Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi viễn kiến sai lầm về tình yêu

Trong bài giáo lý ngày thứ tư 16 tháng 4, Đức Phanxicô chia sẻ suy niệm của ngài về Dụ ngôn Người con hoang đàng. Trước sự ích kỷ của hai người con, người em bỏ nhà ra đi, người anh ở lại, ngài khẳng định: “Tình yêu luôn là một cam kết, luôn có một điều gì đó để mất để gặp được người kia.”

vaticannews.va, Jean-Benoỵt Harel, Vatican, 2025-04-16

Trong thời gian Đức Phanxicô còn dưỡng bệnh, Văn phòng Báo chí Tòa thánh công bố bài suy niệm của một chương mới trong chu kỳ Năm Thánh “Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta”. Ngài suy niệm Dụ ngôn Người con hoang đàng trở về qua hình ảnh và tình huống thực tế hàng ngày, buộc chúng ta tự vấn: “Tôi ở đâu trong câu chuyện này?”

Thứ tư tuần này, ngài tập trung vào dụ ngôn nổi tiếng Người con hoang đàng trở về khi người con thứ xin cha phần thừa kế, phung phí tiền bạc, sau đó trở về với cha, được cha đón nhận nồng hậu làm cho người con cả vô cùng tức giận. Thánh Luca nói rõ, dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nói với người pharisêu và các kinh sư, họ phàn nàn vì sao Chúa đến nhà của người đánh cá, những người lạc lối nhưng không biết mình lạc lối và những người xét đoán người khác.

“Chúa luôn tìm kiếm chúng ta”

Theo Đức Phanxicô, dụ ngôn này trước hết là thông điệp sâu sắc về hy vọng, vì “bất cứ khi nào, nơi nào chúng ta bị lạc, Chúa cũng luôn đi tìm chúng ta”, ngài dùng hình ảnh con chiên đi lạc vì mệt mỏi, hoặc đồng xu rơi xuống đất không bao giờ tìm thấy. Nhưng trong câu chuyện này, cả hai người con đều hư hỏng, người con thứ vì “mệt mỏi với người cha mà anh cho là quá khắt khe”, người con cả vì “kiêu hãnh và oán giận trong lòng”

“Tình yêu luôn là một cam kết, luôn có điều gì đó mất để gặp được người kia.”

Đức Phanxicô giải thích: “Người con thứ chỉ nghĩ đến mình, luôn ích kỷ. Thói ích kỷ thời thơ ấu và tuổi thiếu niên đôi khi vẫn tiếp tục cho đến tuổi trưởng thành. Những người lớn này tưởng rằng họ sẽ tìm thấy chính mình, nhưng ngược lại, họ đánh mất chính mình, vì chỉ khi chúng ta sống vì ai đó thì chúng ta mới thực sự sống.”

Một viễn cảnh sai lầm về tình yêu

Ngài nhấn mạnh: “Tình yêu là món quà quý giá, tình yêu phải được xem trọng, không như người con, luôn đi tìm tình yêu nhưng lại phung phí, làm mất giá trị của tình yêu. Với quan niệm sai lầm về tình yêu, chúng ta có khuynh hướng cầu xin tình cảm nơi người mình gặp đầu tiên và sống như người nô lệ, như phải chuộc lỗi lầm hoặc như thể tình yêu đích thực không thể tồn tại. Chỉ có người thực sự biết yêu thương mới giải thoát họ khỏi sai lầm này. Như người con thứ đói khát muốn về lại với cha để làm tôi tớ. Chỉ có tình yêu thực sự mới giải thoát chúng ta khỏi bối cảnh sai lầm về tình yêu này, như danh họa Rembrandt trong bức tranh Người con hoang đàng trở về, ông vẽ đầu người con thứ như đầu của một đứa bé, tượng trưng cho việc “đứa con này đang được tái sinh”.

Bức tranh Người con hoang đàng trở về của Rembrandt.

Sự tức giận của người con cả

Kết thúc bài suy niệm, ngài nói về thái độ của người con cả: “Anh có tâm hồn xa cách, có thể anh cũng muốn rời cha nhưng anh ở lại vì sợ hãi, vì bổn phận. Khi chúng ta làm trái ý muốn, chúng ta bắt đầu nuôi dưỡng tức giận trong lòng, sớm muộn gì nó cũng bùng nổ.”

Khi người anh không muốn ăn mừng sự trở về của người em và chia sẻ niềm vui với người cha, thì người cha đến với anh, muốn anh cảm nhận được tình yêu của mình. Hình ảnh người cha để cửa mở chính là hình ảnh Thiên Chúa “đang chờ chúng ta, Đấng nhìn thấy chúng ta từ xa và luôn để cửa mở”.

Kết thúc bài giáo lý, ngài xin các tín hữu đồng cảm với hai người con trong dụ ngôn này và xin Chúa Cha ban ơn để chúng ta có thể  tìm được đường về nhà.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: suyphanxico.vn