[Thượng hội đồng] Bài suy niệm 3: “Tấm Lưới Cá Buổi Sáng Phục Sinh” – Ga 21,1-14

Buổi sáng 01/10/2024

_Fr. Timothy Radcliffe, O.P._

‘Đêm đó họ chẳng bắt được gì cả.’ Mỗi cuộc hiện ra sau phục sinh đều bắt đầu từ trong bóng tối. Với bà Maria Mácđala, đó là bóng tối của sự không biết của cô là Chúa đã phục sinh. Nhưng Người vẫn ở đó chờ đợi cô. Còn với các tông đồ trong căn phòng khóa kín, đó là bóng tối của nỗi sợ hãi. Đức Kitô đã sống lại từ Chúa Nhật Phục Sinh, chiến thắng bóng đêm, nhưng hết lần này đến lần khác chúng ta lại thấy mình trở lại trong bóng tối. Bóng tối của chiến tranh, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, v.v.

Bóng đêm bao trùm lên những tông đồ đã đi đánh cá này là gì? Chúng ta đã trở lại thế giới bình thường. Ông Phêrô nói, ‘Tôi sẽ đi đánh cá’. Họ đã trở lại với thói quen cũ. Gần như chẳng có gì đã xảy ra ở Giêrusalem. Lưới của họ trống rỗng. Họ trống rỗng. Người lạ đến xin họ một chút gì đó để ăn. Tất cả họ đều trả lời Không. Trong tiếng Hy Lạp là Ou. Từ này trống rỗng như chính họ vậy. Ou! Những ngư phủ chài lưới người thậm chí còn không thể bắt nổi một con cá nhỏ.

Chúng ta đều biết những khoảnh khắc mà chúng ta dường như chẳng đạt được gì. Sự nhiệt tình ban đầu đã phai nhạt. Khi chúng ta bắt đầu Khoá họp toàn thể thứ hai, tôi chắc là một số người trong chúng ta đã cảm thấy như vậy. Những người đã bắt đầu với sự nhiệt tình và phấn khích có thể đang tự hỏi liệu chúng ta có đi đến đâu không. Một số người trong chúng ta không bao giờ tin rằng chúng ta sẽ đi đến đâu đó. Ou! Câu hỏi phổ biến nhất mà tôi nhận được về Thượng hội đồng trong mười một tháng qua là sự hoài nghi: Đã đạt được điều gì chưa? Phải chăng tất cả đều là lãng phí thời gian và tiền bạc ?

Nhưng người lạ đã ở đó trên bãi biển ngay cả trước khi họ phát hiện ra anh ta. Chúa luôn ở đó trước, trước khi chúng ta nhận ra. Trong Lời mở đầu của Tu Luật Dòng Thánh Biển Đức, Chúa nói, ‘Mắt Ta dõi theo con và tai Ta lắng nghe lời cầu nguyện của con. Và trước khi con gọi, Ta sẽ nói, ‘Này, Ta ở đây.’ ”[1] Chúa đang chờ đợi, ngay cả trước khi chúng ta cầu nguyện.

Tại sao họ không nhận ra Người? Bạn có thể nghĩ rằng đây là một trong những câu hỏi khó hiểu mà các học giả thích viết ra những bài báo khó hiểu, nhưng nó liên quan sâu sắc đến chúng ta tại Thượng hội đồng này. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra Chúa đang ở cùng chúng ta ngày hôm nay nhưng chúng ta có thể chưa từng thấy?

Không phải là Người trông khác biệt. Không, đó là vì họ chưa bao giờ thực sự nhìn thấy Người trước đây. Herbert McCabe OP đã nói rất đúng: ‘Mọi người không chỉ nhận ra Đức Giêsu là người mà họ biết đã bị giết. Họ nhận ra ngài như người mà họ đã biết phần nào và nghĩ rằng họ biết, nhưng thực ra cho đến bây giờ họ mới biết.’[2] Người là mầu nhiệm của Tình yêu nhập thể và giờ đây họ mới bắt đầu thoáng thấy những chiều kích cao sâu của tình yêu vượt qua mọi sự hiểu biết. Chính người môn đệ được yêu mến đã nói, ‘Chúa đó ’ vì ông có đôi mắt yêu thương. Các nhà thần học đầu tiên thường hỏi tại sao Đức Giêsu không hiện ra với kẻ thù của Người, như Phongxiô Philatô. Người có thể nhảy lên nhảy xuống trước mặt Philatô nhưng Philatô vẫn không thể nhìn ra Người.

Tình yêu ‘là một từ đang lớn lên, một từ có ý nghĩa thay đổi và phát triển.[3]’ Khi còn nhỏ, chúng ta nghĩ rằng tình yêu của mẹ hệ tại ở việc cho chúng ta ăn khi ta đòi hỏi và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Khi lớn lên, chúng ta hiểu rằng đôi khi tình yêu đòi hỏi phải vắng mặt hoặc từ chối cho bạn những gì bạn muốn, chẳng hạn như một chiếc iPhone.

Năm 2012, một tu sĩ Đa Minh người Pháp tên là Jean-Joseph Lataste đã được phong chân phước. Hay như đài BBC đã nói, ‘được làm đẹp – beautified’! Cuộc đời của ngài đã bị đảo lộn vào năm 1864, khi ngài đến thăm một nhà tù dành cho phụ nữ. Hầu hết trong số họ là những cô gái mại dâm hoặc các phụ nữ đã phạm tội giết trẻ sơ sinh. Ngài nhìn họ và nói: “các chị em của tôi”. Ngài đã thành lập một cộng đoàn gồm các chị em, nơi họ có thể sống cùng với những người phụ nữ khác. Nhiều người thuộc tầng lớp tư sản đạo đức đã cảm thấy ghê tởm. Họ vẫn chưa học được cách nhìn nhận tình yêu trong hành động. Họ không nhận ra người lạ trên bờ biển.

Các học giả Kinh thánh dành hàng giờ thinh lặng trong thư viện để nghiên cứu các ngôn ngữ chết và khó hiểu. Đối với một số người, điều này có vẻ là lãng phí thời gian nhưng đó cũng là một hành động của tình yêu. Chúng ta không họp nhau trong Thượng hội đồng này để thương lượng thỏa hiệp hay chỉ trích đối thủ. Chúng ta ở đây để học hỏi lẫn nhau về ý nghĩa của từ kỳ lạ này là “tình yêu”. Mỗi người chúng ta là một môn đệ được yêuthương, có năng khiếu đặc biệt là nhìn thấy người lạ trên bãi biển và nói: “Chúa đó”.

Bước ngoặt là khi họ vâng lời Chúa và thả lưới ở mạn bên kia. Có vẻ vô nghĩa. Họ là những người biết đánh cá. Tại sao lại nghe theo lời một người chẳng biết gì về nghề cá này? Chúng ta đã đến Thượng Hội đồng này trong sự vâng phục. Đối với nhiều người, điều đó có vẻ vô nghĩa. Chúng ta đã làm việc ngày đêm và có lẽ nghi ngờ rằng sẽ không đạt được điều gì. Nhưng Giáo hội nói hãy đến, và chúng ta đã đến. Chúng ta đã thả lưới bên kia mạn thuyền ngay cả khi một số người trong chúng ta nghĩ rằng sẽ không có gì đánh bắt được. Nhưng sự vâng lời này có thể mang lại kết quả theo những cách mà chúng ta không tưởng tượng được.

Ở đây chúng ta đến với câu đố lớn: 153 con cá lớn. Tôi có thể làm bạn chán ngán bằng cách trình bày luyên thuyên hàng giờ những lời giải thích tuyệt vời và thường là vô lý về con số này. Tại sao lại là 153? Một số nói rằng phải chăng có 153 con cá. Nhưng hãy tưởng tượng đến việc đếm chúng trong khi chúng nhảy tung tăng khắp nơi. Những người khác nói đến 153 giáo hội có thể đã hiện hữu vào thời điểm đó. Những người khác nữa lại nói đến 153 quốc gia được biết đến vào thời điểm đó. Rõ ràng là nó có nghĩa là sự phong phú. Sự quan phòng dồi dào của Chúa đang hoạt động. Thánh John Henry Newman mô tả sự quan phòng là ‘công trình không tiếng động của Chúa’. Bản văn Instrumentum Laboris mở đầu bằng một câu trích dẫn từ sách ngôn sứ Isaia: ‘Ngày ấy, trên ngọn núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu tinh chế’ (25.6)

Vương quốc bùng nổ trong cuộc sống của chúng ta với sự vui vẻ, dư thừa, giống như tất cả rượu ở tiệc cưới Cana. Thánh Đa Minh trở về tu viện của các nữ tu ở Roma vào đêm khuya sau một chuyến đi giảng thuyết. Ngài đánh thức các nữ tu để kể cho họ nghe về công việc giảng thuyết của mình. Ngài xin các chị rượu. Và chỉ còn lại một ít. Các nữ tu mang một ly rượu mà ngài chuyền tay nhau và nói với các chị em, hãy uống đi, Bibite satis, hãy uống cho đủ. Và ly rượu không hề cạn.

Chúng ta phải dám tin rằng sự quan phòng của Chúa sẽ ban phước dồi dào cho Thượng hội đồng này, ‘một đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.’ (Lc 6, 38). Chúng ta không ở đây để ăn một bữa ăn đạm bạc mà là để thưởng thức Haute cuisine – ẩm thực cao cấp của Vương quốc, nếu chúng ta thực sự mong muốn.

Phêrô biến đổi ngay lập tức. Vào đầu cảnh này, ông trở nên trống rỗng. Ông đã quay lại cuộc sống cũ. Như thể không có chuyện gì xảy ra. Bây giờ ông đứng dậy và mặc quần áo trước khi nhảy xuống biển. Chúng ta thường cởi quần áo khi đi bơi, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy phẩm giá của ông được phục hồi, giống như người cha mặc áo mới cho đứa con hoang đàng khi nó trở về nhà. Mặc dù xấu hổ với Chúa, ông vẫn bơi về phía người bạn của mình. Tôi đã xấu hổ đến mức bơi theo hướng ngược lại. Các môn đệ khác vật lộn để kéo mẻ cá vào bờ. Phêrô tự mình làm điều đó. Bí quyết của Phêrô là gì? Bất kể ông đã làm gì, ông vẫn luôn quay về với Chúa. Tình yêu của ông mạnh hơn sự xấu hổ của ông.

Đức Giê-su đã nói; ‘Khi Ta được giương lên, Ta sẽ kéo mọi người về với Ta.’ (12, 32). Bây giờ chúng ta thấy Phêrô kéo – cùng một từ trong tiếng Hy Lạp – lưới đầy cá lớn về phía mình và lưới không bị rách. Điều này không phải do sức mạnh của ông mà là do ông hợp tác với sức hấp dẫn của Chúa, sức hút từ tính của Chúa Phục sinh. Chính sức hấp dẫn của Chúa đã kéo lưới vào bờ mà không rách. Sứ vụ hiệp nhất của Phêrô không phải là kiểm soát những đứa con hư hỏng của Chúa. Sứ vụ này cho thấy sức hấp dẫn của Chúa, Đấng lôi kéo chúng ta lại với nhau.

Khi tôi đến Thượng hội đồng năm ngoái, tôi nghĩ rằng thách thức lớn nhất là vượt qua sự đối lập độc hại giữa những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người cấp tiến. Làm thế nào chúng ta có thể chữa lành sự phân cực xa lạ với Công giáo? Nhưng khi tôi lắng nghe, dường như có một thách thức thậm chí còn cơ bản hơn: Làm thế nào Giáo hội có thể đón nhận tất cả các nền văn hóa đa dạng trên thế giới của chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể kéo lưới với những con cá từ mọi nền văn hóa trên thế giới? Làm thế nào để lưới không bị rách?

Khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, Chiến tranh Lạnh được coi là đã kết thúc. Francis Fukuyama đã xuất bản cuốn The End of History and the Last Man[4] với lập luận rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, sự chiến thắng của nền dân chủ tự do phương Tây. Mọi quốc gia dường như đều được định sẵn là sẽ ‘tiến hóa’ theo lối sống phương Tây của chúng ta. Một số quốc gia, đặc biệt là ở Nam bán cầu, chỉ cần bắt kịp. Đây là một ảo tưởng mà phương Tây đang dần thức tỉnh. Thay vào đó, chúng ta sống trong một thế giới đa cực mà nhiều người từ Nam bán cầu coi phương Tây là suy đồi và diệt vong. Chúng ta sống trong một thế giới hậu phương Tây[5]. Nhiều người phương Tây vẫn chưa nhận ra điều này.

Chúng ta đang chờ đợi một Lễ Hiện xuống mới, trong đó mỗi nền văn hóa nói bằng ngôn ngữ bản địa của mình và được hiểu. Đây cũng là nhiệm vụ của chúng ta trong Thượng hội đồng và là nền tảng cho sứ mệnh của chúng ta đối với thế giới bị xâu xé và chia rẽ của chúng ta. Chúng ta cầu xin với lời cầu nguyện của Đức Maria, người tháo gỡ các nút thắt, và với lời cầu nguyện của Phêrô, người vá lưới!

Trước hết, chúng ta hãy nhận ra rằng chúng ta cần nhau nếu chúng ta muốn trở thành người Công giáo. Các nền văn hóa đa dạng tụ họp trong Khoá họp toàn thể này mang đến sự chữa lành cho nhau, thách thức định kiến ​​của nhau và kêu gọi nhau hiểu sâu sắc hơn về tình yêu. Mỗi nền văn hóa đều có cách nhìn Người lạ trên bãi biển và nói rằng ‘Chúa đó’.

Ví dụ, Đức Giáo hoàng Biển Đức đã thú nhận rằng phương Tây đang phải chịu đựng ‘một dạng bệnh tật về tinh thần[6]’, từ điều mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là ‘một nền văn hóa của sự chết’. Hoặc là chúng ta chạy trốn khỏi cái chết và giả vờ rằng nó sẽ không bao giờ xảy ra hoặc chúng ta tìm cách chế ngự nó bằng cái chết được hỗ trợ. Giống như Phêrô, chúng ta, những người phương Tây cần được giúp đỡ để nhìn thấy Chúa Phục sinh trên bờ biển, người đã chiến thắng cái chết. Chúng ta cần được giúp đỡ để sống với sự hữu hạn của mình trong hy vọng.

Một tu sĩ Đa Minh đáng mến người Pháp đã qua đời tại Tổng hội (Dòng Đa Minh – ND) ở Bogota. Trong đám tang của anh, những người anh em ở phương Tây đã vô cùng đau buồn. Một anh em trẻ người Colombia đã phản đối: ‘Đây không phải là thời điểm của cái chết. Đây là thời điểm của đức tin[7]’. Người anh em của chúng ta trong Thượng Hội đồng này, Cha Orobator SJ, đã cảm tạ vì được nuôi dưỡng bởi cha mẹ theo tôn giáo truyền thống của Châu Phi, với ý thức sâu sắc về món quà của sự sống. Ngài viết, ‘trung tâm của toàn bộ hệ thống tôn giáo trên khắp Châu Phi là niềm tin sâu sắc vào sự sống của tạo vật.[8]’ Bạn sẽ không biết sống có nghĩa là gì nếu bạn trốn tránh cái chết. Chúng ta có nhiều điều để học hỏi từ những người anh chị em của mình ở những nơi khác trên thế giới, những người có đôi mắt mở to đón nhận cái chết và do đó hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc sống.

Có lẽ thách thức lớn nhất của chúng ta là chấp nhận điều mà Đức Giáo hoàng Biển Đức gọi là ‘tính liên văn hóa’. Đây không phải là lúc để khám phá lý thuyết về ý nghĩa của điều này. Thay vào đó, chúng ta hãy tưởng tượng đến một tấm lưới. Một tấm lưới bao gồm những lỗ rỗng được nối với nhau bằng sợi dây cước. Không gian và mối liên kết. Nếu không có cả hai, sẽ không có tấm lưới để bắt cá.

Khi các nền văn hóa gặp nhau, phải có một khoảng cách giữa chúng. Không bên nào được nuốt chửng bên kia, như đang xảy ra với sự toàn cầu hóa của chủ nghĩa tiêu thụ. Chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt về văn hóa. Hãy nhớ từ trong tiếng Đức tuyệt vời đó, zwischenraum, ‘khoảng không ở giữa’. Đây là không gian màu mỡ giữa các nền văn hóa khi mỗi nền văn hóa vẫn giữ được bản sắc của mình nhưng vẫn cởi mở với nền văn hóa kia. Thánh Tôma đã nói rằng khi có tình yêu, cả hai trở thành một, nhưng vẫn khác biệt[9].

Không một nền văn hóa đơn lẻ nào có thể gắn kết chúng ta lại với nhau: Không phải tiếng Latin; thậm chí cũng không phải tư tưởng của Thánh Tôma! Tấm lưới không bị rách vì mỗi nền văn hóa đều cởi mở theo cách riêng của mình trước chân lý. Đức Hồng y Ratzinger đã giải thích trong một bài nói chuyện tại Hồng Kông năm 1992 rằng ‘sự cởi mở cơ bản của mỗi người đối với người khác chỉ có thể được giải thích bằng sự thật ẩn giấu mà tâm hồn chúng ta đã được chân lý chạm đến; và điều này giải thích sự đồng thuận thiết yếu tồn tại ngay cả giữa các nền văn hóa xa cách nhau nhất…. Không ai nắm bắt được toàn bộ; vô số hiểu biết hình thành và xây dựng một loại khảm thể hiện sự bổ sung và mối quan hệ liên quan của chúng. Để trở nên toàn vẹn, mọi người đều cần nhau. Con người chỉ tiếp cận sự thống nhất và toàn vẹn của bản thể chúng ta trong sự hỗ tương của tất cả các thành tựu văn hóa vĩ đại[10]’.

Chúng ta gắn kết với nhau bởi đức tin chung của chúng ta, Kinh Tin Kính, vượt qua mọi nền văn hóa. Nhưng làm sao người ta có thể dịch homoousios sang tiếng Swahili, tiếng Hindi hay tiếng Nhật? Chắc chắn tấm lưới cần được giữ lại với nhau bằng sự vui thích, tình bạn, niềm vui chung và thậm chí cả tiếng cười. Một trong những ví dụ hấp dẫn nhất về sự giao thoa văn hóa này là sứ mệnh của Dòng Tên tại Trung Quốc vào thế kỷ XVI. Cuộc gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông này đã phát triển mạnh mẽ thông qua tình bạn làm phong phú cho nhau. Trên thực tế, cuốn sách đầu tiên của Matteo Ricci là về tình bạn. Tình bạn dệt nên tấm lưới.

Nhưng thay vì nói về những người tu sĩ Dòng Tên đáng ngưỡng mộ này, tôi sẽ lướt qua hai ví dụ mà tôi đã trải qua trong Dòng của mình, chỉ để giúp chúng ta hình dung nhiệm vụ của chúng ta tại Thượng hội đồng. Một trong những địa điểm yêu thích của tôi là một trang trại ở Benin, do tu sĩ Godfrey Nzamujo của chúng tôi thành lập. Nó được gọi là Songhai, theo tên của Đế chế châu Phi vĩ đại đã thịnh vượng ở khu vực này cách đây năm trăm năm. Nzamjo đã học cách làm nông tại nhà ở Châu Phi và cũng học khoa học phương Tây ở California. Songhai là thành quả của nền nông nghiệp châu Phi và phương Tây. Trang trại ban đầu chỉ là một hecta đất hoang mà không ai muốn đến, nhưng hiện đã mở rộng thành 24 hecta và đào tạo những người nông dân trẻ từ khắp châu Phi, thậm chí là trên toàn thế giới.

Không có gì bị lãng phí ở đây. Những con ruồi béo lên nhờ thức ăn thừa của nhà hàng rồi được cho cá ăn. Nzamujo gọi Songhai là Khách sạn Sheraton dành cho ruồi. Tất cả các loài động vật và thực vật phát triển nhờ sự phụ thuộc lẫn nhau. Tại Songahi, ngay cả muỗi cũng có vai trò của chúng trong sự cân bằng của cuộc sống, mặc dù chúng không phải là một trong những ý tưởng tuyệt vời nhất của Chúa!

Nzamujo cho biết Thánh Thể ở đây được nhìn thấy trong một hệ sinh thái của lòng biết ơn, ‘Thánh lễ là sự kết hợp của những món quà từ mặt trời, nước và đất. Rượu là nỗi đau và sự đau khổ đến từ những quả nho phải bị nghiền nát, nhưng nó trở thành biểu tượng của tình bạn.’ Songhai tỏa sáng hy vọng. Ông nói, ‘Có thời gian để sinh ra và có thời gian để chết, bởi vì đó là bản chất. Châu Phi có vẻ như đang ở bên thua cuộc, nhưng thành thật mà nói, từ những gì tôi cảm thấy, từ những gì tôi thấy, ngày mai là thời của Châu Phi.’

Đây là những gì xảy ra khi các nền văn hóa gặp nhau trong tình bạn và nảy sinh hy vọng. Khoảng cách giữa chúng ta được bắc cầu bằng niềm vui chung và thậm chí là tiếng cười. Nzamujo khẳng định rằng những chú lợn của ông tượng trưng cho cả dự án và tình bạn của chúng tôi, vì chúng là kết quả của quá trình lai tạo giữa những chú lợn Yorkshire trắng lớn như tôi và những chú lợn đen châu Phi nhỏ bé như ông. Sự khác biệt là rất lớn.

Một ví dụ ngắn khác: Một tu sĩ Đa Minh người Nhật Bản, Shigeto Oshida tự mô tả mình là một Phật tử đã gặp Đức Giêsu. Ông đã thành lập một đạo tràng gần Núi Phú Sĩ, nơi những người theo Kitô giáo và Phật tử chung sống hòa thuận. Ông ghét xu hướng của phương Tây là moi ruột thực tế bằng những khái niệm trừu tượng. Ông gọi đây là ‘chân thứ ba của con gà’, không phải là chân phải cũng không phải là chân, mà là một chân trừu tượng không tồn tại. Ông nói, ‘Chúng tôi, những người Nhật Bản, biết rõ tôn giáo là gì trong máu mình. Giáo hội Công giáo không phải là một hộp sô cô la hay một doanh nghiệp.[11]’

Khi Oshida tổ chức các buổi tĩnh tâm, đặc biệt là cho các giám mục đã quen với cuộc sống ít vận động, ông thích cử họ đi cấy lúa trên các cánh đồng, không quan tâm đến những lời phản đối của họ về chứng đau lưng. Ông viết rằng ‘Một người nông dân làm việc chăm chỉ từ sáng đến tối biết rằng một hạt gạo không phải là sản phẩm của mình, một thứ do chính mình tạo ra, mà là thứ do Chúa ban cho. Anh ta phải dâng hạt gạo đó cho Chúa, Đấng ẩn mình nhưng ban tặng mọi thứ. Anh ta phải nói rằng “Đây là của Chúa”[12]’

Oshida chỉ trích sâu sắc nền văn hóa phương Tây, nhưng giống như Nzamujo, ông đã vượt qua các chia rẽ văn hóa bằng tiếng cười và sự thích thú. Ông thích nói đùa rằng Chúa đã lừa ông trở thành một Kitô hữu và sau đó là một tu sĩ Đa Minh vì ông đã gặp những Kitô hữu tuyệt vời và sau đó là những tu sĩ Đa Minh và nghĩ rằng tất cả chúng ta đều thích điều đó. Ông sẽ cười và nói rằng ‘Tôi đã sai! Chúa đã lừa tôi.’

Vì vậy, tấm lưới của Phêrô chứa đầy khoảng không và được giữ lại với nhau bằng sự thật, sự thích thú và niềm vui. Nó được kéo vào bờ không phải bằng quyền lực pháp lý, mà bằng sức hấp dẫn của Chúa, khi Người được nâng lên, Người sẽ kéo tất cả mọi người về phía Người. Vẻ đẹp kéo lưới vào bờ. Hãy nghĩ đến Matatoshi Asari, một người Công giáo Nhật Bản đến từ Nagasaki, người đã gửi cây anh đào, biểu tượng của sự hòa giải, đến tất cả các quốc gia đã bị tổn hại bởi Chiến tranh thế giới thứ hai.[13]

Cầu xin Chúa ban phước lành cho Thượng hội đồng này với những cuộc gặp gỡ văn hóa đầy yêu thương như vậy, trong đó hai nền văn hóa trở thành một nhưng vẫn khác biệt. Không nền văn hóa nào có thể thống trị. Nhưng chúng ta cần nhận thức sâu sắc về cách mất cân bằng quyền lực diễn ra trong các cuộc trò chuyện của chúng ta. Cuộc gặp gỡ của các nền văn hóa không bao giờ là ngây thơ hay chỉ là trí thức. Chủ nghĩa thực dân vẫn định hình thế giới của chúng ta. Robator đã chia sẻ một câu tục ngữ của người Châu Phi: ‘Cho đến khi sư tử học viết và nói, cuộc săn sẽ luôn tôn vinh người thợ săn.[14]’ Sư tử hiện đang nói nhưng phương Tây không lắng nghe.

Theo một bài hát từ thời trẻ của tôi, ‘Tiền làm cho thế giới quay tròn.’ Chúng ta có thể sống trong một thế giới hậu phương Tây, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn do phương Tây kiểm soát. Chủ nghĩa đế quốc chưa kết thúc và vẫn tìm cách áp đặt các giá trị của mình lên người khác. Nhưng người lạ trên bãi biển không phải là thành viên của giới tinh hoa giàu có. Ngài đã bị đóng đinh bởi thế lực Đế quốc lớn nhất thời bấy giờ, một cái chết dành cho tên nô lệ, với mục đích làm nhục. Vậy chúng ta hãy lắng nghe với sự chú ý sâu sắc đến những người đang bị đóng đinh ngày nay bởi thế lực đế quốc của thời đại chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe với sự khiêm nhường. Đó là một Simon Phêrô khiêm nhường mà chúng ta sẽ gặp vào chiều nay.
[1] The Prologue of The Rule of St Benedict,  Translated into English. A Pax Book, preface by W.K. Lowther Clarke. London: S.P.C.K., 1931.
[2] God, Christ and Us  p.94.
[3] Herbert McCabe OP, Law, Love and Language, p.18.
[4] Penguin, London.
[5] Oliver Stuenkel, Post-Western World: How Emerging Powers Are Remaking Global Order,Polity, 2016.
[6] Homily at the opening of the Second Special Assembly for Africa of the Synod Bishops, October 4th, 2009.
[7] Tôi được nhắc lại tai nạn này bởi cha Bruno Cadoret OP, người sau này trở thành Bề Trên Cả của Dòng.
[8] Agbonkhianmeghe E. Religion and Fatih in Africa: Confessions of an animist, Orbis, New York, 2018, p.16.
[9] ST II II 17.3.
[10] ‘Christ, Faith and the Challenge of Cultures’, Meeting with the Doctrinal Commissions in Asia. Hong Kong, 3 March 1993.
[11] tr.135.
[12] Complied by Claudia Mattiello, Takemori Sōan: Teachings of Shigeto Oshida, a Zen Master, Buenos Aires, 2007.
[13] Naoko Abe, The Martyr an the Red Kimono, Chatto and Windus, London, 2024.
[14] Tr. xviii

Chuyển ngữ : GB. Phạm Hoàng Dũng, O.P.

Từ: vaticannews.va/en

Nguồn: daminh.net