Các tu sĩ Dòng Phanxicô quyết định ở lại nhiệm sở ở thành phố Aleppo, bên Syria dù có nguy hiểm đến tính mạng.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Cha Ibrahim Faltas, người Ai Cập, Đại diện Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn được trang mạng “Địa bàn mới hằng ngày” (Nuova Bussola quotidiana), truyền đi hôm mùng 03 tháng Mười Hai vừa qua, sau khi thành phố Aleppo, có hai triệu dân, trong đó có khoảng 25.000 tín hữu Kitô bị dân quân thánh chiến Hồi giáo đánh chiếm từ những ngày cuối tháng Mười Một vừa qua, và máy bay Nga đã dội bom trúng trường của Dòng Phanxicô tại đây, làm hư hại nặng nề nhưng không có ai bị thương.
Chiến tranh tại Aleppo tuy là một cuộc nội chiến, nhưng có sự can dự hiển nhiên của các cường quốc: trong khi phiến quân Hồi giáo được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, thì chính phủ Syria do Tổng thống Bashar al Assad được sự tiếp tục ủng hộ của Nga và Iran. Trong khi đó, Mỹ và Israel, mặc dù không nói ra, nhưng họ vẫn giữ vai trò trong cuộc tấn công mới của lực lượng thánh chiến Hồi giáo, dù những nhóm này là kẻ thù của Mỹ và Israel.
Tổng thống Al-Assad mạnh mẽ tố giác Tây phương, nhất là Mỹ. Ông nói trong cuộc trao đổi với Tổng thống Peres Khan của Iran, rằng “Đối tượng của Tây phương thật là rõ ràng, đó là tạo nên khủng hoảng ở Syria để vẽ lại bản đồ Trung Đông”. Còn Tổng thống Assad hứa phục thù và cam kết bảo vệ sự ổn định và toàn vẹn Syria.
Trong cuộc phỏng vấn, cha Faltas cho biết các tu sĩ Phanxicô tiếp tục sứ mạng truyền giáo tại đây, giúp đỡ các gia đình, đón tiếp và an ủi khích lệ giữ vững hy vọng trong tình cảnh khó khăn hiện nay. Cha nói: “Các tu sĩ chúng tôi ở lại nhiệm sở đã được Bề trên gửi tới, và chúng tôi nâng đỡ những người được ủy thác cho chúng tôi, và bảo vệ các đền thánh của chúng tôi, dù phải hy sinh tính mạng”.
Cha Faltas cũng cho biết cuộc di tản của dân chúng khỏi Aleppo đã khởi sự từ đầu chiến tranh hồi năm 2011. Số tín hữu Kitô tại Aleppo trước kia là 300.000 người, nhưng nay có lẽ chưa tới 25.000. Ngoài ra, thật khó ra khỏi Aleppo hiện nay vì có lệnh giới nghiêm, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối.
Cuộc tấn công của nhóm thánh chiến đã làm cho hơn 400 người chết. Cha Faltas nói: “Đó là một sự kiện rất trầm trọng, vì người ta không biết làm sao an táng xứng đáng cho người bị chết vì cuộc tấn công. Các nghĩa trang ở một vùng biên giới, nguy hiểm vì sự hiện diện của những nhóm võ trang, không ai được phép đi qua”.
Và cha Faltas kết luận rằng: “Một lần nữa, thành phần phải trả giá và bị ảnh hưởng lớn nhất cho tất cả các xung đột này là các trẻ em. Các em bị thiếu thốn mọi quyền, từ quyền có một nhà, một gia đình và nhất là quyền được sống như các trẻ em trên thế giới. Trong lãnh vực ngoại giao, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hakan Fidan loan báo sắp gặp Ngoại trưởng Nga và Iran, về tình trạng tại Siria”.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org