SNLC – CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA THƯỜNG NIÊN – Lc 1, 1-4; 4, 14-21

  1. Lời Chúa:

1 Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, 2theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, 3 phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, 4 để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

14 Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. 15 Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng.

16 Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. 17 Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

18 ”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, 19 công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

20 Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh Kinh mà tai các ngươi vừa nghe”.

  1. Suy Niệm

Một trong những điểm khác biệt căn bản của Ki-tô giáo so với các tôn giáo  khác nằm ở niềm tin vào sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Thiên Chúa của người Ki-tô hữu không phải là một tư tưởng thuần thúy, một vị thần trừu tượng xa vời nhưng là một Thiên Chúa nhập thể làm người. Qua Đức Giê-su Ki-tô – một con người cụ thể làng Nazareth và là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Thiên Chúa thân hành đến với con người để giải thoát con người khỏi ách nô lệ của sự dữ và sự chết. Bởi vì Thiên Chúa nói và hành động qua Đức Giê-su nên quyền bính đang đứng đàng sau những lời giảng dạy và việc làm đầy uy quyền của Đức Giê-su là chính Thiên Chúa. Sứ điệp mà Đức Giê-su mang đến không phải là một chương trình nghị sự nhắm đến việc cải cách xã hội nhưng để hướng niềm hy vọng của con người vào chính Thiên Chúa – Đấng duy nhất sẽ ban cho con người ơn cứu độ trọn vẹn. Hôm nay, Thiên Chúa tiếp tục công cuộc cứu độ ngang qua Giáo Hội và nhờ Giáo Hội. Người tiếp tục cứu độ thế giới ngang qua các bí tích, Người tiếp tục đến với con người qua các thừa tác viên và qua tất cả các Ki-tô hữu. Người cần đôi môi của chúng ta để Lời Tin Mừng cứu độ của Người tiếp tục được chuyển trao đến nhiều tâm hồn đang chờ đợi được lắng nghe Lời của Người. Người mời gọi chúng ta trở thành những cánh tay, những đôi chân nối dài hành động thương xót của Người đến với thế giới.

  1. Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa bước vào căn nhà nội tâm còn khép kín của chúng con và chiếu rọi ánh sáng của sự tự do và chữa lành, của niềm tin và hy vọng vào ơn cứu độ Chúa hứa ban cho chúng con. Xin cho chúng con một khi kinh nghiệm được sự can thiệp của Chúa trong cuộc đời mình, chúng con cũng sẵn sàng để được Chúa sai đi thi hành cùng một sứ vụ như Chúa Cha đã trao ban cho Chúa, là “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó”. Amen.

  1. Quyết Tâm: Ý thức sống tinh thần Năm Thánh qua việc trở thành “Những Chứng Nhân của Niềm Hy Vọng” nơi gia đình, trường học và môi trường làm việc.

Xem Thêm

Văn Kiện Chung Kết Của Đại Hội Thường Lệ...

WHĐ (05/4/2025) - Vào chiều thứ Bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024, các tham dự viên...

Peter Pan: Hội chứng người trưởng thành không muốn...

Thuật ngữ "Peter Pan Syndrome" lần đầu được đưa ra bởi nhà tâm lý học Dr. Dan...

SNLC – THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY –...

https://youtu.be/SbR0lKhQ8pY Lời Chúa Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu rằng: “Tôi là ánh sáng thế...