Đức Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina, mô tả thực tại hằng ngày khó khăn của dân Ucraina, nhưng đồng thời cũng nhận ra những yếu tố hy vọng là sự liên đới: sự trợ giúp của những người thiện nguyện tại nước này là những dấu chỉ nhân đạo trong tăm tối của xung đột.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, nhân kỷ niệm một ngàn ngày chiến tranh tại Ucraina, giữa ảo tưởng nơi khả năng giải quyết của các tổ chức quốc tế và sự tín thác qua các hoạt động của một Giáo hội không ngừng vun trồng và phổ biến niềm hy vọng, cũng như gần gũi dân chúng đang đau khổ từ quá lâu vì sự gây hấn của quân Nga. Cuộc phỏng vấn diễn ra hôm trước ngày Nga tấn công ồ ạt trên toàn nước Ucraina bằng các tên lửa và máy bay không người lái, đánh vào các cơ cấu hạ tầng, và làm cho nhiều người chết và bị thương.
Đức Sứ thần Tòa Thánh nhìn nhận rằng nhiều khi chỉ còn phương thế cầu nguyện là sức mạnh duy nhất, nhưng ngài rất tin tưởng lời cầu nguyện có thể làm phép lạ. Các mục tử ở cạnh các tín hữu của mình và điều này là một hồng ân của Giáo hội Công giáo cũng như của các Giáo hội khác, và các cộng đồng tín ngưỡng. Đức Tổng giám mục Kulbokas nói: “Tôi đã sống điều đó tại thành Kherson, khi nghe các câu chuyện của các linh mục ở lại với dân, như điểm tham chiếu cho dân chúng và vì thế, dân rất biết ơn các linh mục. Do vậy, việc ở lại với nhau là điều rất quan trọng. Ngoài ra, hoạt động của các linh mục tuyên úy quân đội cũng rất quan trọng, vì các quân nhân không biết ngày mai mình có còn sống hay không, và chính trong những trường hợp đó, câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống là rất quan trọng. Tôi đã nghe kể những người thiện nguyện mang thuốc men cho binh sĩ và thường nghe các quân nhân này nói rằng anh chị đối với tôi giống như Chúa Giêsu, vì anh chị đến tận đây để mang thuốc men cho tôi. Vì thế, tại những nơi đó có một cảm thức tình nhân đạo rất mạnh”.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org