Đức Thánh Cha Phanxicô và các thành viên của Thượng hội đồng giám mục về tính công đồng tham dự phiên họp làm việc cuối cùng của Thượng hội đồng vào ngày 26 tháng 10 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI tại Vatican (Ảnh: CNS/ truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô và các thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành tham dự phiên họp làm việc sau cùng của Thượng Hội đồng vào ngày 26 tháng 10 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI tại Vatican (Ảnh: CNS/ truyền thông Vatican)

Nhấn mạnh lại tính trung tâm của tính Hiệp hành trong Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hiện nay các Giáo hội địa phương phải đón nhận và thực hiện các đề xuất từ ​​văn kiện chung kết đã được Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành thông qua.

Được Đức Giáo hoàng phê chuẩn, văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng “tham gia vào Huấn quyền thông thường của Đấng kế vị Thánh Phêrô, và vì thế, tôi yêu cầu văn kiện này phải được đón nhận”, Đức Thánh Cha viết trong một bức thư được Vatican công bố vào ngày 25 tháng 11.

“Các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội hiện được kêu gọi thực hiện, trong các bối cảnh khác nhau, các chỉ dẫn có thẩm quyền có trong tài liệu, thông qua các quá trình phân định và đưa ra quyết định theo luật và chính tài liệu đó”, Đức Thánh Cha viết gần một tháng sau khi Thượng Hội đồng bế mạc.

Tài liệu chung kết nêu ra các ưu tiên chính của Giáo hội, bao gồm tăng cường sự tham gia của giáo dân thông qua các cong việc mục vụ mới và điều chỉnh cơ cấu quản lý, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ban lãnh đạo Giáo hội và tạo không gian cho các nhóm trước đây bị gạt ra bên lề.

Sau khi các thành viên Thượng Hội đồng bỏ phiếu thông qua văn kiện chung kết, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng ngài sẽ không viết Tông Huấn thông thường sau Thượng Hội đồng mà thay vào đó sẽ trình văn kiện này cho toàn thể Giáo hội để cùng thực hiện.

Ngoại trừ các Thượng Hội đồng đầu tiên do Thánh Phaolô VI triệu tập vào năm 1967 và 1971, tất cả các hội đồng thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục đều được theo sau bởi Tông Huấn bởi Đức Giáo hoàng về các chủ đề và cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng.

Trong bức thư của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã minh định rằng mặc dù tài liệu này “không hoàn toàn mang tính quy chuẩn” và phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh áp dụng, nhưng nó vẫn buộc “các Giáo hội địa phương phải đưa ra những lựa chọn phù hợp với những gì đã được chỉ ra” trong tài liệu.

Ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết cần phải có thời gian để giải quyết các vấn đề rộng hơn của toàn Giáo hội, chẳng hạn như những vấn đề được giao cho 10 nhóm nghiên cứu mà ngài thiết lập vào mùa xuân để khám phá các vấn đề được nêu ra trong hội nghị, bao gồm công việc mục vụ dành cho phụ nữ, công việc đào tạo tại Chủng viện, tương quan giữa các Giám mục và cộng đoàn Dòng tu, và vai trò của các Sứ thần Tòa Thánh. Đức Thánh Cha cho biết có thể thiết lập thêm nhiều nhóm nữa.

Sự kết thúc của phiên họp chung của Thượng Hội đồng Giám mục “không kết thúc tiến trình Hiệp hành”, Đức Thánh Cha viết.

Trích dẫn Tông Huấn năm 2016 của mình, “Amoris Laetitia” về hôn nhân và đời sống gia đình, Đức Thánh Cha viết rằng “không phải mọi cuộc thảo luận về giáo lý, luân lý hay mục vụ đều phải được giải quyết bằng sự can thiệp Huấn quyền”, thay vào đó, các Giám mục của mỗi quốc gia hoặc khu vực có thể tìm kiếm “các giải pháp phù hợp hơn với văn hóa” cho các vấn đề liên quan đến truyền thống và thách thức của địa phương.

Đức Thánh Cha cho biết thêm rằng tài liệu chung kết của Thượng Hội đồng bao gồm các khuyến nghị “hiện có thể được thực hiện tại các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội, có tính đến các bối cảnh khác nhau, những gì đã được thực hiện và những gì vẫn phải làm để học hỏi và phát triển tốt hơn phong cách phù hợp với Giáo hội Hiệp hành truyền giáo”.

“Trong nhiều trường hợp, vấn đề là thực hiện hiệu quả những gì đã được quy định trong luật hiện hành, cả La tinh lẫn Đông phương”, trong khi ở những bối cảnh khác, các Giáo hội địa phương có thể tiến hành tạo ra “những hình thức mục vụ và hoạt động truyền giáo mới” thông qua quá trình phân định và thử nghiệm trong tinh thần Hiệp hành.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chỉ rõ rằng trong các chuyến viếng thăm “Ad limina” của các Giám mục tới Rôma, mỗi Giám mục sẽ được yêu cầu thảo luận về những lựa chọn đã được thực hiện tại Giáo hội địa phương của mình liên quan đến những gì đã được chỉ ra trong văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng, phản ánh về những thách thức và thành quả.

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, Tổng thư ký của Thượng Hội đồng và các cơ quan khác nhau của Giáo triều Rôma sẽ được giao nhiệm vụ giám sát “giai đoạn thực hiện” của hành trình Thượng Hiệp hành.

Minh Tuệ (theo OSV News)

Nguồn: dcctvn.org