Hội Nghị Thường Niên 2024 Của Ủy Ban Gia Đình – Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Các Gia Đình

WHĐ (07/11/2024) – “Lạy Chúa, chính Chúa đã tạo lập gia đình để trở thành tổ ấm cho tình thương và sự sống phát triển. Xin ban cho hết mọi gia đình biết noi gương Thánh Gia Thất để lại, mà ăn ở theo lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái; hầu được chung hưởng niềm vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời”.

Với lời nguyện nhập lễ trên, Hội nghị đã bắt đầu thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình trong dịp Hội nghị Thường niên 2024, được cử hành vào lúc 19g30, thứ Ba, 05/11/2024, tại nhà nguyện Tòa giám mục Nha Trang.

Trong thánh lễ do Đức cha Chủ tịch Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh chủ tế, dựa vào phần phụng vụ Lời Chúa của ngày thứ Ba, tuần 31 Thường niên, năm chẵn, ngài khẳng định: “Logic của gia đình không phải là: “Tôi mới mua một miếng đất, phải đi thăm”; “Tôi mới tậu năm cặp bò, phải đi thử”; “Tôi mới cưới vợ, không thể đến được”. Đấy là logic của chủ nghĩa cá nhân chỉ biết mình, khước từ tha nhân. Logic của gia đình, trái lại, là nơi gặp gỡ, chia sẻ, ra khỏi chính mình để chào đón người khác”. Từ đó, ngài kết luận: “Ơn gọi của gia đình là nơi gặp gỡ, chia sẻ, đi ra khỏi mình để chào đón người khác và ở bên cạnh họ. Và ơn gọi đó chính là con đường nên thánh”.

Bầu khí gia đình của Hội nghị được bao trùm bởi sự thánh thiện trong thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình được diễn tả qua sự hiện diện và tham gia vào các phần việc trong thánh lễ của các gia đình.

Lm. Giuse Hà Đăng Định
Thư ký Ủy Ban

Sau đây là những ý chính trong bài giảng của Đức cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Gia đình:

THÁNH LỄ KHAI MẠC HỘI NGHỊ ỦY BAN GIA ĐÌNH

Thứ ba 05/11/2024

I. DẪN

– Hôm nay chúng ta cử hành Thánh lễ cầu cho các gia đình. Chúng ta mới lắng nghe hai bài đọc trích Thư gửi tín hữu Philipphê và bài Phúc Âm Lc (14,15-24).

II. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

– Chúa quan phòng để hai bài đọc của phụng vụ ngày thứ ba tuần 31 thường niên năm chẵn hôm nay đều chạm đến ơn gọi của chúng ta, đều có lời mời gọi. Ở bài đọc 1: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5). Ở bài Phúc Âm, lời mời gọi không chỉ một lần, mà lập đi lập lại đến ba lần, càng lúc càng khẩn thiết. Lần 1: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn” (câu 17). Lần 2: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây” (câu 21). Lần 3: “Hãy ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta” (câu 23). Dường như người ta càng từ chối, lời mời gọi càng khẩn thiết.

– Chúng ta như nghe văng vẳng lời của Đức Giêsu, Đấng là Amen, trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Đức Giêsu không chỉ mời chúng ta đến dự tiệc của Ngài, mà còn muốn vào trong nhà chúng ta dùng bữa. Lời của Đức Giêsu gợi lên vừa bầu khí thân thương ấm cúng của gia đình, vừa ơn gọi của gia đình là nơi mọi thành viên và từng thành viên được mời gọi chào đón, cởi mở, yêu thương và phục vụ lẫn nhau, hoàn toàn trái ngược với thái độ “khước từ” của những khách được mời trong bài Phúc Âm.

III. ƠN GỌI CỦA GIA ĐÌNH

1. Gia đình để chào đón, không phải để khước từ

– Chúng ta phải nói gì về ơn gọi gia đình. Tiên vàn, phải nói rằng, các đôi bạn, một khi quyết định kết hôn, là thực hiện một quyết định can đảm, vì họ quyết định không còn sử dụng tự do của mình cho riêng mình nữa, mà để yêu thương những người Thiên Chúa đặt để ở bên cạnh mình, trước là người bạn đời, sau nữa là những con cái sẽ ra đời. Thay vì sống như những “hòn đảo nhỏ”, đôi bạn đặt mình vào việc “phục vụ nhau”. Gia đình là nơi gặp gỡ, chia sẻ, đi ra khỏi mình để chào đón người khác và ở bên cạnh họ.

– Logic của gia đình không phải là: “Tôi mới mua một miếng đất, phải đi thăm”; “Tôi mới tậu năm cặp bò, phải đi thử”; “Tôi mới cưới vợ, không thể đến được”. Đấy là logic của chủ nghĩa cá nhân chỉ biết mình, khước từ tha nhân. Logic của gia đình, trái lại, là nơi gặp gỡ, chia sẻ, ra khỏi chính mình để chào đón người khác.

– Đó là lý tưởng của gia đình. Nhưng chúng ta biết thực tế không phải lúc nào cũng được thế. Vì vậy, chính khi ca ngợi vẻ đẹp của gia đình, chúng ta càng cảm thấy phải bảo vệ nó, không để gia đình bị nhiễm độc tố của ích kỷ, của chủ nghĩa cá nhân, văn hóa dửng dưng hay “vắt chanh bỏ vỏ” của thời đại này, và hậu quả là đánh mất chính căn tính của gia đình, là sự chào đón, cởi mở và phục vụ.

2. Minh họa

– Trong ngày đầu tiên dịp Đại Hội Quốc Tế Gia Đình 2022, được gọi là “lễ hội Gia Đình”, Đại Hội đã trao tặng ĐTC và mọi người hiện diện 5 câu chuyện thật cảm động về Tình yêu đích thực của Gia đình. Chứng từ đầu tiên là của Bà Zakia, một góa phụ với 3 con nhỏ, đứa lớn nhất mới 5 tuổi, chồng là đại sứ Ý bị giết tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo một năm rưỡi trước đó trên đường thi hành công vụ cho Liên Hiệp Quốc.

Bà Zakia chia sẻ: “Tôi không thích nói về chồng tôi ở thì quá khứ, vì tôi luôn cảm nhận anh ấy như ở bên cạnh tôi. Thậm chí tôi còn luôn cảm nhận sự hiện diện của anh ấy mỗi ngày”.

– “Tôi, một phụ nữ Hồi giáo, Luca chồng tôi là Công giáo, nhưng sự khác biệt về tôn giáo trong gia đình tôi chưa bao giờ là trở ngại, trái lại còn làm cho chúng tôi trở nên phong phú hơn. Chúng tôi đã xây dựng gia đình mình trên nền tảng tình yêu đích thực, nghĩa là với sự tôn trọng, cảm thông và đối thoại giữa hai nền văn hóa khác nhau. Các tôn giáo đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khác biệt và khó khăn, học biết cách lắng nghe và sống với nhau mà không phán xét nhau, vì chúng tôi cùng tin vào một Đức Chúa tối cao. Qua hai sách thánh là Kinh Thánh và Kinh Coran, Người dạy chúng tôi yêu thương người lân cận, làm điều tốt chứ không bao giờ làm điều xấu cho người khác, tôn trọng mọi người”.

– Bà Zakia còn chia sẻ: “Tôi cũng nghĩ đến nhiều phụ nữ trong hoàn cảnh giống tôi, góa chồng khi tuổi đời còn xanh, con cái còn nhỏ. Có những lúc cũng mủi lòng, thậm chí nản lòng, đặc biệt vào buổi tối, khi không gian thinh lặng chìm xuống, khi tôi cần người chồng bên cạnh để kể chuyện cho 3 cô công chúa của tôi, kể cho chúng nghe về những cuộc phiêu lưu của cha chúng. Nhưng tôi tin chúng sẽ lớn lên mạnh khỏe, vui tươi, và chân thật như bố của chúng. Cuộc sống không công bằng, nhưng chúng ta không được nản lòng. Tôi tin chắc Thiên Chúa sẽ không bao giờ để chúng ta một mình”.

– Logic của gia đình không phải là logic của khước từ người khác để chỉ biết có mình một cách ích kỷ, mà là logic của chào đón.

IV. ĐỨC GIÊSU TRẢ GIÁ CHO BỮA TIỆC

– Bài đọc 1 trích Thư gửi tín hữu Philipphê còn nêu lên logic của kenose, hủy mình ra không. Vì Chúa Cha và vì thánh ý Người, mà Đức Giêsu Kitô đã hủy mình ra không (kenose).

– Trở lại với bối cảnh “bữa tiệc” của bài Phúc Âm, chúng ta có thể cảm nhận logic “quên mình phụng sự” này một cách thấm thía. Chúng ta đặt câu hỏi: Ai trả tiền cho bữa tiệc này? Thưa Đức Giêsu. Trả tiền thế nào? Bài Thư Philipphê cho chúng ta thấy hóa đơn của bữa tiệc này: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Đức Giêsu đã lấy cả cuộc sống và cái chết của mình mà trả giá cho bữa tiệc. Làm sao chúng ta có thể nói: Tôi bận việc tôi, tôi không thể, tôi xin kiếu.

V. KẾT

– Chúng ta nhắc lại: Ơn gọi của gia đình là nơi gặp gỡ, chia sẻ, đi ra khỏi mình để chào đón người khác và ở bên cạnh họ. Và ơn gọi đó chính là con đường nên thánh.

– Giờ đây, chúng ta bước vào Phụng vụ Thánh Thể, cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu, vì yêu mến Chúa Cha và vì yêu thương chúng ta, đã nộp mình chịu khổ hình, để nhờ Mình Ngài chịu nộp và Máu Ngài chịu đổ ra, đến lượt chúng ta có thể theo ngài thực thi ơn gọi gia đình: gặp gỡ, chia sẻ, ra khỏi mình để chào đón người khác và ở bên cạnh họ.

Nguồn: hdgmvietnam.com