- Lời Chúa: Lc 12, 13-21
Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” 15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ 18 Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
- Suy niệm:
“Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (Lc 12, 14)
Chúa Giêsu, Đấng đầy khôn ngoan và công bình, hoàn toàn có quyền làm “quan tòa” để phân xử sự bất công, nhưng Ngài lại từ chối can thiệp. Tại sao vậy? Bởi vì Ngài thấu suốt ý muốn họ, vấn đề che đậy trong tâm hồn con người chính là lòng tham.
Của cải vật chất luôn cuốn hút và lôi kéo chúng ta. Nhưng nhiều người trong chúng ta không muốn nhìn nhận là mình đang bị chúng chi phối. Chúng ta thường khéo tự biện minh rằng đã lao động vất vả, đã kiếm được số tiền đó, vậy thì có quyền tận hưởng một chút. Một số người giàu có, dù có làm từ thiện cũng chỉ là lấy ra một số nhỏ dư thừa trong tài sản của mình. Thế nhưng, Chúa Giêsu nghĩ gì về điều này?
Của cải, tự bản thân nó, không hẳn là tốt hay xấu. Vấn đề nằm ở lòng tham lam của con người. Tham lam là khi lòng ta gắn bó với những thứ tạm bợ của thế gian hơn là với Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Điều này có thể xảy ra dù chúng ta sở hữu nhiều hay ít. Ngay cả người nghèo, nhiều lúc cũng bị cám dỗ khao khát những gì họ chưa có, họ nghĩ rằng khi đạt được, họ sẽ hạnh phúc.
Đối với những người thánh hiến, lời khấn khó nghèo chính là một lời tuyên bố mạnh mẽ từ bỏ sự ràng buộc với của cải vật chất để sống cuộc sống nội tâm tự do, không bị lệ thuộc vào những gì thuộc về thế gian. Nhưng nhiều lúc người sống đời dâng hiến cũng có thể bị cám dỗ bởi của cải và gắn bó với những gì ít ỏi mà họ có.
Nếu hiểu được rằng giá trị cao quý nhất là sự giàu có thiêng liêng, chúng ta sẽ thấy rằng của cải vật chất chóng qua chẳng là gì so với phần thưởng vĩnh cửu trên thiên đàng.
Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về những mong muốn sâu thẳm trong tâm hồn bạn. Bạn đang mơ ước điều gì nhất trong cuộc sống? Bạn có bị cuốn hút bởi giấc mơ giàu có không? Nếu một ngày nào đó, bạn bị mất một gia tài lớn, bạn sẽ phản ứng ra sao? Nếu trái tim bạn thực sự thoát khỏi sự ràng buộc với của cải, thì việc có hay mất một gia tài sẽ không còn là vấn đề lớn nữa. Nếu thấy khó chấp nhận điều đó, có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy tâm hồn bạn vẫn còn bị gắn chặt với những thứ thuộc về thế gian. Hãy cầu nguyện để được giải thoát khỏi mọi sự tham lam và để trái tim bạn thực sự tự do.
- Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu nhân lành, tình yêu của Chúa là tất cả những gì con cần trong cuộc đời này. Chúa là nguồn hạnh phúc duy nhất và đích thực của đời con. Xin giúp con thoát khỏi mọi sự ràng buộc với của cải vật chất và sống một cuộc đời tự do trong bình an của Chúa. Amen.
- Quyết tâm
Thanh thoát với của cải vật chất bằng cách dám chia sẻ những gì bản thân cho là quý giá.
(Chuyển ngữ từ mycatholic.life)