Hình minh họa @ | © Pixabay – Laurence Villoz / Carole Pirker

Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô luôn cuốn hút sự chú ý của mọi người. Giáo sư Tân Ước Andreas Dettwiler nghiên cứu từ góc độ lịch sử về việc Chúa Giêsu bị đóng đinh và cách kitô giáo đồng hóa cái kết bi thảm của Ngài.

Vài ngày trước lễ Phục sinh, học giả Kinh Thánh và thần học gia Tin lành Andreas Dettwiler, người đang dạy học kỳ cuối trước khi về hưu tại Khoa Thần học của Đại học Geneva, giáo sư nhìn lại kết quả nghiên cứu của ông về việc Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thời Đế quốc La-mã.

Được mô tả ngắn gọn trong Phúc âm, tập tục này được dùng để loại những người bị kết án ra khỏi xã hội và để chứng minh quyền lực của La-mã. Rất nhiều phim tả cảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh như phim Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô (The Passion of the Christ, của Mel Gibson, 2004). Giáo sư chuyên gia Dettwiler giải thích các vấn đề và tác động.

Một cái chết như vậy có tầm quan trọng gì?

Giáo sư Andreas Dettwiler: Cái chết như thế rất quan trọng, vì theo tôi, đó là bằng chứng về sự tồn tại của Chúa Giêsu trong lịch sử. Thật không thể tưởng tượng kitô giáo lại có thể sáng tạo cái chết tàn bạo này sau này, vì dù sao nó cũng tạo một vấn đề quan trọng cho kitô giáo. Thật vậy, một cách diễn giải bài Do Thái và sau đó là chống Do Thái đã sai lầm khi quy trách nhiệm pháp lý và chính trị về việc đóng đinh Chúa Giêsu cho chính quyền Do Thái ở Giêrusalem và người Do Thái, điều này đã tạo hậu quả thảm khốc cho lịch sử kitô giáo. Theo tôi, hành động giết người tàn bạo này là dấu hiệu cho thấy đây là một sự kiện lịch sử. Một dấu hiệu cực kỳ mạnh mẽ cho thấy Chúa Giêsu thực sự tồn tại.

Đóng đinh có phải là một tập tục phổ biến ở thời cổ đại không?

Có, rất phổ biến trong mọi thời kỳ của Đế chế La-mã (từ năm 340 trước Công nguyên cho đến khi Đế chế La Mã sụp đổ năm 476 sau Công nguyên). Những nguồn chứng minh cho việc này rất đa dạng và rất nhiều. Dĩ nhiên các sách Phúc Âm chứng thực điều này. Lời tường thuật của Thánh Mát-thêu và Thánh Máccô kể việc Chúa Giêsu bị đóng đinh, còn tường thuật của Thánh Gioan kể cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Nhưng các tài liệu sử học, văn học phổ biến thời bấy giờ cũng nói đến việc này.

Các dòng chữ khắc bằng tiếng la-tinh hay hy lạp vho thấy khía cạnh này hay khía cạnh khác của việc đóng đinh. Cuối cùng, các nguồn khảo cổ học đã được khám phá như bình đựng hài cốt của một thanh niên Do Thái bị đóng đinh, được tìm năm 1968 tại Giêrusalem với xương gót chân bị đóng đinh. Theo tôi biết, đây là bằng chứng khảo cổ học cổ đại duy nhất về việc đóng đinh. 

Tại sao họ lại dùng hình thức giết người như thế này?

Mục đích chính của việc đóng đinh là để loại bỏ người bị đóng đinh, nhưng cũng để loại trừ họ khỏi thế giới văn minh và xóa bỏ mọi bảo vệ của luật pháp La-mã. Nơi hành quyết nằm bên ngoài thành phố, nghĩa là nằm ngoài không gian văn minh nơi luật pháp ngự trị. Đây cũng là nơi công cộng được lui tới nhiều, thường nằm ở ngã tư đường chính, được chọn để tạo chấn động và chứng minh quyền lực áp đảo của Đế chế La-mã. Người bị đóng đinh phải chịu đau đớn trong nhiều giờ.

Trong suy nghĩ chung của thời đó, đó là cái chết xấu hổ, vô nhân đạo và nhục nhã, không giống như cái chết oai hùng của người chiến sĩ ngoài chiến trường. Khi chết, người bị đóng đinh không còn kết nối với đất, không bước vào nơi ở của người chết. Họ bị cấm sống bình yên, vì xác bị treo trên thập giá cho đến khi bị thú dữ ăn thịt. Sự cắt xẻo mang tính biểu tượng tàn bạo này cho thấy đây không chỉ đơn thuần là vấn đề hủy hoại về mặt thể xác của một người, mà còn danh dự của họ, một giá trị cơ bản trong văn hóa cổ đại.

“Trong suy nghĩ chung của thời đó, đó là cái chết xấu hổ, vô nhân đạo và nhục nhã”

Địa vị pháp lý và xã hội của những người bị đóng đinh là gì?

Về cơ bản, đóng đinh bị cho là hình phạt tra tấn của người nô lệ. Họ chiếm một phần quan trọng trong xã hội La-mã và gần như họ không có quyền gì. Pater familias, người có thẩm quyền xã hội và pháp lý của một gia đình, có quyền quyết định sự sống và cái chết của gia đình đó. Nếu một nô lệ phạm tội, người ta loại bỏ họ dễ dàng bằng cách đóng đinh.

Ngoài nô lệ, công dân La-mã còn bị đóng đinh vì tội gì?

Thông thường là tội phản quốc, hoặc làm cho hòa bình của La-mã bị đe dọa, nhưng cũng có thể vì tội cướp bóc, đốt phá hoặc bắt cóc nô lệ. Có nhiều lý do để loại bỏ một người như thế này. Chúng ta đừng quên ý tưởng về một hệ thống pháp luật đối xử với mọi người bình đẳng trước thẩm phán là một ý tưởng rất hiện đại. Ý tưởng này không tồn tại ở Đế chế La-mã, nơi áp dụng logic pháp lý dựa trên giai cấp: với cùng một tội ác, người cấp cao, cấp thấp bị hình phạt khác nhau.

Các sách Phúc âm nói rất ít về thời điểm chính xác Chúa Giêsu bị đóng đinh. Như vậy chúng ta biết gì về cái chết của Ngài?

Chúng ta nên nhớ, các tác giả không quan tâm đến việc mô tả chi tiết, vì mọi người ở thời đó đều biết đóng đinh sẽ như thế nào. Họ tập trung nhiều vào cách giải thích tôn giáo. Như thế, xét về mặt lịch sử, chính quyền La-mã trong trường hợp này là Quan Tổng trấn Philatô, người được lịch sử chứng thực, ông chịu trách nhiệm chính trị và pháp lý về bản án tử hình của Chúa Giêsu. Chính ông chứ không phải chính quyền Do Thái ở Giêrusalem, người dân Giuđêa hay người Do Thái.

Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đồi Gôngôta, một mỏ đá cổ bên ngoài tường thành Giêrusalem, theo tôi, xét về mặt lịch sử, điều này hợp lý. Các câu chuyện sau đó nói về hình phạt đánh đòn, được chứng minh rõ ràng trong văn học, cũng như thời gian Ngài chịu khổ nạn. Như thế Ngài bị quan Philatô kết án tử hình sáng thứ sáu và chết tối hôm đó, trước ngày Sa-bát. Nhưng xác của Ngài không bị bỏ lại trên thập giá. Có thể nói, ngài được “đặc ân” chôn cất, như nhiều tường thuật khác nhau về Cuộc khổ nạn đã chứng thực. Nhưng cuộc điều tra của nhà sử học dừng lại ở đó, vì ông không trả lời được câu hỏi ngôi mộ của Ngài có trống hay không…

“Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đồi Gôngôta, một mỏ đá cổ bên ngoài tường thành Giêrusalem, theo tôi, xét về mặt lịch sử, điều này hợp lý.”

 

Chúng ta có biết chính xác vì sao Chúa Giêsu bị kết án tử hình không?

Ngài không bị kết tội vì lý do tôn giáo mà vì lý do chính trị, với tư cách là vua của người Do Thái, như thế Ngài là người giả danh đấng cứu thế. Và đây chính là toàn bộ vấn đề, Chúa Giêsu không hề có tham vọng chính trị. Chẳng hạn Ngài không chống nộp thuế cho người La-mã và các bài giảng của Ngài chủ trương hòa bình và đạo đức bất bạo động. Nhưng Ngài bị cho là người thách thức chính quyền La-mã. Ngài công bố thành lập vương quốc Thiên Chúa khi ngài tập hợp mười hai tông đồ, bị cho là một hình thức thách thức gián tiếp với quyền lực chính trị. Điều này cũng đúng với lời Ngài chỉ trích các con buôn ở Đền thờ Giêrusalem, họ bị Chúa Giêsu trục xuất vì đã biến nơi cầu nguyện và thờ phượng thành nơi buôn bán. Theo tôi, lời chỉ trích này đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu ở Nadarét.

Cuối cùng chúng ta có thể nói kitô giáo ra đời từ một quá trình tang tóc không?

Đúng vậy, ban đầu nó xuất phát từ quá trình tang tóc, nhưng chúng ta coi cái chết của Ngài như một giai đoạn trung gian, chúng ta cố gắng cân bằng một cách nhanh chóng bằng sự sống lại. Theo tôi, nghĩ như vậy là chúng ta chưa hiểu đầy đủ về tác động to lớn cái chết của Ngài với các cộng đồng kitô giáo đầu tiên. Thật ra quan điểm này là để vô hiệu hóa dự án tôn giáo của Chúa Giêsu: sự ra đời của Vương quốc Thiên Chúa, một vương quốc của công lý, tự do và tình yêu.

Theo quan điểm thần học, cái chết bi thảm của Chúa Giêsu có tác động như thế nào?

Kitô giáo sẽ xem xét lại suy nghĩ và cách mô tả Chúa của mình. Theo truyền thống Do thái, Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp là Chúa của lòng thương xót và công lý. Ngài là vị thần đã giải phóng dân tộc mình ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Những câu chuyện sáng lập này đánh dấu bản sắc của Do Thái giáo. Tuy nhiên, với Chúa Giêsu, Thiên Chúa của Israel phải được suy nghĩ lại qua nhân vật Chúa Kitô, người trở thành trọng tâm. Vì thế kitô giáo sẽ xem xét lại các biểu hiện truyền thống về thần thánh và sự siêu việt, vì giờ đây, Thiên Chúa gắn chặt chẽ với số mệnh của Chúa Giêsu.

Điều gì làm cho giáo sư ấn tượng về nghiên cứu này?

Tôi nhận ra, trong số hàng chục ngàn người bị đóng đinh ở thời cổ đại dài lâu này, chúng ta chỉ biết khoảng hai mươi người có tên và ký ức được lịch sử lưu giữ. Chúa Giêsu thành Nadarét không phải  là người chiến thắng, nghịch lý thay, Ngài chỉ chiến thắng sau đó, nhưng ký ức về Ngài vẫn được lưu giữ. Vì vậy, việc tôn vinh các nạn nhân trong quá khứ và hiện tại có nghĩa là chúng ta không quên họ. Nếu chúng ta quên thì chúng ta lên án họ một lần nữa. Văn hóa ký ức này rất gần với lòng tôi vì nó có chiều kích đạo đức và luân lý quan trọng.

Andreas Dettwiler, sinh ngày 16 tháng 9 năm 1960 tại Solothurn, là học giả Kinh Thánh, thần học gia Tin lành người Thụy Sĩ, giáo sư Tân Ước tại Đại học Geneva. Giáo sư nghiên cứu các Thư của Thánh Phaolô, Phúc âm Thánh Gioan và kitô giáo thời sơ khai cổ đại Hy Lạp-La Mã.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn