Tarsus: Vườn Ươm Nhà Thần Học Lỗi Lạc Phaolô & “Người Xây Dựng Nên KiTô Giáo”

“Trong Đức Giêsu Kitô, không còn người Do-Thái hay người Hy-Lạp nữa, không còn nô lệ hay người tự do, không còn nam hay nữ nữa, vì tất cả anh em đều là một trong Đức Giêsu Kitô.” (Galata 3:28)

Lời vào

Chim có tổ, người có tông, không biết đức Giêsu có phải được cắt rốn chôn nhau như mọi con người trên trần thế không. Dù sao đi nữa, ai nấy được sinh ra trên đời đều có một nơi gọi là nguồn cội—Tarsus, chính là nơi “Saul” nhập thế, chào đời, quê hương ông. Tuy là người gốc Do-Thái, nhưng, như bao triệu người Do-Thái khác đã định cư, sinh sống rải rác khắp miền xứ thuộc đế quốc La Mã, hoặc xa hơn, về tận nguồn cội Babilon (Irag ngày nay). Có mang thân phận người Việt sống trôi giạt khắp năm châu, mọi miền trên thế giới sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, mới hiểu tâm tư, nỗi niềm và nhịp sống của người Do-Thái mang thân phận xa miền đất của tổ tiên, tổ phụ của họ, xa muôn trùng.

Đã nhắc đến, đã bàn về Antioch, nơi khai sinh Kitô giáo, không thể bỏ qua nơi “Saul” sinh ra. Một điều rất khó cho các nhà nghiên cứu, khảo cổ học kinh thánh, nhân chủng học kinh thánh, sử học, v.v. vì không có nhiều tài liệu nói về thời thơ ấu, niên thiếu, thiếu thời của Saul/Phaolô. Chính ông, cũng không hề nhắc đến thân thế, thân phụ, thân mẫu và mọi người thân khác trong các “Thư”, công vụ tông đồ, hoặc bất cứ tư liệu nào.

Phải chăng, trong tinh thần khiêm nhu, khiêm tốn, khiêm nhường, ông đã không nói về dòng tộc hoặc thân thế của riêng mình. Vì, tuy Phêrô đứng đầu giáo hội, nhưng, Phaolô chính là người, mà vì ông, dân ngoại, thế giới mới biết Đức Giêsu là ai. Phải chăng trong sứ mệnh nâng cao Đức Giêsu, Phaolô chỉ muốn viết, muốn nói, muốn đề cao, muốn rao giảng chỉ về đức Giêsu thôi.

Một góc nhìn khác-phải chăng, chính ông đã được nuôi dưỡng, giáo dục và làm cho cha mẹ, dòng tộc, quê hương Tarsus hãnh diện khi ông tham gia tích cực vào phái Pharisiêu, lên án, càng quét, tiêu diệt tất cả những ai đã tin theo Đức Giêsu? Chẳng phải chính Phaolô đã hiện diện khi Stephanô bị ném đá, hành quyết cho đến chết, vì đức tin của ông nơi Đức Giêsu? Và khá nhiều những thành tựu Phaolô đã mang lại niềm tin và sự hãnh diện là thần dân Tarsus.

Nhưng rồi, cũng chính Phaolô đánh đổi tất cả, lật lại tất cả, thay đổi tất cả, đã trở thành một “tông đồ” nhiệt thành, bỏ hết tất cả, gia đình, dòng tộc, họ hàng, quê hương, để trở thành nhà truyền giáo, người rao giảng Tin mừng tiên khởi, tiên phong cho dân ngoại. Phải chăng, sự thay đổi một cách đột ngột, tuyệt đối, không nhân nhượng đó, đã gây tổn thương, căng thẳng, sờn sức đi quan hệ của ông và cội nguồn Tarsus—để rồi, Phaolô không nhắc đến, không nói tới, và không có “Thư” nào gửi giáo đoàn Tarsus; mặc dầu, Phaolô đã không hề quên, không hề xa lánh, không hề một mảy may ruồng bỏ quê hương. Ngược lại, Phaolô đã đi đi, về về, ghé lại, lưu lại, sống lại và rao giảng Tin mừng ngay tại chính quê hương ông.

Phải chi, gặp lại Phaolô một lần, như gặp lại các tác giả, các văn hào nổi tiếng, cùng bàn, bên tách trà, cà phê, hàn huyên, ắt mình sẽ hỏi cho bằng được, để nghe chính Phaolô thỏ thẻ, hàn huyên, tâm sự, chuyện chưa một lần kể—sống để bụng, chết mang theo…mang theo mãi thật lâu…

Phaolô và Tarsus

Với nhan đề “Tarsus-Vườn Ươm Thần Học Gia Lỗi Lạc-Phaolô”-Nghe thôi, lắm người đã hoang mang. “Tarsus” là gì, ở đâu, nơi nào…trước khi chạm đến cụm từ “Vườn ươm thần học gia lỗi lạc”. Hai từ “vườn ươm” dường như chưa hề nghe trong Giáo Hội, giáo lý, giáo điều, đừng nói chi đến Kinh Thánh. Vườn ươm nơi đây, không phải là nơi ươm hạt giống, vun trồng cây con, rồi bán ra thị trường trong lĩnh vực kinh doanh, làm ăn. Vườn ươm đây cũng không phải lò phát triển khởi nghiệp, kỹ năng và tài năng con người, để rồi mưu sinh, kiếm sống. Vườn ươm trong chủ đề chúng ta chia sẻ, bàn đến hôm nay, phát sinh từ chữ “Incubator”—lò, môi trường, không gian, chất chứa trọn các yếu tố ắt có, cần có, và phải có để kiến tạo nên một nhân tài, một nhà thần học, không phải người có bằng cấp cao, địa vị trọng vọng; nhưng, một nhà thần học lỗi lạc—ấy, chính là Phaolô.

Trong giới hạn của bài tạp ghi nầy, người viết không dám bén mảng đến vai trò của những nhà học giả Kinh Thánh, thần học gia; hoặc, lãnh đạo của Giáo hội Kitô giáo, Thiên Chúa giáo, để có thẩm quyền phân tích, định thẩm, đánh giá, thế nào là “thần học gia lỗi lạc”. Chúng ta tạm đồng thuận về cụm từ “thần học gia lỗi lạc”, rồi để qua một bên, chỉ mong đến gần với không gian thiên nhiên, tự nhiên, xã hội con người và lịch sử, để đối diện với Phaolô mà chúng ta đang dõi theo gót chân ông.

Kinh Thánh, Công Vụ Tông Đồ, và tất cả sử liệu đương thời, không ghi lại bất cứ gì về lai lịch của “Saul/Phaolô”, như thân thế, cha mẹ, anh em, họ hàng, gia phả, hoặc các thông tin, dữ liệu khác để có thể hình dung ra chân tướng, con người thật, bằng xương bằng thịt của “Saul”. Đây là một thử thách lớn cho các nhà nghiên cứu nhân chủng học Kinh Thánh, khảo cổ học Kinh Thánh và các lĩnh vực khoa học nhân văn khác.

Nhưng, trước hết, qua môi trường thiên nhiên, địa lý, xã hội, chính trị, tôn giáo, kinh tế và văn hóa của Tarsus vào thời điểm sau công nguyên, chúng ta có thể lần mò lại gần với Saul, qua Tarsus, nơi ông chào đời, lớn lên, ăn học và vào đời.

Tarsus địa lý và lịch sử

Tarsus là một trong những thành phố cổ, lâu đời trong miền Tiểu Á (Asia Minor), thủ phủ của tỉnh Cilicia thời đế quốc La Mã. Vì địa thế quan trọng, Tarsus đóng vai trò rất nổi bật trong các lĩnh vực thương mại, mậu dịch, hành chính, giáo dục và văn hóa. Ngày nay, những di tích thời La Mã vẫn còn, như công trường (agora), vận động trường (stadium), hệ thống dẫn thuỷ nhập điền (aquaduct), nhà tắm công cộng, giếng nước, đặc biệt là cầu đá vẫn còn sử dụng sau hơn ngàn năm. Một hệ thống ống cống (sewage system) đã được thiết kế, xây dựng và sử dụng suốt mấy trăm năm dưới đế chế La Mã.

Tarsus nằm về hướng cực đông của tỉnh Mersin, phía tây của tỉnh lỵ Adana khoảng 35 km, cách biển Địa Trung Hải khoảng 20 km về hướng nam. Từ bến xe liên tỉnh, có nhiều xe đò khoảng 15 chỗ ngồi, đưa đón khách đi về giữa hai thành phố thường xuyên, không cần đặt vé trước hoặc giữ chỗ. Dọc đường, nhiều khách lên xuống, dừng lại đỗ khách bất cứ địa điểm nào theo yêu cầu. Nhiều người chỉ đi trong vài kilômet, không chở hành lý cồng kềnh.

Gần đến ngã tư rẽ vào bến, con đường trước mắt, nhìn thẳng về hướng núi, không xa lắm, không cao lắm; nhưng, trên đỉnh phủ nhiều tuyết. Tarsus vào đông, tháng Giêng, cũng hơi lạnh, nhưng không đến nỗi giá buốt lắm. Vào đến phố, đường nhỏ hẹp, bác tài dừng xe ngay bên đường, bác nói, “Đây, Tarsus”, rồi bác mở cửa cho mình xuống. 

Chưa kịp biết đây là đâu, đường vắng xe, ít người. Nhìn quanh, không biết ai mà hỏi. iPhone đời tiền kiếp vừa mua tại Adana—để sử dụng tìm đường đi lối về —không định vị được đây là đâu, nơi nào là đền thờ thánh Phaolô, di tích nầy, lăng tẩm khác…chỉ biết tọa lạc ngay giữa hai đường xe chạy ngược chiều nhau, một cổng đá đồ sộ, phía trước có tấm bảng đề: “Cleopatra Gate”. À, đây rồi, chính cổng nầy là biểu tượng cho Tarsus trên mọi trang mạng, quảng cáo, hàng lưu niệm. Bên cạnh, một tấm bảng giúp du khách tìm ra những nơi muốn đến xem: Thánh đường Phaolô, đường mòn La Mã,

  • Người hướng dẫn trẻ

Hoay mãi, không biết ai để nhờ chỉ đường. Chợt, một cậu thanh niên trẻ, trạc 17-18 tuổi đi ngang qua. Mình hỏi, nhưng rồi chàng ta cũng không biết sao mà chỉ. Chàng nhanh trí, “Ông đi theo tôi.” Mừng quá!

Trước hết, chàng ta chỉ vào bên trong một khu, chung quanh có hàng rào kẽm gai: “Đây, con đường mòn La Mã.” Cậu chỉ.

Đây, đền thánh Phaolô”. Mình xúc động. Đây rồi, nơi mà mình hằng mong muốn đến. Không phải tò mò gì về một ngôi giáo đường; nhưng, ngôi giáo đường kính một thần dân của Tarsus, “Saul”, người đã làm nên lịch sử, đã thay đổi thế giới. Đi dọc theo bờ thành cao ngang vai, rồi vào bên trong khuôn viên, bên phải là nơi bán vé vào thăm và thông tin, lịch sử về ngôi giáo đường. Thấy mình người Á châu, lại đi với một chàng thanh niên bản xứ, thật hiếm, người trưởng văn phòng ra chào tiếp mình. Mình hỏi, “Thưa anh, anh có thông tin, tài liệu gì liên quan đến Phaolô không?” Anh nhìn thẳng vào mắt mình và nói, “Phải anh đang tìm tài liệu về những dấu chân của Phaolô tại Thổ Nhĩ Kỳ không?” Mình oà lên mừng vui, câu hỏi ấy dường như chính Phaolô đang hỏi mình. “Vâng, vâng, đúng vậy. Tôi tìm kiếm tài liệu, thông tin nầy mấy năm rồi, không biết tìm đâu ra.” Mình đáp vội.

Quả thật, câu hỏi của anh ta làm mình hết sức ngạc nhiên. Vì, chú em rể, gốc Jordain của mình đã căn dặn, răn đe—đừng bao giờ mở miệng nói về mục đích của chuyến đi, đừng nhắc tới Phaolô, đừng khai về “hành trình theo dấu chân Phaolô”; không an toàn cho anh đâu—anh đang mang quốc tịch Mỹ trong người. Khiếp! Anh ta quay lại phòng, lấy cuốn cẩm nang “Hành trình theo dấu chân Phaolô tại Thổ Nhĩ Kỳ” trao tận tay mình. Ôi sung sướng, mình như người xuất thần, như đang ôm siết vào lòng Phaolô, một món quà mình hằng mong, tìm không ra, mua không có, lại bằng tiếng Anh nữa. Tạ ơn Chúa!

Vào đền thánh Phaolô, mình có một cảm xúc khá khác lạ. Một mình, không một tiếng động, từng bước, từng ánh nhìn, từng góc độ, mình chụp hình, quay phim – chung quanh vách, trần nhà, và đặc biệt là khu “Cung thánh”. Nói vậy, chứ không hẳn là “cung thánh” như trong các giáo đường Kitô giáo trên khắp thế giới. Nên nhớ, ngôi thánh đường nầy được xây dựng khoảng năm 300-400, thời Giáo Hội phôi thai, chưa có một nghi thức tôn giáo như ngày nay. Bên trong, có vài hàng ghế sắt, không có nơi để quỳ, hoặc bất cứ thiết bị, trang trí gì gợi nhớ, liên tưởng đến một giáo đường Kitô giáo. Đã vậy, ngôi giáo đường năm xưa đã không còn là một nơi thờ phượng, sinh hoạt tôn giáo, quản lý của Giáo Hội; nhưng, chỉ là một di tích lịch sử, thuộc sở hữu chủ của chính quyền, bảo quản, quản lý và điều hành do Bộ Du Lịch của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ .

  • Chợ (Bazaar)

Hầu như các thành phố lớn hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ, thường có chợ, không phải hình thức, loại chợ (market) như các nơi. Bazaar là một khu thương mại, bán hầu hết các vật dụng cho gia đình, trang trí nội thất, rất nhiều hàng thủ công, mang sắc thái truyền thống bản địa. Bazaar tại Tarsus gắn liền với đền thờ cổ, và kiến trúc ảnh hưởng sâu đậm nét Trung Đông.

Lần đầu tiên bước vào chợ, không bán rau quả hay thịt cá, chỉ bán toàn các món trang trí, trang trí nội thất, hoặc lưu niệm, làm quà, cái gì cũng vui mắt, mát lòng. Không những hàng quán lôi cuốn, những kiến trúc của ngôi chợ cũng khác, thấy thích. Không mua chi, chỉ rảo quanh, rửa mắt, nên khá ngại, chụp vội dăm ba tấm hình rồi đi đến nơi khác.

  • Di tích tiên Tri Daniel

Hồi giáo không tôn Daniel là một tiên tri, nhưng là một nhân vật thánh thiện. Daniel đã đến và mang lại sự hưng thịnh cho Tarsus khi nạn đói hoành hành. Năm 1867, một đền thờ Hồi giáo được xây dựng bên cạnh nơi Daniel được chôn cất và đặt tên Daniel cho đền thờ.

Lăng mộ của tiên tri Daniel nằm gần các địa danh lịch sử khác như Giếng Thánh Phaolo, tạo nên mối liên hệ lịch sử giữa các nhân vật quan trọng trong Kinh Thánh và biến Tarsus thành trung tâm tôn kính về mặt lịch sử và tôn giáo.

Tiên tri Daniel, qua lăng kính của tôn giáo và lịch sử, biểu tượng một đức tin kiên định và thần thông, mạnh mẽ và kiên trì trong đức tin.

  • Đền thờ Hồi Giáo

Đại đa số người Mỹ theo Kitô giáo, nên chi, tìm một nhà thờ Hồi giáo không phải dễ. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có tới khoảng 95-98% người theo Hồi giáo. Từ thôn xa hẻo lánh đến thành phố đông nghẹt dân như Istanbul, 17 triệu dân, đi dâu cũng thấy đền thờ Hồi giáo. Lắm khi, không cần thấy, cứ mỗi 6 tiếng đồng hồ, từ các tháp của giáo đường Hồi giáo vang vọng ra kinh cầu nguyện. Một điểm lạ, đáng chú ý—tất cả kinh cầu đều bằng tiếng Ả Rập, vì giáo luật đạo Hồi không cho dịch sang tiếng bản địa, do đó, ai đọc người nấy hiểu, dân chúng thì vẫn thản nhiên sinh hoạt đời thường, không một mảy may quan tâm. Một nhà trí thức Thổ chia sẻ với mình, điều quái dị là người Hồi giáo phải lắng nghe kinh cầu mà hầu hết mọi người không hiểu gì hết.

Một điểm khác đáng ghi nhớ—Phải nói, Thổ Nhĩ Kỳ là nước Hồi giáo duy nhất không sử dụng ngôn ngữ Ả Rập, nhưng lại dùng mẫu tự gần như La Mã. Họ rất tự hào về viễn kiến của vị cha dân tộc, Mustafa Kemal Ataturk, người chiến đấu và giành độc lập, xây dựng đất nước dân chủ năm 1921, sử dụng mẫu tự La Mã để phát triển đất nước, khai dân trí, không khác gì tinh thần và viễn kiến của anh hùng dân tộc Phan Chu Trinh của chúng ta.

Không phải vì dị ứng hay định kiến gì với Hồi giáo; nhưng, mình không có nhu cầu và việc viếng thăm các nhà thờ Hồi giáo không nằm trong hành trình theo dấu chân Phaolô của mình, lại tốn kém nhiều thì giờ.  Ngay khi đến Istanbul, có 2 nhà thờ Hồi giáo rất nổi tiếng thế giới, một cái, “Hagia Sophia”, trước đây là một đại giáo đường Kitô giáo, cũng không có hấp lực lôi cuốn mình đến. Tuy nhiên, cậu bé hướng dẫn viên như đắc thủ những nét văn hóa độc đáo của Tarsus, bèn tự lập trình đưa mình đi. Quả thật, mình vui đi, không lo ngại, không cần biết sẽ đi đâu, nơi nào, tìm kiếm gì. Cậu bé đóng vai trò hướng dẫn du khách một cách tự tin, chu đáo và hãnh diện về công tác như một đại sứ văn hoá (cultural anbassador) của mình.

  • Nhà thờ Ki tô giáo/đền thờ Hồi giáo. (The Old Mosque/Church Mosque at Tarsus)

Đền thờ Hồi giáo, nguyên là “Nhà thờ lớn thánh Phaolô-Saint Paul Cathedral”, do người dân bản xứ xây dựng để tôn vinh Phaolô Tông đồ. (không nên nhầm lẫn với nhà thờ thánh Phaolô, Tarsus. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1102, trong thời kỳ cuối của đế chế Byzantine. Sau đó, năm 1359, Tarsus rơi vào triều đại Turkmen, năm 1415, đã chuyển đổi nhà thờ thành một đền thờ Hồi giáo.

Không lấy làm lạ nơi một miền đất đã trải qua biết bao nhiêu đế chế, từ La Mã, đến Byzantine, Ottaman, Hồi giáo. Sau đế chế Byzentine, Ottaman đến, xoá sạch di tích Kitô giáo. Đơn cử như Hagia Sophia (Istanbul), một đại giáo đường Kitô giáo, thuộc hạng lớn nhất thế giới thời ấy, khi đế chế Ottoman chiếm miền đất Tiểu Á (Asia Minor), giờ là Thổ Nhĩ Kỳ, Hagia Sophia đã biến thành đền thờ Hồi giáo, may thay, những trang trí, các bức họa trên trần nhà cao, vẫn còn duy trì và bảo vệ, tuy hiện nay đã trở thành một ngôi đền thờ Hồi giáo.

Không riêng gì tại Thổ Nhĩ Kỳ, cả bên Hy Lạp (Greece) cũng chịu một số phận tương tự. Không riêng gì các đế chế xa xưa; nhưng ngay cả thời Hitler, quân Nazi xâm lăng Hy Lạp (1940) và phá tan bao nhiêu ngôi giáo đường Kitô giáo cổ, phái Chính Thống (Orthodox), nay đã và đang tái thiết và phục dựng lại.

  • Phố Cổ và con đường xưa

Rời đền thờ thánh Phaolô, băng qua con đường xưa và phố cổ, thật hợp tình, hợp lý. Không biết lối kiến trúc, nhà cửa, đường sá còn giống như xưa không, nhưng, lối kiến trúc khá khác lạ, khác nhiều với các nơi khác, trong miền đất thuộc đế quốc La mã xưa. Nhiều công trình xây dựng mới, nhưng vẫn thiết kế rập khuôn theo mẫu kiểu xưa.

Một quãng đường ngắn mà người người thời đại La Mã, trong đó có Saul, đã mài gót chân cách đây vài thiên niên kỷ, đã được rào lại. Không được đặt chân trên các dấu chân xưa, mình không tiếc, vì trước đây, đã một lần lôi đôi bàn chân mệt mỏi trên đường mòn La Mã tại Roma, dường như dài vô tận (hơn mười cây số).

  • Giếng nước

Tin hay không tin, giếng nước được biết tọa lạc trong khuôn viên gia đình của Phaolô. Thôi, đã đến Tarsus rồi, còn ngần ngại gì mà không mua vé, ghé vào. Tuy chỉ là một công viên tầm cỡ khu đất một gia đình; mình đi vòng chung quanh, quan sát, chụp dăm ba tấm hình, hít thở chút khí trời, hỏi han Phaolô—thuở ấy, ắt khí trời trong sạch, không ô nhiễm, không ồn ào phải không ông?

Tại sao giếng nước lại được bảo trì, bảo quản và lôi cuốn du khách, đặc biệt là người Kitô hữu?

Giếng nước là một hình ảnh phong phú và nhiều tầng ý nghĩa trong Kinh Thánh, được nhắc đến ở nhiều nơi như một biểu tượng của sự sống, mối quan hệ với Thiên Chúa, và sự cung cấp dồi dào từ Đấng Tối Cao. Trong Cựu Ước, các giếng nước đóng vai trò quan trọng trong các câu chuyện của các tổ phụ như Abraham, Isaac, và Jacob, nơi các giếng này thường là nơi xảy ra các cuộc gặp gỡ quan trọng hoặc là biểu tượng của giao ước. Ví dụ, Jacob đã gặp Rachel tại giếng nước và sau đó cưới nàng, một sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của một gia đình và liên kết hai gia đình lại với nhau (Sáng Thế Ký 29:10-11).

Trong các thư của Phaolô, mặc dù không đề cập trực tiếp đến giếng nước, tư tưởng của ông về nước và đời sống thiêng liêng thể hiện qua cách ông miêu tả sự sống đức tin như một dòng nước chảy ra từ Thiên Chúa, làm thỏa mãn cơn khát tâm linh của con người. Phaolô so sánh cuộc sống theo Chúa như sự làm mới, một cách hiểu sâu sắc về “nước hằng sống” mà đức Giêsu đã đề cập trong Tin Mừng Gioan 4:10-14 khi Ngài nói chuyện với người phụ nữ Samaria bên giếng. Điều này nhấn mạnh rằng nguồn nước thiêng liêng từ Chúa là không bao giờ cạn, đem lại sự sống đời đời và sự an ủi.

Về giếng nước tại Tarsus, nơi sinh của Phaolô, cũng có một ý nghĩa lịch sử và biểu tượng riêng. Tarsus là một thành phố thịnh vượng và có nhiều nền văn hóa giao thoa, nơi mà các nguồn nước ngọt như giếng đã cung cấp nhu cầu sinh hoạt và kinh tế cho cư dân nơi đây. Một số nhà nghiên cứu cho rằng giếng tại Tarsus có thể đã trở thành biểu tượng của sự khởi nguồn cuộc sống thiêng liêng và trí tuệ cho Saul, người sau này đã trở thành Phaolô, một nhà truyền giáo nhiệt thành và gắn bó với sứ mệnh của mình.

  • Bữa ăn với các món truyền thống-Nước uống Sagam

Ẩm thực là một trong các bộ môn của văn hóa một miền, xứ, đất nước. Nếu bữa ăn không quan trọng, không đóng một vị trí thiết yếu trong đời sống của nhân loại, đức Giêsu đã không dùng bữa cơm tối tiệc ly để thể hiện tình yêu, dâng hiến, của lễ hy sinh, biến thành Bí Tích Thánh Thể, một Bí tích rất quan trọng, duy trì mãi như là nhựa sống của Kitô giáo, Kitô hữu.

Đi đến đâu, mình luôn luôn quan tâm đến, tìm hiểu, khám phá văn hóa ăn uống của người bản địa, giới quần chúng, biểu tượng chung cho cả miền xứ, đất nước, hơn là những hàng quán sang trọng, chỉ nhắm vòng việc phục vụ giới thượng lưu, giàu có, tiền bạc không là vấn đề.

Đã quá trưa, mình hỏi cậu bé, “Em biết nơi nào chúng ta có thể ăn trưa, với các món ăn hết sức truyền thống, mọi người dân nơi đây thường ăn, và hãnh diện để giới thiệu với du khách về đặc sản ẩm thực của quê hương nầy?”

Cậu bé ngây thơ đáp, “Em cũng không biết nơi nào. Để em gọi ba của em, ông ta sẽ hướng dẫn.” Chú dẫn vào một nhà hàng, đông thực khách. Không khí ấm áp, vui nhộn, người người đang tận hưởng bữa ăn. Mình nhìn quanh, xem họ ăn những món gì. Xem “Menue”, xem hình, thấy món nào cũng lạ, cũng hấp dẫn. Nhưng, toàn bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, không biết đâu mà chọn.

Cậu bé hỏi, “Ông thích ăn món gì?” Mình đáp, “Em chọn cho tôi món nào em cho là đặc sản, ngon nhất mà em ưa thích, như lúc gia đình em đến đây ăn vậy.” Thế là, em gọi hai món: 1) món soup lỏng, mịn. 2) món soup lòng heo/lợn, cay cay.

Ăn xong, em hỏi, “Ông thích uống gì?” Mình lại hỏi, “Đây có thức uống gì đặc sản?” Em hỏi, “Thế, ông uống Sagam chưa?” (đọc là so-găm) “Chưa.” Mình đáp. Em lại hỏi, “Ông uống cay được không?” Mình ngạc nhiên, nước uống sao lại cay. Can đảm đáp lại, “Được.” Em hỏi tiếp, “Cay nhiều hay cay vừa?” Mình đáp, “Cay cỡ nào em uống được, tôi uống được.” Gan cùng mình!

Nhân viên phục vụ mang ra một chai, nước màu đỏ tím, như chai xá xị ngày xưa. Mình uống thử, cay. Nhưng, uống được. Khám phá ra, nước Sagam chế từ củ cà rốt tím, ngâm trong nước muối hơn một tháng, với ớt khô, lên men; nên chi, rất thích hợp sau khi ăn các món thịt cừu, thịt dê và các món có mùi nồng, hăng, mục đích là vừa giúp mau tiêu hóa, vừa tẩy sạch mùi vị của thức ăn.

Người bản xứ Tarsus rất hãnh diện về sản phẩm Sagam của họ. Họ nói, nơi nào cũng có thể làm, cũng sản xuất và tiêu thụ; nhưng, sánh sao bằng Sagam của Tarsus. Mình như dâu mới về nhà chồng, nói gì nghe vậy. Không có phiếu ủng hộ cho riêng gì Sagam Tarsus, nhưng vẫn vui vì đã một lần diễm phúc được tận hưởng Sagam Tarsus, tại Tarsus, trước mặt và chung quanh, toàn là người bản xứ Tarsus. Trong khi mình tận hưởng Sagam Tarsus, cậu bé chăm chú theo dõi phản ứng của mình. Trong khi đó, mình đảo mắt nhìn quanh, thực khách thưởng thức Sagam của quê hương họ trong bữa ăn trưa ra sao. 

Mình rất ngại ngồi ăn một mình, khi cậu bé ngồi nhìn mình ăn. Cố gắng, năn nỉ mời em ấy ăn, em từ chối, nói rằng, em muốn cai/nhịn ăn, để xuống cân.

Kết thúc một hành trình đặt chân trên các con đường Saul/Phaolô đã đi, đã sống và rao giảng Tin Mừng nơi chính nơi chôn nhau cắt rốn của ông, mình chia tay cậu bé tốt lòng, đã song hành cùng với mình qua nhiều nơi, không chỉ bằng thiện chí, tâm tình, kiến thức sẵn có và quan hệ của em trong cộng đồng; nhưng quan trọng hơn hết, chính là sự hiện diện của em, cho mình sự an tâm, an toàn và tự tin, cảm thấy dường như đang có một Thiên thần Hộ mệnh, Thiên thần Bản mệnh, bảo vệ, dẫn đưa mình khi đến tất cả những nơi mình hằng mong muốn, và vượt xa những gì mình hằng ước mơ.

Nhìn từ bên ngoài, ai ai cũng nghĩ rằng, em và mình có một quan hệ gì đó, thâm tình, mật thiết, lâu dài. Đúng ra, em đã đưa dẫn mình đi xa hơn, đến nhiều nơi mình không có một mảy may kiến thức gì, ngay trong những thời gian nghiên cứu, chuẩn bị cho hành trình ra đi—như đi vào mọi ngóc ngách của các nơi thờ phượng, phong tục và truyền thống hồi giáo.

Chia tay em, mình lên xe về lại Adana, lòng miên man về chuyến đi lịch sử, chuyến đi nhớ đời—những gì đã tận mắt thấy, đã nghe, đã ngửi, đã nếm, đã chạm đến, đã trải nghiệm, giúp mình định vị, định hướng và định hình một cách rõ nét, cụ thể và hiện thực—Tarsus là đâu, là gì, là những gì…từ ấy, không còn xa lạ, không còn phải mường tượng, chỉ biết cái tên qua thông tin trên mạng, sách vở, hay tài liệu.

Tự nhủ, nếu gặp được Phaolô, mình sẽ nói, “Tôi đã một lần đặt chân lên quê hương của ông, nơi ông chào đời, gặp gỡ những người thuộc thế hệ hậu sinh, đã cùng bàn với họ và thưởng thức các món đặc sản của quê hương ông”—rồi, mặc sức, tha hồ hỏi Phaolô; hạch hỏi cho bằng được tông tích, lai lịch và gia phả của ông. Mình sẽ thao thao bất tuyệt với ông, không phải vì là thằng “hay cãi”; nhưng, sẽ là thằng hay hỏi, lắm chuyện—nhưng không nhiều chuyện. Mình sẽ cáo buộc ông; vì ông vô tình hay cố ý, không ghi lại, không nói đến, không nhắc tới trong bất cứ văn kiện, tài liệu, sách vở nào, về con người bằng xương bằng thịt của chính ông.

Vì không biết, nên hơn hai ngàn năm sau, bao người còn mãi muốn biết, muốn hiểu và muốn tìm ra cho bằng được con người lịch sử của Phaolô—những yếu tố nào, lĩnh vực, ai, gì, nào…đã tác động gián tiếp hoặc trực tiếp, để biến “Saul” thành  “Phaolô” một con người can đảm, có viễn kiến, nhiệt thành, lắm đam mê, một nhà thần học Kitô giáo lỗi lạc. Những gì, ai, nơi nào, yếu tố nào, nguồn lực nào, đã hun đúc ông trong những năm lưu lại tại quê hương trước khi Barnabas vời ông đến Antioch, tạo cho ông một đất dụng võ, rao truyền Tin mừng, không những cho người gốc Do-Thái, nhưng, chính là dân ngoại. 

Gặp Phaolô, mình sẽ hỏi…tương quan giữa ông và cha mẹ, anh em, họ hàng Do Thái như thế nào, khi họ biết ông là người đã một thời truy lùng, cáo buộc và lên án những người tin theo Đức Giêsu; rồi, không lâu sau, ông thay đổi 180 độ, trở thành tông đồ nhiệt thành nhất của phong trào những người tin và theo Đức Giêsu. Phải chăng, ông phải đối diện những phản kháng, bất đồng, bất hòa với gia đình, họ hàng và bằng hữu khi ông hiên ngang rao giảng về Đức Giêsu giữa làng mạc, quê hương của chính ông, kêu gọi, thúc bách mọi người tin, theo Đức Giêsu. Do đó, ông không hề nhắc đến thân thế, tông tích, dòng giống và mọi quan hệ nơi ông sinh ra và lớn lên. Phải chăng, lại nghiệm lời tiên tri rằng, “không tiên tri nào nổi tiếng tại quê hương mình.

Phaolô ơi, phải chăng, những giây phút cuối đời, trước khi lên đoạn đầu đài chịu hành quyết vì đức tin, ông có khoảnh khắc nghĩ về gia đình, họ hàng, bằng hữu, nơi chôn nhau cắt rốn, và thì thầm…“Tarsus hỡi, thôi, đừng khóc thương ta!” Thay lời từ biệt.

So sánh giữa người Do-Thái trên miền đất Palestine và người Do-Thái lưu lạc khắp năm châu.

Người Do-Thái tại Mỹ, đại đa số cũng không nói tiếng Do-Thái, không ăn mặc, hành xử, và tư duy như người đang sống trên đất Do-Thái. Đi ngược về hai ngàn năm trước; là con người, tất nhiên, có rất nhiều điểm tương đồng có thể suy diễn, so sánh như người Do-Thái sống tại Mỹ và Phaolô—sinh ra, lớn lên, được giáo dục, tư duy, lý luận và hành xử rất khác với người Do-Thái đã sống cùng, sống với, song hành, và ngồi bàn cùng Đức Giêsu. Phaolô đã hấp thụ một văn hóa ảnh hưởng sâu đậm của Hy Lạp, ông không thể gọt bỏ tất cả con người thật của ông—con người thật ấy, chính là sự phản ánh của cả thế giới bên ngoài Do-Thái, không hay biết gì về Đức Giêsu cả. Ngay tại Do-Thái thời bấy giờ, tìm đâu ra những tư liệu, văn bản, chứng cứ về con người lịch sử của Đức Giêsu, ngoài Kinh Thánh và thưa thớt trong một vài tài liệu; đừng nói chi một thế giới “dân ngoại”.

Một mình Phaolô, đã chinh phục được không những Phêrô, nhưng cả các môn đệ, có cùng một luồng tư duy, lý luận, và quan trọng nhất là một niềm tin và bám chặt vào truyền thống Do-Thái–cắt bì, cắt bì và cắt bì!  Phaolô đã làm một cuộc cách mạng, một cuộc đổi đời cho chính Phêrô và các tông đồ. Chấp nhận một thần học mới, thần học của Phaolô-cứu rỗi dân ngoại.

Một người có công trong cuộc cách mạng của Phaolô, không thể không nhắc tới được—đó, chính là Barnaba. Barnaba là một sứ thần được các tông đồ tin tưởng, phái đi Antioch để quan sát, và báo cáo về với cộng đồng Jerusalem. Barnaba không chỉ mang về cho họ niềm vui—một cộng đồng mới đã hình thành—nhưng tuyệt vời nhất, đó, chính là Phaolô. Không có tiếng nói và sự bảo kê của Barnaba, biết đâu, Phêrô và các tông đồ, không một ai tin Phaolô là người đã được “cải tà quy chánh”, đã được chọn và thiết tha hiến dâng trọn đời vì đức tin. Barnaba đã đích thân đến Tarsus, gặp gỡ và thuyết phục Saul (Phaolô), cùng Barnaba tham gia rao giảng Tin mừng tại cộng đoàn Antioch. Nếu, Phêrô và các tông đồ không một mảy may tin về sự “hồi chánh” của Phaolô, ít ra, họ đã biết lắng nghe Barnaba, một người đầy uy tín, tràn đầy nhựa sống và đức tin vững chắc. Barnaba được tặng cho danh hiệu: “Người can đảm và cương trực”.

Đức Giêsu đã chinh phục Phaolô thế nào, thì Phaolô đã chinh phục Phêrô và các tông đồ như vậy. Cuộc chinh phục nội bộ của những người lãnh đạo nhóm theo Đức Giêsu không phải đơn sơ, đơn giản. May mắn thay, Phaolô không bị đơn độc, vì đã có Barnaba. Chính vì sự quan hệ mật thiết giữa Phaolô và Barnaba, hai ông đã sát cánh cùng nhau xây dựng cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên tại Antioch, trước khi cùng nhau an tâm xuống thuyền trẩy đi truyền giáo các nơi khác.

Phaolô—Người tông đồ trỗi vượt trên mọi tông đồ

Hầu hết các tông đồ được chọn, họ là những người lao động, chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, bám lấy miền nước, miền đất quê cha đất tổ để sống, để tồn tại; có thể, không nói được một ngoại ngữ khác như tiếng Hy Lạp như Phaolô, đừng nói chi tiếng La Tinh thuộc đế quốc La Mã. Trong khi Phaolô được sinh ra lớn lên là là thần dân của đế quốc La Mã, uyên bác tiếng Hy Lạp, và có thể cả tiếng La Tinh, tiếng Hebrew (mọi giới học, giảng dạy và thực hành mọi nghi thức tôn giáo Do Thái, phải am tường), tiếng Aramaic (tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu, hầu hết dân Do Thái thời ấy sử dụng Aramaic trong sinh hoạt đời thường). Ông tư duy thông thoáng, sáng tạo và rất luận lý, viết lách với trình độ ngôn ngữ cao, trình độ của những người tri thức.

Charlemagne nói, “biết một ngôn ngữ nước ngoài là có một linh hồn khác“—nói lên khả năng lãnh hội không những ngôn ngữ, nhưng cả về trải nghiệm cuộc sống qua sự tiếp cận, hội nhập văn hóa của vùng miền, đất nước và con người. Người đắc thủ nhiều ngôn ngữ, cùng lúc, đắc thủ khả năng nhận thức cao về nhu cầu tri thức, tâm sinh lý, quan trọng hơn hết, chính là đức tin, niềm tin và đời sống nội tâm. Phaolô thông thạo nhiều ngôn ngữ, đạt đến những thành tựu lớn trong sứ mệnh rao giảng Tin mừng, chính là khả năng nhận thức được nỗi khát vọng trong giá trị tinh thần của hầu hết dân ngoại, ngoài Do Thái.

Những yếu tố văn hoá, xã hội, chủng tộc, chính trị, tôn giáo, giáo dục và kinh tế tại Tarsus như thế nào để ươm, vun xới, sinh dựng, sản xuất một nhà thần học Kitô giáo lỗi lạc như Phaolô?

Tarsus, quê hương của Phaolô (tên gọi ban đầu là Saul), có vai trò quan trọng trong việc hình thành một nhà thần học Kitô giáo lỗi lạc như ông. Thành phố này mang tính quốc tế với sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa, xã hội, chủng tộc, chính trị, tôn giáo, giáo dục và kinh tế, nơi các triết học Hy Lạp, La Mã và Do Thái đều có tác động mạnh mẽ, đã tạo điều kiện để Phaolô phát triển tư tưởng và sự nghiệp thần học. Trước khi trở thành tông đồ nhiệt thành của Kitô giáo, Phaolô chịu ảnh hưởng của nhiều văn hoá, triết học và tư tưởng khác nhau. Một số yếu tố Phaolô có thể đã hấp thụ tại Tarsus đã góp phần ươm mầm và định hình tư tưởng của Phaolô, bao gồm:

  1. Yếu Tố Văn Hóa

Tarsus là một thành phố thuộc vùng Cilicia và là một trung tâm văn hóa lớn của đế quốc La Mã. Được biết đến với sự pha trộn giữa văn hóa Hy Lạp, La Mã, và Đông Phương, Tarsus là nơi hội tụ của các tư tưởng triết học và giáo dục. Phaolô lớn lên trong môi trường đa văn hóa, giúp ông hiểu sâu sắc nhiều nền triết học, đặc biệt là triết học Hy Lạp, từ đó ông có khả năng truyền đạt Tin Mừng cho cả người Do Thái lẫn dân ngoại. Phaolô có sự hiểu biết sâu rộng về triết học Stoic, vốn thịnh hành ở Tarsus, và điều này được phản ánh trong các bức thư của ông, nơi ông khéo léo tích hợp các khái niệm Hy Lạp với niềm tin Kitô giáo.

  1. Triết học Stoic:

Khác với tất cả những tông đồ được chính Đức Giêsu tuyển chọn—đa số họ là những người ngư phủ lam lũ, mộc mạc và bình dị; có lẽ, chưa một lần trãy gót đi xa, học cao, hiểu rộng và đắc thủ nhiều ngoại ngữ. Phaolô, người nổi bật nhất trong Kitô giáo, về lý lịch bản thân, thân thế và quá trình đào tạo, giáo dục và huấn luyện. Ngoài những gì đã trình bày về thân thế con người, Phaolô đã hấp thụ sâu đậm các triết học từ nôi văn minh và ảnh hưởng các trường phái triết học và tôn giáo ngay từ lúc còn nhỏ, lớn lên và cuốn hút và các trường phái triết học nơi miền đất ông sinh ra và trưởng thành—Tarsus. Trong các trường phái tác động mạnh vào Phaolô, chính là Triết học Do Thái, triết học Hy Lạp—chủ thuyết Stoicism, Platonism, và chủ nghĩa Do-Thái-Hy Lạp.

Triết Thuyết Stoicism là gì?

Chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) là một triết lý sống xuất hiện vào khoảng thế kỷ 3 TCN, do Zeno xứ Citium sáng lập tại Athens. Stoicism tập trung vào việc phát triển khả năng tự chủ, kỷ luật và kiểm soát cảm xúc để sống một cuộc đời bình thản, hài hòa với tự nhiên và lý trí. Triết lý này nhấn mạnh rằng hạnh phúc thật sự không đến từ các yếu tố bên ngoài mà từ cách chúng ta phản ứng với chúng.

Tư tưởng Khắc kỷ: “Chúng ta biết rằng tất cả mọi sự đều góp phần cho lợi ích của những ai yêu mến Thiên Chúa” (Romans 8:28), thể hiện thái độ chấp nhận số phận và sự tin tưởng vào một trật tự cao hơn.

Vì Phao lô là người duy nhất, tiên phong quan tâm và chú trọng về ơn cứu độ cho dân ngoại—không phải Do-Thái—do đó, sự giáo dục, đào tạo và ảnh hưởng thời niên thiếu của Phaolô rất đáng quan tâm và nghiên cứu. Không thể am hiểu Phaolô, sẽ không thể nào am tường thần học của Phaolô.  Nếu không am hiểu vườn ươm, nền tảng và những tố chất tác động Phaolô trong sứ mệnh thuyết phục Phêrô, Giacôbê (James) và các tông đồ lãnh đạo nhóm người tin theo Đức Giêsu về sứ vụ mang Tin mừng đến cho mọi người.

  1. Triết học DoThái (Judaism)

Phaolô lớn lên trong một gia đình Do-Thái truyền thống và được giáo dục theo luật Torah. Ông học dưới sự hướng dẫn của trường phái của Gamaliel, một thượng tế (Rabbi) nổi tiếng, người thuộc phái Pharisiêu—một trường phái Do Thái khắt khe trong việc tuân thủ luật pháp Môisen. Tư tưởng Do-Thái ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy của Phaolô, đặc biệt là các khái niệm về lề luật, tội lỗi, sự công bình và giao ước của Thiên Chúa với dân Israel. Tuy nhiên, sau khi trở thành Kitô hữu, ông có cái nhìn mới về vai trò của lề luật, nhấn mạnh ân sủng và đức tin vào Đức Giêsu.

  1. Triết học HyLạp (Greek Philosophy)

Phaolô có thể đã tiếp xúc với triết học Hy-Lạp thông qua môi trường học thuật và văn hóa tại Tarsus, một trung tâm tri thức thời đó. Một số ảnh hưởng Hy-Lạp rõ nét bao gồm:

Stoicism (Chủ nghĩa Khắc kỷ): Như đã đề cập trên, Stoicism nhấn mạnh sự tự chủ và bình thản trước các hoàn cảnh bên ngoài, điều mà Phaolô đã thể hiện trong các “Thư” của mình, như khi ông viết: “Tôi đã học cách bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại” (Philippians 4:11). Stoicism cũng đề cao việc sống hài hòa với tự nhiên và lý trí, tương tự như cách Phaolô khuyến khích người Kitô hữu sống theo “tinh thần” thay vì “xác thịt” (Romans 8:5-6).

Platonism (Triết học Plato): Triết học của Plato đề cao sự phân biệt giữa thế giới hữu hình và vô hình, với nhấn mạnh về những điều vô hình và vĩnh cửu. Tư tưởng này có thể thấy trong cách Phaolô nói về “thế giới hiện tại” đối lập với “thế giới đời sau” hoặc “các điều thuộc về trời” (Colossians 3:1-2).

Ảnh hưởng triết học Platonism trong các thư của Phaolô: “Vì bây giờ chúng ta nhìn qua gương một cách lờ mờ; nhưng khi ấy, sẽ thấy rõ ràng, mặt đối mặt” (1 Corinthians 13:12), nhấn mạnh sự phân biệt giữa sự hiểu biết hiện tại và sự nhận thức hoàn toàn trong thế giới sau.

  1. Hellenistic Judaism (Chủ nghĩa Do-Thái—Hy-Lạp)

Chủ nghĩa Do-Thái—Hy-Lạp là một sự kết hợp giữa tư tưởng Do Thái và triết học Hy Lạp, điển hình là những người như Philo xứ Alexandria, người đã cố gắng dung hòa niềm tin Do-Thái với tư tưởng triết học Hy-Lạp. Phaolô có thể đã hấp thụ phần nào từ các quan điểm này, đặc biệt là việc sử dụng các khái niệm như “logos” (lời Chúa) hay sự đối lập giữa “xác thịt” và “tinh thần.”

Nhìn tổng thể, Phaolô là một người có khả năng tích hợp và dung hòa các triết lý khác nhau vào thần học Kitô giáo của mình. Ông không chỉ phản ánh truyền thống Do Thái mà còn biết cách sử dụng ngôn ngữ và khái niệm của các triết học Hy Lạp để truyền đạt thông điệp về đức Giêsu. Điều này giúp ông dễ dàng tiếp cận và thuyết phục không chỉ người Do Thái mà còn cả người Hy Lạp và La Mã.

Những ảnh hưởng triết học này không làm mất đi bản chất tôn giáo của Phaolô, mà ngược lại, giúp ông hình thành một hệ thống thần học phong phú và sâu sắc, tạo nền tảng cho sự phát triển của Kitô giáo sau này.

  1. Yếu Tố Xã Hội và Chủng Tộc

Tarsus là một thành phố quốc tế, nơi cư dân đến từ nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau. Phaolô là người Do Thái, nhưng lại lớn lên trong môi trường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa La Mã và Hy Lạp. Điều này giúp ông hiểu biết và đồng cảm với nhiều nền văn hóa khác nhau, từ đó ông có khả năng rao giảng Tin Mừng cho người dân ngoại, đồng thời vẫn giữ vững cội rễ Do Thái của mình. Phaolô thường xuyên sử dụng hiểu biết về xã hội và văn hóa đa dạng của Tarsus để truyền đạt thông điệp tôn giáo theo cách dễ hiểu và dễ tiếp nhận đối với mọi tầng lớp dân cư trong đế quốc La Mã.

  1. Yếu Tố Chính Trị

Phaolô là công dân La Mã, một đặc quyền quan trọng trong đế quốc. Quyền công dân này mang lại cho ông nhiều lợi ích, bao gồm quyền được bảo vệ bởi luật pháp La Mã và tự do di chuyển khắp đế quốc. Trong suốt hành trình truyền giáo của mình, Phaolô đã nhiều lần sử dụng quyền công dân La Mã để bảo vệ mình trước những cuộc bắt bớ, xét xử và trừng phạt. Ngoài ra, nhờ có quyền công dân, ông có thể dễ dàng di chuyển giữa các thành phố và lãnh thổ khác nhau trong đế quốc, giúp ông có thể rao giảng Tin Mừng khắp nơi.

  1. Yếu Tố Tôn Giáo

Phaolô lớn lên trong một gia đình Do Thái tôn giáo, và ông được giáo dục kỹ lưỡng trong Luật Do Thái. Tuy nhiên, ông cũng sống trong một môi trường tôn giáo đa dạng, nơi ngoại giáo và các tôn giáo thần bí thịnh hành. Việc lớn lên trong môi trường tôn giáo phong phú này đã giúp Phaolô hiểu rõ sự khác biệt giữa các niềm tin, từ đó ông có khả năng đối thoại với những người không cùng tôn giáo một cách sâu sắc và thuyết phục. Sau khi gặp gỡ đức Giêsu trên đường đến Damascus, Phaolô đã biến đổi từ một người chống lại Kitô giáo thành một nhà lãnh đạo Kitô giáo đầy nhiệt huyết, nhờ vào nền tảng tôn giáo Do Thái sâu sắc của mình.

  1. Yếu Tố Giáo Dục

Tarsus nổi tiếng là một trung tâm học thuật và triết học lớn của Đế quốc La Mã. Phaolô được học hành dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Do Thái nổi tiếng, chẳng hạn như Gamaliel, một giáo sư danh tiếng tại Jerusalem. Việc được đào tạo dưới một bậc thầy về Luật Môisen đã giúp Phaolô có được nền tảng kiến thức sâu rộng về Kinh Thánh Do Thái và các truyền thống Do Thái. Tuy nhiên, việc sống trong môi trường tri thức đa dạng của Tarsus cũng giúp Phaolô có kiến thức rộng về các tư tưởng triết học Hy Lạp, giúp ông trở thành một nhà thần học có tư duy sắc bén và khả năng lý luận chặt chẽ.

  1. Yếu Tố Kinh Tế

Tarsus là một thành phố thương mại sầm uất, nằm ở ngã ba của các tuyến đường thương mại lớn trong đế quốc La Mã. Sự giàu có và giao thương sôi động tại Tarsus không chỉ giúp Phaolô có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, mà còn giúp ông học được các kỹ năng thực tiễn như nghề làm lều (tent-making)—được biết, Phaolô đã được rèn luyện và đào tạo tay nghề từ chính cha mình. Nghề làm lều đã trở thành một phương tiện để Phaolô tự nuôi sống mình trong các hành trình truyền giáo, không phụ thuộc vào tài trợ hoặc gánh nặng nơi các cộng đồng Kitô hữu, đồng thời giúp ông có cơ hội gặp gỡ và giao tiếp với những người từ mọi tầng lớp trong xã hội.

Lời cuối

“Vườn Ươm Nhà Thần Học Lỗi Lạc” là một chủ đề không thể nhắc đến và viết dăm ba trang; ngay cả việc đặt chân lên miền xứ Tarsus, quê hương của Saul/Phaolô, ắt đã am hiểu và nắm vững “vườn ươm” đó là gì. Vì sau hơn hai ngàn năm, con người mang tên Phaolô, các sách mang tên Phaolô, các dữ kiện, dữ liệu liên quan đến Phaolô vẫn còn là một chủ đề nóng, các nhà khảo cổ học Kinh Thánh, nhân chủng học Kinh Thánh, thần học Kinh Thánh và nhiều khoa học khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Phaolô vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, tranh cãi, bàn luận và đánh giá liên tục.

Chủ đề “vườn ươm” được dấy lên chỉ mong như chút men, khơi dậy trong chúng ta, những người nghe, biết, thắc mắc, hoặc yêu mến Phaolô, và xa hơn nữa, tin vào, hoặc muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu về Phaolô, sẽ dành nhiều thời gian, công sức, nỗ lực để chạm vào Phaolô; để rồi, tích luỹ cho riêng mình một lăng kính, tầm nhìn và nhựa sống mới về Kitô giáo, đức tin và giá trị sống nội tâm.

Sự phát triển tư tưởng và sự nghiệp thần học của Phaolô là kết quả của việc ông lớn lên và sống trong một môi trường phong phú về văn hóa, tôn giáo, giáo dục, tri thức và văn minh tại Tarsus. Tarsus, với tư cách là một trung tâm của đế quốc La Mã, là “vườn ươm” đã nuôi dưỡng, vun xới, và cung cấp cho Phaolô những tố chất, công cụ cần thiết để trở thành một nhà truyền giáo, nhà thần học lỗi lạc và là người có những ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của Kitô giáo.

Bernard Nguyên-Đăng, J.D.

Tham Khảo:

  1. Tarsus: A Center of Culture and Learning (Video-30 phút)

https://www.youtube.com/watch?v=KEj2U2pvDpQ&ab_channel=NewPerspectiveCommunity

  1. Historical Sites in Tarsus-Trang mạng trình bày những địa danh lịch sử, với hình ảnh phụ hoạ-cung ứng một khái niệm tổng thể về di tích lịch sử cần biết.

https://www.biblicalturkey.org/post/historical-sites-in-tarsus

  1. Tarsus: A Center of Culture and Learning

https://www.youtube.com/watch?v=KEj2U2pvDpQ&ab_channel=NewPerspectiveCommunity

  1. Inside the town where three religions come together

https://www.cnn.com/travel/tarsus-turkey-st-paul-judaism-islam-christianity/index.html

  1. Explore Ancient Turkey: Discover Tarsus on Our ‘Turkey Travel Series’

https://www.youtube.com/watch?v=0lpsG_uj9i8&ab_channel=AriVisuals

  1. Bazaar of Forty Spoons

https://turkisharchaeonews.net/object/k%C4%B1rkka%C5%9F%C4%B1k-bedesten-tarsus

https://www.gettyimages.com/detail/photo/abundance-royalty-free-image/979971652

https://www.gettyimages.com/detail/photo/historical-famous-tarsus-shopping-bazaar-at-mersin-royalty-free-image/522436099

  1. Murphy-O’Connor, Jerome. Paul: A Critical Life, 1996.
  2. Acts 22:3: Phaolô tự giới thiệu mình là người Tarsus, một thành phố không nhỏ.
  3. Dunn, James D.G. The Theology of Paul the Apostle, 1998.
  4. Acts of the Apostles (Công vụ 22:3, 8:1-3).
  5. T. Wright, Paul: A Biography, 2018.
  6. Hengel, Martin, The Pre-Christian Paul, 1991.
  7. T. Wright, Paul: A Biography, 2018.
  8. The Acts of the Apostles (Công vụ 17:16-34, 22:3, 22:25-29).
  9. Jerome Murphy-O’Connor, Paul: His Story, 2004.
  10. The Acts of the Apostles (Công vụ 9:1-19), New Testament, Holy Bible.
  11. Wright, N.T., Paul: A Biography, HarperOne, 2018.
  12. Bruce, F.F., Paul: Apostle of the Heart Set Free, Wm. B. Eerdmans Publishing Co., 1977.
  13. Murphy-O’Connor, Jerome, Paul: A Critical Life, Clarendon Press, 1996.
  14. The Acts of the Apostles (Công vụ 11:25-26; Công vụ 13-14), New Testament, Holy Bible.
  15. Murphy-O’Connor, Jerome, Paul: His Story, Oxford University Press, 2004.
  16. Tông đồ Công vụ (Công vụ 16:37-39; Công vụ 25:11), New Testament, Holy Bible.
  17. Murphy-O’Connor, Jerome, Paul: His Story, Oxford University Press, 2004.
  18. Wright, N.T., Paul: A Biography, HarperOne, 2018.
  19. Tông đồ Công vụ, New Testament, Holy Bible.
  20. Murphy-O’Connor, Jerome, Paul: His Story, Oxford University Press, 2004.
  21. James D.G. Dunn, The Theology of Paul the Apostle, Eerdmans, 1998.
  22. Stanley E. Porter, The Apostle Paul: His Life, Thought, and Letters, Eerdmans, 2016.
  23. Tông đồ Công vụ, New Testament, Holy Bible.
  24. Dunn, James D.G., The Theology of Paul the Apostle, Eerdmans, 1998.
  25. Beale, G. K., A New Testament Biblical Theology: The Unfolding of the Old Testament in the New.
  26. Wright, N. T., Paul: In Fresh Perspective.
  27. Ehrman, Bart D., The New Testament: A Historical Introduction to the Early Christian Writings.
  28. Acts of the Apostles (Tân Ước), các bản dịch và chú giải.
  29. Hengel, Martin, The Pre-Christian Paul.
  30. Gillman, Florence Morgan. Pauline Studies: Essays Presented to F. F. Bruce, 1991.
  31. Hengel, Martin. The Pre-Christian Paul, 1991.
  32. Picirilli E. Robert “Paul, The Apostle”. Moody Publishers, 1986.
  33. Brown, Raymond E. An Introduction to the New Testament. Yale University Press, 1997.
  34. Wright, N.T. Paul: A Biography. HarperOne, 2018.
  35. Dunn, James D.G. The Theology of Paul the Apostle. Eerdmans, 1998.
  36. Lăng Tiên Trti Daniel

https://en.wikipedia.org/wiki/Mausoleum_of_Danyal

  1. Mustafa Kemal Atatürk (tổng thống đầu tiên của nền độc lập Thổ Nhĩ Kỳ)

https://vi.wikipedia.org/wiki/Mustafa_Kemal_Atat%C3%BCrk

Xem Thêm

Thăm Viếng Và Chúc Tết Gia Đình Các Soeurs...

Khi những ngày Tết cổ truyền đã gần kề, không khí xuân như len lỏi khắp nơi,...

Tưởng Nhớ Nữ Tu Lucie Huỳnh Thị Thu Huyền

Nhân dịp kỷ niệm giỗ thứ 16 của Nữ tu Lucie Thu Huyền, biết bao dấu ấn...

Ai Tín – Linh Hồn Soeur Bona CHOI

Chị em dòng thánh Phaolô thành Chartres – Tỉnh dòng Đà Nẵng xin kính báo:  Linh Hồn Soeur Bona CHOI Qua...