“Missio Ad Gentes” – Một Sứ Vụ Có Tương Lai?

Ngồi lặng trong nguyện đường nhỏ giữa lòng Rôma, nơi ánh nến leo lét phản chiếu vào gương mặt Chúa Giêsu chịu đóng đinh, lòng con trào dâng một cảm xúc khó tả. Sau những ngày lắng nghe và suy tư cùng các chị em Nữ tu Phaolô đến từ khắp nơi trên thế giới, con cảm thấy như được chạm vào một phần rất sâu trong căn tính và ơn gọi truyền giáo của mình – ơn gọi “đi ra”, vượt qua những giới hạn để đến với anh chị em chưa biết Chúa Giêsu.

Missio Ad Gentes – một sứ vụ có tương lai?” Câu hỏi ấy vang lên trong lòng con khi cha Daniel Huang – Dòng Tên mở đầu buổi chia sẻ. Con chợt nhớ đến những buổi chiều ở các vùng truyền giáo xa xôi nơi con từng phục vụ – nơi không có tiếng chuông nhà thờ, không ai biết đến Kinh Thánh, nhưng ánh mắt bao người vẫn sáng lên khi được nghe nói về một Thiên Chúa yêu thương họ. Phải chăng đó chính là “Missio Dei” – sứ vụ của Thiên Chúa mà con chỉ là một người cộng tác bé nhỏ?

Con thấm thía lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Không phải Giáo hội có một sứ vụ, nhưng sứ vụ có một Giáo hội.” Thật vậy, con hiểu rằng mình không mang Tin Mừng đến cho người khác như người ban phát, nhưng chính Chúa Thánh Thần đã và đang hoạt động âm thầm nơi mỗi tâm hồn, nơi mọi nền văn hóa, ngay cả khi Giáo hội chưa hiện diện rõ ràng. Con chỉ được mời gọi để cộng tác, để lắng nghe, để gieo mầm Tin Mừng một cách khiêm tốn và kiên nhẫn.

Giáo hội đi ra” – cụm từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến nhiều lần trong Evangelii Gaudium chạm đến tận đáy lòng con. Một Giáo hội không ngồi yên chờ đợi, nhưng sẵn sàng “đi bước trước”, đến với “những vùng ngoại biên”, cả về địa lý lẫn tinh thần. Con chợt tự hỏi: Đâu là vùng ngoại biên mà con còn ngại chạm đến? Có phải đó là sự mệt mỏi, là nỗi sợ thất bại, là những người sống bên cạnh nhưng khác biệt niềm tin? Con thấy mình được mời gọi không ngừng “ra khỏi chính mình”, vượt qua sự thoải mái quen thuộc, để học cách sống gần gũi, để trở thành người “có mùi chiên”.

Con cũng bị đánh động bởi chiều kích của “chứng tá” mà các vị Giáo hoàng liên tục nhấn mạnh. Một chứng tá không chỉ bằng lời nói, mà là đời sống – một đời sống thấm đượm niềm vui, lòng thương xót và tình huynh đệ. Con nhớ lại ánh mắt đầy biết ơn của người mẹ trẻ ở vùng cao, khi con ngồi bên chăm sóc đứa con nhỏ của chị trong những ngày cháu hấp hối. Không có bài giảng nào, chỉ là sự hiện diện, là tình yêu. Và con tin: đó là Tin Mừng được sống.

Cuối cùng, khi suy tư về “trái tim của Tin Mừng” – về vẻ đẹp và sức hấp dẫn của Đức Kitô – con tự hỏi: Làm sao con có thể giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nếu chính con chưa thật sự bị Ngài hấp dẫn, chưa để cho Tin Mừng chạm đến và biến đổi toàn diện đời sống mình?

Con trở về từ khóa học này với trái tim được đánh động sâu sắc và một quyết tâm âm thầm: sống lại niềm đam mê loan báo Tin Mừng, bắt đầu từ chính đời sống cộng đoàn, từ những tương quan thường ngày, và từ sự hiện diện âm thầm trong sứ vụ – với tất cả niềm vui, lòng thương xót và tình huynh đệ mà Tin Mừng mời gọi.

Lạy Chúa, xin cho con trở nên “một nhánh nho truyền giáo” nhỏ bé trong vườn nho của Chúa. Dù con chỉ là một hạt bụi, nhưng xin cho đời con được dệt nên từ những hy sinh âm thầm và tình yêu chân thành, để qua đó, người ta có thể nhận ra vẻ đẹp của Đức Kitô, ánh sáng của Tin Mừng và tình yêu vô biên của Cha trên trời. Amen!

Hạ Phương, SPC

Xem Thêm

Ngọn Hải Đăng Hy Vọng Cho Trẻ Em Bị...

Học sinh tham gia Chương trình Ngày Thế giới phòng chống AIDS (Ảnh: Vatican News) Ở một đất...

Vatican Công Bố Chủ Đề Cho Ngày Thế Giới...

(Ảnh: Harvepino/Shutterstock) Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện đã công bố chủ đề do Đức...

Tuần Thánh 2025: Đức Phanxicô Đã Chuẩn Bị Các...

Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã khẳng định vào thứ Ba ngày 15 tháng Tư rằng...