Chúa Thánh Thần tỏ cho chúng ta như thế nào.
Trong cuốn tiểu thuyết Những Cuộc Mạo Hiểm của Alice trong Thế Giới Thần Tiên của Lewis Carrol, tác giả kể câu chuyện về một cô gái trẻ bị té xuống một hang thỏ trong một thế giới ảo.
Tại một thời điểm trong câu chuyện, Alice nói: “Cố gắng chỉ vô ích, không ai có thể tin những điều không thể”. Nhưng Nữ hoàng không đồng ý với Alice, bà nói rằng: “Đôi khi tôi đã tin đến cả sáu điều không thể trước bữa điểm tâm”.
Hôm nay bạn đã tin bao nhiêu điều không thể? Logic nói với chúng ta rằng Chúa Ba Ngôi là một điều không thể – làm sao có ba ngôi vị phân biệt trong một Thiên Chúa duy nhất? Logic nói với chúng ta rằng một trinh nữ không thể thụ thai một trẻ thơ hoặc một miếng bánh mì bình thường lại trở nên thân mình của Chúa Kitô. Logic thậm chí có thể nói với chúng ta rằng thật không thể đối với việc Chúa Thánh Thần thánh thiêng, vĩnh cữu lại sống trong tâm hồn con người.
Nhưng tất cả những điểm này chỉ cho thấy những giới hạn của logic con người khi nói đến thực tại đức tin. Đơn giản, đôi khi chúng ta chỉ cần mặc lấy lời Chúa Giêsu. Thực vậy, có những lần khi Người muốn chúng ta tin vào điều không thể, vì “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 18,27). Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta hiểu và tin những chân lý mà chúng ta không thể chấp nhận nếu chỉ dựa trên căn bản lý luận.
Những Sự Biểu Lộ Quyền Năng. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã viết rằng Tin Mừng không được đặt nền tảng trên những lời lẽ thuyết phục nhưng “chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa để đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2,4-5).
Khi chúng ta suy nghĩ về những cách biểu tỏ của Chúa Thánh Thần, chúng ta thường nghĩ những điều “không thể” như các phép lạ, những dấu hiệu lạ thường và những điều kỳ lạ. Những điều này có lẽ thú vị, nhưng chúng không phải là mọi điều mà Thánh Phaolô muốn nói đến “những bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa”. Đối với Phaolô và với tất cả tông đồ, mỗi lần một người hoán cải, đó là một bằng chứng xác thực biểu tỏ của quyền năng Thiên Chúa. Chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà những tên trộm, những người gái điếm và những kẻ ngoại tình bỏ đàng tội lỗi mà quay trở về. Thật là kỳ diệu mỗi lần một giáo đoàn mới được thành lập và mọi người bắt đầu sống với nhau như anh chị em trong Chúa Kitô. Khi những người như Timothy, Priscilla và Aquila từ bỏ những công việc bình thường và dấn thân phục vụ Chúa, đó chính bởi Chúa Thánh Thần đã hoạt động. Người đã ban cho họ một tầm nhìn mới về cuộc đời của họ và họ đã đón nhận nó, với tất cả những thách đố liên quan.
Anh chị em thân mến, Chúa Thánh Thần có thể thực hiện nơi chúng ta những gì Người đã thực hiện nơi các tín hữu đầu tiên! Tất cả chúng ta đều trải nghiệm quyền năng của Người – và chúng ta có thể cho thế giới những bằng chứng xác thực về quyền năng đó. Điều đó xảy ra khi chúng ta dành thời gian ở với Chúa Giêsu và học quy phục Thánh Thần của Người. Điều đó xảy ra khi chúng ta để cho Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn chúng ta mọi lúc, giúp chúng ta thể hiện lòng nhân hậu và quảng đại của Người. Điều đó xảy ra mỗi lần chúng ta cư xử với ai đó bằng tình yêu thương và kính trọng mà Thiên Chúa dành cho họ. Điều đó xảy ra mỗi lần chúng ta để cho Chúa Giêsu dùng bàn tay và đôi chân chúng ta để gieo những hạt giống đức tin, cảm hứng và sự hiệp nhất trong giáo xứ chúng ta. Điều đó xảy ra bất cứ khi nào chúng ta đón tiếp Chúa Thánh Thần đến ở với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với ai đó hoặc khuyến khích ai đó mở lòng họ ra với Chúa.
Mầu Nhiệm về Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn nhìn thấy những hành động bình thường của lòng nhân hậu và sự phục vụ trở thành những bằng chứng xác thực về quyền năng Thiên Chúa, chúng ta cần mở lòng mình ra với những gì mà Thánh Phaolô gọi là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, được gọi là “nhiệm mầu” và “được giữ bí mật” (1 Cr 2,7). Khi chúng ta hiểu và cảm nghiệm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra chính mình được tràn đầy sức mạnh của Người. Cả hai cùng liên kết với nhau.
Vậy sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thánh Thần muốn chuyển đạt cho chúng ta là gì? Đó là sự hiểu biết mà Thiên Chúa có điều gì đó kỳ diệu dành cho những kẻ yêu mến Người (x. 1 Cr 2,9). Đó là mặc khải mà Thiên Chúa tiền định cho cuộc sống chúng ta bao gồm cả việc chúng ta được vinh hiển với Người trên thiên đàng (x. 1 Cr 2,7).
Theo Thánh Phaolô, sự khôn ngoan này chỉ đến với những người có Thánh Thần của Thiên Chúa và mở lòng mình ra với mạc khải của Thánh Thần. Đối với những người không tin và các Kitô hữu không tìm kiếm Thánh Thần, kế hoạch này là điên rồ. Hoặc nó không có ý nghĩa, hoặc nó dường như chẳng liên quan.
Chính nhờ sự tuôn tràn của Chúa Thánh Thần mà chúng ta có thể bắt đầu hiểu được các kế hoạch và mục đích của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Cũng chính nhờ những ơn ban của Thánh Thần mà chúng ta có thể đảm nhận vai trò của mình để nhận ra kế hoạch vinh quang được mở ra trong cuộc đời chúng ta. Và vì thế Thánh Thần không ngừng khuyến khích chúng ta xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Người không ngừng thúc giục chúng ta – và ban cho chúng ta khả năng để phục vụ Chúa và xây dựng Giáo Hội. Người không ngừng khuyến khích chúng ta cởi bỏ con người cũ với sự ủ rũ, giận dữ, ích kỷ và những tính xấu như thế, và mặc lấy con người mới – được đặt nền trên tình yêu, sự kiên nhẫn, lòng quảng đại và sự hiểu biết (x. Ep 4,22-24; Cl 3,5-14; Pl 3,13-16).
Theo Thánh Phaolô, “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2,11). Dường như Phaolô đang nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa – chỉ Thánh Thần mới có thể hiểu được. Nhưng trong mạch văn kế tiếp, ngài nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần “để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cr 2,12).
Nhiều Hơn Nữa! Chúa Thánh Thần muốn tỏ cho chúng ta thấy nhiều hơn nữa. Người muốn mở mắt chúng ta ra với những mầu nhiệm của Thiên Chúa và không chỉ lời hứa về sự sống đời đời. Người muốn ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để sống cuộc sống tâm linh, thánh thiện hằng ngày trong cuộc đời chúng ta, cho đến ngày cuối cùng khi Cha chúng ta đón tiếp chúng ta vào sự sống đời đời mà Người đã chuẩn bị cho chúng ta từ khi bắt đầu tạo thiên lập địa.
Vậy còn điều gì khác Thánh Thần muốn làm cho chúng ta? Người muốn hướng dẫn chúng ta và dạy dỗ chúng ta (x. Ga 14,26). Người muốn ban cho chúng ta những lời chính trực khi chúng ta cố gắng làm chứng cho Chúa (x. Lc 12,2). Người muốn “giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” (Rm 8,26) và dạy chúng ta cách cầu nguyện. Thậm chí Người muốn cầu nguyện với chúng ta. Người muốn tỏ cho chúng ta thấy rằng giao ước của Thiên Chúa với chúng ta là bền vững, rằng đó là một giao ước dựa trên tình vô điều kiện và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa (x. Dt 10,15-18).
Trên hết, Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Người muốn chúng ta tham dự với thần khí làm cho chúng ta (mạnh dạn) kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Rất thường chúng ta nghĩ Thiên Chúa là vị thẩm phán khắt khe và xa cách từ trên trời nhìn xuống, sẵn sàng kết án chúng ta vì mọi tội lỗi chúng ta đã phạm. Rất thường chúng ta thấy Người như nhân viên cảnh sát trên trời chỉ chờ có cơ hội để phạt chúng ta. Nhưng đó hoàn toàn không phải là Thiên Chúa. Quan điểm đó hoàn toàn trái ngược với cách mà Chúa Giêsu đã nói về Người. Điều đó hoàn toàn trái ngược với cách Chúa Thánh Thần đã mạc khải Người cho mọi người nam nữ qua mọi thời đại.
Cha trên trời của chúng ta yêu thương chúng ta cách sâu sắc. Thực vậy, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng không có gì có thể chia cách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người (x. Rm 8,39). Ngay cả khi chúng ta chia cách chính chúng ta khỏi Chúa khi phạm tội, Người cũng không chia cách chính mình với chúng ta. Đây là điều Chúa Thánh Thần muốn nói rõ mỗi và mọi ngày: Thiên Chúa yêu bạn! Nếu bạn nhớ chỉ một điểm trong bài viết này, hãy nhớ điều này: Chúa Thánh Thần khẳng định trong tâm hồn chúng ta rằng Thiên Chúa yêu chúng ta. Chúng ta là con cái của Người. Người luôn luôn làm việc vì ích lợi cho chúng ta.
Sánh Bước với Thánh Thần. Chúa Giêsu “được đầy Thánh Thần” (Lc 4,1). Cũng vậy, Maria, Phêrô, Stêphanô, Banaba, Phaolô và nhiều vị khác đầy Thánh Thần (Lc 1,35; Cv 4,8; 7,55; 11,24; 13,9). Và nhờ Bí tích Thêm Sức, chúng ta có thể cũng được đầy tràn Thánh Thần. Những người được đầy tràn Thánh Thần đều biết chiều cao, chiều rộng và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa (x. Ep 3,18). Họ biết rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị một nơi cho họ trên thiên đàng. Họ biết rằng ngay bây giờ, Thiên Chúa đang làm việc giúp họ qua hành trình cuộc sống. Họ biết tất cả những điều này vì Chúa Thánh Thần đã ghi ấn trong tâm hồn họ.
Điều đó nghe như không thể. Điều đó nghe không thể tin được. Điều đó quá tốt để thành sự thật. Nhưng điều này chỉ cho thấy Cha trên trời của chúng ta quảng đại và nhân từ thế nào. Thánh Phaolô nói về điều đó hay nhất: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” – Đây là những gì “chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí” (1 Cr 2,9.10).