- Lời Chúa
Đức Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”
Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.
- Suy niệm
Được hiểu biết Thiên Chúa và được chiêm ngưỡng tôn nhan Ngài là nguyên lý nền tảng cuộc sống con người. Đây chính là khát vọng thâm sâu nhất của con người mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Philiphê, một trong nhóm tông đồ đã xin Chúa Giêsu tỏ cho biết về Thiên Chúa; và Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9)
Thiên Chúa là Tình yêu. Vì yêu thương, Ngài đã tạo dựng con người và dần mạc khải chính mình qua dòng lịch sử, đặc biệt trong dân Israel. Mặc khải là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, nơi Đức Kitô là Mặc Khải đạt đến viên mãn và trọn vẹn của Thiên Chúa: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Người phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt1,1-2).
Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã thực sự viếng thăm dân Người theo một cách thức vượt quá mọi mong đợi: Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình nơi Con Một Ngài. Thiên Chúa thực sự muốn cho con người nhìn thấy chính Ngài, cảm nhận được tình yêu của Ngài bằng tất cả giác quan nhân loại và được hiệp thông với Ngài cách trọn vẹn. Qua đời sống công khai của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã bộc lộ tất cả lòng thương xót, cứu độ của Ngài; nơi đó, mọi người có thể nhận được tình yêu thương quan phòng, ơn hòa giải, thứ tha. Với biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã Mặc khải tình yêu cứu độ của Ngài cách trọn vẹn, sung mãn. Quả thật, Đức Kitô chính là Đấng “Emmanuel” – Thiên Chúa ở cùng nhân loại trong chính Con Một Ngài.
Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa tỏ lộ cho con người thấy ơn gọi cao quý của mình và con người nhận ra phẩm giá của mình khi được sống trong tình hiệp thông với Chúa. Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 22 đã viết: “Đức Kitô không những Mặc Khải Thiên Chúa cho con người mà còn Mặc Khải con người cho con người nữa”. Nơi Ngài, con người tìm được lẽ sống và hy vọng đích thực cho chính mình.
- Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô mến yêu, tạ ơn Chúa đã chấp nhận từ bỏ ngai vị của một vị Thiên Chúa để đến ở cùng nhân loại chúng con. Nhờ đó, chúng con cảm nhận một Thiên Chúa đã đi đến tận cùng của tình yêu: Tình yêu trao ban chính mình cho con người. Một tình yêu tự hủy khởi đi từ Mầu Nhiệm Nhập Thể và hoàn tất trên đồi Canvê. Nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa, chúng con được giao hòa với Thiên Chúa Cha và bước đi trong hy vọng: Hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời trong nhà Cha yêu thương.
Xin cho chúng con là những người mang danh Kitô hữu, bằng đời sống Tin-Cậy-Mến được cắm rễ trong mầu nhiệm Cứu Độ của Chúa, biết nỗ lực từng ngày để tỏ lộ dung mạo một Thiên Chúa tình yêu cho tất cả những ai chúng con gặp gỡ, đồng thời biết can đảm thắp lên niềm hy vọng vĩnh cửu trong lòng của những ai đang âu sầu thất vọng vì phải đối mặt với những đau thương trong cuộc sống. Amen.
- Quyết tâm
Tìm đến với một người cần được nâng đỡ, ủi an.