Bắc Kinh.
Cuối tháng 6, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin xác nhận: “Nếu có sự sẵn sàng và cởi mở từ phía Trung Quốc, thì Giáo hoàng sẽ đi ngay. Ngài sẵn sàng đi Trung Quốc nhưng thời điểm chưa đến.”
Một tuyên bố lặp lại nhiều câu trả lời của Đức Phanxicô – đặc biệt trong 44 cuộc họp báo trên các chuyến bay từ nước ngoài về Rôma của ngài -, ngài không bao giờ giấu diếm ước muốn mãnh liệt được đi Trung Quốc. Vì thế ngay từ đầu triều, trên chuyến bay từ Hàn quốc về Rôma ngày 18 tháng 8 năm 2014, ngài nói: “Tôi muốn đi Trung Quốc ư? Ngay ngày mai!”
Nhưng với Trung Quốc, ngày mai có thể đợi được và ngài đã đợi 10 năm! Đức Phanxicô đã gởi Thư gởi người công giáo Trung Quốc và “tính thời sự” của bức thư vẫn còn nguyên vẹn. Một văn thư cùng soạn với hồng y Quốc vụ khanh, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã nghiên cứu vấn đề này, ngài xin người công giáo hầm trú – những chiến binh kháng chiến trung thành với Rôma – ra khỏi hầm trú để đoàn kết với Giáo hội chính thức.
Bức thư này đã bị Giáo hội thầm lặng thắc mắc, vì sao lại phải liên minh với những kẻ bắt bớ họ. Nhưng đây không phải là huấn thị hay mệnh lệnh, Đức Bênêđíctô XVI chỉ bày tỏ mong muốn một ngày nào đó được thấy giáo dân của Giáo hội công giáo Trung Quốc đoàn kết với nhau, đoàn kết với Giáo hoàng và có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền. Lời kêu gọi này không mang lại điều gì cụ thể ngoài một số kết quả cận biên. Đó là lý do vì sao vấn đề Trung Quốc bị cho là một thất bại trong triều của ngài.
Phải mất gần mười năm mọi thứ mới thay đổi. Năm 2016, ba năm sau Đức Phanxicô được bầu chọn là năm quyết định. Trong ba lần, Bắc Kinh cho thấy chính quyền nước này sẵn sàng có thỏa thuận với Vatican. Tuyên bố rõ ràng nhất được ông Wang Zuo’an, người đứng đầu cơ quan Quản lý Tôn giáo đưa ra ngày 27 tháng 12 năm 2016: “Trung Quốc sẵn sàng đối thoại xây dựng với Vatican để vượt qua những khác biệt, mở rộng sự đồng thuận và cải thiện quan hệ song phương.”
Năm 2016 được đánh dấu bằng một sự kiện vượt ra ngoài phạm vi Rôma: Giáo hội hầm trú Trung Quốc đã phong từ năm đến mười giám mục mà không nói với với Vatican, lại cũng không với Bắc Kinh. Ngay lập tức Rôma phản ứng bằng cách phong ba giám mục với sự đồng ý của Bắc Kinh. Điều này thúc đẩy Giáo hội công giáo và chính quyền Trung Quốc cần phải tìm ra một thỏa thuận không dựa trên các nguyên tắc chung để có thể cụ thể phong các giám mục.
Vấn đề quan trọng lúc đó là lựa chọn giám mục có khả năng tương thích với quyền lực hiện tại, nhưng cũng phải biết nên chọn ai: Rôma hay chính phủ Trung Quốc. Đây không phải là vấn đề của Trung Quốc. Giáo hội công giáo luôn có chính sách địa hình thay đổi về vấn đề này. Nếu Vatican thích chọn các giám mục “của mình”, thì Vatican luôn thích nghi với các quốc gia – như ở Pháp – họ muốn tự do quyết định ứng viên của họ. Các công ước pháp lý song phương đều quy định vấn đề này.
Năm 2017 đã có được thỏa thuận sơ bộ giữa Rôma và Bắc Kinh. Ngày 22 tháng 9 năm 2018, Tòa thánh ký thỏa thuận với Trung Quốc – các điều khoản trong đó bí mật – liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục và quyết định cuối cùng là của Giáo hoàng. Đổi lại, Vatican bỏ vạ dứt phép thông công tám giám mục đã được Bắc Kinh bổ nhiệm trước đó không hỏi ý kiến Rôma.
Trong một tháng nữa, thỏa thuận này sẽ được gia hạn lần thứ ba, sẽ bổ nhiệm 18 giám mục và phục hồi hai giám mục hầm trú. Nhưng cũng không ngăn được việc bổ nhiệm các giám mục mà không có ý kiến của Tòa Thánh.
Hồng y Zen, cựu tổng giám mục Hồng Kông luôn phản đối thỏa thuận này, ngài xem đây là một “phản bội”. Năm 2022, chính Giáo hoàng đã thừa nhận giới hạn của thỏa thuận này. Nhưng với Tòa Thánh, dù thỏa thuận không hoàn hảo nhưng là một bước quan trọng với Trung Quốc, quốc gia chưa có quan hệ nào với Giáo hội kể từ khi họ trục xuất Sứ thần Tòa thánh năm 1949.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn