Foto Open doors/Porte aperte
Theo phúc trình mới được tổ chức Open Doors, Những cánh cửa mở, công bố hôm 15 tháng Giêng vừa qua, tại Roma và nhiều nơi khác, trên thế giới hiện nay có hơn 380 triệu Kitô hữu thuộc hơn 50 quốc gia bị bách hại và kỳ thị. Như vậy, tỷ lệ là cứ bảy tín hữu Kitô thì có một người là nạn nhân.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trước tình trạng trên đây, ông Christian Nani, Giám đốc tổ chức Open Doors ở Ý, kêu gọi đặt vấn đề tự do tôn giáo ở trung tâm các cuộc thảo luận công cộng.

Con số 380 triệu Kitô hữu bị bách hại vừa nói chứng tỏ có sự gia tăng thêm 15 triệu người so với phúc trình trước đây. Từ 70 năm nay (1955), Tổ chức nhân quyền quốc tế này theo dõi tình trạng các tín hữu Kitô tại khoảng 100 quốc gia, trong số này tiếp tục đứng đầu từ 23 năm nay là Triều Tiên hay Bắc Hàn. Chính sách của nhà nước này là tuyệt đối không dung thứ Kitô hữu: có từ năm mươi đến bảy mươi ngàn tín hữu Kitô bị giam cầm trong các trại lao động khổ sai, và các Kitô hữu khác phải sống đức tin trong thầm lặng.

Phúc trình cũng nói đến những “cuộc hỏi cung tàn bạo những người Triều Tiên trốn sang Trung Quốc và bị trả về. Họ bị tra tấn, cầm tù và trong một số trường hợp, bị sát hại”.

Trong số năm quốc gia đứng hàng đầu về bách hại Kitô hữu, có bốn nước theo Hồi giáo cực đoan, đó là Somalia, Yemen, Libya và Sudan. Nước Eritrea đứng thứ sáu. Nước này mệnh danh là “Bắc Hàn của Phi châu”. Đứng thứ bảy là Nigeria nơi có 3.100 Kitô hữu bị sát hại. Pakistan đứng thứ tám, Iran thứ chín, và Afghanistan đứng thứ mười. Tại nước này, sau khi lực lượng Taliban lên cầm quyền hồi năm 2021, nhiều Kitô hữu bị giết, một số phải chạy ra nước ngoài, trong khi một số nhỏ phải ẩn mình, sống đức tin trong bí mật. Ấn Độ đứng thứ mười một, tiếp theo đó là Arập Saudi. Tại nước này, tuy có vài diễn tiến tích cực về tự do tôn giáo, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Myanmar bị Open Doors xếp hạng thứ mười ba: cuộc nội chiến tại đây gia tăng mức độ bạo lực, các tín hữu Kitô bị kẹt trong các cuộc chiến giữa quân đội chính phủ quân phiệt và các nhóm kháng chiến thuộc các sắc dân khác nhau. Quân chính quy thường tấn công các thánh đường Kitô, vì bị nghi là chứa chấp các nhóm phiến quân. Nhưng cả những lực lượng phiến quân cũng tấn công các cộng đoàn Kitô trung lập, không theo phía chính phủ hoặc phiến quân: ít nhất có một trăm ngàn tín hữu Kitô phải sống trong các trại tị nạn hoặc tản cư để tránh bạo lực.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org