53873331_2146404225478990_3630844014917320704_n

I. Tóm lược lịch sử Đàng Thánh Giá

 Mỗi chiều thứ sáu, đặc biệt chiều thứ sáu tuần thánh, việc “đi đàng Thánh Giá” trở thành một phần không thể thiếu của các Kitô hữu nhiều nơi trên thế giới, và nhất là tại Việt Nam. Những chặng đường Thánh giá, mà chúng ta thấy ngày nay là hình thức đạo đức này đã bắt đầu từ rất sớm trong Giáo hội, khi các người hành hương đầu tiên được công khai tới Giêrusalem và đi theo bước chân Chúa Giêsu trong ngày thứ Sáu Tuần thánh.

Từ thế kỷ thứ IV, những người hành hương tới Giêrusalem đã đi theo một con đường định sẵn, con đường lên núi Sọ (Calavariô) của Chúa Giêsu. Ở mỗi “chặng” dừng chân, họ đọc một kinh, hát một bài thánh ca và nghe một đoạn sách Tin mừng. Lòng tôn sùng Chặng đường Thánh giá bắt đầu sốt sắng từ năm 1342 khi các tu sĩ Dòng Phanxicô được trao nhiệm vụ coi sóc các địa điểm linh thiêng nơi Đất Thánh. Từ đó lòng sùng kính này gắn liền chặt chẽ với các tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô; trong nhiều năm luật Giáo hội yêu cầu bộ tượng Đường Thánh giá khi có thể, phải được một tu sĩ Dòng Phanxicô làm phép. Vào thế kỷ XVI, con đường này chính thức được gọi là “Via Dolorosa” (Con đường thương khó) hay đơn giản là Đường Thánh Giá hoặc Các Chặng Đàng Thánh Giá.

Tranh ảnh mô tả những sự việc trong các chặng đường Thánh giá chỉ phổ biến trong các nhà thờ mãi tới năm 1686, khi Đức Giáo hoàng Innocent XI cho phép các tu sĩ Dòng Phanxicô được trưng bầy các tranh cảnh như thế trong những nhà thờ của dòng này. ĐGH cũng tuyên bố rằng tất cả những ân xá ban cho người đi viếng các nơi thánh thiêng ở Thánh Địa cũng được áp dụng cho tu sĩ Phanxicô hay giáo dân liên hệ với dòng này, khi họ viếng các chặng đường Thánh giá đặt trong thánh đường. Năm 1726 ĐGH Bênêđictô XIII mở rộng đặc ân đó cho tất cả mọi người tín hữu. Năm năm sau, Đức giáo hoàng Clementê XII cho phép tất cả mọi nhà thờ được đặt các chặng đường Thánh giá và ấn định con số là 14 chặng, áp dụng kể từ đó cho đến nay. Trong những năm gần đây, nhiều nhà thờ đã đặt thêm sự Phục sinh của Chúa làm chặng thứ 15. Năm 1742, Đức giáo hoàng Bênêđictô XIV đã đặc biệt thúc giục mọi nhà thờ nên làm phong phú thánh điện bằng các chặng đường Thánh giá.

Hai tu sĩ Dòng Phanxicô trong thời kỳ này đã hoạt động tích cực để ước nguyện của các vị giáo hoàng được phổ biến khắp nơi. Thánh Leonard thuộc Port-Maurice đã đặt các chặng đường Thánh giá tại hơn 500 nhà thờ ở nước Ý. Còn thánh Alphongsô Liugori năm 1787 đã viết ra bản kinh các chặng đường Thánh giá mà đa số chúng ta đều biết vì được dùng trong hầu hết các giáo đường vào thế kỷ XIX và XX.[1]

Trên đây là tóm lược lịch sử về sự phát triển của lòng đạo đức bình dân của việc “đi Đàng Thánh Giá”. Vào thứ Sáu Tuần Thánh năm 1991 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra bản văn Con đường Thánh giá theo Kinh Thánh; bởi vì có một số “chặng” trong Đàng Thánh giá cổ truyền không được mô tả rõ rệt theo Kinh Thánh. Tuy nhiên, việc “đi Đàng Thánh Giá” cổ truyền hiện nay tại Việt Nam vẫn rất phổ biến và chắc chắn đem lại những lợi ích thiêng liêng không hề nhỏ cho các Kitô hữu.

II. Vẻ đẹp của Đàng Thánh Giá cổ truyền

 Vẻ đẹp ở đây không chỉ dừng lại ở cái đẹp bên ngoài của các tranh ảnh, phù điêu, tượng của Đàng Thánh Giá; nhưng còn ở những lời suy niệm đơn sơ của từng chặng đàng thánh giá cổ truyền. Những lời suy niệm này xuất phát từ một tâm hồn đạo đức, thánh thiện là Thánh Anphongsô Maria de Liguori (1696-1787) – Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế. “Thánh Anphongsô là người yêu cái đẹp: một nhạc sĩ, một họa sĩ, thi sĩ và là một học giả. Ngài đặt tất cả sự sáng tạo nghệ thuật và văn chương của mình vào phục vụ sứ vụ và ngài đòi hỏi những người trong Dòng Chúa Cứu Thế cũng làm như vậy. Ngài đã viết 111 tác phẩm về linh đạo và thần học. Các tác phẩm của Anphongsô có 21.500 lần xuất bản và được dịch sang 72 ngôn ngữ, điều này cho ngài là một trong những tác giả được đọc nhiều nhất. Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất [và phổ biến dành cho lòng đạo đức bình dân] của ngài là: “Cầu Nguyện: Phương Thế Tuyệt Hảo,” “Thực Hành Tình Yêu Của Chúa Giêsu Kitô,” “Vinh quang Đức Maria” và “Viếng Thánh Thể.” Cầu nguyện, tình yêu, mối tương quan của ngài với Chúa Kitô và kinh nghiệm mục vụ thiết thực của ngài đã làm cho Anphongsô trở thành một trong những bậc thầy vĩ đại của đời sống nội tâm.”[2]

Sau đây chúng ta cùng ngẫm những lời kinh, nguyện ngắm đơn sơ này. Trước tiên là lời dẫn nhập cho 14 chặng đàng thánh giá!

1. “Song le chúng con là con chiên lạc xa đàng thì xin dâng lòng chúng con làm đàng Thánh giá mà ngắm, cùng in vào lòng những sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu,/ để mà yên ủi chúng con ở chốn khách đời này, cho ngày sau được trông cậy 14 nơi thương khó ấy,/ như bậc thang đem chúng con về thiên đàng mà hát mừng tạ ơn Đức Chúa Giêsu đời đời chẳng cùng.”;

Và nơi thứ sáu: “Xin in hình tượng Đức Chúa Giêsu vào lòng con, như in vào khăn bà Veronica/ cho con được lòng mến Đức Chúa Giêsu cho trọn.”

 Khi ngắm đàng thánh giá thì xin ơn cho được “in vào lòng sự thương khó Đức Chúa Giêsu”. “In” theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học giải nghĩa rằng: “Được giữ lại trong tâm trí bằng cách để lại một hình ảnh, dấu vết không phai mờ”. Khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, Người cũng căn dặn các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19). Thiết tưởng rằng, suy gẫm chặng đường thương khó của Chúa Giêsu cũng là một cách để “nhớ đến”, để “in” vào lòng cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Người Kitô hữu sẽ xin Chúa để cho những hình ảnh này không phai mờ, không phải là để sợ hãi, nhưng để thêm lòng yêu mến vì tình yêu Chúa quá lớn lao đã dành cho nhân loại.

2. Nơi thứ hai“Xin ban ơn cho con chịu các sự khốn khó trong bậc con, như Thánh giá Đức Chúa Trời đã định cho con phải chịu mà theo chân Đức Chúa Giêsu cho trọn.” và nơi thứ năm: “Thương ôi, nào con chiên Chúa con đâu hết, mà để Thánh giá nặng cho kẻ ngoại vác làm vậy. Xin ban ơn giúp sức cho con cùng kẻ thuộc về con được chịu mọi sự khó bằng lòng, như vác đỡ Thánh giá Đức Chúa Giêsu vậy.”

 Chúa Giêsu đã nói với tất cả chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24). Con đường thập giá là con đường Chúa đã đi, và Người mời gọi chúng ta đi cùng với Người trên con đường đó, con đường dẫn tới ơn cứu độ đời đời. Con đường này không dễ đi, không trải hoa hồng, không thảm cỏ êm chân, vì thế chúng ta xin ơn “chịu các sự khốn khó cho nên”; và các sự khốn khó ấy khác nhau ở trong mỗi bậc sống. Sẽ không có “cây thánh giá chung” cho tất cả mọi người, mỗi người có thập giá trong bậc sống của mình và nhất thiết phải trung thành mà theo chân Chúa nếu muốn hưởng ơn cứu độ đời đời.

3. Nơi thứ mười một“Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, chịu đóng đanh vào Thánh giá vì tội con, xin ban ơn cho con đóng đanh tính xác thịt con vào Thánh giá Chúa con, kẻo còn phạm tội lỗi nữa.

Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma đã nói: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,6-8). Thánh thánh Phanxicô Assisi cũng chia sẻ rằng: “Không phải ma quỷ đã đóng đinh Chúa Giêsu mà là chính bạn cùng với ma quỷ đã đóng đinh Người và còn đóng đinh Người bằng cách ham thích thói xấu và tội lỗi.” (x. Youcat 97).

“Xin đóng đanh tính xác thịt con vào Thánh giá Chúa con”, là một lời ứng đáp của con người trước tình yêu vô bờ của Chúa. Không phải để “làm vui” lòng Chúa vì cũng muốn “chịu chung” một kiểu khổ hình; nhưng là lời xin khiêm nhường vì nhận ra thân phận tội lỗi của chính bản thân mình, đồng thời ước muốn tránh xa những gì làm mất lòng Chúa.

4. Nơi thứ mười ba“Ai xem thấy hai ông thánh tháo đanh Đức Chúa Giêsu, mà đem xác xuống cách thảm thiết làm vậy mà cầm nước mắt được ru? Xin ban ơn cho con gỡ mình khỏi các tội, như tháo đanh Đức Chúa Giêsu vậy.”

 “Xin ban ơn cho con gỡ mình khỏi các tội”. Tội như những chiếc đinh đóng lỗ chỗ trong tâm hồn của chúng ta, nó tạo ra những mối dây chằng chịt trói buộc linh hồn ta khiến chúng ta rời xa Chúa. Có lời Thánh vịnh 123 gợi lên hình ảnh này: “Hồn ta tựa cánh chim thoát lưới người đánh bẫy; lưới giăng đã đứt rồi, thế là ta thoát nạn. Ta được phù hộ là nhờ danh thánh Chúa, Đấng đã dựng nên cả đất trời.” (cc.1-8)

Những lời suy niệm của Đàng Thánh Giá truyền thống đơn sơ, gợi lên những tâm tình đạo đức cao quý và nhất là giúp các tín hữu dần dần “in” sâu vào tâm hồn mình một hình ảnh Chúa Giêsu chịu đau khổ, vác thập giá, chịu đóng đinh với biết bao đau thương. Không chỉ dừng lại ở lòng thương xót về những gì Chúa Giêsu phải chịu, nhưng đi xa hơn là để cho tâm hồn mình thấm đẫm một mầu nhiệm cứu độ Thương Khó – Phục Sinh. Lời Chúa vẫn cứ nhắc nhở mỗi người chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24).

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

(Phú Túc – Thứ sáu tuần thánh 18/04/2025)

[1] Lịch sử Đàng Thánh Giá, nguồn: www.tgpsaigon.net (13/04/2025)

[2] Thánh Anphongsô – một thiên tài của thế kỷ 18, nguồn: www.dcctvn.org (16/04/2025)

Nguồn: dcctvn.org