1. Lời Chúa
…Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gôtha; 18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa.19 …23 Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.24 Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. 28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!”29. Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
2. Suy niệm
Trong bầu không khí tĩnh lặng và tràn đầy hy vọng của Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi dừng lại để suy niệm về những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Đặc biệt, lời Chúa nói trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Mọi sự đã hoàn tất.” Đây không chỉ là một lời tuyên bố đơn thuần, mà còn diễn tả mạnh mẽ về ý nghĩa, chiều sâu và ân sủng tuôn trào của mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh: “Niềm hy vọng không làm chúng ta phải thất vọng” (Rm 5,5).
Khi Chúa Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất,” Ngài không chỉ nói về sự hoàn thành của cuộc hành trình trần thế của Ngài. Sự hoàn tất đó chính là sự hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài đã đón nhận tất cả những khổ đau và gánh lấy cả tội lỗi của nhân loại trong sự thinh lặng thánh suốt cuộc khổ nạn của Ngài, để mang lại ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta. Trong cái chết của Ngài, chúng ta cảm nhận một dấu chỉ của tình yêu thương vô biên và lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho cả nhân loại.
“Mọi sự đã hoàn tất” chính là lời nhắc nhở cho chúng ta rằng, mặc dù cuộc sống có thể đầy rẫy những thách đố và đau khổ, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự an ủi và hy vọng trong Thiên Chúa. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho sự Phục Sinh vinh quang. Đau khổ không còn là vật cản mà trở thành lối mở dẫn chúng ta tiến về Thiên Đàng. Chúng ta xác tín rằng qua Thập Giá sẽ tới Phục Sinh vinh thắng.
3. Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho những lời cuối cùng của Chúa vang lên trong tận thẳm sâu lòng chúng con. Để chúng con nâng đỡ nhau trong tình yêu thương và cùng nhau sống mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh, hầu đời sống ơn gọi và sứ vụ của chúng con trở nên những chứng tá đích thực, mang ánh sáng hy vọng của Chúa đến với những ai đang đau khổ xung quanh.
Lạy Chúa Giêsu, qua cái chết Chúa đã mang lại sự sống, xin cho chúng con cũng biết sống cầu nguyện, hy sinh và bác ái trong ngày chay thánh này, hầu lan tỏa tình yêu và hy vọng đến mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con cảm thấu tình yêu thương của Chúa, để chúng con luôn can đảm hoàn tất ơn gọi và sứ vụ Chúa trao mỗi ngày.
4.Quyết tâm
Sống kết hợp với Chúa trong thinh lặng nguyện cầu.