Sáng thứ Tư, ngày 23 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 20.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sau khi Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần lắng nghe Lời Chúa qua một đoạn trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ (1Ga 4.7-8):
“Các con rất thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu là bởi Thiên Chúa: Hễ ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.
Bài huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ mười này có tựa đề: “Chúa Thánh Thần-Hồng Ân của Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần và bí tích hôn phối”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến! Chào anh chị em!
Lần trước đây, chúng ta đã giải thích điều nói về Chúa Thánh Thần mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Nhưng suy tư của Giáo hội không dừng lại ở kinh tuyên xưng đức tin ngắn ngủi ấy. Suy tư ấy được tiếp nối, ở Đông cũng như tại Tây phương, do các Đại Giáo phụ và các Tiến sĩ. Đặc biệt, ngày hôm nay, chúng ta muốn tóm gọn một vài điểm đạo lý về Chúa Thánh Thần, được khai triển trong truyền thống Latinh, để xem đạo lý ấy soi sáng toàn thể đời sống đức tin và đặc biệt là bí tích hôn phối như thế nào.
Tác nhân chính của đạo lý này là thánh Augustino. Ngài đi từ mạc khải “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Và tình yêu thì giả thiết có một người yêu thương và một người được yêu, và chính tình yêu liên kết họ với nhau. Trong Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng yêu thương, là nguồn mạch và là nguyên ủy của mọi sự; Chúa Con là Đấng được yêu thương và Chúa Thánh Thần là tình yêu liên kết các ngôi với nhau! Vì thế, Thiên Chúa của các Kitô hữu là một Thiên Chúa “độc nhất” nhưng không đơn độc; sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con là một sự hiệp nhất thông hiệp và yêu thương. Theo đường hướng này, có người đề nghị gọi Chúa Thánh Thần, không phải là “ngôi thứ ba” đơn độc của Ba Ngôi, nhưng đúng hơn là Ngôi thứ I của số nhiều”. Nói khác đi, Chúa Thánh Thần là “Chúng tôi của Thiên Chúa Cha và Con, mối dây hiệp nhất giữa các ngôi vị khác nhau (…), là chính nguyên lý hiệp nhất của Giáo hội, là một thân mình duy nhất kết quả từ nhiều người.
Như tôi đã nói, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy tư đặc biệt về điều mà Chúa Thánh Thần cần nói về gia đình. Chúa Thánh Thần có liên hệ gì tới hôn nhân? Có liên hệ rất nhiều, có lẽ là điều thiết yếu, và tôi tìm cách giải thích tại sao? Hôn nhân Kitô giáo là bí tích làm cho ta trở thành một hồng ân, người này cho người kia, người nam đối với người nữ. Đấng Tạo Hóa đã nghĩ như vậy khi tạo dựng “con người theo hình ảnh của Ngài […]: Ngài dựng nên con người có nam có nữ” (St 1.27). Vì thế, đôi vợ chồng là sự thực hiện đầu tiên và cơ bản nhất của tình hiệp thông yêu thương chính là Chúa Ba Ngôi.
Cả các đôi vợ chồng cũng phải là một ngôi vị thứ nhất ở số nhiều, tức là “chúng tôi”. Đứng trước mặt nhau như một tôi và “anh”, và đứng trước phần còn lại của thế giới, kể cả các con cái, như một “chúng ta, chúng tôi”. Thật là đẹp dường nào khi nghe một bà mẹ nói với các con: “Ba các con và mẹ…” như Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu khi tìm lại được con 12 tuổi trong đền thờ (Xc Lc 2,48), và nghe một người cha nói: “Mẹ con và ba”, như thể là một chủ thể duy nhất. Các con cái cần dường nào sự hiệp nhất này của cha mẹ và các con đau khổ dường nào khi thiếu sự hiệp nhất ấy!
Nhưng để đáp ứng ơn gọi này, hôn nhân cần sự nâng đỡ của Đấng là Hồng ân, đúng hơn là sự hiến thân trọn hảo. Nơi nào có Chúa Thánh Linh đi vào thì khả năng hiến thân tái sinh. Một số Giáo phụ Latinh đã quả quyết rằng, vì là hồng ân hỗ tương của Chúa Cha và Chúa Con trong Ba Ngôi, nên Chúa Thánh Linh cũng là lý do vui mừng hiển trị giữa các vị và không sợ sử dụng, nói đến hình ảnh của những cử chỉ riêng của đời sống hôn nhân, như nụ hôn và ôm choàng lấy! (3).
Không ai nói sự hiệp nhất ấy là một mục tiêu dễ dàng, và càng không dễ trong thế giới ngày nay; nhưng đó là sự thật về điều như Đấng Tạo Hóa đã suy nghĩ và vì thế ở trong bản tính của các Vị. Chắc chắn là có vẻ dễ dàng và mau lẹ việc xây trên cát hơn là trên đá tảng; nhưng dụ ngôn của Chúa Giêsu nói với chúng ta đâu là kết quả (Xc Mt 7.24-27). Rồi trong trường hợp này, chúng ta cũng không cần dụ ngôn, vì những hậu quả của hôn nhân xây dựng trên cát, rất tiếc là ở trước mắt tất cả mọi người và người trả giá cho thất bại này chính là con cái. Cần phải lập lại cho bao nhiêu đôi vợ chồng điều mà Mẹ Maria đã nói với Chúa Giêsu trong tiệc cưới Cana: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,3). Nhưng Chúa Thánh Thần là Đấng tiếp tục thực hiện, trên bình diện tinh thần, phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm trong tiệc cưới ấy, nghĩa là biến nước của tập quán thành một niềm vui mới được ở lại với nhau. Không phải là một suy tư đạo đức; đó là điều mà Chúa Thánh Thần đã làm trong bao nhiêu hôn nhân, khi các cặp vợ chồng quyết định kêu cầu Ngài.
Vì thế, bên cạnh những thông tin về mặt pháp lý, tâm lý và luân lý mà ta giúp các cặp chuẩn bị kết hôn, cũng nên đào sâu việc chuẩn bị tinh thần này. “Đừng xen mình vào chuyện vợ và chồng” (của người khác), như một tục ngữ Ý vẫn nói. Trái lại, một ngón tay cần đặt giữa vợ chồng, ngón tay cần xen vào chính là ngón tay của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần!
Chào thăm và kêu gọi
Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý lần lượt được các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám thứ tiếng, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Bằng tiếng Pháp, ngài đặc biệt chào các các vị giám đốc các trường Công giáo ở Paris và Besançon, các bạn trẻ chịu phép thêm sức thuộc Giáo phận Bayeux và Lisieux, do Đức giám mục Giáo phận hướng dẫn, các thành viên Đài truyền hình Công giáo Pháp. Đức Thánh cha nói: “Tôi khuyến khích anh chị em khẩn cầu Chúa Thánh Thần trong các gia đình anh chị em, vì Chúa là mối dây yêu thương canh tân mọi sự.
Khi chào các tín hữu nói tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến các tín hữu đến từ Anh quốc, Đan Mạch, Na Uy, Madagascar, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu xin ơn an vui của Chúa Giêsu trên gia đình các tín hữu.
Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến lễ kính thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng mừng ngày 22 tháng Mười vừa qua. Đức Thánh cha nói: “Như tôi đã nói trong lễ phong thánh cho người, người là vị Giáo hoàng của các gia đình. Người liên tục nhắc nhở cho các gia đình Ba Lan rằng sức mạnh của gia đình đến từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần cho tất cả các gia đình để họ có thể hồi sinh nơi mình khả năng hiến thân và niềm vui được ở cùng nhau.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha kể rằng: “Sáng sớm hôm nay, tôi nhận được những con số thống kê về những người chết ở Ucraina. Thật là kinh khủng! Chiến tranh không tha ai; chiến tranh là một thất bại ngay từ đầu. Chúng ta cầu xin Chúa ban hòa bình, cho tất cả mọi người, cho tất cả”. Con số này phải làm cho chúng ta kinh hãi: những đầu tư sinh nhiều lợi nhuận nhất ngày nay là đầu tư vào sản xuất vũ khí. Kiếm lợi bằng cách gây chết chóc!
Đức Thánh cha cũng nhắc đến và kêu gọi cầu nguyện cho tất cả những nước đang chịu chiến tranh, Myanmar, Palestine, Israel, Liban. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.
Đức Thánh cha nhắc đến tên nhiều phái đoàn, rồi chào thăm cách riêng những người trẻ, bệnh nhân, các đôi tân hôn và nói rằng: “Tháng Mười mời gọi chúng ta canh tân sự cộng tác tích cực với công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Anh chị em hãy biết trở thành thừa sai của Tin mừng khắp nơi, dâng những nâng đỡ tinh thần bằng lời cầu nguyện và trợ giúp cụ thể cho những người đang ngày đêm nỗ lực mang Tin mừng cho những người chưa biết Chúa.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc bằng kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org