Tôi đã mơ về ngày này từ lâu – một ngày được đặt chân đến những nơi mà Thánh Phaolô, vị tông đồ nhiệt thành của Chúa Kitô, đã sống, đã rao giảng, đã chịu đau khổ và đã đổ máu vì Đức Tin. Và hôm nay, cùng với các chị em trong Hội dòng, tôi bước đi trên con đường cổ xưa, giữa lòng Rôma, nơi từng chứng kiến những năm tháng cuối đời của Thánh nhân.
Chuyến hành hương của chúng tôi bắt đầu từ con đường Via Appia, con đường cổ kính mà Thánh Phaolô đã từng đặt chân khi đến Rôma. Những phiến đá lát đường vẫn còn lưu dấu bánh xe của những cỗ xe ngựa La Mã xưa. Tôi tưởng tượng cảnh các Kitô hữu đầu tiên đã đi trên con đường này để ra đón Thánh Phaolô, nâng đỡ và khích lệ Ngài trong cuộc hành trình đầy thử thách. Chính nơi đây, một câu chuyện cảm động đã được truyền lại: khi Thánh Phaolô bước đi trên con đường này để vào thành, Ngài đã gặp các Kitô hữu Rôma đến đón Ngài tại Forum d’Apius. Họ đã biết về Ngài qua bức thư gửi tín hữu Rôma trước đó và muốn bày tỏ lòng yêu mến, sự kính trọng đối với vị tông đồ của dân ngoại. Tôi tự hỏi: trong đời sống truyền giáo hôm nay, chúng ta có sẵn sàng đồng hành và nâng đỡ nhau như thế không?
Từ Via Appia, chúng tôi đến viếng Hang toại đạo Thánh Calixtô, một trong những nghĩa trang Kitô giáo cổ xưa nhất và lớn nhất Rôma. Khi bước xuống những đường hầm tối và hẹp, lòng tôi trào dâng một cảm xúc đặc biệt. Nơi đây, trong bóng tối của lòng đất, các Kitô hữu tiên khởi đã chôn cất những người anh em của họ, đã tụ họp để cử hành phụng vụ, đã âm thầm giữ vững đức tin trong thời kỳ bị bách hại. Tôi dừng lại trước một hốc tường, nơi xưa kia có thể từng đặt thi thể của một vị tử đạo nào đó. Có lẽ đó là một người đã chọn cái chết để không phản bội niềm tin vào Đức Kitô, một người đã can đảm bước theo con đường mà Thánh Phaolô đã đi. Nhìn vào những bức vẽ đơn sơ trên tường, những ký hiệu như con cá, người mục tử, cây nho – những biểu tượng của niềm tin Kitô giáo thuở ban đầu – tôi nhận ra rằng đức tin không chỉ là những lời nói, mà còn là một hành động dấn thân, một sự sẵn sàng hy sinh, một con đường bước theo Thầy Chí Thánh dù có phải chịu bách hại.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với Nhà thờ Ba Suối (Tre Fontane), nơi theo truyền thống, Thánh Phaolô đã bị xử trảm. Khi đứng trước địa điểm này, lòng tôi chùng xuống. Tôi hình dung ra vị tông đồ của Chúa, bị giam cầm, bị hành hạ, nhưng vẫn giữ vững niềm tin, vẫn sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình cho Tin Mừng. Tương truyền rằng khi đầu Ngài rơi xuống đất, nó nảy lên ba lần và từ đó xuất hiện ba dòng suối. Dấu tích ấy nhắc nhớ tôi rằng ngay cả trong cái chết, Thánh Phaolô vẫn để lại dấu ấn của sự sống, của đức tin kiên cường, và của một tâm hồn không bao giờ khuất phục trước quyền lực thế gian. Tôi nhớ lại những gì Thánh Phaolô đã viết: “Vì Chúa, tôi chịu khổ đến mức mang xiềng xích như một tên tội phạm. Nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích” (2Tm 2,9). Đúng vậy, dù bị xiềng xích, dù bị bắt bớ, dù bị giết chết, Lời Chúa vẫn không bao giờ bị khuất phục. Thánh Phaolô đã để lại một di sản đức tin vững bền, một ngọn lửa không bao giờ tắt.
Rời Ba Suối, chúng tôi đến Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Nơi đây, bên dưới bàn thờ chính, là phần mộ của Thánh nhân. Tôi quỳ xuống, lòng rộn lên bao suy tư. Giữa dòng người hành hương từ khắp nơi trên thế giới, tôi cảm nhận được sự hiện diện linh thiêng của Ngài, một người đã dành trọn đời mình để rao giảng Tin Mừng, để đem ánh sáng của Đức Kitô đến cho muôn dân. Tôi nhớ lại những lời đầy xác tín của Ngài: “Tôi đã chiến đấu trong trận chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin!” (2Tm 4,7).
Hôm nay, giữa lòng Thánh Đô Rôma, trong tâm tình của người hành hương Năm Thánh đầy hy vọng, tôi tự hỏi: mình có thực sự sống trọn vẹn với ơn gọi của mình chưa? Tôi có dám bước theo Thánh Phaolô, dám hiến thân cho Tin Mừng một cách trọn vẹn chưa? Ngày hành hương này không chỉ là một chuyến đi, mà là một lời mời gọi – mời gọi tôi can đảm hơn, dấn thân hơn, yêu mến Chúa Kitô và sứ vụ truyền giáo của Ngài nhiều hơn nữa.
Tôi ra về, lòng tràn đầy lòng biết ơn. Biết ơn vì được theo dấu chân của một vị tông đồ vĩ đại. Biết ơn vì được thuộc về một Hội Dòng Chị em Thánh Phaolô vẫn tiếp tục sứ mạng của Ngài. Và biết ơn vì được nhắc nhớ rằng: hành trình đức tin không bao giờ kết thúc. Tôi sẽ mang theo những cảm xúc và suy tư này trong từng ngày sống, để tiếp tục bước đi trên con đường truyền giáo mà Chúa đã đặt để trong tim tôi.
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Lạy Chúa, xin cho con luôn mang trong tim ngọn lửa nhiệt thành của Thánh Phaolô, để con dám sống và chết cho Tin Mừng như Ngài! Amen!
Roma, 04.04.2025
Hạ Phương, SPC