famillechretienne.fr, Clotilde Hamon, 2024-03-29

Bài suy niệm của Linh mục Raniero Cantalamessa giảng thuyết viên Phủ Giáo hoàng về ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vatican. Trang gia đình công giáo Phỏng vấn Linh mục về một trong những mầu nhiệm lớn nhất của đức tin: Thập Giá.

Vì sao đỉnh cao của phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh là nghi thức tôn thờ thánh giá?

Linh mục Raniero Cantalamessa: Trước hết tôi xin nói về lịch sử của ngày này vì có liên quan đến nguồn gốc của nghi lễ Phục sinh. Cho đến thế kỷ thứ 3, lễ Phục sinh gồm Lễ Vọng Phục sinh ngày thứ bảy và lễ Phục sinh ngày chúa nhật. Đó là tổng hợp toàn bộ mầu nhiệm Chúa Kitô và thậm chí toàn bộ lịch sử Ơn Cứu độ. Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Hiệp định Constantinian ra đời, muốn lịch sử hóa các sự kiện trong Tam Nhật Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh để tạo ra Tuần Thánh và cuối cùng là Mùa Chay, mùa chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh. Vào thế kỷ thứ 4, bà Egeria từ Châu Âu đi hành hương đến Giêrusalem, hàng ngày bà viết nhật ký kể tất cả các nghi lễ được cử hành ở Giêrusalem tại những địa điểm và thời gian thực sự diễn ra các sự kiện và xuất bản thành sách. Sách mô tả chi tiết, đặc biệt là việc cử hành Cuộc Khổ Nạn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cao điểm là việc kính thánh giá trên đồi Canvê. Phong tục này của Giêrusalem nhanh chóng lan truyền khắp thế giới kitô giáo. Từ đó mới có phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh cũng như cấu trúc của Tam Nhật Thánh và Tuần Thánh.

Những thế hệ kitô hữu đầu tiên đã chuyển từ nỗi kinh hoàng về công cụ tra tấn này sang lòng tôn kính thánh giá như thế nào?

Chúng ta biết đóng đinh là hình phạt tàn bạo và nhục nhã nhất mà con người đã tưởng tượng ra, nó chỉ dành cho nô lệ. Ông Cicero còn nói, không nên nhắc đến cây thánh giá trước mặt một công dân La-mã. Trước hết người kết án bị đánh roi, họ phải tự mang dụng cụ trừng phạt, ít nhất là một phần, bị đóng đinh hoặc trói vào đó, và cuối cùng chết trong đau đớn khủng khiếp. Điều này càng trở nên phi thường khi vài năm sau, Thánh Phaolô nhìn nơi thập giá Chúa Kitô là lý do để ngài tự hào: “Nhưng tôi chỉ tự hào về thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gal 6:14).

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, người tín hữu kitô không làm dấu thánh giá vì thánh giá tiếp tục gây kinh hoàng cho mọi người. Đôi khi chúng ta trang trí thánh giá bằng các vòng hoa và ngôi sao nhưng không có Đấng bị đóng đinh! Trong mắt Giáo hội, thập giá mang chiều kích vũ trụ. Thập giá không còn chỉ là một giai đoạn lịch sử nhưng thập giá đã thay đổi toàn bộ lịch sử nhân loại. Nghệ thuật Byzantine và Romanesque cổ đại mô tả Chúa chịu đóng đinh với thái độ trân trọng như hàng vương giả, với tôn kính, với đôi mắt mở to hướng về thế giới. Chính Chúa Kitô của Thánh Gioan mà việc đóng đinh tượng trưng cho “tôn vinh” và báo trước chiến thắng cuối cùng của Ngài. Viễn tượng này đã tìm thấy sự tương ứng trong phụng vụ ngày lễ Tôn vinh Thánh giá 14 tháng 9. Nghệ thuật hiện đại mô tả đôi khi theo chủ nghĩa hiện thực thô thiển, như sự tra tấn tối đa, sự tập trung mọi đau khổ của con người.

Liệu chính người tín hữu kitô có nhận thức đủ mức độ Đấng Thiên Sai bị đóng đinh đã làm đảo lộn mọi suy nghĩ không? Điều gì đã xảy ra trên thập giá Chúa Kitô lại quan trọng đến mức trở thành đỉnh cao của mặc khải về Thiên Chúa hằng sống của Kinh Thánh?

Con người theo bản năng tìm Chúa ở phương diện quyền năng. Ở đây, khi mở đầu Phúc Âm, chúng ta được mời gọi suy nghĩ đến sự bất lực tuyệt đối của Thiên Chúa trên thập giá. Phúc Âm cho thấy quyền năng thực sự chính là sự bất lực hoàn toàn của Ngài ở đồi Canvê. Cần một quyết tâm để thấy, phải mất rất nhiều thời gian để bước sang một bên, để gạt mình sang một bên. Thiên Chúa chính là sức mạnh ẩn hình vô hạn! Thần học gia Henri de Lubac đã viết: “Sự mặc khải Chúa là tình yêu buộc thế giới phải nhìn lại mọi ý tưởng của mình về Chúa.” Thần học và chú giải vẫn chưa hiểu hết được các hệ quả. Một trong những hệ quả đó là: nếu Chúa Giêsu chịu đau khổ một cách tàn bạo trên thập tự giá, thì mục đích chính không phải là để trả giùm cho con người món nợ mười ngàn nén không thể trả nổi, sẽ được nhà vua tha (Phúc âm Thánh Mát-thêu (18, 21). Không, Chúa Giêsu chết bị đóng đinh là vì tình yêu của Ngài cho chúng ta. Thiên Chúa có thể đến với con người ở nơi xa nhất, nơi con người phản nghịch sa ngã, nơi của cái chết. Bây giờ cái chết được tình yêu của Ngài ngự trị.

Câu “vác thập giá mình” có nghĩa gì? Sự tham gia của chúng ta vào công cuộc cứu chuộc là những gì?

Để không nhầm lẫn về tư tưởng của Phúc Âm, chúng ta cần giải thích chính xác lời Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mt 16:24). Ý nghĩa của câu “hãy vác thập giá mình” được giải thích bằng cụm từ trước đó “từ bỏ chính mình”.

Có nghĩa chúng ta muốn dựa vào điều gì để tồn tại: vào chính chúng ta, vào khẳng định của chúng ta, vào niềm vui của chúng ta, hay ngược lại vào Chúa Kitô, hướng đến thời gian, hướng đến cõi vĩnh hằng. Sự từ bỏ không bao giờ là mục đích hay lý tưởng. Điều quan trọng nhất không phải là lời tuyên bố: “Hãy từ bỏ chính mình” nhưng là lời tuyên bố: “Nếu ai muốn theo Ta.” Nói không với mình là phương tiện, nói có với Chúa Kitô là mục đích. “Hãy vác thập giá mình mà theo Ta.” Nhưng theo Ta đi đâu?

Ở đồi Canvê? Không! Đó là bước áp chót, không phải là bước cuối cùng. Chính sự Phục sinh, chứ không phải đồi Canvê là mục đích cuối cùng Chúa Giêsu muốn ban cho những ai quyết tâm theo Ngài. Chúng ta nên nhớ điều Thánh Phaolô luôn nhắc lại: điều cứu chúng ta không phải là thập giá của chúng ta, dù nhỏ hay lớn, mà là thập giá của Chúa Kitô. Không phải việc chúng ta làm nhưng là đức tin của chúng ta. Bất cứ ai muốn có một Chúa Kitô không có thập giá sẽ thấy mình có thập giá nhưng không có Chúa Kitô, vì thập giá, dù chúng ta có chấp nhận hay không, vẫn luôn có trong đời sống của bất cứ ai. Thứ Sáu Tuần Thánh là lời mời gọi mang lại ý nghĩa và hy vọng cho thập giá của chúng ta.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn