firstthings.com, Thomas Joseph White, 2025-05-13

Chúng ta đang ở những ngày đầu của triều Đức Lêô XIV. Không ai tiên đoán điều gì sẽ xảy ra với triều của ngài, chắc chắn ngài và các cộng sự của ngài sẽ quyết định những gì phải làm. Nhưng mỗi triều giáo hoàng đều kế thừa các công việc của những Giáo hoàng tiền nhiệm và thêm vào các điều  mới. Quan trọng, mỗi triều giáo hoàng đều có sự hợp tác của giáo dân vào sứ vụ của các ngài và được thống nhất bởi những lý tưởng chung. Vì vậy, dù vẫn còn sớm, nhưng đây cũng là thời điểm thích hợp để đưa ra một số mong chờ với triều Đức Lêô qua con đường của Đức Lêô XIII và Thông điệp Tân sự Rerum Novarum.

Trong những năm gần đây, Giáo hội công giáo đã qua ba triều giáo hoàng: Giáo hoàng Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Giáo hoàng Phanxicô. Mỗi ngài đều có phong cách xuất sắc riêng, ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của giáo dân. Các ngài có những hạn chế không thể tránh khỏi của con người, nhưng các hạn chế này luôn ở trong lòng thương xót Chúa. Sự ổn định qua thời gian không phụ thuộc vào sức mạnh của con người nhưng là ơn của Chúa, để thấy nơi Thánh Phêrô nguyên tắc về sự hiệp nhất giáo lý và là tiêu chuẩn của sự hiệp thông phổ quát được tình yêu đích thực xây dựng. Giáo hoàng nói lên bản chất truyền giáo của Giáo hội. Phêrô và Phaolô là các Thánh tông đồ của các dân tộc, các ngài được sai đi để đến với tất cả mọi người – những người đau khổ, những người bất lực, những người bị xa lánh và những người lo âu. Vai trò của Thánh Phêrô là rao giảng Phúc âm không sợ hãi, mở rộng cánh cửa của lòng thương xót, để tất cả chúng ta đều được gặp Chúa Kitô.

Nhiệm thể huyền bí

Điều đã tạo ấn tượng đầu tiên của triều Đức Lêô là ngài ý thức rõ thách thức và cơ hội nằm trong sự kế thừa của các giáo hoàng gần đây. Ngài là người kế nhiệm trực tiếp của Đức Phanxicô, nhưng ngài cũng kế thừa di sản của các giáo hoàng đi trước, hiểu từng người và từ đó hiểu chính ngài trong mầu nhiệm của Giáo hội. Tìm sự hiệp nhất của chúng ta là một trong Chúa Kitô – phương châm Thánh Augustinô In Illo uno unum – Chúng ta nên một trong Chúa Kitô.

Theo Thánh Augustinô, nhờ ân sủng của phép rửa tội, tất cả chúng ta đều là chi thể của Chúa Kitô. Đào sâu cuộc sống của chúng ta trong Chúa Kitô, chúng ta sẽ ý thức được sự hiệp nhất trong nhiệm thể huyền nhiệm của Ngài. Với phương châm này, Đức Lêô khuyến khích chúng ta cùng nhau bước đi dưới sự bảo trợ của Chúa Kitô: Giáo hội là mầu nhiệm lấy Chúa Kitô làm trọng tâm. Những căng thẳng trong Giáo hội công giáo, giữa những ủng hộ các giáo hoàng khác nhau có thể được giải quyết khi chúng ta suy nghĩ sâu hơn về những đường nét khách quan của cuộc sống chung của chúng ta trong Chúa Kitô, chúng ta tiếp nhận và hoán cải theo sự hiện diện và mầu nhiệm của Chúa. Tóm lại, tất cả chúng ta đều cần hoán cải.

Mỗi triều giáo hoàng đều có những điều để học, để tìm kiếm sự hiệp nhất toàn diện hơn: từ Thánh Gioan Phaolô II, chứng nhân truyền giáo về giáo huấn và giữ đức tin công giáo trước một thế giới thế tục hóa; từ Đức Bênêđíctô XVI trong việc đi tìm một đời sống phụng vụ, một suy tư thần học sâu sắc hơn; từ Phanxicô về lòng thương xót, về tinh thần đoàn kết cụ thể, về quan tâm đến người nghèo, người ở bên lề Giáo hội, về sự đóng góp của giáo dân. Chắc chắn đã có một điều gì đó để học hỏi từ tất cả những chứng nhân vĩ đại của đức tin công giáo. Điều tôi muốn gợi ý là sự hiệp nhất công giáo sâu sắc hơn, một hiệp nhất mà chúng ta cần đi tìm ngay bây giờ theo một cách mới, vượt qua các xung đột ý thức hệ của con người và của chính trị. Nhiệm thể Chúa Kitô có thể có một bên trái, một bên phải, nhưng nhiệm thể này cũng có một trung tâm nằm ở vị trí quan trọng trong đầu và trong trái tim – mang lại sự sống cho toàn cơ thể. Nếu chúng ta có thể xác định được trọng tâm này, chúng ta sẽ nên một trong Chúa Kitô, trong giáo lý của Ngài và trong việc thực thi đức bác ái và lòng thương xót. Tôi tin chắc Đức Lêô sẽ đi con đường này.

Đây là điều mà giáo dân công giáo Hoa Kỳ có thể làm tốt để hỗ trợ và vun đắp. Giáo hội Hoa Kỳ sống động và vững mạnh dù có những thách thức nghiêm trọng trong các thập kỷ gần đây. Bằng cách thúc đẩy sự tiếp nhận giáo huấn toàn diện hơn, người công giáo Mỹ (và ở những nơi khác) có thể phục vụ tốt hơn cho sứ mệnh của Đức Lêô. Ở đây tôi muốn nói đến các vấn đề liên quan đến đời sống thiêng liêng và bí tích, đến việc nuôi dưỡng các nhân đức trí tuệ (học vấn và giáo dục công giáo), và từ đó đến các nguyên tắc và chính sách chính trị: đến sự thật cơ bản về bản chất con người; tôn trọng phẩm giá của sự sống từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên; đức tính tiết độ và lòng thương xót với tất cả mọi người; vai trò của công lý xã hội và các chính sách ưu tiên cho những ai dễ bị tổn thương nhất, điều này bắt buộc phải đối xử công bằng và bác ái với người nhập cư và những người ở mọi quốc gia phải chịu cảnh nghèo đói, thiếu giáo dục hoặc bị đàn áp vì đức tin tôn giáo của họ. Chúng ta không rập khuôn theo suy nghĩ thế gian, nhưng chúng ta tập trung vào Chúa Kitô. Tinh thần của Chúa Kitô ở thời đại sắp tới sẽ như thế nào? Điều này liên quan đến mỗi chúng ta, chúng ta đoàn kết sâu sắc hơn trong sứ mệnh chung của lòng thương xót, truyền giáo và trung thành với chân lý.

Tân sự – Rerum Novarum

Năm 1891, Đức Lêô XIII đã công bố thông điệp mang tính bước ngoặt Rerum Novarum (Tân sự) 25 năm trước khi cuộc Cách mạng Cộng sản năm 1917 bắt đầu, một cuộc cách mạng đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Trong thông điệp này, ngài đưa ra con đường trung dung giữa hai thái cực.

Một mặt, ngài phản ứng với những thay đổi mới và mang tính cách mạng từ sự ra đời của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Chống lại các hoạt động bóc lột của các nhà công nghiệp, Đức Lêô XIII tìm cách nhấn mạnh đến quyền của người lao động với giờ làm việc hợp lý, mức lương công bằng, tự tổ chức và tiếp cận với một loạt các hàng hóa mà nhà nước nên bảo vệ và thúc đẩy theo một cách nào đó. Ở đây, chúng ta có thể nghĩ đến quyền công bằng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tự do ngôn luận chính trị và tự do tôn giáo, tất cả những quyền mà giáo quyền đã nhấn mạnh trong 150 năm kể từ thời điểm ban hành Thông điệp Tân sự Rerum Novarum.

Mặt khác, ngài phản ứng với sự xuất hiện của “chủ nghĩa xã hội” thế tục tìm cách phủ nhận quyền sở hữu tư nhân, xóa bỏ vai trò của tôn giáo trong đời sống công cộng và thẩm quyền định nghĩa lại gia đình con người tự nhiên (đặc biệt với luật ly hôn mới, trên thực tế Giáo hội không thể công khai xác định hoặc định nghĩa hôn nhân tự nhiên hay hôn nhân bí tích là gì). Ở đây, về cơ bản, ngài tìm cách đối đầu với sự tuyệt đối hóa về mặt lý thuyết của nhà nước như một thẩm quyền tối cao trong mọi vấn đề của con người.

Đây là những cân nhắc kịp thời. Ngày nay, Giáo hội đang đối diện với một kỷ nguyên mới của sự hỗn loạn chính trị và thay đổi công nghệ. Chúng ta có lý do để lo sợ về việc tạo ra một trật tự thế giới thế tục không có sự nhạy cảm về mặt tôn giáo, nơi những người có ảnh hưởng nhất xem thường các tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí họ còn chế giễu đức tin kitô giáo. Đã có rất nhiều ví dụ thực tế. Chúng ta có lý do để lo sợ về sự xuất hiện các hình thức chủ nghĩa dân tộc bị bóp méo, các hình thức tôn giáo thay thế, hoặc nguy hiểm hơn là một cái gì đó liên minh với tôn giáo trong các tham vọng chính trị của họ. Các cuộc xung đột ngày nay ở Ukraine, Israel, Pakistan và Ấn Độ: chúng ta nên cảnh giác về những cách mà giáo dân theo thiên chúa giáo, hồi giáo, do thái giáo phớt lờ giáo lý đức tin tôn giáo của họ hoặc công khai dùng đức tin tôn giáo để theo đuổi các mục đích chính trị. Công nghệ hiện đại đang làm nảy sinh những khả năng mới về sự phân cực ý thức hệ, sự giám sát của nhà nước và vũ khí chết người. Trong bối cảnh này, điều đáng chú ý là Đức Lêô XIII đã nhắc đến ba xã hội: gia đình, nhà nước và Giáo hội phải cùng bổ túc cho nhau, mỗi xã hội đều nói đến con người trong phẩm giá tự nhiên của mình.

Trước tiên, Đức Lêô XIII lưu ý trong Thông điệp Tân sự, nhà nước giả định thực tế của gia đình, vì mỗi công dân bắt đầu cuộc sống là một đứa trẻ được sinh ra và được cha mẹ giáo dục. Vì thế không có gia đình thì không có nhà nước, và vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là vô giá với lợi ích chung, cha mẹ đóng góp bằng chính cách sống của họ. Cũng vậy, cha mẹ có quyền tự nhiên để giáo dục con cái, điều này bao gồm quyền được giáo dục tôn giáo, qua đó con người vượt ra ngoài nhà nước, hướng tới việc tìm kiếm chân lý và mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa. Quan điểm giáo dục này, khi được thực hiện đúng đắn, là lá chắn chống lại chủ nghĩa dân túy và hệ tư tưởng chính trị, làm cho đời sống chính trị liên quan đến tiếng gọi cao hơn: tìm kiếm chân lý trong mọi sự và tuân thủ chân lý khi chúng ta tìm thấy, bất kể điều này có thuận lợi về mặt chính trị hay không.

Vì thế Đức Lêô XIV nói về lợi ích chung của Giáo hội, về sự thật của Thiên Chúa, về mầu nhiệm Chúa Kitô, về niềm vui và trách nhiệm bao gồm tất cả thành viên của cộng đồng chính trị. Sứ mệnh của Giáo hội là giảng dạy luật tự nhiên: con người cuối cùng được tạo ra cho Thiên Chúa, và phẩm giá của con người không thể bị thu hẹp hoặc xác định bởi nhà nước hoặc bởi lòng trung thành của họ với một đảng phái chính trị, với một quốc tịch nào đó, bất kể bản sắc dân tộc quan trọng như thế nào. Nếu nhà nước xem gia đình là nền tảng, thì nhà nước phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo, quyền tự do của Giáo hội cho công dân của mình.

Đức Lêô XIV nhấn mạnh đến vai trò không thể thay thế của nhà nước, cũng như tầm quan trọng không thể giảm thiểu của chính quyền dân sự, mà Giáo hội không thể thay thế. Đức Lêô XIII không phải là chính trị gia thần quyền. Chính quyền dân sự có trách nhiệm xác định cách thức người dân nên tự tổ chức để mỗi người cùng phát triển. Vì thế các nhà lãnh đạo dân sự và những người trong phạm vi ảnh hưởng của giới ưu tú (bao gồm cả những người cực kỳ giàu có), họ có nghĩa vụ phục vụ lợi ích cho những người ít thành công, ít quyền lực hơn. Họ có nghĩa vụ phải xem lại các nguyên tắc về bản chất và phẩm giá con người mang tính phổ quát, để mọi người đều được đối xử theo một tiêu chuẩn công bằng và hợp lý, tất cả đều có con đường tiến bộ và tất cả đều được công nhận là những con người được tạo theo hình ảnh của Chúa. Nếu không có tiêu chuẩn này, sẽ không có sự đổi mới của chính quyền dân sự và không có thước đo nào về hành động pháp lý công bằng.

Ngày nay, Giáo hội thường xuyên phải điều hướng giữa các thái cực. Một mặt, chúng ta có một khái niệm chỉ mang tính xây dựng về mặt lý thuyết pháp lý, trong đó các xã hội được cho là tạo ra luật pháp chỉ là sản phẩm của mong muốn chủ quan, ý chí tập thể của người dân. Mặt khác, chúng ta thấy có một chủ nghĩa chuyên chế mới của nhà nước, trong đó các quốc gia có các nhà lãnh đạo quyền lực (có tôn giáo cũng như không có tôn giáo) nắm giữ các đặc quyền để định hình việc thực thi luật pháp và tự do cho người dân của họ theo cách tùy tiện hoặc có vấn đề. Sự kịp thời của tinh thần Lêô là rõ ràng trong bối cảnh này: để nhớ lại nền tảng xã hội trong tầm nhìn cổ điển và lâu đời về bản chất con người. Con người, nhờ bản chất lý trí được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, có một phẩm giá không thể giản lược thành những đường nét đơn thuần của nhà nước và phạm vi nội tại của đời sống chính trị và lịch sử thời gian. Con người có một số phận vĩnh cửu. Đây không phải là sự thật ngẫu nhiên hoặc tùy chọn của các chính trị gia. Trên thực tế, đây là điều duy nhất cần hiểu nếu chúng ta muốn cai trị các cá nhân và gia đình con người một cách công bằng: Họ được tạo ra vì chân lý, và vì thế họ có trách nhiệm tìm kiếm chân lý về Chúa, con người và nhà nước, để hành động theo chân lý này, một chân lý không thể bị áp đặt trên họ theo ý thích nhất thời của các nhà lãnh đạo, của phương tiện truyền thông xã hội và thuật toán, hoặc bởi các kiểu mẫu ý thức hệ của giới tinh hoa thế tục.

Trên thực tế, mọi người được kêu gọi để xem lại mục đích cuối cùng mà chúng ta được tạo dựng: hiểu biết về chân lý và theo đuổi tình yêu đích thực là một điều nhân từ. Tình yêu dành cho Chúa giải phóng chúng ta, và cũng mở rộng trái tim chúng ta để mở lòng ra với nhu cầu của tất cả mọi người.

Giáo hội của Đức tin và Lý trí cũng là Giáo hội của Những người Nhỏ bé nhất

Đặc biệt hơn, Giáo hội phải đến với tất cả những người yếu thế nhất, những người không thể lên tiếng trước các thế lực của thế giới. Đức Lêô XIII đã lên tiếng thay cho các gia đình công nhân không thể chống lại các hình thức bóc lột bắt nguồn từ Cách mạng Công nghiệp. Trong thời đại toàn cầu phụ thuộc nhau về kinh tế, Giáo hội là tiếng nói không thể thay thế cho các dân tộc và quốc gia dễ dàng là nạn nhân của bất bình đẳng giữa các quốc gia. Một cân nhắc quan trọng ở đây liên quan trực tiếp đến sự tiến bộ kinh tế là giáo dục. Đức Lêô XIII đã làm rất nhiều để thúc đẩy giáo dục cho các dân tộc, không chỉ trong lãnh vực thần học và triết học, mà còn trong mọi hình thức giáo dục trung học và đại học, thúc đẩy và trao quyền cho một nền văn minh thịnh vượng của con người.

Nổi tiếng về mặt này, ngài khôi phục việc nghiên cứu thần học cổ điển, đặc biệt là tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô và các học giả kinh viện khác như Thánh Augustinô. Là một sai lầm lịch sử nghiêm trọng khi nghĩ khía cạnh này trong tư tưởng của ngài có thể tách biệt khỏi tư tưởng xã hội và chính trị của ngài. Trường hợp ngược lại mới đúng. Theo Đức Lêô XIV, sự hồi sinh của chủ nghĩa kinh viện trong thế giới hiện đại là sự hòa hợp sâu sắc giữa mặc khải thiêng liêng và lý trí tự nhiên (cả triết học và khoa học), nhưng nó cũng liên quan đến việc trao quyền chính trị. Bằng cách cung cấp cho mọi người kiến thức thực sự về các nguyên tắc phẩm giá con người, bằng cách cho thấy các nguyên tắc này liên quan đến các ngành khác như khoa học tự nhiên, chúng ta thúc đẩy quyền tự chủ cá nhân lớn hơn cho mọi người và khả năng tiếp cận khả thi về kinh tế lớn hơn. Đức Lêô XIII thành lập một làn sóng các trường đại học Công giáo ở Châu Mỹ cũng như ở Châu Âu, ngài có tầm nhìn tiên tri khi xem giáo dục có liên quan sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của con người. Công trình của Giáo hoàng Lêô XIV tại Peru là tấm gương của người đã tận dụng hiểu biết về giáo dục của mình ở trường Đại học Villanova, ở Dòng Augustinô và ở Học viện Angelicum để làm phong phú lợi ích cho người khác, phù hợp với truyền thống phục vụ truyền giáo này.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn