Văn bản gồm 60 trang, 4 chương, một mặt cung cấp cho các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới một khuôn mẫu chung giúp việc cùng nhau bước đi dễ dàng hơn, mặt khác thúc đẩy cuộc đối thoại sẽ dẫn toàn thể Giáo hội đến Đại hội Giáo hội vào tháng 10/2028.

Hai Nhóm Nghiên cứu mới được Đức Thánh Cha Lêô XIV thành lập

Tài liệu đã được phê chuẩn bởi Hội đồng Thường trực lần thứ XVI, nhóm họp tại Roma trong những ngày vừa qua. Trong cuộc gặp gỡ các thành viên vào ngày 26/6, Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi người tiếp tục theo “phong cách” hiệp hành, một “thái độ giúp chúng ta trở thành Giáo hội thực sự”. Và theo tài liệu, chính Đức Thánh Cha Lêô XIV đã xác nhận các Nhóm Nghiên Cứu do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào năm ngoái nhằm đào sâu suy tư về một số đề tài theo quan điểm giáo luật, thần học và mục vụ, đồng thời bổ sung thêm hai nhóm mới: một nhóm về “Phụng vụ trong viễn cảnh hiệp hành”, và một nhóm về “Quy chế của các Hội đồng Giám mục, các Hội nghị Giáo hội và các Công đồng địa phương”. Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng có nhiệm vụ “đảm bảo các quyết định của Đức Thánh Cha, được hình thành cũng từ kết quả của các Nhóm này, được hoà nhập vào tiến trình hiệp hành đang diễn ra”.

Lời mở đầu của Đức Hồng Y Grech

Tài liệu bắt đầu với lời giới thiệu của Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, nhấn mạnh rằng trong một thế giới đang “bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực và chiến tranh không hồi kết, ngày càng khó tạo ra các cơ hội gặp gỡ và đối thoại”, hơn bao giờ hết Giáo hội cần trở thành “dấu chỉ và khí cụ cho sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”.

Sau đó, Đức Hồng Y nhắc lại rằng nhiều Giáo hội địa phương trên thế giới đang “nhiệt thành bước đi” trên con đường hiệp hành; trong khi một số khác “vẫn đang tự hỏi làm thế nào để bước vào giai đoạn thực thi hoặc mới chỉ ở những bước khởi đầu”. Do đó, tài liệu này có thể là “một tầm nhìn để soi chiếu” và là nguồn khích lệ để “tiến bước can đảm”, đối diện với những chống đối và khó khăn. Đức Hồng Y khẳng định Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng luôn sẵn sàng lắng nghe, đồng hành, thúc đẩy đối thoại và chia sẻ ân sủng giữa các Giáo hội, và từ các ý kiến nhận được. Điều này sẽ tiếp tục cung cấp thêm động lực và công cụ hỗ trợ.

Năm Thánh của các nhóm hiệp hành

Trong những trang đầu của tài liệu, các chặng đường sắp tới của hành trình Thượng Hội đồng được liệt kê, đồng thời một sự kiện đặc biệt cũng được công bố: Năm Thánh dành cho các nhóm hiệp hành sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26/10. Đó là một dịp để xây dựng mối liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và hòa nhịp với nhau tốt hơn.

Chương đầu tiên trình bày chìa khóa để hiểu về giai đoạn thực thi của tiến trình hiệp hành, với mục tiêu là trải nghiệm các thực hành và cơ cấu được đổi mới nhằm làm cho đời sống Giáo hội ngày càng hiệp hành hơn. Giai đoạn này không phải là một bài tập hay nhiệm vụ do Roma yêu cầu, cũng không phải là thời gian để đưa ra những giả thuyết trừu tượng, càng không phải là một bước lùi hay sự lặp lại đơn thuần những gì đã trải qua. Theo tài liệu, giai đoạn thực thi là một phần của đời sống thường ngày của các Giáo hội, đòi hỏi mỗi nơi phải xác định lộ trình đào tạo để thực hiện sự hoán cải hiệp hành thực sự trong các thực tại Giáo hội.

Sự tham gia rộng rãi hơn

Giai đoạn thực thi bao gồm sự tham gia của cả nam và nữ với sự đa dạng về đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ; từ các cộng đoàn Kitô giáo nhỏ, cộng đoàn Giáo hội cơ bản; giáo xứ, hội đoàn, phong trào và các tu sĩ. Tài liệu giải thích, vì không thể là một hành trình dành riêng cho một nhóm người ủng hộ, do đó điều quan trọng là phải mở rộng cơ hội tham gia và thực hiện trách nhiệm chung của tất cả những người đã được rửa tội.

Theo nghĩa này, đặc biệt cần lưu ý đến những người và nhóm cho đến nay vẫn còn đứng ngoài lề tiến trình hiệp hành, như người nghèo và người bị loại trừ. Đồng thời cũng cần lắng nghe cẩn thận những người còn đang nghi ngại. Giáo hội được mời gọi tìm kiếm các công cụ lắng nghe trong nhiều bối cảnh, không chỉ trong giáo xứ, mà cả tại trường đại học, trung tâm tiếp đón, bệnh viện, nhà tù và môi trường kỹ thuật số.

Vai trò của giám mục và các nhóm hiệp hành

Văn bản cũng nhấn mạnh rằng “người chịu trách nhiệm đầu tiên” cho giai đoạn thực hiện tại mỗi Giáo hội địa phương là Giám mục giáo phận. Chính Giám mục sẽ phối hợp với các cơ cấu như các Hội đồng (Linh mục, Mục vụ, Kinh tế), đặc biệt là các nhóm hiệp hành giáo phận, những người đã có đóng góp quan trọng trong giai đoạn tham vấn. Tài liệu nhấn mạnh: “Đóng góp của họ cũng sẽ là nền tảng trong giai đoạn thực hiện”. Vì lý do đó các nhóm này cần được đánh giá lại, tái kích hoạt nếu bị đình trệ, mở rộng hoặc thành lập mới nếu chưa có. Các nhóm này bao gồm giáo dân, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ thuộc các độ tuổi, văn hóa và mô hình đào tạo khác nhau. Cũng cần xem xét việc mời các quan sát viên từ các cộng đoàn Kitô giáo khác hoặc các tôn giáo khác. Trong mọi trường hợp, giám mục cần được cập nhật thường xuyên về hoạt động của nhóm và gặp gỡ họ khi cần.

Cánh cửa luôn “mở rộng”

Phần lớn tài liệu đề cập đến các nhiệm vụ của Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, cần luôn “mở rộng cửa” để lắng nghe nhu cầu, trực giác và đề xuất từ các Giáo hội địa phương, tạo điều kiện cho công việc, và đáp ứng những yêu cầu liên quan đến nội dung và phương pháp. Trong cái nhìn này, các hội thảo, hội nghị chuyên đề, và các thời điểm suy tư chung sẽ được thúc đẩy. Và việc tổ chức các Hội nghị đánh giá cấp châu lục (quý 1 năm 2028) và Đại hội Giáo hội tháng 10/2028, sẽ là những cơ hội chia sẻ kinh nghiệm đổi mới trong chiều kích hiệp hành, nhằm trình lên Đức Thánh Cha để được xác nhận.

Thúc đẩy hiểu biết về Tài liệu Chung kết

Tài liệu cũng trình bày cấu trúc và nội dung của Tài liệu Chung kết của Thượng Hội đồng 2024, được mô tả là một văn bản phong phú và có hệ thống, cần được thúc đẩy sự hiểu biết sâu rộng. Cần thiết lập các thời điểm và công cụ để đào tạo, hướng dẫn và đồng hành trong việc đọc. Tài liệu nêu bật một số điểm mạnh như quan điểm Giáo hội học dựa trên Công đồng, động lực đại kết, tầm nhìn đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác và với xã hội.

Xét đến nhu cầu cùng nhau tiến bước như một Giáo hội toàn thể, tài liệu nhắc lại lời mời gọi các Giáo hội địa phương chia sẻ những bước tiến đã đạt được trong một số lĩnh vực cụ thể. Một điểm trong đó là việc tiếp cận hiệu quả vai trò lãnh đạo không đòi hỏi thánh chức cho cả nữ và nam không có chức thánh, nghĩa là giáo dân nam nữ, và tu sĩ nam nữ.

Các tiến trình “theo phong cách hiệp hành”

Một lưu ý quan trọng là phương pháp hiệp hành không được giản lược thành một loạt các kỹ thuật để quản lý các cuộc họp, nhưng phải là một trải nghiệm thiêng liêng và Giáo hội đích thực, dẫn tới một cách hiện hữu mới của Giáo hội. Do đó, các hướng dẫn về phương pháp cần được cụ thể hóa qua nhiều quy trình, với các mục tiêu khác nhau nhưng hiệp nhất bởi thực tế là diễn ra trong tinh thần hiệp hành.

Nhìn về tương lai với lòng tin tưởng

Trong phần cuối, Giáo hội được mời gọi “hướng về tương lai với niềm tin tưởng”, bắt đầu bằng Năm Thánh của các nhóm hiệp hành: “Cơ hội cùng nhau tiến về Cửa Thánh trở thành dịp trao đổi ân ban và cử hành niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng”.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Nguồn: hdgmvietnam.com