Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Chúa Thánh Thần liên kết và hiệp nhất Giáo hội

Sáng thứ Tư, ngày 09 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 25.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 501 của ngài từ khi bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Sau khi đi vòng quanh chào thăm các tín hữu, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua đoạn trích từ sách Tông đồ Công vụ, chương 11 (15-17):

[ông Phêrô nói]: “Tôi vừa bắt đầu nói thì Thánh Linh đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại Lời Chúa nói rằng: Ông Gioan làm phép rửa bằng nước, còn anh chị em sẽ được rửa trong Thánh Linh. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ tám này có tựa đề: “Tất cả được tràn đầy Thánh Thần”. Chúa Thánh Linh trong sách Tông đồ Công vụ.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến! Chào anh chị em!

Trong hành trình huấn giáo của chúng ta về Chúa Thánh Linh và Giáo hội, hôm nay chúng ta tham chiếu sách Tông đồ Công vụ.

Trình thuật về Chúa Thánh Thần hiện xuống bắt đầu với việc mô tả một số dấu hiệu chuẩn bị – gió mạnh thổi và các lưỡi lửa -, nhưng kết thúc với lời khẳng định: “Tất cả đều được tràn đầy Thánh Thần” (Cv 2,4). Thánh Luca, người đã viết sách Tông đồ Công vụ – đưa ra ánh sáng Chúa Thánh Linh là Đấng đảm bảo sự phổ quát và hiệp nhất của Giáo hội. Hiệu quả tức khắc của sự kiện “được tràn đầy Thánh Thần”, là các tông đồ bắt đầu “nói các thứ tiếng” và ra khỏi nhà Tiệc Ly để loan báo Chúa Giêsu Kitô cho dân chúng (Xc Cv 2,4tt).

Làm như thế, thánh Luca muốn làm nổi bật sứ vụ hoàn vũ của Giáo hội, như dấu chỉ một sự hiệp nhất mới giữa tất cả các dân tộc. Qua hai cách đó, chúng ta thấy rằng Chúa Thánh Linh hoạt động cho sự hiệp nhất. Một đàng, Ngài thúc đẩy Giáo hội tiến ra bên ngoài, để có thể đón nhận đông đảo hơn các cá nhân và các dân tộc; đàng khác, Ngài đón nhận vào lòng Giáo hội để củng cố sự hiệp nhất đã đạt được. Ngài dạy hãy bành trướng trong sự phổ quát và tụ tập trong sự hiệp nhất.

Động tác đầu tiên

Động tác đầu tiên trong hai sự phổ quát – chúng ta thấy diễn ra trong chương 10 của Tông đồ Công vụ, trong giai thoại hoán cải của ông Cornelio. Ngày lễ Hiện Xuống, các tông đồ đã loan báo Chúa Kitô cho tất cả những người Do thái và những người tuân giữ luật Môisê, cho bất kỳ dân tộc nào thuộc về luật ấy. Cần có một lễ “Hiện Xuống” khác, rất giống lễ thứ nhất, đó là lễ ở trong nhà của quan Cornelio, để đưa các tông đồ mở rộng chân trời và hủy bỏ hàng rào cuối cùng, hàng rào giữa người Do thái và dân ngoại. (Xc Cv 10-11)

Thêm vào sự bành trướng về dân số, còn có sự bành trướng về địa lý. Trong Tông đồ Công vụ (Xc 16,6-10), chúng ta đọc thấy ông Phaolô muốn loan báo Tin mừng trong một vùng mới ở Tiểu Á, nhưng “Chúa Thánh Linh cấm cản thánh nhân”; ông muốn tiến sang miền Bitinia, nhưng “Thần Khí của Chúa Giêsu không cho phép”. Thánh nhân khám phá ngay lý do của những cấm cản lạ thường như vậy: đêm sau đó, thánh Tông đồ nhận được trong giấc mơ lệnh đi sang miền Macedonia. Như vậy, Tin mừng ra khỏi Á châu, nơi khai sinh để tiến sang Âu châu.

Chuyển động thứ hai

Chuyển động thứ hai của Thánh Linh – đó là kiến tạo sự hiệp nhất – chúng ta thấy điều đó trong chương thứ 15 của Tông đồ Công vụ, trong sự tiến hành điều gọi là Công đồng Jerusalem. Vấn đề là làm sao để đặc tính hoàn vũ được đạt tới mà không làm thương tổn sự hiệp nhất của Giáo hội. Thánh Linh không luôn thực hiện sự hiệp nhất một cách đột ngột, với những can thiệp lạ lùng và quyết liệt, như Lễ Hiện Xuống. Ngài cũng thực hiện hiệp nhất – trong phần lớn các trường hợp – bằng một công việc kín đáo, tôn trọng thời gian và những khác biệt của con người, tiến qua những cá nhân và tổ chức, kinh nguyện và đối chiếu. Chúng ta có thể nói theo thể thức đồng nghị. Thực vậy, điều đó đã xảy ra trong Công đồng Jerusalem, về vấn đề những bó buộc của luật Môsê đối với những người từ ngoại giáo trở lại. Giải pháp của công đồng được thông báo cho toàn thể Giáo hội, với những lời rất rõ ràng: “Chúng tôi đã quyết định, Chúa Thánh Thần và chúng tôi…” (Cv 15,28).

Thánh Augustinô giải thích sự hiệp nhất do Thánh Linh thực hiện bằng một hình ảnh, trở nên cổ điển: “Điều là linh hồn đối với thân xác con người, chính là Thánh Linh đối với thân mình Chúa Kitô là Giáo hội”. Hình ảnh này giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng: Chúa Thánh Linh không thực hiện sự hiệp nhất của Giáo hội từ bên ngoài; không giới hạn vào việc truyền khiến phải hiệp nhất. Chính Ngài là “mối liên kết hiệp nhất”.

Kết luận

Như mọi khi, chúng ta kết luận với một tư tưởng giúp chúng ta đi từ tập thể Giáo hội đến mỗi người chúng ta. Sự hiệp nhất của Giáo hội là hiệp nhất giữa con người và không được thực hiện trên bàn thảo luận, nhưng là trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều muốn hiệp nhất, tất cả chúng ta đều muốn như vậy tự thâm tâm. Như vậy, hiệp nhất là điều rất khó đạt tới, cả trong hôn nhân và gia đình; hiệp nhất và hòa hợp thuộc vào số những điều rất khó đạt tới và càng khó hơn trong việc bảo tồn.

Lý do là vì mỗi người muốn thực hiện sự hiệp nhất, xoay quanh quan điểm của mình mà không nghĩ rằng người đang ở trước mặt mình cũng nghĩ như vậy về quan điểm của họ. Theo con đường đó, thì sự hiệp nhất càng xa lìa hơn. Sự hiệp nhất của lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, theo Thánh Linh, được thực hiện khi ta cố gắng đặt Thiên Chúa ở trung tâm, chứ không phải chính mình. Cả sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô cũng được xây dựng như vậy: không chờ đợi những người khác đến với chúng ta, nhưng chúng ta hãy cùng tiến bước hướng về Chúa Kitô.

Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Linh giúp chúng ta là những dụng cụ hiệp nhất và an bình.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý lần lượt được các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám thứ tiếng, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Khi chào các nhóm nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc đến các tín hữu hành hương đến từ Haiti, Mauritius, và Pháp, đồng thời nói thêm rằng “Anh chị em thân mến, trong tư cách là Giáo hội cùng tiến bước hướng về Chúa Kitô, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Linh ơn trở thành những dụng cụ hiệp nhất và an bình”.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm những người đến từ Anh, Ecosse, Đan Mạch, Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia và Mỹ. Đức Thánh cha chào thăm cách riêng các chủng sinh của Giáo hoàng Học viện Beda ở Roma, đồng thời hứa cầu nguyện cho tiến trình chuẩn bị tiến lên chức linh mục của các thầy. Đức Thánh cha cũng nói rằng tôi cầu xin niềm vui và an bình của Chúa Giêsu Kitô được ban xuống trên anh chị em và gia đình.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: Xin Thiên Chúa đồng hành với anh chị em hằng ngày trong những cố gắng đạt được hiệp nhất và an bình nội tâm, trong gia đình và quốc gia. Chúa tôn trong tự do và cá tính của mỗi người, Chúa sai Thánh Thần của Ngài để vượt thắng những hàng rào nhân tạo và mở rộng các con tim, cởi mở họ đối với những người khác. Xin Đức Mẹ Mân côi nâng đỡ anh chị em và xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các thừa sai Salêdiêng và các linh mục đến từ Rumani, cũng như chào thăm các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao tuổi, cũng như các đôi tân hôn và nói: “Ước gì tháng Mười, tháng kính Đức Mẹ Mân côi, là dịp quý giá để đề cao giá trị của kinh nguyện truyền thống kính Đức Mẹ. Tôi nhắn nhủ anh chị em hãy đọc kinh Mân côi hằng ngày, tín thác nơi bàn tay của Mẹ Maria. Chúng ta hãy phó thác cho người là Mẹ ân cần, những đau khổ, ước muốn hòa bình của các dân tộc đang chịu đau khổ vì sự điên rồ của chiến tranh, đặc biệt là Ucraina đau thương, Palestine, Israel, Myanmar và Sudan.

Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org