Chứng từ của Linh mục Frederic Baldé trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày đánh dấu ngày lễ của chức linh mục, các linh mục lặp lại lời khấn ngày chịu chức. Linh mục Frederic Baldé, Giáo phận Paris, đã qua nhiều chông gai để được làm linh mục, cha bày tỏ niềm vui được làm linh mục cho Chúa Kitô. Cha làm mục vụ cho Cộng đồng Emmanuel, linh mục chánh xứ và cha sở vương cung thánh đường Thánh Tâm Balata ở Fort-de-France, Martinique.

vaticannews.va, Myriam Sandouno, Vatican, Vatican, 2025-04-17

Trong thánh lễ Truyền Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh, bài giảng của Đức Phanxicô được Hồng y Domenico Calcagno đọc: “Trong mỗi cuộc đời, Thiên Chúa mở ra một Năm Thánh, một thời gian, một ốc đảo ân sủng. Chúng ta là những linh mục, chúng ta có một lịch sử khi chúng ta lặp lại lời hứa khi chúng ta chịu chức ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta tuyên xưng chúng ta chỉ có thể đọc điều này nơi Chúa Giêsu Nadarét.”

Cha Baldé là con trai của một giáo sĩ hồi giáo người Guinea, thuộc cộng đồng Fulani, cha trở lại đạo công giáo dù gia đình không đồng ý. Trong một phỏng vấn với Vatican News, cha thảo luận về sự cải đạo của mình và ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể ngày Thứ Năm Tuần Thánh này.

Cha Frederic Baldé, Thứ Năm Tuần Thánh là ngày đặc biệt của các linh mục, họ tưởng niệm Bí tích Thánh Thể. Hôm nay cũng là ngày lễ của chức linh mục, cha đã sống khoảnh khắc này như thế nào?

Cha Frederic Baldé. Đó là niềm vui lớn lao của tôi khi tôi sống Tuần Thánh, đổi mới những cam kết mà tôi đã thực hiện khi chịu chức. Vì thế, Thứ Năm Tuần Thánh là cơ hội để tôi nhận thức được món quà vô giá Chúa ban cho tôi cho tôi dự vào hàng tư tế của Chúa Kitô, tôi thực sự sống trong lòng biết ơn. Thiên Chúa đã ban cho tôi món quà này một cách nhưng không và Ngài trung tín với món quà này cho đến cùng dù tôi bất trung, dù tôi yếu đuối nhưng tôi luôn tin cậy vào Chúa Kitô.

Là con trai của một giáo sĩ hồi giáo, cha theo đạo công giáo và đi tu. Cha xuất thân từ cộng đồng Fulani có truyền thống hồi giáo sâu đậm. Gia đình cha đón nhận tin này như thế nào?

Không tốt! Với cha mẹ tôi, đây là điều không thể, là bước thụt lùi, vì họ nghĩ hồi giáo là tôn giáo đơn thần cuối cùng được mạc khải, vậy vì sao phải theo đạo công giáo? Xét theo hoàn cảnh gia đình tôi, đây là chuyện không thể chấp nhận, vì thế đã làm tình cảm giữa cha mẹ tôi và tôi rạn nứt gần 20 năm, buộc tôi phải rời Guinea. Tôi tiếp tục con đường tu tập mà không có gia đình. Phải mất vài năm sau khi tôi chịu chức, tình cảm giữa cha mẹ tôi và tôi mới được hàn gắn lại. Vấn đề tôn giáo là chủ đề cấm kỵ.

Động lực nào thúc đẩy cha đi theo Chúa Kitô?

Điều thúc đẩy tôi theo Chúa Kitô đơn thuần là vấn đề hiệp thông với Chúa. Với đức tin kitô giáo, tôi nhận thức được khả năng này, vì nếu Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con của Ngài, không phải để phán xét thế gian, nhưng qua Con của Ngài, thế gian sẽ được cứu rỗi, chính vì vậy chúng ta mới có khả năng hiệp thông với Thiên Chúa. Từ cảm nhận này đến khi thành linh mục lại là một chuyện khác. Nhưng cũng chính tại đây tôi nhận ra mối quan tâm của dân Chúa, vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là linh mục. Một ngày nọ, một số giáo dân hỏi tôi: “Vậy bạn không muốn thành linh mục sao?” Tôi rất ngạc nhiên… Và cuối cùng, tôi nghĩ, đã đến lúc tôi phải nghiêm túc xem lại câu hỏi này, phải hỏi Chúa câu hỏi này. Dần dần, lòng tôi mở ra với câu hỏi để cuối cùng tôi có thể nghe tiếng Chúa gọi, đáp lại lời mời gọi này.

Ở giáo phận Paris, cha chịu trách nhiệm về quan hệ với hồi giáo, cha cảm thấy thế nào?

Với tôi, đây là cơ hội để giúp cho tín hữu kitô biết về hồi giáo, để họ có thể tham gia đối thoại với người hồi giáo ở bất cứ đâu, tại nơi làm việc, trong khu phố, trong trường học, v.v. Vì vậy, tôi mở nhiều khóa đào tạo để khám phá, để trình bày đức tin hồi giáo, để khi đối diện với người hồi giáo, họ có thể hiểu: người hồi giáo nghĩ gì, những điều này có ý nghĩa gì với họ, để họ có thể đối thoại. Khi chúng ta hiểu rõ người kia, chúng ta sẽ bớt sợ họ.

Điều quan trọng là phải bám chặt vào Chúa Kitô. Nếu Chúa Kitô không phải là neo giữ chúng ta, thì chúng ta sẽ không làm được. Và khi Chúa nói: “Ta không còn gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn”, chúng ta cần trải nghiệm điều này một cách sâu sắc trong lòng. Chúng ta phải là bạn thật sự của Chúa Kitô. Đây chính là điều sẽ giúp chúng ta chịu đựng được trong những lúc gian nan thử thách. “Ngài đã yêu tôi trước và hiến mạng sống vì tôi”: đó là nền tảng cho những ai muốn theo Chúa Kitô.

 Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì với cha?

Bí tích Thánh Thể luôn là cơ hội để đón nhận Chúa Kitô một cách trọn vẹn. Chính Ngài đã ban chính Ngài cho chúng ta. Việc chuẩn bị cho cuộc gặp này luôn là niềm vui dù chúng ta phải chịu thử thách trên đường đi. Bí tích Thánh Thể không chỉ là việc cử hành thánh lễ, nhưng còn là việc tôn thờ, là việc có được “trái tim Bí tích Thánh Thể”, sự tôn thờ này giúp chúng ta một cách nào đó sống trong lòng tạ ơn liên tục và có thể kinh ngạc trước tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Bởi vì khi tôi đứng trước Thánh Thể, tôi tự hỏi: chúng ta có được xứng đáng đến mức này không?

Món quà tuyệt vời của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể vô cùng to lớn đến nỗi nó chỉ có thể làm chúng ta vui mừng và giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta phải tin tưởng vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. Với Chúa, mọi sự đều có thể. Bất chấp sự yếu đuối và bất toàn của tôi, Ngài vẫn yêu tôi. Bằng cách giữ lòng trung thành, bằng cách chiến đấu vì Ngài bằng chính con người của tôi, tôi sẽ có thể chiêm ngưỡng Chúa diện đối diện.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn