
Đức cố Giáo hoàng Phanxicô và các thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành cầu nguyện sau phiên họp làm việc sau cùng của Thượng Hội đồng vào ngày 26 tháng 10 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI tại Vatican (Ảnh CNS/ Truyền thông Vatican)
Các Giáo hội địa phương và các Giám mục trên toàn thế giới sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các đề xuất và thúc đẩy tinh thần của văn kiện chung kết Thượng Hội đồng Giám mục năm 2024 về Hiệp hành, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục cho biết.
Nhằm thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả hơn, giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng “hướng đến việc xem xét các thực hành và cơ cấu mới nhằm làm cho đời sống của Giáo hội trở nên mang tính hiệp hành hơn”, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục nêu rõ trong một bản hướng dẫn được công bố vào ngày 7 tháng 7.
“Cách cụ thể, ưu tiên là mang đến cho dân Chúa những cơ hội mới để cùng nhau tiến bước, và suy tư về những kinh nghiệm này, hầu để gặt hái thành quả cho sứ mạng và chia sẻ chúng”, văn bản cho biết.
Tài liệu dài 24 trang, có tựa đề “Những lộ trình cho giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng”, là tài liệu hướng dẫn cho các Giám mục và các nhóm hiệp hành, đồng thời là lời mời gọi họ chia sẻ các sáng kiến khi áp dụng các đề xuất chung kết của Thượng Hội đồng về Hiệp Hành tại địa phương. Tài liệu cũng nhằm trả lời một số câu hỏi then chốt mà Văn phòng Thượng Hội đồng nhận được gần đây. Bản văn được công bố bằng nhiều ngôn ngữ tại trang synod.va.
Được chia thành 4 chương, tài liệu này đưa ra lời giải đáp cho các câu hỏi: Giai đoạn thực hiện là gì và mục tiêu của giai đoạn này là gì? Ai sẽ tham gia giai đoạn triển khai và nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của họ là gì? Làm thế nào để tiếp cận văn kiện chung kết Thượng Hội đồng 2024 trong giai đoạn thực hiện? Và phương pháp cũng như công cụ nào có thể giúp định hình tiến trình thực hiện này?
Tài liệu nhấn mạnh rằng các Giáo hội địa phương phải đóng vai trò chủ động trong giai đoạn này, kể cả việc tiếp cận các cộng đồng đa dạng như những người bị gạt ra bên lề, giới trẻ và cả những người phản đối tiến trình hiệp hành, bởi vì “để thực sự cùng nhau bước đi, chúng ta không thể đánh mất sự đóng góp từ quan điểm của họ”.
Việc tham gia cần vượt ra ngoài phạm vi Giáo xứ để bao gồm cả các trường học, bệnh viện, nhà tù và nền tảng kỹ thuật số, tài liệu lưu ý, đồng thời khuyến khích tăng cường mối liên kết với các cộng đoàn Dòng tu, các phong trào và hiệp hội để trao đổi nhiều hơn nữa các món quà đa dạng hướng tới việc truyền giáo.
Hiệp hành “không thể chỉ là con đường dành riêng cho một nhóm ‘ủng hộ’ nòng cốt nào đó”, tài liệu nhấn mạnh.
“Trái lại, điều quan trọng là tiến trình mới này phải đóng góp cách cụ thể ‘để mở rộng khả năng tham gia và thi hành tinh thần đồng trách nhiệm khác biệt của tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, cả nam lẫn nữ’, trong tinh thần hỗ tương”, tài liệu tiếp tục. “Hơn nữa, điều cốt yếu là tiến trình này phải hướng đến việc mời gọi những người cho đến nay vẫn đứng bên lề tiến trình canh tân Giáo hội mà Thượng Hội đồng đã khởi xướng”.
Trách nhiệm của các Giám mục
Giám mục Giáo phận là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong giai đoạn thực hiện, tài liệu khẳng định. “Giám mục Giáo phận có trách nhiệm khởi sự tiến trình, chính thức xác định thời lượng, phương pháp và mục tiêu, đồng hành với tiến trình này và kết thúc nó bằng việc xác nhận các kết quả đạt được”.
Giai đoạn này “sẽ là cơ hội thích hợp để thực thi quyền bính theo cách thức hiệp hành”, tài liệu cho biết, đồng thời nhắc nhở các Giám mục rằng các ngài không đơn độc và nên khuyến khích mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau đồng hành.
Các nhóm hiệp hành và các cơ cấu có tính tham gia “cũng sẽ đóng vai trò thiết yếu trong giai đoạn thực hiện”, bản hướng dẫn nhấn mạnh, vì thế, “cần trân trọng các nhóm hiện hữu và, khi cần, cần đổi mới; các nhóm đã bị đình chỉ cần được khôi phục và lồng ghép cách thích hợp; và cần thành lập các nhóm mới ở những nơi chưa thành lập trước đây”.
Tài liệu cho biết, mỗi Giáo phận cần đăng ký nhóm hiệp hành của mình với Văn phòng Thượng Hội đồng bằng cách yêu cầu liên kết truy cập cơ sở dữ liệu tại địa chỉ: synodus@synod.va, nhằm hỗ trợ việc liên lạc và phối hợp hiệu quả.
Giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng đã được Đức cố Giáo hoàng Phanxicô khai mạc vào tháng 11 năm 2024, khi ngài kêu gọi các Giáo hội địa phương, các Hội đồng Giám mục và các tổ chức khác thực hiện “các đề xuất có tính thẩm quyền trong văn kiện thông qua các tiến trình phân định và đưa ra quyết định được quy định bởi Giáo luật và bởi chính văn kiện”, Đức Phanxicô viết.
Văn kiện chung kết
Giai đoạn 3 năm để thực hiện và lượng giá ở cấp độ địa phương, quốc gia, lục địa và hoàn vũ sẽ lên đến đỉnh điểm bằng một “hội nghị Giáo hội” vào tháng 10 năm 2028 tại Vatican, nhằm chia sẻ hoa trái của giai đoạn thực hiện và để có được một hình thức lượng giá chung”, Nữ tu Nathalie Becquart, Dòng Thừa Sai Xavière, Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, cho biết.
“Cách tốt nhất để bắt đầu giai đoạn thực hiện chính là đọc kỹ văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng. Đó chính là điểm quy chiếu cho toàn bộ giai đoạn này”, Nữ tu Becquart chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Vatican News vào ngày 7 tháng 7.
Bản hướng dẫn mới “là công cụ giúp chúng ta đào sâu văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng và tiếp cận nó bằng tinh thần phân định, để biết cách thực hiện tại địa phương, cũng với sự sáng tạo xuất phát từ Chúa Thánh Thần, vì không thể có một lộ trình áp dụng giống nhau cho mọi nơi trên thế giới”, Nữ tu Becquart nói thêm.
“Văn kiện chung kết chính là điểm quy chiếu cho giai đoạn thực hiện”, tài liệu khẳng định.
Sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa “là trục xương sống” và mục tiêu tối hậu của văn kiện chung kết Thượng Hội đồng, tài liệu nhận định. “Việc suy tư về các phương tiện cần áp dụng hay những cải tổ cần thực hiện phải luôn được đặt trong viễn cảnh của sứ mạng truyền giáo”.
Văn kiện chung kết “mạnh mẽ cổ võ một Giáo hội ngày càng can đảm hơn trong công cuộc truyền giáo của mình”, tài liệu cho biết, và “nó bao hàm tầm nhìn về một Giáo hội trên thế giới, trong tinh thần đối thoại với mọi người, với các truyền thống tôn giáo khác và với toàn thể cộng đồng”.
“Việc phát triển với tư cách là một Giáo hội Hiệp hành có khả năng đối thoại mang giá trị ngôn sứ, bao hàm cả việc dấn thân cho công lý xã hội và nền sinh thái toàn diện. Các chiều kích này không thể bị bỏ quên trong giai đoạn thực hiện, mà cần dẫn đến việc kiến tạo những cơ hội đối thoại dựa trên những nhu cầu cụ thể của các vùng lãnh thổ và xã hội mà chúng ta đang sống”, tài liệu nhấn mạnh.
Nữ tu Becquart khẳng định, bản hướng dẫn và giai đoạn thực hiện là cơ hội đặc biệt để thực hiện “việc trao đổi các đặc sủng” giữa các Giáo hội địa phương, điều mà Sơ gọi là “một điểm cốt lõi của văn kiện chung kết, và cũng là một nét đặc trưng cốt lõi của một Giáo hội Hiệp hành”.
“Chúng ta ai cũng có đều có điều gì đó để cho đi và điều gì đó để nhận lại”, Nữ tu Becquart nói. “Tài liệu này cũng nhấn mạnh rằng, người ta không thể hoán cải theo tinh thần hiệp hành một cách đơn lẻ, mà rất cần phải cộng tác với nhau với tư cách là các Giáo hội địa phương khác nhau”.
Minh Tuệ (theo America)
Nguồn: dcctvn.org