Nhà kinh tế học Jean-Yves Naudet giải thích rằng khi chọn tông hiệu Lêô, Đức tân Giáo hoàng muốn giải quyết những thách thức của vấn đề xã hội mới, như vị tiền nhiệm của ngài là Đức Lêô XIII: tố cáo bất công, lên án các giải pháp sai lầm, bảo tồn những gì phù hợp với quyền tự nhiên, cải cách những gì cần phải có.
Đức Lêô XIII
Một Giáo hoàng không bị đánh giá bởi những tuyên bố của ngài trước khi được bầu, và một triều đại giáo hoàng không bị đánh giá chỉ dựa trên những tuyên bố trong những ngày đầu tiên. Nhưng có những dấu hiệu không hề đánh lừa, và như một Hồng y dùng bữa tối với Đức tân Giáo hoàng vào buổi tối ngài được bầu, đã nhấn mạnh, “tông hiệu của ngài chính là chương trình của ngài“. Rõ ràng, người ta có thể nghĩ đến Đức Lêô Cả, nhưng tất cả đều chỉ ra rằng Đức Lêô XIV đã nghĩ đến Đức Lêô XIII.
Không bỏ lĩnh vực chính trị
Người ta đã nói nhiều về chủ đề này, nhưng không hoàn toàn như nhau. Đối với người Pháp chúng ta, Đức Lêô XIII là vị Giáo hoàng của Ralliement (Liên minh *); đối với tất cả mọi người, ngài là người sáng lập ra học thuyết xã hội. Triều đại giáo hoàng dài lâu của Đức Lêô XIII còn phong phú hơn thế nhiều, nhưng ngay cả khi chúng ta chỉ giới hạn mình vào hai yếu tố này, chúng ta vẫn có thể rút ra nhiều bài học từ đó.
Sự Liên minh với nền Cộng hòa không phải là một sự lựa chọn mang tính ý thức hệ hay chính trị. Nền Cộng hòa đã trở thành một thực tại và triển vọng khôi phục chế độ quân chủ đang xa vời; nhưng nhiều người Công giáo, gắn bó với chế độ quân chủ, đã rút lui khỏi đời sống chính trị, nhường chỗ cho những người chống giáo sĩ cứng rắn nhất. Liên Minh không muốn nói rằng người Công giáo buộc phải trở thành người theo đảng Cộng hòa, nhưng vì nền Cộng hòa đã trở thành một thực tại, nên họ không thể từ bỏ đấu trường chính trị và để lại sân chơi cho những kẻ thù duy nhất của Giáo hội. Đây là sự lựa chọn thực tế trong những hoàn cảnh cụ thể. Người Công giáo không được bỏ công việc chung như thế vào một thời điểm nhất định, và họ phải hành động, bất kể họ ở đâu, vì công ích.
Người phát ngôn cho những người không có tiếng nói
Nếu chúng ta bỏ qua trường hợp duy nhất của người Pháp, thì Đức Lêô XIII, đặc biệt với thông điệp Rerum Novarum, một thông điệp năm 1891, vị Giáo hoàng về vấn đề xã hội, người sáng lập ra học thuyết xã hội của Giáo hội. Cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra “vấn đề xã hội”, vấn đề về số phận bi thảm của người lao động. Giáo hội, nhạy cảm với số phận của những người nghèo nhất, phải lên tiếng ở cấp cao nhất trước những điều kiện xã hội bi đát và sự biến mất của các cấu trúc bảo vệ cũ, là các nghiệp đoàn. Tất nhiên, Giáo hội luôn kêu gọi người Công giáo về lòng bác ái, nhưng rõ ràng điều này là chưa đủ. Thế nhưng những trào lưu khác, chủ yếu là chủ nghĩa Marxít, đã mang lại sự phân tích, đấu tranh giai cấp, và một giải pháp, là chủ nghĩa tập thể.
Chính ở đó mà thiên tài của Đức Lêô XIII được thể hiện: tố giác mạnh mẽ những bất công và nỗi khốn khổ của người lao động, nhưng cũng lên án những giải pháp sai lầm, bảo vệ những gì phù hợp với quyền tự nhiên và cải cách những gì cần phải có. Bốn điểm này không thể tách rời. Tố cáo sự bất công là một phần vai trò của Giáo hội và Đức Giáo hoàng trở thành người phát ngôn cho những người không có tiếng nói. Đức Lêô XIII đã làm điều đó đối với vấn đề xã hội, tất cả các Giáo hoàng đều đã làm điều đó trong mọi lĩnh vực cần phải làm.
Giải pháp sai lầm của chủ nghĩa tập thể
Loại bỏ các giải pháp sai lầm. Chúng ta thường quên rằng Rerum Novarum, ngay cả trước khi đề xuất các giải pháp, đã đặt ra một vấn đề tiên quyết: loại bỏ giải pháp xã hội chủ nghĩa sai lầm về chủ nghĩa tập thể, về bãi bỏ quyền tư hữu:
“Nhưng chúng ta thấy quá rõ hậu quả khủng khiếp của hệ thống của họ: đó sẽ là sự hỗn loạn và đảo lộn của mọi tầng lớp xã hội, sự nô dịch tàn bạo và đáng ghét của công dân. Cánh cửa sẽ rộng mở cho sự đố kỵ lẫn nhau, cho những thủ đoạn vu khống, cho sự bất hòa. Tài năng và óc sáng kiến cá nhân bị tước mất sự khích lệ, của cải, do hậu quả tất yếu, sẽ bị cạn kiệt ngay từ nguồn gốc của nó. Cuối cùng, trên thực tế, huyền thoại được ấp ủ rất nhiều về sự bình đẳng sẽ không là gì khác ngoài việc hoàn toàn cào bằng tất cả mọi người thành một cảnh khốn cùng chung và một sự tầm thường chung” (RN, 12-1).
Những lời ngôn sứ khi chúng ta biết những gì chế độ tập thể đã tạo ra. Nhưng như thế, khi đối mặt với vấn đề xã hội, liệu có cần thiết phải lên án toàn bộ hệ thống hiện hành hay không? Ngược lại, Đức Lêô XIII bảo vệ quyền tư hữu: “Hãy xác định rõ điều này: nguyên tắc đầu tiên mà việc chấn hưng các tầng lớp thấp hơn phải dựa vào là tính bất khả xâm phạm của quyền tư hữu” (RN, 12-2). Bởi vì quyền sở hữu phù hợp với luật tự nhiên và con người được tạo dựng như thế để tư tưởng làm việc trên mảnh đất của riêng mình sẽ làm tăng nhiệt huyết làm việc lên gấp mười lần.
Cải cách hệ thống
Vậy thì phải làm gì? Cải cách hệ thống. Cung cấp mức lương công bằng, để cho phép mỗi người tiếp cận được với mục đích chung của của cải, và, nếu điều đó vẫn chưa đủ, hãy phát huy tình liên đới, được coi là nghĩa vụ cấp thiết đối với mỗi người; cho phép người lao động liên kết với nhau, để bảo vệ mình (tự do công đoàn); làm cho lao động và vốn hợp tác với nhau, thay vì đối lập nhau; trao toàn bộ vị trí của mình cho các cơ quan trung gian; chấp nhận sự can thiệp vừa phải của Nhà nước khi cần thiết, theo nguyên tắc bổ trợ mà một trong những người kế nhiệm ngài, Đức Piô XI, đã phát triển.
Chúng ta không còn ở năm 1891 nữa. Vấn đề xã hội đã trở nên toàn cầu, với sự kém phát triển của một bộ phận thế giới; ngành công nghiệp đã nhường chỗ cho các dịch vụ; những người bị loại trừ rất nhiều, bất chấp một Nhà nước bảo trợ quá vô cảm và xa cách; sự ích kỷ của các quốc gia quay trở lại với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ; cuộc cách mạng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo sẽ đảo lộn nền kinh tế. Tất cả những điều này sẽ dẫn tới những biến động về kinh tế làm mới mẻ vấn đề xã hội. Bằng cách chọn tông hiệu Lêô, Đức tân Giáo hoàng muốn giải quyết những thách thức mới này, như người tiền nhiệm của mình: tố cáo sự bất công, lên án các giải pháp sai lầm, bảo tồn những gì phù hợp với quyền tự nhiên, cải cách những gì cần phải có. Nhưng với cùng tinh thần như Đức Lêô XIII, vì Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ, và do đó, với tư cách là môn đệ của Chúa Kitô, bằng cách hành động vì tình yêu thương anh chị em mình và với tư cách là những nhà thừa sai của Tin Mừng.
Jean-Yves Naudet
—————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(Theo : Aleteia)
Nguồn: xuanbichvietnam.net
———————————————
(*) Ralliement ám chỉ chính sách được một số người Công giáo ở Pháp áp dụng để ủng hộ Đệ tam Cộng hòa Pháp sau khi Đức Giáo hoàng Lêô XIII công bố thông điệp Au milieu des sollicitudes vào ngày 16 tháng 2 năm 1892. Những người ủng hộ lập trường này được gọi là Ralliés (Người Công giáo liên minh).