journaldemontreal.com, Ban Biên tập, 2025-07-04
Sau hai tháng ở Vatican, Đức Lêô sẽ nghỉ hè ngày chúa nhật 6 tháng 7. Hai tháng ngài làm việc trong mong muốn thống nhất Giáo hội và khôi phục lại uy tín cho chức vụ giáo hoàng, hứa hẹn một triều giáo hoàng mang tính truyền thống hơn so với triều của Đức Phanxicô.
“Thận trọng”, “lắng nghe”, “có phương pháp” là một số tính từ được các nhà báo thường xuyên dùng để mô tả Giáo hoàng Bắc Mỹ đầu tiên được bầu ngày 8 tháng 5 làm người đứng đầu Giáo hội công giáo.
Được giáo dân yêu mến nhưng lại bị nội bộ phản đối dữ dội, Đức Phanxicô đã bỏ khuôn mẫu khi ngài nhậm chức năm 2013: ngài không ở Dinh Tông tòa, ngài ở nơi khiêm tốn hơn.
Đức Lêô thận trọng hơn, ngài dựa vào truyền thống lịch sử và cẩn thận soạn các bài phát biểu để không xúc phạm đến bất kỳ sự nhạy cảm nào.
Bên lề các buổi lễ và buổi tiếp kiến chung, Đức Lêô luôn xuất hiện với nụ cười thân thiện. Ngài ban phép lành cho trẻ em, hát theo bài hát của những người ủng hộ Chicago White Sox – đội bóng chày yêu thích của ngài – được giáo dân hát tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Ngài là nhà truyền giáo ở Peru trong gần 20 năm, nói được nhiều thứ tiếng, luôn giữ thái độ nghiêm túc và tôn trọng nghi lễ.
Giáo sư Roberto Regoli ở Giáo hoàng Học viện Gregorian, Rôma giải thích với hãng tin AFP: “Phong cách của ngài giản dị: một hiện diện không áp đặt lên người khác. Với ngài, chúng ta phải tập trung vào nội dung.”
Charles Mercier, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Bordeaux giải thích: “Đức Phanxicô có sức lôi cuốn cá nhân qua tính cách của ngài. Đức Lêô muốn hòa nhập vào tổ chức, vào chức năng giáo hoàng.”
“Nhẹ nhõm”
Trong Giáo triều La-mã, cơ quan hành chính trung ương của Tòa thánh, các cộng sự viên của ngài nói với hãng AFP: “Ngài là người thực tế, vô cùng điềm tĩnh, có chừng mực và có phương pháp, chu đáo và quan tâm đến sự cân bằng.”
Một tổng thể dễ nghe. Vì trong vòng hai tháng, ngài đã nâng giá trị các thể chế Tòa thánh, sau 12 năm quản lý bị một số người cho là quá cứng nhắc. Một nhà vatican học ẩn danh cho biết: “Giáo triều đã bị Đức Phanxicô làm lung lay, với những cải cách đôi khi ngài quyết định một cách đơn phương hoặc độc đoán, thường không được đón nhận nồng nhiệt. Sự xuất hiện của Prevost, người có tiếng tốt đã mang lại bầu khí nhẹ nhõm. Chúng tôi nghĩ mọi thứ sẽ trôi chảy hơn, ít mang tính cá nhân hơn.”
Một câu nói của Đức Lêô trong cuộc gặp với các nhân viên Vatican ngày 24 tháng 5 đã để lại dấu ấn: “Các giáo hoàng đến rồi đi, Giáo triều vẫn ở lại.” Điều này trái ngược với bài phát biểu về 15 căn bệnh cuối năm 2014, khi Đức Phanxicô chỉ trích gay gắt tính thế tục và đạo đức giả của giới giáo sĩ cấp cao.
Một nhà ngoại giao Châu Âu bình luận: “Chúng ta thấy rõ chúng ta đang trong giai đoạn trị liệu bằng vòng ôm. Ngài có tinh thần đoàn kết, chính xác đó là lý do ngài được bầu.”
Trong Năm Thánh, với nhiều sự kiện diễn ra tại Rôma, không có gì ngạc nhiên khi Đức Lêô tuân theo giáo lý Công giáo về luật độc thân của linh mục, hôn nhân “giữa một người nam và một người nữ” và giai đoạn kết thúc cuộc đời.
Về mặt ngoại giao, ngài kêu gọi hòa bình tại Ukraine và Gaza, ngài lên án việc sử dụng nạn đói như vũ khí chiến tranh và kiềm chế không chỉ trích công khai Donald Trump, như ngài đã chỉ trích khi còn là hồng y.
Trong cuộc điện thoại với Vladimir Putin ngày 4 tháng 6, ngài xin ông “có hành vi vì hòa bình” Đức Phanxicô, người bất đồng quan điểm với Đức Thượng phụ Chính thống giáo Kirill ủng hộ trung thành của Matxcơva, ngài đã không liên lạc trực tiếp với tổng thống Nga kể từ cuối năm 2021.
“Tái cân bằng mang tính biểu tượng”
Dù ngài tiếp các giám mục, hồng y, nhà ngoại giao và nguyên thủ quốc gia hàng ngày, nhưng Đức Lêô vẫn chưa bổ nhiệm bất kỳ chức vụ đáng chú ý nào, ngài chờ thay thế một số người đứng đầu các bộ phận chiến lược đã đến tuổi.
Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy ngài sẽ tiếp tục làm sạch tình hình tài chính đang thâm hụt của Tòa thánh như thế nào, hoặc cuộc chiến chống lại các vụ bê bối tình dục vẫn đang tiếp tục làm hoen ố Giáo hội, ngoài yêu cầu các giám mục phải “cứng rắn”.
Trong khi Đức Phanxicô nhanh chóng đưa vấn đề di cư lên hàng đầu, nhưng vẫn khó xác định Đức Lêô nghĩ như thế nào về các vấn đề xã hội – được chứng minh bằng cách lựa chọn tên gọi -, tính chất công đồng hoặc những thách thức của trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, ở mức độ biểu tượng, Đức Lêô quay trở lại với một số truyền thống. Ngài cho biết ngài sẽ về cung điện giáo hoàng Castel Gandolfo gần Rôma ngày chúa nhật 6 tháng 7 (Đức Phanxicô không đến đây nghỉ hè). Đức Lêô dự định sẽ về ở Dinh Tông tòa vào mùa thu, hiện nơi này đang được sửa chữa sau một thời gian dài không dùng.
Về trang phục, Đức Lêô quay lại với áo truyền thống – áo choàng đỏ, ngắn che từ vai đến khuỷu tay – và một chiếc khăn choàng.
Đây là tất cả phẩm chất biểu tượng của Giáo hoàng được đánh giá cao, Đức Phanxicô đã không mặc các phẩm phục này. Nhà vatican học Charles Mercier giải thích: “Có một mối quan tâm về việc tái cân bằng mang tính biểu tượng, chắc chắn là do mong muốn đoàn kết giáo dân, điều này tạo ấn tượng về sự phân cực dưới thời Đức Phanxicô. Đây cũng có thể là một chiến lược đưa ra để đảm bảo tính tượng trưng để có thể tiếp tục tiến triển về mặt thực chất.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn