Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh AI vì mục tiêu tốt đẹp 2025 diễn ra tại Geneva từ ngày 7 đến ngày 11 tháng Bảy, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Lêô XIV ký và gửi một sứ điệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển trí tuệ nhân tạo với trách nhiệm và sự sáng suốt. Ngài kêu gọi thiết lập sự quản lý AI mang tính phối hợp ở cả địa phương lẫn toàn cầu, để bảo vệ phẩm giá và sự tự do vốn có của mỗi người, chứ không chỉ dừng lại ở tính hữu ích và hiệu năng.
Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha :
Thay mặt Đức Thánh Cha Lêô XIV, tôi muốn gửi lời chào thân ái đến tất cả các tham dự viên Hội Nghị Thượng Đỉnh AI vì Mục tiêu Tốt đẹp 2025, được tổ chức bởi Liên minh Viễn Thông Quốc Tế (ITU), phối hợp với các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc và đồng tổ chức bởi Chính phủ Thụy Sỹ. Vì Hội Nghị Thượng Đỉnh này trùng hợp với dịp Kỷ Niệm 160 năm thành lập của ITU, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến tất cả các Thành viên cũng như nhân viên vì công việc và nỗ lực của họ nhằm cổ võ một sự phát triển toàn cầu để mang những lợi ích của công nghệ viễn thông đến với mọi người khắp trên thế giới. Việc kết nối gia đình nhân loại thông qua điện báo, phát thanh, điện thoại, truyền thông không gian và kỹ thuật số đặt ra những thách thức, cách riêng ở những vùng có thu nhập thấp và thôn quê, nơi mà xấp xỉ 2,6 tỷ người vẫn còn thiếu khả năng tiếp cận với các công nghệ truyền thông.
Nhân loại đang ở ngã ba đường, đối mặt với tiềm năng to lớn bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại, được thúc đẩy bởi Trí Tuệ Nhân Tạo (AI). Ảnh hưởng của cuộc cách mạng này vươn xa, làm thay đổi những lãnh vực như giáo dục, lao động, nghệ thuật, chăm sóc sức khỏe, quản trị, quân sự và truyền thông. Sự thay đổi mang tính lịch sử này đòi hỏi trách nhiệm và sự phân định nhằm bảo đảm rằng AI được phát triển cũng như sử dụng vì công ích, dựng xây những nhịp cầu đối thoại và thúc đẩy tình huynh đệ, đồng thời đảm bảo rằng nó phục vụ lợi ích của toàn thể nhân loại.
Khi AI ngày càng có khả năng tự động thích nghi với nhiều hoàn cảnh bằng cách đưa ra những chọn lựa thuật toán thuần túy mang tính kỹ thuật, thì thật quan trọng để xem xét những hàm ý mang tính đạo đức và nhân chủng học của nó, những giá trị đang bị đe dọa lẫn trách nhiệm cũng như khung pháp lý cần thiết để gìn giữ những giá trị ấy. Thật ra, trong khi AI có thể mô phỏng những khía cạnh lý luận con người và thực hiện những nhiệm vụ riêng biệt với tốc độ và hiệu quả đáng kinh ngạc, thì nó chẳng thể thay thế sự phân định về đạo đức hay khả năng hình thành nên những mối quan hệ chân thật. Vì vậy, sự phát triển của những tiến bộ công nghệ như thế phải song hành với sự tôn trong các giá trị con người và xã hội, khả năng phán đoán với lương tâm trong sáng, và sự tăng trưởng trong trách nhiệm con người. Không phải ngẫu nhiên khi kỷ nguyên đổi mới sâu sắc này đã thúc đẩy nhiều người suy tư về những gì có ý nghĩa đối với việc làm người, và về vai trò của nhân loại trong thế giới.
Mặc dù trách nhiệm đối với việc sử dụng một cách có đạo đức các hệ thống AI khởi đi với những nhà phát triển, quản lý và trông coi chúng, nhưng những người sử dụng chúng cũng chia sẻ trong trách nhiệm này. Do đó, AI đòi hỏi một sự quản lý đạo đức phù hợp và các khung pháp lý lấy con người làm trung tâm, vượt ra ngoài những chuẩn mực thuần túy về tính hữu ích hoặc hiệu quả. Sau cùng, chúng ta đừng bao giờ đánh mất mục tiêu chung của việc góp phần vào ‘tranquillitas ordinis – trật tự yên bình”, như Thánh Augustinô đã gọi (De Civitate Dei), và thúc đẩy một trật tự quan hệ xã hội nhân văn hơn, cùng các xã hội công bằng và hòa bình trong việc phục vụ sự phát triển con người toàn diện và lợi ích của gia đình nhân loại.
Thay mặt Đức Giáo hoàng Lêô XIV, tôi muốn nhân cơ hội này để khuyến khích quý vị kiếm tìm sự rõ ràng về mặt đạo đức và thiết lập sự quản lý AI mang tính phối hợp ở cả địa phương lẫn toàn cầu, dựa trên sự công nhận chung về phẩm giá vốn có và tự do căn bản của con người. Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ vui lòng cầu nguyện cho quý vị trong nỗ lực hướng đến công ích.
————————————
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: Vatican.va)