Đức Thánh cha tiếp Tổng tu nghị Dòng Scalabrini

Sáng hôm 28 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng tu nghị thứ XVI của Dòng Thừa sai thánh Carlo, quen gọi là Dòng Scalabrini, chuyên giúp đỡ di dân. Đức Thánh cha đặc biệt khích lệ các tu sĩ của dòng thực hiện một nền mục vụ hy vọng.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tổng tu nghị của dòng đang tiến hành tại Rocca di Papa, gần Roma, với chủ đề: “Những người lữ hành hy vọng”, và hôm 19 tháng Mười vừa qua, đã tái cử cha Leonir Mario Chiarello, 57 tuổi, người Brazil, trong nhiệm vụ Bề trên Tổng quyền, với nhiệm kỳ 6 năm.

Dòng hiện có khoảng 650 nam tu sĩ, trong đó cũng có nhiều tu sĩ người Việt, còn ngành nữ có hơn 500 chị.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha đặc biệt đề cao niềm hy vọng của những người di dân. Ngài nói: “Họ ra đi với hy vọng tìm được ở nơi khác lương thực hằng ngày”, như nhận xét của thánh giám mục Giovanni Scalabrini, vị sáng lập dòng. Họ không đầu hàng, cả khi tất cả dường như đều cản ngăn họ, và cả khi họ gặp phải những khép kín và từ khước. Lòng kiên trì của họ, được tình yêu thương đối với gia đình còn ở lại quê hương thúc đẩy, dạy chúng ta rất nhiều, đối với anh em là những “người di dân giữ những người di dân”.

Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của một nền mục vụ hy vọng. Ngài nói: “Một đàng, sự di cư, nếu được nâng đỡ thích hợp, có thể trở thành một thời điểm tăng trưởng cho tất cả mọi người. Đàng khác, nó cũng có thể thoái hóa, nếu phải sống trong cô đơn và bị bỏ rơi, trở thành những thảm kịch trong cuộc sống, khủng hoảng về các giá trị và nhiều khi đi đến độ mất đức tin và tuyệt vọng. Bất công và bạo lực mà bao nhiêu anh chị em chúng ta phải chịu, bị tách khỏi gia đình họ, thường vô nhân đạo đến độ có thể kéo cả những người mạnh nhất vào trong tăm tối của thất vọng hoặc cam chịu. Nếu chúng ta muốn họ không bị thiếu sức mạnh và khả năng phục hồi cần thiết để tiếp tục hành trình đã khởi sự, thì cần phải có ai cúi mình trên những vết thương của họ, chăm sóc tình trạng rất dễ bị tổn thương của họ về mặt thể lý, tâm linh và tâm lý. Cần có những can thiệp vững chắc về mục vụ gần gũi, trên bình diện vật chất, tôn giáo và nhân bản, để nâng đỡ niềm hy vọng nơi họ, và kèm theo đó là những hành trình nội tâm đưa tới Thiên Chúa, là Đấng đồng hành trung tín trong hành trình, luôn hiện diện cạnh người đau khổ (Xc Biển Đức 16, Sứ điệp Ngày thế giới di dân và tị nạn, 2013, 12-10-2012).

Tình hình tại Ý

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha cũng ứng khẩu nói về tình trạng dân số suy giảm ở Ý và hiện tượng di dân. Ngài nói: “Ngày nay, ở Ý, người ta không sinh con nữa. Tuổi trung bình của người dân Ý là 46. Ý cần những người di dân. Chúng ta cần nói lên sự thật này. Người xuất cư thường là do những chênh lệch thê thảm và bất công, vì dân chủ, tương lai, hoặc vì những tàn phá vì chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới. Thêm vào đó, có sự khép kín và đố kỵ của các nước giàu. Họ nhìn những người đến gõ cửa như một đe dọa cho cuộc sống sung túc của họ. Điều này chính chúng ta cũng thấy. Chúng ta đưa những người di dân đến hái các trái táo rồi đuổi họ đi.. Trong sự xung đột bi thảm giữa những lợi lộc của người bảo vệ giàu sang của mình và cuộc tranh đấu của những người tìm cách sinh tồn, trốn chạy khỏi nghèo đói và bách hại, bao nhiêu sinh mạng con người bị mất đi dưới cặp mắt dửng dưng của những người bàng quan hoặc sống trên đau khổ của người khác.”

Và Đức Thánh cha nhấn mạnh sự cần thiết phải có đức bác ái, đặt con người ở vị thế trung tâm, các quyền, phẩm giá của họ, vượt thắng những thành kiến loại trừ, để nhìn nhận nơi người khác, bất kỳ ai đến từ đâu, một món quà của Thiên Chúa, thánh thiêng, bất khả xâm phạm, quý giá đối với thiện ích của mọi người.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org