Đức Lêô XIV trong buổi tiếp kiến với các đại diện truyền thông tại Hội trường Phaolô VI, Vatican, ngày 12 tháng 5 năm 2025. Ảnh: Tiziana FABI / AFP
“Tầm nhìn của Đức Lêô được định hình bởi Đức Phanxicô, Dòng Augustinô, Peru và tình hình ở Rôma.”
Các kỳ vọng của Đông Á đối với Đức Lêô XIV rất cao, bao gồm việc xem lại thỏa thuận năm 2018 giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, thúc đẩy các cuộc thương thuyết hòa bình tại Myanmar và khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Đức Phanxicô đã đặt nền móng cho danh sách các mong chờ này khi ngài đến thăm Đông Nam Á vào các năm 2023 và 2024, ngài đã đến những nơi xa xôi như Vanimo (Papua Tân Ghinê), tại đây ngài đã lên tiếng mạnh mẽ đến nhiều vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, một số quan sát viên của Giáo hội, đặc biệt các học giả, nhà phân tích và thần học gia cho rằng Đức Lêô sẽ đi theo con đường riêng của ngài, xây dựng chương trình nghị sự dựa trên kinh nghiệm tại Peru và việc ngài được đào tạo theo linh đạo Dòng Thánh Augustinô. Các nhà quan sát cho rằng những kinh nghiệm này sẽ định hình mối quan hệ của Vatican với các nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất Bắc Nam dưới chế độ cộng sản, Hà Nội hy vọng chuyến tông du đã lên kế hoạch từ trước sẽ được thực hiện, mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh.
Ông Simon Hồ Anh Hiền, lãnh đạo giáo dân tại Tổng Giáo phận Huế cho biết: “Đức Lêô là người xây cầu giữa chính phủ cộng sản và Vatican, Chúng tôi mong ngài sớm đến thăm Việt Nam.”
Việc bình thường hóa quan hệ với Vatican sẽ hoàn tất tiến trình hội nhập ngoại giao của Hà Nội kể từ năm 1975 khi hai miền Bắc Nam thống nhất. Ông Hiền cho rằng cần có không gian rộng hơn để người công giáo được tự do sống đức tin và dấn thân phục vụ cho lợi ích xã hội. Ông ca ngợi sự đóng góp của người công giáo Việt Nam trong lãnh vực đức tin và dấn thân phục vụ công ích.
Năm ngoái, Vatican đã có những bước đi đáng kể như bổ nhiệm đại diện thường trú đầu tiên, chuyến đi của Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher Ngoại trưởng Tòa Thánh. Điều này đã làm cho nhiều người nghĩ Đức Phanxicô sẽ đến thăm Việt Nam, nhưng do biến động nhân sự tại Hà Nội, Việt Nam đã không có trong lộ trình tông du Đông Nam Á cuối năm 2024 của ngài. Nền tảng để cải thiện mối quan hệ song phương là khả năng thương thảo của Vatican trong việc lựa chọn giám mục tại Việt Nam.
Vi phạm từ phía Trung Quốc
Theo các nhà phân tích, hình thức ngoại giao này có thể là mô hình hữu ích để cải thiện quan hệ với Trung Quốc khi các quan hệ với Vatican bị cắt đứt sau khi cộng sản lên nắm chính quyền năm 1949. Bắc Kinh bị cáo buộc nhiều lần vi phạm thỏa thuận năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục qua Giáo hội công lập.
Tháng trước, Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) đã bổ nhiệm hai giám mục trong thời gian trống tòa sau khi Đức Phanxicô qua đời ngày 21 tháng 4, nhưng bổ nhiệm này không thể được Vatican phê chuẩn.
Bà Maya Wang Phó giám đốc phụ trách Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của Trung Quốc xin Đức Lêô xem lại thỏa thuận năm 2018, gây áp lực buộc Bắc Kinh chấm dứt đàn áp các giáo hội hầm trú, các giáo sĩ và giáo dân không chấp nhận Hiệp hội Công giáo Yêu nước, họ đòi trả tự do cho các tín hữu đã bị bắt. Có khoảng 12 triệu tín hữu công giáo ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc luôn cản trở việc giữ đạo tại các nhà thờ thuộc Hiệp hội Công giáo Yêu nước, đàn áp giáo dân dự thánh lễ tại gia, những người hoạt động ngầm và trung thành với Giáo hoàng.
Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, hai bên đã đồng ý bổ nhiệm 10 giám mục cho khoảng 1/3 của hơn 90 giáo phận đang thiếu giám mục ở Trung Quốc. Bà Wang cho biết, Vatican chưa bao giờ thực thi quyền phủ quyết dù Trung Quốc đã tự ý bổ nhiệm giám mục trong các năm 2022 và 2023, sau đó các bổ nhiệm này đã được Đức Phanxicô chấp nhận.
Bà cũng xin Đức Lêô thúc ép Trung Quốc trả tự do cho các linh mục bị giam giữ và công bố thông tin về những người bị “cưỡng bức mất tích” hoặc bị quản thúc tại gia hay sách nhiễu dưới nhiều hình thức.
Theo Viện Hudson, trong số những người bị giam giữ có các giám mục: Giacôbê Tô Chí Dân, Augustinô Cui Tai, Giulio Giả Trí Quốc, Giuse Trương Duy Chu, Phêrô Thiệu Chúc Dân và Tađêô Mã Đại Khâm.
Ngoài ra, bà cho biết chính quyền thường xuyên đột kích các nhà thờ hầm trú, phá hủy hàng trăm nhà thờ, tháo gỡ thánh giá, tịch thu và cấm lưu hành Kinh Thánh cùng tài liệu tôn giáo.
Lo ngại cho Myanmar
Một số nhà hoạt động nhân quyền khác như ông Charles Santiago thuộc Mạng lưới Nghị sĩ ASEAN vì Nhân quyền cho rằng Đức Lêô nên quan tâm đến Myanmar, nơi đẫm máu thứ ba trên thế giới, sau Israel, Palestine và Ukraina.
Theo ông Santiago, đối thoại với Trung Quốc đồng minh chính của chính quyền quân sự Myanmar cùng với Nga – sẽ có ích vì Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng nội chiến và quân đội mất kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Ông nói với hãng tin UCA News: “Quan hệ Trung Quốc – Vatican không tốt đẹp, nhưng Đức Lêô có thể kêu gọi Trung Quốc có trách nhiệm hơn với Myanmar. Đây là một đòi hỏi lớn nhưng ngài có thể làm được.”
Tiến sĩ Joel Hodge, Trưởng phân khoa Thần học Đại học Công giáo Úc Melbourne cho biết Đức Lêô mong muốn có một hòa bình thực sự và lâu dài tại Myanmar: “Về Myanmar, rõ ràng hòa bình là một chủ đề lớn, và theo một cách riêng. Ngài đã nói điều này khi ngài đề cập đến Ukraina, Gaza và Israel. Như thế sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến Myanmar. Kinh nghiệm của ngài ở Peru, các nước Nam bán cầu và chức vụ Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô sẽ là những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ cho triều của ngài. Ngài đã đi nhiều nơi trên thế giới, Châu Á, Úc và Đông Nam Á. Ngài hiểu vùng đất này và lo âu của người dân ở đây, cũng như tầm quan trọng của Châu Á trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.”
Về thỏa thuận năm 2018 với Trung Quốc, ông Hodge nói: “Đó là một vấn đề lớn và vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, việc ngài từng là thành viên của triều Đức Phanxicô cho thấy có khả năng ngài sẽ tiếp nối, nhưng theo hình thức nào thì chúng ta còn chờ xem.”
“Dọn dẹp những xáo trộn” ở Vatican
Dù quan hệ với Việt Nam đang thuận lợi, ông Hodge cho rằng vẫn cần chờ xem liệu Đức Lêô có đến thăm Việt Nam hay không. Cách Đức Lêô tiếp tục chương trình nghị sự tại Châu Á đã được Đức Phanxicô, tu sĩ Dòng Tên khởi xướng có thể sẽ phụ thuộc vào sự khác biệt trong linh đạo của hai Dòng tu.
Dòng Augustinô thiên về đời sống cầu nguyện, chiêm niệm, cộng đoàn và quản trị. Dòng Tên ưu tiên giáo dục và công lý xã hội, thường được biết đến như những nhà truyền giáo mạo hiểm, không trực tiếp tuân phục hoàn toàn.
Theo giáo sư James Rooney – Phó giáo sư Triết tại Đại học Baptist Hồng Kông – Đức Lêô còn nhiều vấn đề cấp bách tại Rôma và những hành động tiếp theo của ngài sẽ phản ánh thời gian ngài làm Bề trên Dòng Augustinô: “Ngài là ứng viên đồng thuận giữa các phe bảo thủ và trung dung. Tôi nghĩ ngài sẽ cởi mở với việc hợp tác với Châu Á, nhất là khi nhìn vào các nỗ lực của ngài tại Peru.”
Giáo sư liệt kê một loạt thách thức ngay trước mắt, hệ quả của 12 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô: “Nhiều người cho rằng Roma đang trong tình trạng hỗn loạn, thiếu luật lệ, phát biểu thần học gây tranh cãi, cách lãnh đạo áp đặt, thiếu sự hiệp thông với các giám mục và hồng y toàn cầu. Đức Phanxicô để lại tình trạng tài chính ngày càng rối ren, nợ nần chồng chất và gần như khó có thể cứu vãn. Đó là những vấn đề đòi hỏi Đức Lêô phải giải quyết khẩn cấp. Ngài có một mớ hỗn độn phải dọn dẹp và đó là sứ mạng của ngài.”
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch
Nguồn: phanxico.vn