famillechretienne.fr, Samuel Pruvot, 2025-05-06
Ngay sau khi được bầu chọn, tân giáo hoàng sẽ phải đối diện với năm vấn đề cấp bách cần giải quyết: ngoại giao, tính hiệp hành, nạn lạm dụng, sứ vụ truyền giáo, nhân học kitô giáo….
Tân giáo hoàng sẽ phải lưu tâm đến bối cảnh thời đại khi ngài kế vị Thánh Phêrô: hòa bình ở phương Tây đang bị đe dọa, căng thẳng giữa các quốc gia phương Bắc và phương Nam gia tăng.
Được bầu ngày 7 tháng 5, giáo hoàng thứ 267 chưa có sẵn một chương trình hành động cụ thể, nhưng ngài sẽ tiếp nối con đường của các vị tiền nhiệm, nhất là của Đức Phanxicô. Ngài sẽ tiếp tục các cải cách đã được khởi xướng, đặc biệt là tiến trình Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, đồng thời đối diện với những biến động quốc tế và các thách thức trong nội bộ Giáo hội.
1. Tính hiệp hành – Một tiến trình phong phú cần được bảo vệ khỏi các ý thức hệ
Tính hiệp hành gần như là một trong những chủ đề hiếm hoi đã có mặt trong chương trình nghị sự của tân giáo hoàng. Trong thời gian nằm viện, Đức Phanxicô đã công bố lịch trình của Thượng Hội đồng, kéo dài đến năm 2028. Tiến trình này, bắt đầu từ năm 2021, nhằm xem xét nhiều vấn đề như cách thức quản trị Giáo hội, sự đồng trách nhiệm giữa giáo sĩ và giáo dân. Người kế vị Đức Phanxicô hiểu các cuộc gặp trước Thượng Hội đồng là dịp để tìm hiểu những khác biệt thế hệ và quan điểm. Tổng giám mục Matthieu Rougé của Nanterre, ngài đã tham dự các kỳ họp năm 2023 và 2024 chia sẻ: “Vì thiếu thời gian, động lực hoặc khả năng đối thoại tôn trọng, một số nhóm khép kín chỉ gặp trong phạm vi riêng, không mở ra với chiều kích hiệp thông của toàn Giáo hội. Trong đời sống Giáo hội, chỉ qua chiều sâu thiêng liêng, chúng ta mới vượt qua được những căng thẳng nội bộ.”
Vậy tiến trình này có phải là điều không thể đảo ngược? Đức cha Rougé trả lời: “Tôi không nghĩ khái niệm ‘không thể đảo ngược’ phù hợp với lịch sử nói chung hay với đời sống Giáo hội nói riêng. Lịch sử Giáo hội là một hành trình sống động, có lúc tiến, lúc lùi, không thời kỳ nào được xem là chuẩn mực tuyệt đối. Tính hiệp hành mà Đức Phanxicô khởi xướng sẽ càng trở nên phong phú và đáng hy vọng nếu nó không được xem là điểm khởi đầu tuyệt đối hay một cuộc cách mạng.”
Con đường hiệp hành được Đức Phanxicô tích cực thúc đẩy thực ra đã được Đức Phaolô VI khai mở từ năm 1965. Vì vậy, tiến trình này khó có thể bị dừng lại. Tuy nhiên, giáo hoàng kế nhiệm vẫn được kỳ vọng sẽ làm rõ một số điểm, nhất là vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Vấn đề phong chức phó tế nữ chưa có kết quả vì chưa có đồng thuận. Một số người lo ngại điều này có thể dẫn đến tình trạng “anh giáo hóa” trong Giáo hội công giáo, khi các khác biệt giáo lý ngày càng rõ nét giữa các châu lục.
Tuy nhiên, theo Đức cha Rougé, những căng thẳng ấy không làm lu mờ giá trị của tiến trình hiệp hành: “Trong hai phiên họp của Thượng Hội đồng tại Rôma, tôi thực sự ấn tượng khi thấy, vượt trên những bất đồng và các toan tính ý thức hệ, mầu nhiệm của Giáo hội với vẻ đẹp, sự phong phú và chiều sâu đã âm thầm trở thành khung đúng đắn cho mọi chuyển biến mong muốn.” Dù vậy, ngài cũng nhấn mạnh: “Tính hiệp hành không phải là công thức huyền diệu. Chính sự gắn bó đích thực với Đức Kitô mới là điều có thể làm cho tính hiệp hành sinh hoa trái.”
2. Nạn lạm dụng tình dục – Cương quyết áp dụng nguyên tắc trong tinh thần giáo huấn
Khủng hoảng lạm dụng tình dục đã là chủ đề trọng tâm của mật nghị năm 2013 cũng như trong các cuộc họp tiền mật nghị. Giờ đây, tân giáo hoàng cần tiếp tục và quan trọng hơn là thực thi các nguyên tắc mà Giáo hội đã thiết lập. Đức cha Patrick Valdrini nhắc lại: “Các văn bản lên án mạnh mẽ lạm dụng tình dục và lạm dụng thiêng liêng đã có sẵn. Quyết định đã được đưa ra ở cấp cao nhất.” Vị giáo luật gia người Pháp đang sống tại Rôma ám chỉ tông thư Vos estis lux mundi ban hành năm 2019, quy định các biện pháp cụ thể để chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Ngay từ tháng 3 năm 2014, Đức Phanxicô đã thành lập Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, công việc của Ủy ban này bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi nhiều thành viên rời bỏ vì thất vọng trước sự thiếu hợp tác của Giáo triều Rôma. Tân giáo hoàng còn phải đối diện với nhiều vụ bê bối nghiêm trọng trong quá khứ, như việc toàn thể hàng giám mục Chi-lê từ chức, hay việc cách chức cựu Hồng y Theodore McCarrick, nguyên tổng giám mục Washington. Chưa kể đến những tiết lộ đau lòng liên quan đến các nhân vật nổi bật trong Giáo hội như Abbé Pierre hay cựu tu sĩ Dòng Tên Marko Rupnik.
Tân giáo hoàng cũng sẽ phải tiếp tục cuộc chiến chống nạn lạm dụng, đặc biệt tại châu Phi và châu Á. Đức cha Valdrini nhấn mạnh: “Việc thực thi các quy định sẽ gặp trở ngại vì khác biệt văn hóa. Các hội đồng giám mục tại mỗi nước sẽ phải chủ động triển khai.” Nhưng như vậy có dẫn đến tình trạng Giáo hội điều hành theo nhiều mức độ khác nhau không? Có thể sẽ không nạn nhân nào lên tiếng. Ai dám kể lại chuyện đó? Ai dám chấp nhận bị xã hội lên án? Giáo hội phải điều chỉnh cách hành động cho phù hợp với từng văn hóa, nếu một giáo hội ở châu Phi quyết định lập ủy ban điều tra như Ủy ban Ciase mong muốn, nói cách khác, sự cương quyết cần đi kèm tinh thần sư phạm. Đức cha Valdrini đề xuất: “Tân giáo hoàng có thể gửi thư mục vụ riêng cho các Giáo hội tại châu Phi và châu Á, nhấn mạnh sự cần thiết phải làm sạch nội bộ, giống như quá trình đang diễn ra ở châu Âu. Nhưng trong việc áp dụng giáo luật, luôn cần sự phân định. Tân giáo hoàng phải tự hỏi: hành động mạnh liệu có giải quyết được vấn đề, hay sẽ làm cho tình hình tệ hơn?”
Ngài tiếp tục: “Trong quá khứ, giáo luật La-tinh nhắc đến ‘prudentia’ và ‘Equitas’. ‘Equitas’ là lẽ công chính được thực thi dựa trên lợi ích của con người chứ không chỉ của tổ chức. Trong giáo luật, áp dụng nguyên tắc phải tính đến lợi ích cụ thể. Nước Pháp đã đánh mất cảm thức về công bằng, thay vào đó là quan điểm pháp lý thuần túy. Nhưng trong truyền thống Giáo hội, ‘equitas’ chính là Thiên Chúa Đấng đối xử với từng người theo công lý và lòng thương xót. Trên hết, Giáo hội cần trang bị đầy đủ khả năng để đồng hành với các nạn nhân. Giáo hội còn rất nhiều việc phải làm.”
3. Ngoại giao – Làm vang lên tiếng nói ngôn sứ của Tòa Thánh
Không thể phủ nhận: giáo hoàng là tiếng nói khác biệt và đòi hỏi trong một thế giới địa chính trị rạn nứt. Ngài được bầu chọn để loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất mà không dùng đến sức mạnh vũ lực. Đức cha Patrick Valdrini nhận định: “Chúng ta đang sống trong bối cảnh chiến tranh, các cộng đồng tự cô lập, tinh thần vì lợi ích chung đang dần biến mất. Các nhà lãnh đạo chính trị kỳ vọng rất nhiều vào vai trò của Giáo hội, điều này đã thể hiện rõ trong tang lễ Đức Phanxicô.”
Tòa Thánh vẫn giữ được sức ảnh hưởng sâu rộng. Giáo sư Guillaume Lagane, giảng viên Học viện Chính trị Paris nêu ví dụ: “Cuộc gặp chớp nhoáng giữa Tổng thống Donald Trump và Volodymyr Zelensky tại đền thờ Thánh Phêrô cho thấy Giáo hội có thể góp phần vào các xung đột quốc tế theo cách riêng. Sự kết hợp giữa khung cảnh linh thiêng, tính trang nghiêm của nơi chốn và thời điểm đã tạo nên sức nặng đặc biệt.”
Theo giáo sư Lagane, hình ảnh này đã thay thế cho hình ảnh hỗn loạn ở Nhà Trắng về mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Ukraine. Dù Tổng thống Donald Trump và Volodymyr Zelensky không phải là người công giáo, nhưng ảnh hưởng công giáo vẫn tác động trên họ. Mỹ là cường quốc có nguồn gốc tin lành, chỉ từ thập niên 1980 nước Mỹ mới có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Trớ trêu thay, hiện nay công giáo lại đóng vai trò lớn trong chính trị Hoa Kỳ. Còn Zelensky, người gốc Do Thái lãnh đạo đất nước chủ yếu theo Chính Thống giáo, cũng không thể bỏ qua cộng đồng Công giáo Đông phương nơi khơi nguồn cho chủ nghĩa dân tộc Ukraine.
Giáo hội vì thế vẫn có thể đảm nhận vai trò trung gian đối thoại. Giáo sư Lagane giải thích: “Trung gian không có nghĩa là đưa ra giải pháp, nhưng tạo điều kiện để có một đối thoại trong bối cảnh thích hợp.” Các hồng y sẽ bầu một giáo hoàng có khả năng làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe, giáo sư Lagane phân tích: “Vấn đề đặt ra hôm nay là: liệu giáo hoàng có thể định vị lập trường khi bạo lực đang trở lại thành chuẩn mực trong quan hệ quốc tế không? Staline từng mỉa mai: ‘Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?’ Nhưng Thánh Gioan Phaolô II đã khơi dậy sức mạnh tinh thần trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa cộng sản. Trước những thế lực của Nga hay của Trung Quốc, liệu Vatican còn đủ sức ảnh hưởng mềm? Tôi tin là còn.” Quả thật, cách hành xử ngoại giao của Tòa Thánh rất riêng biệt. Trong khi thế giới vận hành theo quyền lực chính trị và kinh tế, các giáo hoàng gần đây vẫn giữ vững vai trò “ngược dòng”. Điều này cũng đúng trong xung đột Israel, Palestine: “Đức Phanxicô kêu gọi hòa bình, lên án việc sát hại dân thường, nhưng vẫn giữ một lập trường đạo đức, không đưa ra giải pháp cụ thể. Vậy liệu tân giáo hoàng có thể tiến xa hơn không?” Cả thế giới đang chờ ngài dám làm điều tưởng chừng bất khả.
4. Rạn nứt về nhân học – Giữ vững sự hiệp nhất giữa Bắc và Nam bán cầu
Hơn bao giờ hết, giáo hoàng là người gìn giữ sự hiệp nhất và di sản đức tin của Giáo hội. Tuy nhiên, ngài đang đối diện với thế giới văn hóa ngày càng đối lập. Tại Bắc bán cầu, các nền tảng nhân học mang nguồn gốc Kinh Thánh, kitô giáo đang dần bị mất mát; trong khi đó, Nam bán cầu vẫn chống lại làn sóng Tây phương hóa về đạo đức và lối sống. Sự chia rẽ về địa lý và tôn giáo này đã bị khai thác như một cái cớ để biện minh cho chiến tranh, điển hình là lập luận của Matxcơva trong cuộc xung đột Ukraine. Năm 2022, Thượng phụ Kyrill từng tuyên bố dứt khoát: “Có một phép thử để chứng tỏ lòng trung thành với quyền lực phương Tây, một loại giấy thông hành dẫn vào thế giới ‘hạnh phúc’, thế giới tiêu dùng quá mức, thế giới ‘tự do’ giả tạo. Phép thử ấy là gì? Rất đơn giản, nhưng cũng thật đáng sợ: đó là các cuộc diễu hành Gay Pride của người đồng tính.”
Giáo hoàng sẽ không từ bỏ nhân học kitô giáo. Tuy vậy, ngài cần biết chọn lời và chọn thời điểm thích hợp. Một thành viên giàu kinh nghiệm của Giáo triều Rôma nhận định: “Sự rạn nứt về nhân học trước hết xảy ra ngay trong các Giáo hội với nhau: Giáo hội anh giáo, Giáo hội chính thống mà đa số tín hữu sống tại Hoa Kỳ và cả Giáo hội công giáo, như phản ứng trái chiều về tài liệu Fiducia supplicans liên quan đến việc chúc lành cho các cặp đồng tính.” Vị này nhắc lại trước kia, ranh giới chủ yếu là giữa Đông và Tây. Về sau, chiến tranh lạnh đào sâu thêm khoảng cách đó. Nhưng ngày nay, sự chia cắt diễn ra giữa Bắc và Nam toàn cầu trong đó Nam bán cầu đang phát triển nhanh hơn về mặt đức tin kitô giáo. Các tín hữu kitô tại phương Đông cũng cảm thấy không hòa hợp với lối sống đi ngược nhân học truyền thống đang lan rộng tại phương Tây.
Câu hỏi đặt ra là: giáo hoàng làm sao có thể truyền đạt cùng một thông điệp trong các bối cảnh hoàn toàn trái ngược? Vị chuyên gia giải thích: “Từ lâu đã có sự phân biệt trong vai trò tối thượng của giám mục Rôma. Ngay từ thiên niên kỷ đầu, giáo hoàng không thi hành quyền tối thượng theo cùng một cách với các Giáo hội La-tinh và Giáo hội Đông phương. Điều tương tự cũng đúng với các vùng văn hóa khác biệt như châu Phi.” Vị này nhắc lại, Hồng y Joseph Ratzinger từng lưu ý: quan niệm về quyền tối thượng thống nhất và tập trung chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XIX. “Việc điều hành Giáo hội theo mô hình đồng nhất từ Rôma không còn là hướng đi của tương lai.” Và để bảo vệ nhân học Kitô giáo, Giáo hội sẽ cần một sự cân bằng mới mang tính phân quyền trong đó các hội đồng giám mục giữ vai trò quan trọng hơn.
Dù vậy, sự rạn nứt về nhân học không phải là điều tất yếu hay cố định. Tại Hoa Kỳ, chúng ta đã chứng kiến một sự đổi chiều rõ rệt cho thấy xu hướng có thể thay đổi. “Các tín hữu Kitô tại châu Phi và Trung Đông cũng đang là nguồn động viên mạnh mẽ cho sứ mạng chứng tá đức tin. Chúng ta đang trở thành Giáo hội thiểu số tại phương Tây. Điều đó phải thôi thúc chúng ta can đảm hơn trước các thay đổi xã hội.”
5. Đáp lại khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa
Đối với tân giáo hoàng, quá trình thế tục hóa ở phương Tây vẫn là một thách thức không thể né tránh. Dù châu Âu xưa đã từ lâu không còn là đầu tàu của đức tin, tàn lửa nơi đây vẫn chưa tắt hẳn. Nhiều hồng y tham dự mật nghị vừa qua đã ấn tượng trước những gì đang diễn ra tại Pháp: công cuộc tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris và làn sóng người trẻ xin rửa tội. Dù mệt mỏi, nước Pháp vẫn là một tấm gương đáng để Giáo hội hoàn vũ suy ngẫm.
Sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thế giới thế tục hóa cũng là chủ đề chính trong bài giảng của Hồng y Ángel Fernández Artime – nguyên Phó Tổng trưởng Thánh bộ các Dòng tu và Tu hội Tông đồ – trong thánh lễ cầu hồn ngày 3 tháng 5. Ngài nhấn mạnh đến sự “vắng bóng Thiên Chúa” trong xã hội hiện đại và nhắc lại lời Đức Phanxicô từng mời gọi các tu sĩ sống như những dấu chỉ “ngôn sứ” giữa những “diễn đàn của một thế giới không còn Thiên Chúa”.
Tuy nhiên, theo Đức cha Valdrini, tiến trình thế tục hóa đang rơi vào bế tắc. “Xã hội phương Tây không ngừng phát minh ra các quyền mới, nhưng lại quên nhắc đến nghĩa vụ. Người đi tìm ý nghĩa trong xã hội thế tục đang chờ một tiếng nói khác, một tiếng nói có thể nhắc họ về bổn phận, một ngôn ngữ đạo đức đặt trên nền tảng của Đấng siêu việt.” Theo ngài, điều này sẽ mang tính quyết định với triều đại mới. “Trong Giáo hội, cộng đoàn không phải là tập hợp của những cá nhân rời rạc. Sự hiệp nhất của Giáo hội đến từ Thiên Chúa, và Giáo hội là hình ảnh cho điều Thiên Chúa mong muốn nơi toàn thể nhân loại. Tân giáo hoàng cần nhắc lại sự thật đó, đó là cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa cá nhân. Những người trẻ đang tìm đến các nhà thờ đã có những trải nghiệm nội tâm rất sâu sắc. Họ dần khám phá giá trị của cộng đoàn, của thánh lễ Chúa nhật. Chính Thánh Thể tạo nên cộng đoàn.”
Vậy giáo hoàng nên ưu tiên nói với người Công giáo, hay cố gắng để người ngoài đạo, hoặc tín hữu các tôn giáo khác, cũng có thể hiểu? Đức cha Matthieu Rougé trả lời: “Điều quan trọng là không được tách biệt điều vốn phải hiệp nhất. Loan báo Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa thật và người thật – cho người tín hữu, người dự tòng, để họ lớn lên trong đức tin; đồng thời, cũng loan báo cho những ai chưa biết Ngài, để họ được gặp gỡ Ngài. Cần tiếp tục đào sâu công cuộc đại kết, đối thoại với người Do Thái, với các tôn giáo khác và mở ra sự gặp gỡ huynh đệ với tất cả mọi người. Tính công giáo của Giáo hội được thể hiện qua tính phổ quát của sứ vụ. Trọng trách của giám mục Rôma là làm chứng và phục vụ cho sự phổ quát của Ơn cứu độ.” Một sứ vụ không thể thay thế.
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch
Nguồn: phanxico.vn