Ngóng con

Đã tròn năm tháng kể từ ngày Vinh đặt chân lên cao nguyên Gia Lai. Mùa này cà phê trên những khu vườn bạt ngàn đã bắt đầu chín rộ. Nhờ đó mà Vinh cũng nhanh chóng tìm được việc làm, qua Thắng giới thiệu. Thắng hơn Vinh ba tuổi, ở cùng làng, nhưng ở nhà hai đứa thường xưng hô ngang hàng là mày- tao. Vinh xin ở cùng Thắng, hai đứa đi làm thuê cho một xưởng thu mua cà phê cách nhà trọ khoảng mười lăm cây. Thắng thì đã quen công việc. Hết lớp chín, vì nhà nghèo, cha mất sớm nên cậu phải bỏ học vào miền Nam tìm việc kiếm tiền về xây nhà, nuôi mẹ và hai đứa em. Còn Vinh được sinh ra trong một gia đình khá giả hơn, điều kiện vật chất khá đầy đủ. Cậu lại là con một nên được cha mẹ chiều chuộng, tạo mọi điều kiện để học tập cho tốt. Năm nay Vinh đã lên lớp mười hai, nhưng thay vì chăm chỉ học tập như mọi năm, cậu lại theo đám bạn xấu bỏ học, chơi bời suốt ngày. Hai tháng trước, Vinh chơi game thua tiền, cậu đánh cắp chiếc nhẫn cưới bằng vàng của mẹ cậu đem đi bán. Bị phát hiện, cha cậu cho cậu một trận tơi bời, còn mẹ, bao nỗi uất giận kể từ ngày đứa con trai duy nhất đâm ra hư hỏng, bấy lâu kìm nén trong lòng, thì nay bùng ra. Bà la lối đứa con bằng những lời nặng nề, chua chát.

Vinh giận dỗi, bỏ nhà đi. Cậu ra đường, vớ được cái xe đang dừng bắt khách, thế là nhảy lên, không thèm quan tâm đây là xe chạy tuyến Hà Tĩnh- Gia Lai. Thôi kệ, đến đâu thì đến, trước mắt là cứ đi cho bõ tức, rồi sau đó kiếm việc gì làm ăn qua ngày. Cậu nghĩ mọi thứ sẽ đơn giản. Nhưng đến bến xe còn bơ vơ không biết về hướng nào, thì một nhóm côn đồ đã xông vào đánh đập để cướp tiền, vì tưởng cậu là người giàu có. Rất may, vừa lúc đó, Thắng chở bác chủ nhà trọ ra bến xe về quê, nhìn thấy và đưa cậu về nhà.

Hằng ngày, Thắng và Vinh phải dậy sớm, vào làng, đến từng nhà để thu cà phê, đóng bì và bốc vác lên xe chở về, để kịp nắng lên thì phải phơi hết số cà phê tươi đã thu mua. Vinh lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt thứ quả mà cậu đã thấy nhiều trong sách vở và truyền hình, thì thích lắm, nhưng khi bắt đầu công việc thì rất khó khăn. Hồi còn ở nhà có bao giờ cậu phải bốc vác gì nặng nhọc đâu, có bao giờ phải đội nắng để phơi nông sản đâu. Cậu bắt đầu nuối tiếc những ngày đi học nhàn hạ, về nhà đã có mẹ nấu ăn bồi dưỡng, cơm nước tận miệng. Nhưng làm sao được, đã đâm lao thì phải theo lao. Cậu quyết tâm không trở về cho đến khi cha mẹ cậu đem xe đến rước. Rồi ngày qua ngày, Vinh cũng phải thích nghi với công việc chẳng mấy dễ chịu này.

-Này, chiều mình xin ông chủ về sớm hơn cho kịp đi lễ Chúa nhật. Chỉ còn có một lễ Thiếu nhi Thánh Thể lúc 5 giờ thôi đấy.

– Chiều xong việc, tao ở nhà ngủ một giấc, mệt lắm rồi. Mày đi lễ thì đi đi, lễ lạc gì. Tao chẳng cần tin nữa. Nếu có Chúa thì tao đã chẳng nên nông nỗi này. – Vinh đáp lời Thắng.

-Ơ cái thằng này ăn nói hay nhỉ. Lễ Chúa nhật mà không đi. Mày có phải người có đạo nữa không đấy?

-Có đạo thì để làm gì cơ chứ? Để phải gò bó trong những luật lệ khó chịu, phải đi học giáo lý. Ông bà, cha mẹ tao vì có đạo nên mới cảm thấy việc tao bỏ học, chơi game là bất thường; còn tao, như vậy mới tự do, mới thỏa thích…

-Im đi! – Vinh nói chưa dứt lời, Thắng đã cắt câu. -Tao không cho phép mày ăn nói như vậy. Thôi kệ, mày thích làm gì kệ mày. Mày nói không sai, nếu có Chúa thì mày đã chẳng nên nông nỗi này. Nhưng không phải là không có Chúa, mà là tự mày đã đuổi Chúa đi.

Chiều tối hôm đó, Thắng đi lễ một mình, còn Vinh ở nhà nằm dài một giấc…

Sáng hôm sau, hai đứa lại vào làng từ tảng sáng. Cà phê hôm nay đã chín nhiều hơn, quả đen hái không kịp rơi rụng ngổn ngang xuống đất. Vinh làm việc mà chỉ mong mua được ít hàng, để đỡ phải bốc vác và phơi khén. Trái lại, Thắng rất mừng khi thấy nhiều nông sản, vì lương cậu nhận được sẽ tỉ lệ thuận với sản lượng làm việc. Đang vác bì cà phê trên vai, thì có một cuộc điện thoại gọi đến. Cậu thả bì cà phê xuống, nhấc điện thoại lên. Là cuộc gọi của Nhu, người bạn Thắng mới quen vài tháng. Nhu là một cô giáo ở miền khác đến, dạy chữ cho các em đồng bào trong nhà nội trú của các Soeurs Dòng Phaolô. Nhu cũng hay đi lễ Thiếu nhi Thánh Thể chiều Chúa nhật, và gặp Thắng nhiều lần, rồi họ quen nhau.

-Thắng ơi, tuần này giáo xứ có tĩnh tâm để chuẩn bị mừng 50 năm thành lập. Nếu cậu đi làm về kịp thì đi lễ tối rồi nghe cha giảng tĩnh tâm luôn.

-Ừ, cảm ơn Nhu. Tớ sẽ cố gắng thu xếp công việc, rồi rủ bạn cùng phòng đi nữa.

-Thế nhé, Chúa ở cùng cậu nghen.

-Cảm ơn Nhu, bye.

Thắng lại tiếp tục công việc, vác bì cà phê bốc lên xe.

Hôm nay, Thắng làm việc cật lực hơn để hoàn thành công việc sớm, và xin ông chủ cho mình và Vinh về trước.

-Này Vinh, về đi tĩnh tâm nghen.

-Tĩnh tâm cái gì?

-Giáo xứ Đức An đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ. Cha sở mời các cha Dòng Chúa Cứu Thế về giảng tĩnh tâm đấy. Nhanh đi.

-Đi làm gì? Tao có phải chiên xứ này đâu, ông anh bạn thân mến.

-Tao thấy mày bất trị rồi đấy. Chắc là tâm mày lâu nay động lắm rồi, đi nghe giảng cho nó tĩnh lại.

-Chúc ông anh tĩnh tâm vui vẻ nghen. Tao ở nhà nằm ngủ thôi. Giờ đối với tao, giấc ngủ là thuốc bổ an toàn nhất, chẳng phải mệt nhọc làm việc, hay suy nghĩ mà đâm ra tức tối.

Sau một tuần giảng tĩnh tâm, cha xứ tổ chức một ngày hòa giải. Cha mời các Linh mục trong khu vực về giải tội cho toàn giáo dân, nhờ các Soeurs từ các cộng đoàn phục vụ tại giáo xứ đến để giúp chiên lạc xét mình. Hôm đó, hai cậu vẫn tiếp tục vào làng thu mua cà phê, nhưng chẳng có bì nào. Hỏi ra mới biết mấy bữa nay trong làng có lễ hội nên tất cả nghỉ làm việc, và hôm nay không có nông sản tươi để bán. Vinh mừng rỡ, đó là điều dễ hiểu với một cậu bé không muốn làm việc. Nhưng Thắng cũng mừng, khác với những ngày thường khác, vì nhờ đó cậu sẽ được về nhà thờ để đi xưng tội.

-Hôm nay nghỉ việc, mày chở tao qua nhà thờ luôn. Có nghi thức sám hối và giải tội cả ngày đấy.

Bữa nay Vinh không thèm cãi tay đôi với Thắng nữa. Cậu không có ý định đi xưng tội, nhưng cũng đồng ý đi cùng Thắng đến nhà thờ. Vì dù sao cậu phải đi nhờ xe máy của Thắng, vả lại, coi như là đi thăm quan cho biết đây biết đó.

Trời càng về chiều càng nhạt dần màu nắng. Mặt trời không còn gay gắt, chói lọi khủng khiếp như những buổi trưa thiêu đốt ngoài trời. Trong nhà thờ, có nhiều người đang ngồi thinh lặng, cúi đầu trước Nhà Tạm. Tòa giải tội đặt ở nhiều góc, có nhiều cha ngồi tòa. Ánh nắng chiều tuy không chói chang nhưng len lỏi xuyên thấu các ô cửa kính màu, làm cho ngôi thánh đường càng trở nên huyền linh, tĩnh mịch.

Dừng xe nơi bãi đậu, Thắng khuyên Vinh vào xưng tội, vì đây là một dịp quan trọng, nhưng Vinh vẫn không thèm đếm xỉa đến. Cậu bỏ đi ra phía trước nhà thờ, để mặc Thắng bước vào phòng xét mình trong thái độ buồn bã, vì không thuyết phục được cậu.

Lần đầu tiên Vinh đến một ngôi nhà thờ ở Tây Nguyên. Trong khuôn viên nhà thờ xứ, xen lẫn với những cây xà cừ cổ thụ, có nhiều tượng gỗ thô sơ được đục trên thân cây, hình thù như con khỉ ở rừng. Sau mỗi bức tượng đó đều có những tấm bảng chú thích. Vinh rảo qua một lượt. Nào là một thân gỗ đẽo hình ba con khỉ đang đăm chiêu suy nghĩ với chú thích nói về ý nghĩa tôn giáo. Nào là hình người cầm chìa khóa, được giới thiệu là Thánh Phê-rô Tông Đồ; và đối diện là tượng thánh Phao-lô cầm mấy lá thư; rồi cạnh bên là hình Bok Kiêm và Thầy Sáu Do kết nghĩa anh em.

Vinh nhìn xa hơn, và cậu bị cuốn hút bởi một bức tượng được đặt ngay trước sảnh, nơi cửa bước vào nhà thờ. Nhìn xa như một người chống gậy đứng ăn xin. Cậu tò mò, bức tượng sao lạ quá! Vinh tiến lại gần bức tượng. Hình như không phải là một người hành khất, mà rõ ràng là một cụ già chống gậy lom khom với tư thế sẵn sàng để đi, ánh nhìn xa xăm. Bức tượng được đẽo gọt thô sơ trên thân cây gỗ thông, càng làm lộ lên vẻ xót xa, tội nghiệp của người đang khắc khoải, mong chờ một điều gì đó. Ánh mắt của cụ già tượng gỗ như xuyên thủng vào đôi mắt của Vinh, làm cậu ứa lệ. Cậu nhìn và đọc bảng chú thích, một tấm bảng hình vuông với dòng chữ:

NGÓNG CON

“Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để.” (Lc 15, 20)

Vinh ngậm ngùi. Cậu bị đánh động bởi tấm bảng đó, nhưng rồi những hình ảnh đòn roi và lời mắng nhiếc của cha mẹ ngày xưa cứ ám ảnh cậu. Trong người Vinh có sự giằng co mãnh liệt. Cha mẹ yêu thương hay ghét mình? Những đòn roi đánh vào cậu là vì yêu con hay vì trút giận? Và như được Chúa soi sáng, cậu lại nhìn lên tấm bảng rồi nhớ lại những bài học giáo lý hồi xưa. Cha xứ từng giảng rằng: “giả như cha mẹ có lúc ghét con, thì Thiên Chúa vẫn luôn luôn yêu thương con.” Vinh hét lên: “Trời ơi, cha ơi!”. Rồi cậu òa khóc.

Chạy vào sụp gối một góc trong nhà thờ, Vinh nức nở. Cậu thưa cùng Chúa:

“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Con biết rằng Ngài là Đấng giàu lòng xót thương. Ngài đang mong con trở về, nhưng tại sao con lại cố chấp. Và có lẽ, giờ này ở nhà, cha mẹ cũng đang ngóng con…”

Từ phòng xét mình bước vào nhà thờ, Thắng nhìn thấy người bạn mình đang quỳ gối bên tòa giải tội. Cậu mừng rỡ cám ơn Chúa:

“Lạy Chúa, tạ ơn Ngài, vì chỉ có Lòng Thương Xót của Ngài mới có thể chạm đến và làm biến đổi quả tim của người bạn con”.

Buổi tối hôm ấy, hai đứa về nhà nấu bữa cơm và ăn mừng vui vẻ.

-Việc đền tội của mày là gì vậy? -Thắng hỏi.

-Luca 15. Đọc Tin Mừng Luca chương 15. Tao cảm thấy đoạn Tin Mừng ấy như viết riêng cho tao vậy. Còn mày?

-Của tao, cha giao một tuần lễ sáng. Cũng được. Tập dậy đi lễ sáng cho quen. Hồi bé tí ở nhà, có bao giờ bỏ lễ sáng đâu, mà đi làm rồi thì biếng nhác.

-Ừ, đi lễ sáng một tuần đền tội cho mày, rồi cứ tiếp tục đi đền tội cho tao với. Cảm ơn mày những ngày qua đã thương và giúp đỡ tao. Tao nghĩ kĩ rồi. Giờ này chắc là bố mẹ tao cũng đang “ngóng con” từng ngày. Tuần tới tao sẽ về nhà, tiếp tục học hành.

-Mày suy nghĩ kĩ rồi chứ? Lên đây mới bắt đầu quen việc. Có mày tao cũng đỡ buồn hơn. Nhưng mày quyết định như thế là đúng đắn hơn cả. Cầu chúc mày về bình an. Cho tao gửi lời hỏi thăm gia đình mày, gia đình tao và quê hương làng xóm. Đợi tết tao về luôn.

Vinh trở về gia đình kịp giờ cơm tối. Nhìn cha mẹ cậu có vẻ xanh xao và gầy ốm hơn chút xíu. Bàn ăn vẫn luôn dọn cho ba người, vì mẹ cậu nói cha mẹ luôn mong một ngày nào đó cậu về ăn bữa cơm gia đình ấm cúng. Phòng ngủ của cậu cũng sạch sẽ, ngăn nắp và sách vở đã sẵn sàng để cậu bắt đầu tiếp tục học hành.

***

Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội năm nay cũng là ngày khai mạc Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót. Trong bài giảng lễ, cha xứ mời Vinh lên chia sẻ kinh nghiệm trở về của mình: “Lòng Thương Xót của Chúa Cha đã chạm đến quả tim chai lì đầy tính tự ái của con, và dẫn con về nhà bình an. Về đến nhà, con mới cảm nghiệm được rằng cha mẹ vẫn yêu thương và ngóng con về từng ngày, thì Thiên Chúa cũng vui biết mấy khi các tội nhân trở về với Ngài từng phút giây”.

Đó cũng là ngày Vinh xin gia nhập nhóm dự tu của giáo xứ. Cậu nuôi dưỡng ước mơ làm Linh mục để có thể thực thi Lòng Thương Xót của Chúa một cách hữu hiệu hơn, để đi tìm nhiều con chiên lạc về với Chúa nơi Bí tích Hòa giải.

1

(Ảnh chụp tại nhà thờ xứ Đức An, giáo hạt Pleiku, giáo phận Kon Tum)

Sr. Maria Thảo Nguyên, SPC