Từ Thánh đô Roma, trái tim con cũng lặng đi khi nghe hồi chuông các nhà thờ đổ dài báo tin sự ra đi của Đức Thánh Cha. Sự ra đi của Người là một mất mát to lớn của Giáo hội khi Năm Thánh 2025 mới bước qua hơn một phần ba chặng đường. Riêng với con, đó còn là sự mất đi của một người cha thiêng liêng, một người cha trong đức tin, người đã khơi dậy niềm hy vọng và nhắc nhở con mỗi ngày về cội nguồn của ơn gọi tu trì của mình: lòng thương xót của Thiên Chúa.
Con nhớ lại ngày 13 tháng 3 năm 2013 – ngày Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio bước ra ban công Đền thờ Thánh Phêrô với dáng vẻ đơn sơ, cúi đầu xin cộng đoàn cầu nguyện trước khi ngài ban phép lành đầu tiên. Phép lành Urbi et Orbi hơn 12 năm về trước đã mở đầu triều đại mới của một vị mục tử đầy khiêm nhường, gần gũi, luôn hướng đến người nghèo và những ai bị gạt ra bên lề xã hội. Ngay từ giây phút ấy, ngài đã chọn khẩu hiệu cho triều đại giáo hoàng của mình: “Miserando atque eligendo” – “Xót thương và Tuyển chọn”. Cái nhìn đầy xót thương của Thiên Chúa đã biến đổi cuộc đời ngài, và ngài đã sống trọn đời mình để mang ánh nhìn thương xót ấy đến cho thế giới.
Trong Tông sắc Misericordiae Vultus – khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót (2015–2016) – ngài đã viết: “Chúng ta cần không ngừng chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót. Đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an”. Trong suốt triều đại của mình, Đức Thánh Cha không ngừng rao giảng rằng Thiên Chúa là Đấng luôn tha thứ, giàu lòng xót thương. Ngài từng nói: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Chính chúng ta mới mệt mỏi cầu xin lòng thương xót của Người.” Với con, câu nói ấy đã trở thành nguồn nâng đỡ mỗi khi con yếu đuối hay sa ngã. Nhờ lời dạy của ngài, con học được cách tin tưởng nơi Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu, và học cách mở lòng bao dung với người khác.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng không ngừng lên đường – đến với những vùng ngoại biên cả về địa lý lẫn tâm hồn. Hình ảnh ngài ôm lấy người khuyết tật, lau nước mắt cho người di dân, hay đơn giản là dừng lại lắng nghe một người hành khất, dùng bữa với những người nghèo và vô gia cư, đã trở thành biểu tượng sống động của Tin Mừng nơi trần gian. Ngài từng nói: “Tôi thích một Giáo hội bị thương tích, nhơ bẩn và tơi tả vì đã ra ngoài đường phố hơn là một Giáo hội bệnh hoạn vì khép kín”. Và chỉ chưa đầy một tuần trước đó, vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, ngài vẫn âm thầm đến thăm và rửa chân cho các tù nhân tại một trại giam ở Roma – như một dấu ấn cuối đời về một triều đại không ngừng lên đường tìm đến những ai bị lãng quên. Ngay cả khi thân xác đã mệt mỏi, trái tim mục tử của ngài vẫn thao thức vì những người ở bên lề, những người cần được chạm đến bằng lòng thương xót.
Và rồi, trong những ngày cuối cùng, dù sức khỏe đã yếu, Đức Thánh Cha vẫn hiện diện giữa cộng đoàn. Phép lành Urbi et Orbi cuối cùng ngài ban vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh 20 tháng 4 – một ngày trước khi ngài qua đời – như một món quà chia tay đầy yêu thương dành cho nhân loại. Ánh mắt ngài vẫn sáng, nụ cười vẫn hiền, bàn tay vẫn giơ lên chúc lành cho thế giới!
Sứ vụ mục tử của Đức Thánh Cha khởi đầu và kết thúc bằng việc trao ban phép lành là một minh chứng mạnh mẽ rằng sứ vụ của ngài không chỉ đến để trao ban phúc lành của Thiên Chúa cho dân thành Roma và toàn thế giới mà chính cuộc đời và sứ vụ của ngài còn là một Phúc lành mà chính Thiên Chúa trao ban cho Giáo Hội và cho nhân loại.
Với con, hình ảnh vị Cha chung muôn vàn kính yêu trên chiếc xe mui trần chậm rãi rảo qua mọi ngóc ngách của Quảng trường Thánh Phê-rô giữa những tiếng hò reo, giữa bao bàn tay vẫy chào của hàng vạn tín hữu là một hình ảnh chia tay, một lời tạm biệt thật đẹp! Dù chắc chắn không ai ngờ rằng, đó cũng là lần cuối cùng chúng ta được thấy ngài, được đón nhận cái nhìn trìu mến của vị Cha chung.
Là một người tín hữu, con cúi đầu cảm tạ Chúa vì đã ban cho thời đại chúng con một vị Giáo hoàng của lòng nhân hậu, của công lý và của tình yêu không biên giới. Những tư tưởng và chứng tá của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tục sống mãi trong tâm hồn các tín hữu, như ngọn đèn soi đường giữa thế giới đầy bất an của khói lửa chiến tranh và hận thù. Ngài từng nói: “Lòng thương xót là sự tái khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa Cha – Đấng luôn kiên nhẫn, đầy tình yêu và luôn tha thứ.” Hôm nay, con tin rằng ngài đã được diện kiến Khuôn Mặt ấy – trong niềm hoan lạc và bình an không bao giờ tắt.
Xin kính biệt Đức Thánh Cha – vị Giáo hoàng của lòng thương xót, của người nghèo, của sự gần gũi và khiêm hạ! Xin ngài tiếp tục chuyển cầu cho Giáo hội, cho thế giới đầy thương tích, và cho từng người chúng con – những người vẫn đang học cách sống yêu thương, thứ tha và dấn thân như ngài đã sống!
Maria Nguyễn Thị Phương Thanh, SPC
Nguồn: vaticannews.va