Tín hữu kitô cần hiểu rõ hơn về những gì họ tin

Linh mục Michel Fédou, thần học gia danh tiếng là chuyên gia về các Giáo phụ Hội Thánh. Qua thần học của các Giáo phụ này, các ngài đã chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1700 năm ngày khai mạc Công đồng Nicêa năm nay, như thế các ngài và Công đồng Nicêa đã dạy chúng ta điều gì trong năm 2025? Thực chất thần học và tín điều dùng để làm gì? Linh mục Michel Fédou trả lời cho chúng ta những câu hỏi này.

Linh mục Michel Feudo là thần học gia có tiếng trong thế giới công giáo qua các tác phẩm về các Tổ phụ của Giáo hội, các thần học gia đầu tiên của kitô giáo. Linh mục là giáo sư của phân khoa Loyola Paris – trước đây là Trung tâm Sèvres -, ngài xuất bản nhiều tác phẩm, đặc biệt là về Tổ phụ Origène, nhà chú giải Thánh Kinh và về Kitô học trong Giáo hội cổ đại, hay các giáo điều. Linh mục cũng là thành viên của Nhóm Đại kết Dombes.

Năm 2022, Linh mục nhận Giải Ratzinger danh giá cho các tác phẩm của ngài. Chúng tôi xin ngài giải thích cho chúng tôi về Công đồng Nicêa, Công đồng đầu tiên trong lịch sử mà năm nay chúng ta kỷ niệm 1700 năm ngày thành lập Công đồng. Linh mục chia sẻ tầm nhìn của ngài về sự quan trọng của thần học và ý nghĩa của các giáo điều ngày nay.

Ơn cứu độ ở trọng tâm đức tin và thần học kitô giáo. Thực chất, cứu độ là gì? Chúng ta được cứu khỏi điều gì?

Linh mục Michel Feudo: Từ cứu độ là một trong những từ được dùng trong Tân Ước, cũng như từ “giải thoát” hay “biện minh” thường dùng để nói đến đời sống được Chúa Giêsu Kitô ban cho thế giới chúng ta, cho nhân loại. Ơn cứu độ có thể hiểu theo nhiều cách. Trong Kinh Thánh, ơn cứu độ thường được hiểu như giải thoát tội lỗi hay cái chết, tất cả những gì thể hiện tính hữu hạn của thân phận con người.

Là chuyên gia am tường các Tổ phụ Giáo hội. Xin cha cho biết họ có thể giúp người tín hữu kitô sống đức tin trong bối cảnh ngày nay như thế nào?

Các Tổ phụ là chứng nhân trong những thế kỷ đầu tiên sau Tân Ước. Họ là những người đầu tiên giải thích Cựu Ước và Tân Ước, cũng như đưa ra các quyết định nền tảng cho đời sống Giáo hội. Tôi nghĩ ngày nay, các Tổ phụ vẫn có thể khai sáng đời sống đức tin cho tín hữu kitô nhờ cách các ngài đọc và suy tư về Kinh Thánh, cũng như qua phương thức các ngài đã dùng để giúp Giáo hội phân định trước các vấn đề học thuyết và mục vụ gây tranh luận, thậm chí chia rẽ Giáo hội trong những thế kỷ đầu tiên.

Tại sao phải cần đến thần học?

 Thần học chủ yếu là để hiểu đức tin, để làm sáng tỏ đức tin trước những đòi hỏi của lý trí. Điều này đặc biệt quan trọng vì hai lý do:

Thứ nhất: Kitô giáo luôn đối diện với những chất vấn từ bên ngoài. Từ thời cổ đại cho đến ngày nay, kitô giáo luôn gặp phải những phản biện đến từ các truyền thống, tín ngưỡng và triết học khác. Đối diện với những chất vấn này, Giáo hội phải đào sâu đức tin của mình. Điều này đã diễn ra ngay từ thế kỷ II, với các Giáo phụ hộ giáo nhưng đã có một cái gì kéo dài suốt lịch sử.

Thứ hai: Người tín hữu kitô cần hiểu rõ hơn về những gì họ tin. Dù không ai có thể thấu suốt hoàn toàn các mầu nhiệm đức tin, nhưng khi tìm hiểu sâu xa, chúng ta củng cố và làm phong phú thêm cho đức tin của mình. Đây là đòi hỏi nội tại của kitô giáo đã có ngay từ thời đầu: vì thế cần phải tìm ra ngôn từ phù hợp để diễn tả đức tin, qua đó có thể củng cố và đào sâu đức tin.

Những chất vấn lớn đối với kitô giáo ngày nay là gì?

Ngày nay, đặc biệt ở Tây Âu, kitô giáo gặp phải nhiều chất vấn.

Về căn tính của Đức Kitô: Nhiều người sẵn sàng công nhận Đức Giêsu là một nhân vật vĩ đại, nhưng lại khó chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Đây là một thách đố lớn mà kitô giáo phải trả lời: làm thế nào để giúp con người ngày nay không chỉ hiểu về nhân tính của Đức Kitô, mà còn hiểu về thiên tính của Ngài.

Về tính phổ quát sứ điệp kitô giáo: Đôi khi, việc khẳng định Tin Mừng dành cho tất cả mọi người bị hiểu lầm như một áp đặt.

Về các bí tích: Một số người ngày nay tìm kiếm một đời sống tâm linh mang tính trừu tượng, phi vật chất, trong khi các bí tích là những dấu chỉ hữu hình của ơn Chúa. Vì thế, cần phải cố gắng giúp họ hiểu giá trị các bí tích trong đời sống kitô hữu.

Về hình ảnh một Thiên Chúa cá vị: Một số truyền thống tâm linh Đông phương nhấn mạnh đến một Thực tại tuyệt đối vô ngã, không có dung mạo cá vị. Trong khi đó, kitô giáo, do thái giáo và hồi giáo tuyên xưng một Thiên Chúa cá vị, Đấng yêu thương con người một cách riêng tư và thân mật. Đây không chỉ là vấn đề thần học mà còn là vấn đề nhân học: liệu con người có thật sự có một giá trị bền vững hay không, hay chỉ là một ảo ảnh, như một số quan điểm triết học Đông phương cho rằng là người là diệt vong.

Công đồng Nicêa có ý nghĩa gì?

Công đồng Nicêa (325) là Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội quy tụ các Giám mục Đông phương và Tây phương. Trước đó, chỉ có các thượng hội đồng mang tính địa phương hoặc vùng miền. Công đồng này có tầm quan trọng đặc biệt vì:

Đưa ra quyết định về ngày mừng Lễ Phục Sinh, nhằm thống nhất Giáo hội. Dù sau này vẫn có những khác biệt, nhưng quyết định này có giá trị tiên tri.

Định tín về thần tính của Đức Kitô, chống lại thuyết Arius, xem Đức Kitô là một thụ tạo. Công đồng tuyên bố Đức Kitô là Thiên Chúa thật, được sinh ra chứ không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha.

Tín điều có còn quan trọng không?

Ngày nay, từ “tín điều” đôi khi mang hàm ý tiêu cực, bị xem là áp đặt, bó buộc. Tuy nhiên, tín điều chính là căn tính của kitô hữu.

Tín điều không phải là một gánh nặng, mà là kim chỉ nam giúp người tín hữu kitô xác định đâu là chân lý đức tin, đâu là những điều sai lạc. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói, tín điều có thể ví như chiếc la bàn giúp định hướng con người trong đời sống thiêng liêng.

Tín điều có thể thay đổi không?

Mặc dù nội dung đức tin vẫn giữ nguyên, nhưng sự hiểu biết của con người về đức tin có thể tiến triển theo thời gian. Một số chân lý đã được Giáo hội khám phá và xác định qua các thời đại. Ngay cả những tín điều đã được tuyên bố từ thời sơ khai cũng có thể được đào sâu thêm, nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu Kinh Thánh và thần học.

Terexa Trần Tuyết Hiền dịch

Nguồn: phanxico.vn

Xem Thêm

Chương Trình Tuần Thánh Và Phục Sinh 2025

TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG 156 Trần Phú, Tp. Đà Nẵng, Việt Nam - Đt:...

Theo Dấu Chân Thánh Phaolô Tại Rôma

Tôi đã mơ về ngày này từ lâu – một ngày được đặt chân đến những nơi...

1700 Năm Sau Công Đồng Nixê: Niềm Hy Vọng...

Ngày 20 tháng Năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 1700 năm công đồng đại kết đầu...