Bài Giảng Lễ Dầu 2025 Của Đức Thánh Cha Phanxicô: Sứ Vụ Linh Mục Là Công Trình Của Thiên Chúa

Trong bài giảng của mình, do Đức Hồng y Domenico Calcagno đọc trong Thánh lễ làm phép Dầu ngày 17/4/2025, Đức Phanxicô đã đề cập đến việc lặp lại lời hứa của các linh mục vào mỗi Thứ Năm Tuần Thánh. Ngài nhấn mạnh : « Đối với chúng ta, những linh mục, Năm Thánh là lời kêu gọi cụ thể để bắt đầu lại dưới dấu chỉ hoán cải. Những người hành hương của hy vọng, để thoát khỏi não trạng giáo sĩ trị và trở thành sứ giả của hy vọng. Chắc chắn, nếu Alpha và Omega của cuộc đời chúng ta là Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng có thể gặp phải sự chống đối mà Người đã trải qua ở Nazareth. Người mục tử yêu thương dân mình không sống để tìm kiếm sự đồng thuận và sự tán thành bằng mọi giá. Tuy nhiên, lòng trung thành của tình yêu có thể hoán cải tâm hồn, người nghèo nhận ra điều đó trước tiên, nhưng nó cũng làm người khác lo lắng và dần dần thu hút họ. » Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu « cầu nguyện cho niềm vui của các linh mục », cũng như nhắc nhở các linh mục rằng « đây là công trình của Thiên Chúa, không phải của chúng ta: mang tin mừng đến cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt, cho người bị áp bức được tự do », để « chức linh mục của chúng ta trở thành một thừa tác vụ năm thánh ».

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

 Anh em Giám mục và Linh mục thân mến,

Anh chị em thân mến!

“Anpha và Omega, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1, 8), chính là Chúa Giêsu. Đây chính là Chúa Giêsu mà Luca mô tả cho chúng ta trong hội đường Nazareth, giữa những người đã biết Người từ thời thơ ấu và giờ đây đang kinh ngạc về Người. Sự mặc khải – “apocalypse” – được đưa ra trong giới hạn của thời gian và không gian: xác thịt giống như một trụ cột nâng đỡ niềm hy vọng. Xác thịt của Chúa Giêsu và xác thịt của chúng ta. Cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh nói về niềm hy vọng này. Nó làm điều này theo một cách độc đáo, bằng cách làm tan biến mọi nỗi sợ hãi về ngày tận thế dưới ánh mặt trời của tình yêu bị đóng đinh. Trong Chúa Giêsu, cuốn sách lịch sử được mở ra và có thể đọc được.

Chúng ta, những linh mục, cũng có một lịch sử: khi làm mới lại lời hứa thụ phong linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta chỉ có thể đọc được nó nơi Chúa Giêsu thành Nazareth. “Đấng đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1, 5) cũng mở cuộn sách cuộc đời chúng ta và dạy chúng ta tìm ra những đoạn văn cho thấy ý nghĩa và sứ mạng của nó. Khi chúng ta để Chúa hướng dẫn, sứ vụ của chúng ta sẽ trở thành sứ vụ của hy vọng, vì trong mỗi câu chuyện của chúng ta, Thiên Chúa mở ra một năm thánh, nghĩa là một thời gian và một ốc đảo ân sủng. Chúng ta hãy đặt ra cho mình câu hỏi: Tôi có đang học cách đọc cuộc đời mình không? Hay là tôi sợ phải làm điều đó?

Chính toàn thể dân Chúa tìm thấy sự nghỉ ngơi khi năm thánh bắt đầu trong cuộc đời chúng ta: không phải cứ hai mươi lăm năm một lần – chúng ta hy vọng vậy! – nhưng trong sự gần gũi hằng ngày của linh mục với đoàn dân của mình, trong đó những lời ngôn sứ về công lý và hòa bình được ứng nghiệm. “Người đã làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1, 6): đây chính là dân Thiên Chúa. Vương quốc của hàng tư tế này không trùng khớp với hàng giáo sĩ. Cái “chúng ta” mà Chúa Giêsu hình thành là một dân tộc mà chúng ta không nhìn thấy biên giới của họ, mà những bức tường và những trạm thuế quan của nó đang sụp đổ. Đấng phán: “Này đây Ta đổi lại mọi sự” (Kh 21, 5) đã xé toạc bức màn che đền thờ và dành cho nhân loại một thành đô – khu vườn, là Giêrusalem mới với những cánh cửa luôn mở (Kh 21, 25). Vì thế, Chúa Giêsu đọc và dạy chúng ta đọc chức tư tế thừa tác như một sự phục vụ tinh tuyền cho dân tộc tư tế, những người sẽ sớm sống trong một thành đô không cần đền thờ.

Vì vậy, đối với chúng ta, những linh mục, Năm Thánh là lời kêu gọi cụ thể để bắt đầu lại dưới dấu chỉ hoán cải. Những người hành hương của hy vọng, để thoát khỏi não trạng giáo sĩ trị và trở thành sứ giả của hy vọng. Chắc chắn, nếu Alpha và Omega của cuộc đời chúng ta là Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng có thể gặp phải sự chống đối mà Người đã trải qua ở Nazareth. Người mục tử yêu thương dân mình không sống để tìm kiếm sự đồng thuận và sự tán thành bằng mọi giá. Tuy nhiên, lòng trung thành của tình yêu có thể hoán cải tâm hồn, người nghèo nhận ra điều đó trước tiên, nhưng nó cũng làm người khác lo lắng và dần dần thu hút họ. “Kìa […] Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! A-men!”  (Kh 1, 7).

Các bạn thân mến, chúng ta tụ họp ở đây để cùng nhau thực hiện và lặp lại câu “Đúng thế, Amen!”. Đây là lời tuyên xưng đức tin của dân Thiên Chúa: “Đúng thế, nó đúng như thế, đứng vững như đá!””. Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta sắp sống lại, là mảnh đất vững chắc nâng đỡ Giáo hội và, trong Giáo hội, nâng đỡ sứ vụ linh mục của chúng ta. Và đâu là mảnh đất này? Chúng ta không chỉ có thể đứng vững mà còn triển nở trên loại đất mùn (humus) nào? Để hiểu được điều này, cần phải quay trở lại Nazareth, như thánh Charles de Foucauld đã cảm nhận một cách đúng đắn.

“Người đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh” (Luca 4, 16). Chúng ta đã gợi lên đến ít nhất hai thói quen ở đây: thói quen năng lui tới hội đường và thói quen đọc Sách Thánh. Cuộc sống của chúng ta được nâng đỡ bởi những thói quen tốt. Chúng có thể phai nhạt, nhưng chúng cho thấy trái tim chúng ta nằm ở đâu. Trái tim của Chúa Giêsu là trái tim yêu mến Lời Chúa: khi mới mười hai tuổi, Người đã hiểu được Lời Chúa, và giờ đây, khi đã trưởng thành, Thánh Kinh chính là ngôi nhà của Người. Đây chính là mảnh đất, là đất mùn quan trọng mà chúng ta tìm thấy khi trở thành môn đệ của Người. “Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng” (Lc 4, 17). Chúa Giêsu biết Người đang tìm kiếm điều gì. Nghi lễ của hội đường đã cho phép điều này: sau khi đọc sách Torah, mỗi giáo sĩ Do Thái có thể tìm những trang của các ngôn sứ để hiện tại hóa sứ điệp. Nhưng ở đây vẫn còn điều hơn thế nữa: đó là trang viết về cuộc đời Người. Luca muốn nói như điều này: trong số nhiều lời tiên tri, Chúa Giêsu chọn lời mà Người muốn ứng nghiệm.

Anh em linh mục thân mến, mỗi người chúng ta đều có một Lời phải ứng nghiệm. Mỗi người chúng ta đều có mối quan hệ với Lời Chúa đến từ xa. Chúng ta chỉ đặt Lời đó phục vụ mọi người khi Thánh Kinh vẫn là ngôi nhà đầu tiên của chúng ta. Trong đó, mỗi chúng ta đều có những trang sách thân thiết với mình. Thật đẹp và quan trọng! Chúng ta cũng hãy giúp những người khác tìm ra những trang cuộc đời của họ: có thể là những các đôi vợ chồng, khi họ chọn các bài đọc cho lễ hôn phối của họ; hoặc những người có tang chế và đang tìm những đoạn văn để phó thác người đã khuất cho lòng thương xót của Chúa và lời cầu nguyện của cộng đồng. Nhìn chung, có một trang về ơn gọi ở đầu cuộc hành trình của mỗi người chúng ta. Qua trung gian của nó, nếu chúng ta giữ gìn nó, Thiên Chúa sẽ kêu gọi chúng ta một lần nữa để tình yêu không trở nên nguội lạnh.

Tuy nhiên, đối với mỗi người chúng ta, trang sách mà Chúa Giêsu chọn cũng rất quan trọng, và theo một cách đặc biệt nào đó. Chúng ta bước theo Người và chính vì lý do này mà chúng ta quan tâm và tham gia vào sứ mạng của Người. “Người mở sách ra, gặp đoạn chép rằng:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người” (Lc 4, 17-20).

Bây giờ mọi ánh mắt của chúng ta đều chăm chú nhìn Người. Người loan báo một năm hồng ân. Người không làm điều đó như một người đang nói về những người khác. Người nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi,” như một người biết mình đang nói đến Thần Khí nào. Và thật sự Người nói thêm: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Đó là thần linh: Lời đã trở thành hiện thực. Hành động giờ đang lên tiếng, lời nói đang được thực hiện. Đó là điều mới mẻ và mạnh mẽ. “Này đây Ta đổi lại mọi sự.” Không có ân sủng, không có Đấng Mêsia, nếu lời hứa vẫn chỉ là lời hứa, nếu chúng không trở thành hiện thực ở dưới thế này. Mọi thứ đều được biến đổi.  

Đây là Thần Khí mà chúng ta cầu xin xuống trên chức linh mục của mình: chúng ta đã lãnh nhận được Thánh Thần đó và Thánh Thần của Chúa Giêsu vẫn là nhân vật chính thầm lặng trong sự phục vụ của chúng ta. Dân Chúa cảm thấy hơi thở của Thánh Thần khi lời nói trở thành hiện thực trong chúng ta. Người nghèo, trước những người khác, trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, và thậm chí cả những người đã bị tổn thương trong mối quan hệ của họ với Giáo hội, đều có “thính giác” về Chúa Thánh Thần: họ phân biệt Ngài với các thần linh thế gian khác, họ nhận ra Ngài trong sự trùng khớp nơi chúng ta giữa lời loan báo và cuộc sống. Chúng ta có thể trở thành một lời ngôn sứ được ứng nghiệm, và điều đó thật tuyệt vời! Dầu Thánh, mà chúng ta thánh hiến hôm nay, đóng ấn mầu nhiệm biến đổi này trong những giai đoạn khác nhau của đời sống Kitô hữu. Và hãy lưu ý: đừng bao giờ nản lòng, vì đó là công trình của Thiên Chúa. Tin tưởng, vâng! Tin tưởng rằng Thiên Chúa không bao giờ thất bại với tôi! Chúa không bao giờ thất bại. Hãy nhớ lời này trong Lễ Truyền chức: “Xin Thiên Chúa hoàn tất công trình Người đã khởi sự nơi con.” Và Người đang thực hiện điều đó.

Đây là công trình của Thiên Chúa, không phải của chúng ta: mang tin mừng đến cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt, cho người bị áp bức được tự do. Chúa Giêsu đã tìm thấy đoạn văn này trong cuộn Sách Thánh, và Người tiếp tục đọc nó trong tiểu sử của mỗi người ngày nay. Trước hết, bởi vì cho đến ngày tận thế, chính Người luôn là Đấng mang tin mừng đến cho chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi ngục tù, mở mắt chúng ta, cất đi gánh nặng trên vai chúng ta. Tiếp đến bởi vì, khi kêu gọi chúng ta đến với sứ mạng của Người và tháp nhập chúng ta vào cuộc sống của Người một cách bí tích, Người cũng giải thoát người khác thông qua chúng ta. Nói chung, chúng ta không hề nhận ra điều đó. Chức linh mục của chúng ta trở thành một thừa tác vụ năm thánh, giống như của Người, không cần kèn trống: trong một sự thánh hiến không được hét lên, nhưng triệt để và nhưng không. Đây là Vương quốc Thiên Chúa, vương quốc mà các dụ ngôn nói đến, hiệu quả và kín đáo như men, thầm lặng như hạt giống. Biết bao nhiêu lần những người bé nhỏ nhận ra Vương quốc đó nơi chúng ta? Và chúng ta có khả năng nói lời cảm ơn không?

Chỉ có Chúa mới biết mùa màng bội thu đến mức nào. Chúng ta, những người thợ, trải nghiệm sự vất vả và niềm vui của mùa gặt. Chúng ta sống theo Chúa Kitô, trong thời đại thiên sai. Hãy cùng xua tan nỗi tuyệt vọng! Hoàn trả và xóa nợ; phân phối lại trách nhiệm và nguồn lực: đây là điều mà dân Thiên Chúa mong đợi. Họ muốn tham gia vào đó và, nhờ Bí tích Rửa tội, họ trở thành một dân tư tế vĩ đại. Các loại dầu chúng ta thánh hiến trong buổi cử hành trọng thể này là để an ủi và mang lại niềm vui thiên sai cho họ.

Cánh đồng, đó là thế giới. Ngôi nhà chung của chúng ta, vốn đã bị tổn thương, và tình huynh đệ nhân loại, vốn đã bị chối bỏ nhưng vẫn không thể xóa nhòa, kêu gọi chúng ta đưa ra những lựa chọn những cánh đồng này. Mùa gặt của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người: một cánh đồng sống động, trong đó nảy nở gấp trăm lần những gì được gieo trồng. Ước gì niềm vui của Vương quốc, vốn đền bù cho mọi nỗ lực, thúc đẩy chúng ta trong sứ mạng. Quả thật, người nông dân nào cũng biết đến những mùa mà họ chẳng thấy gì mọc lên. Trong cuộc sống của chúng ta cũng có một những điều như vậy. Chính Thiên Chúa làm cho mọc lên và xức dầu cho các tôi tớ Ngài bằng dầu niềm vui.

Anh chị em tín hữu thân mến, đoàn dân của hy vọng, hãy cầu nguyện hôm nay cho niềm vui của các linh mục. Ước gì sự giải thoát được hứa trong Thánh Kinh và được nuôi dưỡng bằng các bí tích đến với anh chị em. Nhiều nỗi sợ hãi đang ngự trị trong chúng ta và những bất công khủng khiếp đang bao quanh chúng ta, nhưng một thế giới mới đã ló dạng. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con của Ngài là Đức Giêsu cho chúng ta. Người xức dầu vào các vết thương và lau khô nước mắt của chúng ta. “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây” (Kh 1, 7). Người hiển trị và vinh quang đến muôn đời. Amen.

————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(Từ : vatican.va)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Xem Thêm

Xem Gì Hôm Nay?

Hằng ngày, con hay băn khoăn chọn xem gì: phim hay, bóng đá, liveshow của idol, hay...

Ngày 19 Tháng 4: Thứ Bảy Tuần Thánh

Hôm nay là ngày giúp chúng ta hiểu cách để sống với niềm hy vọng đầy tin...

Các Sứ Điệp Phục Sinh Urbi Et Orbi Của...

Vào Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Thánh Cha thường dâng Thánh Lễ Phục Sinh và ban phép...