- Lời Chúa
“Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
- Suy niệm
Hình ảnh người Samari nhân hậu trong Tin Mừng hôm nay là một thông điệp sống động về tình bác ái chân thật. Bởi lẽ, căn bệnh tinh thần nguy hiểm nhất của con người thời đại hôm nay chính là sự vô cảm.
Thánh Luca tường thuật hoàn cảnh của một nạn nhân bị đánh đập “nửa sống nửa chết”, bị bỏ rơi bên vệ đường. Trước cảnh ngộ ấy, hai người có địa vị cao trong hội đường và cộng đoàn phụng tự Do Thái giáo: một Thầy Tư Tế và một Thầy Lêvi. Họ đi ngang qua nhưng không hề đoái hoài. Họ vốn là những người thường rao giảng về đức bác ái và tuân giữ luật Môsê cách tỉ mỉ, vậy mà cả hai đều “tránh qua bên kia mà đi”.
Trái lại, người Samari, theo quan niệm Do Thái là người ngoại đạo, thường bị coi thường đã dừng lại. Dù không quen biết, không có liên hệ gì với người bị nạn, ông đã chạnh lòng thương, đến gần, băng bó vết thương và đưa nạn nhân vào quán trọ để được chăm sóc chu đáo. Chính tình yêu thương chân thật đã khiến ông chủ động nhận người bị nạn là “người thân cận” của mình.
Ông cứu giúp bằng một tình yêu vượt qua mọi ranh giới tôn giáo, sắc tộc, văn hóa… và cả những nỗi sợ hãi trên hành trình ông đang đi. Chính tình yêu đã cho ông sức mạnh để vượt lên tất cả, giúp ông nhìn tha nhân bằng cả tấm lòng, sẵn sàng hành động để cứu giúp. Sự quằn quại của người lâm nạn khiến trái tim ông rướm máu, là người thân cận, ông phải trợ giúp.
Chúa muốn hình ảnh người Samari nhân hậu này trở thành biểu tượng của lòng nhân ái, của một tình yêu không biên giới, tình yêu đến với bất cứ ai đang gặp cảnh khốn khó: không bỏ đi, không vô cảm, nhưng sẵn sàng dừng lại, chia sẻ và mang lấy nỗi đau của người khác, bất kể họ là ai.
- Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa chính là người Samari nhân hậu mà Chúa Cha đã sai đến trần gian để chăm sóc một nhân loại đang trọng thương vì tội lỗi, để phục vụ con người và giúp họ được phục hồi về tình trạng nguyên thủy. Chúa dạy chúng con sống tinh thần ấy khi mời gọi: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Lạy Chúa, con đường bước ra khỏi chính mình để phục vụ như lòng Chúa mong đợi là một hành trình dài, đầy trắc trở và nghịch lối. Xin Chúa gia tăng tình yêu Chúa trong con, để con dám cúi xuống, chạm vào và mang lấy nỗi khốn cùng của anh em con như chính nỗi đau của con vậy. Amen.
- Quyết tâm
Dừng lại với một trái tim yêu thương trước nỗi đau của người khác.