Các Thánh và hành trình chữa lành từ nỗi đau

Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. (Khải Huyền 7, 17)

Nếu bạn đang đau buồn vì mất mát của người thân và biết rằng không ai có thể thay thế vị trí của người đó, thì có rất ít lời có thể thực sự an ủi bạn. Tuy nhiên, nhờ ân sủng của Chúa, sự hỗ trợ từ những người yêu thương bạn, và khi thời gian trôi đi, bạn sẽ vượt qua giai đoạn đau khổ này. Trong thời gian này, có thể an ủi phần nào khi biết rằng nhiều vị thánh cũng đã trải qua nỗi đau giống như bạn.

Nỗi đau của hai thánh nữ cùng tên Elizabeth 

Hãy nghĩ về Mẹ Maria. Mẹ đã phải chịu nỗi đau của một người góa phụ; chúng ta không biết chính xác khi nào thánh Giuse qua đời, nhưng với tình yêu hoàn hảo mà họ chia sẻ và vì biết rằng cửa thiên đàng vẫn chưa mở, đó chắc chắn là một trải nghiệm đầy đau khổ cho Mẹ. Một thời gian sau đó, Con của Mẹ rời nhà để bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài.

Mặc dù không có nỗi đau nào có thể so sánh với nỗi đau của Mẹ Maria, nhưng nhiều vị thánh khác cũng đã phải trải qua nỗi buồn sâu sắc. Chẳng hạn, vị thánh đầu tiên của nước Mỹ, Elizabeth Ann Seton, đã sống hạnh phúc trong mười một năm với chồng, nhưng rồi việc kinh doanh của ông thất bại, ông mắc bệnh lao và qua đời nhanh chóng; hơn nữa, vì Elizabeth đã theo đạo Công giáo (bà được nuôi dạy trong gia đình Anh giáo), gia đình và nhiều người bạn của bà đã từ chối bà. Vị thánh này đã có thể kiên trì nhờ vào sức mạnh của Chúa và tin tưởng vào lời hứa trong Kinh Thánh:

“Thiên Chúa là Đấng trung tín, Ngài sẽ không để bạn bị cám dỗ vượt quá sức của bạn.”

Một vị thánh khác đã trải qua nỗi đau sâu sắc khi còn là một góa phụ trẻ mới hai mươi tuổi là thánh Elizabeth nước Hungary, một công chúa có chồng qua đời khi tham gia cuộc Thập tự chinh; có truyền thuyết rằng khi nhận tin chồng qua đời, thánh nữ đã thốt lên: “Thế giới đã chết với tôi, và tất cả những gì vui vẻ trong nó cũng đã chết” rồi chạy quanh lâu đài mà la hét điên cuồng. Giống như người đồng hương của mình, Elizabeth Ann Seton, công chúa Hungary cũng không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình; gia đình chồng bà phản đối việc bà tiêu tiền vào những người nghèo, và – theo truyền thuyết – em chồng đã ép bà và các con phải rời khỏi lâu đài giữa mùa đông lạnh giá. Bà cũng tìm thấy sức mạnh để chịu đựng thập giá của mình trong tình yêu của Chúa Kitô, mặc dù lúc đầu rất khó khăn.

Những vị thánh khác cũng đã trải qua nỗi đau 

Đôi khi, cái chết của một người thân yêu – dù đau đớn đến đâu – lại đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc đời, trong đó ơn gọi của chúng ta bị thay đổi một cách đáng kể. Chẳng hạn, vào thế kỷ VI, thánh Hormisdas đã có một cuộc sống hạnh phúc với vợ, nhưng sau khi vợ qua đời, ngài trở thành linh mục và được bầu làm Giáo hoàng vào năm 514. (Con trai ngài, thánh Silverius, sau này cũng trở thành Giáo hoàng.)

Nỗi đau cũng có thể là động lực thúc đẩy một sự thay đổi trong lòng hay một cuộc hoán cải đạo đức. Thánh Bavo đã từng là một địa chủ giàu có nhưng thiếu đạo đức vào thế kỷ VII, nhưng sau khi vợ qua đời, ngài đã ăn năn hối cải về tội lỗi của mình và dành cả đời để đền tội. (Một lần, ngài đã gặp một người mà mình đã bán làm nô lệ nhiều năm trước; để chuộc lại, Bavo đã yêu cầu người đó dẫn ngài vào tù bằng xích.)

Đối diện với nỗi đau thường đòi hỏi chúng ta tìm kiếm những cách mới để phục vụ Chúa và tha nhân. Vào thế kỷ VI, thánh Monegundis đã trải qua nỗi đau tột cùng khi hai cô con gái của bà qua đời. Vì nỗi buồn kéo dài, thánh nữ – trong một khoảnh khắc bừng tỉnh – lo sợ rằng bà đang trở nên ích kỷ và có nguy cơ bỏ bê nghĩa vụ của mình đối với Chúa. Cầu nguyện đã gợi ý cho bà một giải pháp: với sự cho phép của chồng, bà đã hoàn toàn dâng mình cho Chúa bằng cách nhốt mình trong một căn phòng đơn giản và sống một cuộc đời đền tội và tĩnh lặng ở đó.  Vào thế kỷ XX, Chân phước Teresa Grillo Michel đã áp dụng một cách tiếp cận khác. Bà kết hôn ở tuổi hai mươi hai, nhưng mười bốn năm sau, chồng bà qua đời vì ngã nắng. Teresa đã trải qua một khoảng thời gian dài đầy đau khổ; việc đọc sách thiêng liêng và tình yêu thương, sự hỗ trợ từ gia đình đã giúp bà hồi phục. Bà bắt đầu tiếp cận những người cần giúp đỡ và cuối cùng thành lập một hội dòng mới ở Ý: Hội dòng Tiểu Muội Chúa Quan Phòng.

Được an ủi ngang qua việc phục vụ 

Các vị thánh đã khám phá ra rằng có sự an ủi nhất định ngang qua việc phục vụ – tức là, trong việc đáp ứng nhu cầu của người khác, họ thấy dễ chịu đựng nỗi đau của chính mình hơn. Thật không khôn ngoan (và thường là không thể) để bắt đầu điều này quá sớm sau khi mất mát một người thân yêu, đặc biệt là người bạn đời; nỗi đau cần được thừa nhận, và điều này cần thời gian (đối với nhiều người, có thể là một năm hoặc hơn). Ngoài ra, cũng không khôn ngoan nếu người ta đưa ra những quyết định lớn trong khi đang than khóc. Tuy nhiên, thường là có ích nếu tham gia vào một hình thức phục vụ sau khi đã vượt qua nỗi buồn. Điều này không chỉ làm vui lòng Chúa mà còn cho phép Ngài ban ơn và nâng đỡ họ theo những cách khác.

Một phản ứng lành mạnh trước nỗi đau đòi hỏi việc sẵn sàng tin tưởng vào Chúa và tiến về phía trước, từng ngày một.

Bởi vì Chúa là tác giả của sự sống, Ngài không chỉ có khả năng tái hợp chúng ta với những người thân yêu đã qua đời trong niềm vui của Nước Trời, mà còn giúp chúng ta tìm thấy mục đích và giá trị trong cuộc sống – ngay cả đang trong lúc trải qua nỗi đau tột cùng.

Cái chết có thể gây ra nỗi đau và buồn bã lớn lao, không nhất thiết đối với người ra đi, mà là cho những người thân yêu còn ở lại. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo dạy rằng nỗi buồn và sự chia ly với những người chúng ta yêu thương chỉ là tạm thời. Đây là chủ đề của một bức thư mà thánh Aloysius Gonzaga viết cho mẹ mình ngay trước khi ngài qua đời vì bệnh dịch ở tuổi hai mươi ba:

“Cuộc chia ly của chúng ta sẽ không kéo dài; chúng ta sẽ gặp lại nhau trên thiên đàng; chúng ta sẽ được đoàn tụ với Đấng Cứu Thế của chúng ta; ở đó, chúng ta sẽ ca ngợi Ngài bằng cả trái tim và linh hồn, ca hát về những lòng thương xót của Ngài mãi mãi, và thưởng thức hạnh phúc vĩnh cửu. Khi Ngài lấy đi những gì Ngài từng cho chúng ta, mục đích của Ngài là để bảo quản kho báu của chúng ta ở một nơi an toàn hơn và ban cho chúng ta những phúc lành mà chính chúng ta cũng mong muốn có được.”

Đây thật sự là một phần của Tin Mừng: Cái chết và nỗi buồn thực sự tồn tại, nhưng đối với những ai có niềm tin vào Chúa Giêsu, chúng sẽ được thay thế bằng sự sống vĩnh cửu và niềm vui.

Suy ngẫm thêm 

 

“Hãy để sự hiểu biết củng cố lòng kiên nhẫn của bạn. Trong bình an, hãy hướng tới niềm vui sẽ đến sau nỗi buồn.” – Thánh Peter Damian 

[Đối với một người phụ nữ có con trai đã qua đời]:

 

“Khi bạn phó thác con của mình cho Đấng Tối Cao, hãy đơn giản nói với Ngài, ‘Lạy Chúa, con phó thác cho Ngài đứa con ruột của con, đúng vậy, nhưng còn đúng hơn nữa, đó là đứa trẻ xuất phát từ lòng thương xót vô biên của Ngài; được sinh ra từ dòng máu của con, đúng, nhưng được tái sinh từ dòng máu của Ngài.’ Và cứ để như vậy.” – Thánh Francis de Sales

Điều bạn có thể thử 

Đừng cố gắng gánh vác nỗi đau một mình.

Hãy chấp nhận những lời đề nghị giúp đỡ từ những người thân yêu và, khi bạn sẵn sàng, cả những lời mời từ bạn bè và người quen nữa. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp khi nỗi buồn và sự cô đơn trở nên quá sức chịu đựng. Thiên Chúa muốn và kỳ vọng chúng ta có mặt bên nhau trong những lúc như thế. Hầu hết các cộng đoàn đều có một số hội đoàn hỗ trợ những người đang đau buồn; giáo xứ của bạn (hoặc nhà tang lễ địa phương) có thể cung cấp cho bạn thông tin về điều này, cùng với các tờ rơi và tài liệu hữu ích về việc thương tiếc. Đau buồn là phải có; vác gánh nặng này một mình khi có sẵn sự giúp đỡ thường là không lành mạnh hoặc thiếu khôn ngoan.

Mẹ Maria trở thành góa phụ khi thánh Giuse qua đời, vì vậy Mẹ có sự quan tâm đặc biệt đến những ai mất đi người bạn đời. Nhiều người góa phụ và đàn ông góa vợ đã tìm thấy an ủi và sức mạnh bằng cách cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ và tìm kiếm sự chăm sóc của Mẹ. Ngoài việc xin lễ cho người bạn đời của bạn, hãy hỏi xem giáo xứ có những hình thức nào sùng kính Đức Mẹ và cố gắng tham gia.

Học cách tạ ơn Chúa, ngay cả trong khi đau khổ

Trên giường bệnh, thánh Bartholomea Capitanio, dù chỉ mới ngoài hai mươi tuổi đã an ủi mẹ mình bằng cách nói:

“Mẹ biết rằng ai cũng phải chết mà. Nếu con sống thêm bốn mươi năm nữa, con vẫn sẽ phải chết. Đây là khoảnh khắc mà lòng thương xót Chúa muốn đưa con về Thiên Đàng. Đừng buồn vì cái chết của con, mà hãy cảm tạ Chúa!”

Có thể cảm tạ Chúa trong lúc đau buồn, và những lời cầu nguyện của bạn cho những người đã khuất có thể là nguồn an ủi.

Nếu điều này giúp ích, hãy trò chuyện với những người đã mất (điều mà nhiều người làm tại nghĩa trang), hoặc viết cho họ một bức thư, hoặc tưởng tượng họ đang sống hạnh phúc và rực rỡ trước Nhan Thánh Chúa. Cuối cùng, hãy nhớ rằng:

Sự chia ly là tạm thời, nhưng qua Đức Kitô, tình yêu mà bạn đã chia sẻ sẽ kéo dài mãi mãi.

Lời cầu nguyện trong lúc đau buồn

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chịu đựng nỗi mất mát người cha nuôi yêu quý là thánh Giuse;

Chúa đã khóc trước cái chết của người bạn Ladarô;

và từ Thập giá, Chúa đã mang lấy nỗi đau của Mẹ Maria.

Xin hãy nhìn đến con trong nỗi buồn của con, và chạm vào trái tim đau thương của con.

Xin đón nhận tất cả những người thân yêu đã khuất của con vào Nước của Chúa, và giúp con phó thác họ cho lòng thương xót của Ngài.

Xin ban cho con bình an giữa những khốn khổ, can đảm giữa nỗi mất mát, và hy vọng giữa nỗi buồn. Xin hãy ban tràn đầy sức mạnh cho con để con có thể vượt qua từng ngày.

Xin giúp con nhớ rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi con,

rằng Chúa sẽ không bao giờ quên con, và Chúa sẽ đồng hành với con trong thời gian chịu đựng và thử thách này.

Con dâng lên Chúa những giọt nước mắt của con, và con xin trao cho Chúa trái tim tổn thương của con; xin Chúa hãy dịu dàng đón lấy. Amen.

Từ: catholicexchange

Tác giả: Fr. Joseph M. Esper

Chuyển ngữ: Kim Linh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Nguồn: dongten.net