Từ Cội Rễ Ân Phúc Đến Trái Ngọt Của Niềm Hy Vọng

“Nếu phải tự hào thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2Cr11, 30)

Đó là lời tôi thốt lên cùng Chúa, khi chiêm ngắm căn tính của mình qua từng trang sử của Hội Dòng – nơi tôi thuộc về. Hơn một lần nữa, lời của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô lại vang lên trong tôi: “Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim”. Tạ ơn Chúa đã chọn gọi tôi là “nữ tu trẻ” trong một Hội Dòng đã có hơn 325 tuổi. Nơi đó, tôi được tìm về nguồn cội của mình và học biết nơi các Đấng Sáng Lập – các mẹ tiên khởi, các chị đi trước, để đào sâu linh đạo Phaolô, để được cảm nghiệm, để được sống lại và để được kín múc “Căn tính Nữ tu Phaolô” mà trong ít nhiều năm đời tu của mình tôi đã làm rơi rớt.

“Tất cả quá khứ còn in sâu vào hiện tại. Và tất cả tương lai nương tựa vào quá khứ đang dần mở rộng trong ánh sáng của Thánh Ý Chúa… (SĐS) Hôm nay tiếp nối hôm qua… để học hỏi, tiếp thu, phát huy và gìn giữ… và để canh cánh bên lòng…” (Văn Kiện TCH 47)

Còn gì hạnh phúc và tự hào hơn khi được nói về những người cha, người mẹ của mình như là những cái “GỐC”, cái “RỄ” cung cấp tràn đầy “NHỰA SỐNG” cho toàn thân cây theo lời Đức Phanxicô đã nói trong Tông Huấn Christus Vivit. Còn niềm hãnh diện nào hơn khi được chiêm ngắm công trình của Thánh Thần nơi những “NHÂN CÁCH LỚN” – “NHỮNG VĨ NHÂN” chưa một lần được suy tôn trên Bàn Thánh nhưng lại được “suy tôn” trong cung lòng của biết bao thế hệ “Nữ Tử Phaolô” và tất cả những ai được “lòng bác ái” của các ngài chạm đến.

Khởi đi từ làng quê Levesville bé nhỏ, Thiên Chúa đã âm thầm gieo những hạt giống đầu tiên. Ngài gọi Cha Louis Chauvet – một vị mục tử trẻ, nhiệt thành, uyên bác nhưng mang trong tâm hồn một trực GIÁC THIÊNG LIÊNG sâu sắc và nhạy bén. Để chữa lành căn bệnh ù lì về mặt đạo đức xuất phát từ sự chán nản, nỗi khốn cùng, nhất là sự ngu dốt, cha muốn dạy cho các trẻ em học đọc học viết. Đó là điều kiện tiên quyết để canh tân Kitô giáo. Thế nhưng cha sẽ chẳng làm gì được vì chỉ có một mình. Đó là lúc ngài xin Chúa khơi lên cùng một lòng ao ước nơi một vài linh hồn sốt sắng. Chúa đã đáp lời ngài và gởi đến những tâm hồn quả cảm tốt lành là những thiếu nữ miền quê xứ Beauce: Marie Micheau, Marie Anne de Tilly, Barbe Focault, Thérèse Du Tronchay. Thế là cộng đoàn đầu tiên được hình thành – nơi mà những tâm hồn quảng đại đã “Dâng mình cho Chúa vì lợi ích Giáo Hội và công ích tha nhân” (Di chúc của Mẹ Marie Anne de Tilly). Các chị đặt tất cả niềm hăng say của tuổi trẻ, tâm hồn nhiệt thành của người Kitô hữu vào những của lễ đầu mùa bằng hy sinh trọn vẹn cuộc sống như lời Thánh Phaolô khẳng định: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7).

Có thể nói: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1Cr 2, 9). Vượt ra khỏi lãnh thổ xứ Beauce, vươn mình đến tận Chartres (1708) – Ngọn Gió Thánh Linh còn làm cho hạt giống mà Ngài đã gieo được sinh hoa kết trái sang tận bên kia đại dương – vùng đất Cayenne (1727) và trải rộng trên khắp năm châu trong đó có Việt Nam (1860). “Quả thật, khi Thiên Chúa ban ơn kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,21). Sự có mặt của các nữ tu Phaolô trên đất Việt Nam là một bằng chứng sống động cho việc Thiên Chúa hằng săn sóc cho các công trình của Ngài. Theo gót chân Cha Thánh Phaolô – Nhà truyền giáo vĩ đại – Người lao công của Tin Mừng, biết bao thế hệ nữ tử Phaolô cũng đã ra đi mang trong tim sứ mệnh NỮ TU BÁC ÁI mà ngay từ đầu Đấng sáng lập là Cha Chauvet và các chị tiên khởi đã được thúc đẩy.

“Được thôi thúc bởi tình yêu Đức Kitô” (2Cr 5,14), Mẹ Benjamin cùng các chị nữ tu Phaolô bắt tay vào sứ mệnh bác ái. Các công trình thấm đẫm tình yêu Thiên Chúa được mọc lên với một mục đích duy nhất là “cứu rỗi các linh hồn”. “Giữa những con người đáng thương bị xã hội đào thải, giữa những vết thương hì hợm và hôi thối, mọi người sẽ nhìn thấy một nữ tu bé mọn dễ thương, sự tận tụy đơn sơ tận đáy lòng và nụ cười luôn nở trên môi, đi đi lại lại như một thiên thần, bình an ngay giữa tình cảnh khốn cùng ấy” (Trích Các nữ tu Phaolô trên đất Đông Dương). Quả thật, các mẹ các chị đã làm cho lời Đức Giêsu được hiện thực cách sống động cụ thể trong bối cảnh xã hội Việt nam lúc bấy giờ: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Rõ ràng và cụ thể: “CHÂN LÝ nằm ở nơi nào có ĐỨC BÁC ÁI”.

“Nhìn về quá khứ với niềm tri ân” (Tông thư gửi người sống Đời Thánh Hiến, số 1) – việc khám phá lại di sản quý báu của nguồn cội đã được các vị tiền bối truyền lại sau hơn ba thế kỷ – là dấu mốc ân sủng nhắc nhở tôi mỗi ngày sống của mình phải là một trang Tin Mừng mà tôi cần viết lại cho ngày hôm nay. Đến lượt mình, tôi phải làm gì để gìn giữ gia sản của Hội Dòng trong bối cảnh của Levesville thời đại? Levesville thuở ấy sẽ vui mừng vì những nữ tử của mình đang tiếp tục xây dựng những Levesville giữa lòng nhân loại trên khắp năm châu, trung thành tiếp nối đặc sủng của Đấng Sáng Lập, dấn thân phục vụ người nghèo – những chi thể của Đức Kitô. Thiên Chúa mời gọi tôi tiếp tục làm mới lại lòng trung thành trong việc phục vụ nhân loại. Ngài mong muốn tôi trở thành dụng cụ cứu rỗi cho mọi người mà tôi gặp gỡ trên đường đời; trở nên bàn tay của Chúa để xoa dịu mọi người đau yếu, đôi mắt của Chúa để tôi nhìn họ với cái nhìn xót thương. Tôi cũng được nhắc nhở luôn ý thức về tầm quan trọng nền tảng của một đời sống chuyên cần cầu nguyện, một “nữ tu Phaolô luôn thương nhớ Giêsu”, một tâm hồn tông đồ được trải nghiệm thấm đẫm tinh thần của Thánh Tổ Phaolô và một sứ mạng truyền giáo phải thi hành.

Một chút suy tư về gốc rễ thiêng liêng giúp tôi xác tín hơn về hoạt động của Chúa đã đang và sẽ luôn hiện diện trong Hội Dòng của mình. Tất cả là hồng ân, là bảo chứng của tình thương che chở quan phòng của Thiên Chúa. Để rồi lời Đức Phanxicô vang lên trong tôi: “Hãy can đảm tìm lại tinh thần xông xáo dám nghĩ dám làm, óc sáng tạo và sự thánh thiện của các đấng sáng lập, để đáp trả những “thời điểm” đang xuất hiện trong thế giới ngày nay” (Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến). Từ tận sâu thẳm lòng mình, tôi xác tín và xác quyết về ơn gọi, về căn tính nữ tu Phaolô của mình để quyết tâm sống đẹp ý Chúa hơn:

“Hiến dâng chẳng phải mơ màng
Là đường hy vọng giữa ngàn gian nan
Tình yêu thắp sáng tim vàng
Đưa ta tiến bước chẳng màng bản thân
Ngại chi phục vụ gian truân
Đôi tay bé nhỏ hóa nguồn tình thương
Cho đi quảng đại khôn lường
Trung thành theo Chúa tình trường bền lâu…

Sr Thérèse Hương – K30

Bài Liên Quan

Sa Mạc Tình Yêu

“Em là K30” – khẩu ngữ ấy vô tình trở thành “nhãn hiệu” thân thương của chúng...

Hoa Của Đất

Lặng ngắm những đóa hoa dại nở rộ, bé nhỏ nhưng rực rỡ sắc màu và tràn...

Câu Chuyện Chiếc Lá

Ánh nắng nhẹ đan trên những cành cây, làn gió hiu hiu lướt qua tạo nên điều...

Sứ Vụ

Con đường dâng hiến theo Cha Gập ghềnh sỏi đá phong ba còn dài. Trãi qua, hiện tại, tương...

Thư gởi Mẹ

Vậy là đã 15 năm kể từ ngày con rời xa gia đình để bước vào hành...

Chút Tâm Tình Ngày Trở Về

Được trở về Tỉnh dòng sau gần 8 năm xa cách vì chương trình tu học, trong...