- Lời Chúa
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
2. Suy niệm
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35)
Sau khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cái chết của Ngài, các môn đệ bắt đầu tranh luận về chức quyền, tranh giành ảnh hưởng mà chẳng hiểu gì về “Đấng sắp bị nộp vì người đời”. Chúa Giêsu thấu suốt tâm trí các môn đệ đang nghĩ gì, nên Ngài thư thái trả lời: “Người đứng đầu là người rốt hết”. Nói thế là Chúa muốn các ông làm người dám lội ngược dòng, sống khiêm hạ, xoá mình, chấp nhận trở nên bé nhỏ để lan toả những giá trị của Tin Mừng theo gương Ngài Đấng đã sống tận căn mầu nhiệm tự huỷ (x. Pl 2, 6-11) từ máng cỏ đến thập giá. Hoàn toàn buông mình cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Để làm sáng tỏ ý nghĩa người lớn nhất. “Chúa Giêsu đem một trẻ nhỏ đặt vào giữa các môn đệ, rồi ôm lấy nó”. Trẻ nhỏ thời Chúa Giêsu là người không có địa vị xã hội. Đặt một trẻ nhỏ vào giữa đồng nghĩa với việc đòi hỏi người lớn phải lui giãn ra xa một chút để nhường bớt chỗ cho trẻ nhỏ. Buông mình ra khỏi kiêu ngạo tự mãn, khỏi ước muốn coi mình là trung tâm, khỏi ước muốn tự dẫn dắt đời mình để sống tín thác tuyệt đối vào quyền năng của Chúa- “Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống.” (Mc 10, 45)
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Chúa Giêsu đồng hoá việc đón tiếp trẻ nhỏ như là tiếp đón Chúa. Lẽ đời thường, ta thích đón tiếp những ai có vị thế để cậy dựa và giúp ta thăng tiến trên đường công danh sự nghiệp, phú quý giàu sang. Còn trẻ nhỏ chỉ đem lại sự quấy rầy, bận tâm chăm sóc. Nhưng Chúa dạy chúng ta sống đơn sơ, vô vị lợi, sống tín thác, tự do thanh thoát. Đón tiếp một người không dừng lại việc người này có xứng đáng hay không nhưng tiên vàn người này cần được đón tiếp, trong mối tương quan liên vị mà Đức Ái là tiêu chí của mọi lựa chọn.
3. Cầu nguyện
Lạy chúa Giê su, đôi khi những việc xem ra bé nhỏ, đơn điệu hay âm thầm lặng lẽ trong những việc bình thường dường như không mấy ai thích. Nhưng hôm nay, Chúa mở ra cho con trí hiểu bài toán tỷ lệ ngịch nấc thang gía trị. Chúa đánh giá khác biệt với nấc thang giá trị người đời, Thước đo của Chúa rất khác lạ, một tâm hồn càng khiêm tốn nhỏ bé thì lại càng lớn lao và vĩ đại trong Nước trời, ai làm đầu thì phải làm rốt hết, càng cao càng cúi mình xuống phục vụ anh em cách khiêm tốn. Nhận ra vai trò của mình trong cộng đoàn, trong gia đình, trong họ đạo, biết dùng ân huệ chúa ban gieo vãi sự công chính mặc lấy tâm tình hiền từ, nhân hậu và nhẫn nại để đón tiếp nhau, hoàn toàn tin tưởng, trông cậy, phó thác vào bàn tay từ ái của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Chúa, sống khiêm tốn, phục vụ, ân cần đón tiếp. Để sống tận căn những giá trị của Tin Mừng, tự sức chúng con là không thể nhưng là ơn Chúa trong con. Xin giúp con bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng và sống kết hợp với Chúa “Đấng vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có.” (2 Cr 8,9)
4. Quyết tâm
Điều gì ngăn cản tôi tìm đến viếng thăm một người cần được tôi lắng nghe, chia sẻ trong ngày hôm nay, không loại trừ người thân cận của tôi?