- Lời Chúa: Mc 8, 27-35
27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.”30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
2. Suy niệm:
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29)
Ngày nay, người ta thường thực hiện những cuộc thăm dò để lấy phiếu tín nhiệm về nhân vật được bầu chọn làm lãnh đạo hay để tham khảo ý kiến về một dự án nào đó…
Tin Mừng Marcô cho biết, Chúa Giêsu cũng thực hiện một cuộc thăm dò. Người được mời thăm dò là các môn đệ. Những người đã bỏ mọi sự mà theo Chúa được một thời gian, đã được Người huấn luyện và được Người sai đi để tiếp nối sứ vụ của Người. Nội dung của cuộc thăm dò xoay quanh hai câu hỏi:
– Người ta nói Thầy là ai?
– Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?
Với câu hỏi thứ nhất, các ông trả lời dựa trên dư luận của dân chúng: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Đối với câu hỏi thứ hai, các ông lúng túng im lặng, chỉ có Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đấng Kitô”.
Điều kỳ lạ xảy ra trong cuộc thăm dò này là Chúa cấm ngặt không được nói với ai về điều Phêrô vừa tuyên xưng (Mc 8,30). Bởi cả đám đông dân chúng lẫn các môn đệ chưa rõ Ngài là ai thậm chí còn hiểu sai về Ngài. Dẫu các môn đệ bỏ tất cả theo Ngài, làm sao các ông có thể hiểu nổi con đường tình yêu xuyên qua hy sinh Ngài sẽ gánh lấy để cứu độ nhân loại. Ngài đã tiên báo cuộc khổ nạn mà Người sẽ phải chịu: “Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (c31). Phêrô phản đối điều này, người vừa mạnh mẽ lên tiếng tuyên xưng thân thế và sự nghiệp của Thầy mình, nhưng Phêrô không hiểu Đấng Kitô và càng không thể chấp nhận Thầy mình là Người Tôi tớ đau khổ. Bởi vì trong não trạng của Phêrô nói riêng và các môn đệ nói chung, họ xây dựng dung mạo một Đấng Thiên sai mang màu sắc chính trị và trần tục. Nên Phêrô đã can gián Thầy mình, thậm chí đã trách Thầy. Ông đã suy nghĩ và hành động theo tư tưởng của loài người. Hành động này bị Chúa mắng là satan! Nếu một Đức Giêsu không thập giá, lại không phải là Đức Giêsu của lịch sử, lại càng không phải là Đức Giêsu cứu độ nhân loại.
Đức Giêsu mà Giáo Hội rao giảng là Đức Giêsu chịu đóng đinh. Người là Người Tôi tớ đau khổ và trung thành mà ngôn sứ Isaia đã diễn tả trong bài đọc I hôm nay. Trước những vu cáo, bạo lực và gian dối của con người, vị Tôi Tớ của Chúa vẫn kiên trung và phó thác. “Tôi đã đưa lưng ra cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”. Vị tôi tớ ấy chính là hình ảnh của Đức Giêsu. Người đã dùng cây thập giá để minh chứng tình thương bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Như thế, theo Chúa là đi trên con đường thập giá, là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, không có lựa chọn nào khác. Chúa Giêsu đã diễn giải điều này như bài học rút ra từ sự kiện được kể trong bài Tin Mừng.
– Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (c34)
– Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. (c35)
3. Cầu nguyện:
Vâng lạy Chúa, bước theo Chúa Giêsu luôn là thách đố vì phận người yếu đuối, hay tránh né thập giá, muốn dễ dàng thoải mái. Xin Chúa ban thêm đức tin mạnh mẽ để con sẵn sàng đón nhận thập giá hằng ngày. Xin giúp con chỉ tin vào Chúa, dám chấp nhận đưa mạng sống mình ra để “đánh cược” với Ngài. Trên hành trình theo Chúa, Chúa luôn bên con, cùng chia sẻ thập giá gánh nặng cuộc đời, con không còn đơn lẻ, con tin sau thập giá là vinh quang của phục sinh.
Lạy Chúa, con tin vào Chúa không phải là lời nói suông, mà phải được minh chứng bằng việc làm. Con xin ghi khắc tâm niệm Lời Thánh Giacôbê, nhắc nhở: “Đức Tin mà không hành động thì là Đức tin chết” (Gc 2,17). Chính qua việc làm con mới chứng tỏ một Đức tin sống động và đích thực khi con dám đi theo Chúa.
Lạy Chúa! hôm nay, Chúa đang thực hiện một cuộc thăm dò con “Còn con, con bảo Thầy là ai?”. Chỉ khi con thực hành qua cuộc sống thì niềm tin mới trở nên lời tuyên xưng. Con tin Chúa, đó là điều chắc chắn, làm thế nào dung mạo của Đức Giêsu có được họa lại rõ nét nơi tâm hồn con và cuộc sống con? Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình, vác thập giá mình mà bước theo Chúa. Xin cho cuộc sống con từ cách nghĩ, lời nói đến hành động đều làm sáng lên dung mạo yêu thương của Chúa và nhiệt tâm giới thiệu chân dung Chúa cho mọi người. Amen.
4. Quyết tâm:
Vui tươi đón nhận thập giá mỗi ngày đi theo Chúa.