A.I Và Chúa Thánh Thần Trong Bài Giảng Lễ

Năm tôi chịu chức linh mục (2022) cũng là lúc trí tuệ nhân tạo (AI) đang thịnh hành. AI đang và sẽ chi phối mọi lĩnh vực, kể cả trong đời sống đức tin, trong đó có bài giảng. Mỗi nhà thờ, mỗi thánh lễ, mỗi linh mục đều có phong cách soạn và giảng lễ khác nhau vào mỗi Chúa Nhật. Dù bài giảng chỉ kéo dài vài phút, nhưng hàng tuần cần soạn bài giảng một cách chu đáo thường thách thức các linh mục. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhất là trước áp lực về việc thế nào là một bài giảng hay, và cách giảng làm sao để giáo dân hiểu được Lời Chúa, thường đè nặng lên vai người giảng thuyết. Ngoài ra, liệu có nên đề cập đến các vấn đề xã hội trên tòa giảng, hoặc liệu ChatGPT có thể soạn bài giảng hay không?

Lúc học thần học, chúng tôi đều được dạy rằng nhiệm vụ của linh mục là chuyển tải lời Chúa đến với giáo dân. Trên thực tế không phải linh mục nào cũng có nhiều giờ để soạn bài giảng. Tôi nói “soạn”, nghĩa là linh mục dành giờ đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, suy niệm và nghiền ngẫm nó như một con gà mẹ ấp trứng vậy. Lúc này, linh mục tìm hiểu ý nghĩa của từng đoạn, lập dàn ý và cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Trên lý thuyết, những gì Chúa Thánh Thần tác động lên bài giảng của linh mục, cũng có thể tác động lên giáo dân. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Lý do là hiệu quả này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, mà tôi sẽ trình bày sau.

Tôi rất thích lối giảng thuyết của đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Lý do là trong các bài giảng của ngài luôn có tính độc đáo. Tôi nhận thấy rằng mỗi lần giảng, ngài luôn mang đến điều gì đó mới mẻ và độc đáo. Tôi tin rằng nét độc đáo ấy phần lớn xuất phát từ ơn Chúa Thánh Thần, và cả từ việc chuẩn bị của ngài. Dĩ nhiên một linh mục đọc nguyên văn bài giảng lấy từ trang web thì không hấp dẫn, thậm chí nó cho thấy linh mục ấy không nghiêm túc trong bài giảng.

Tôi thường bị cám dỗ này: mình chỉ cần tập trung diễn giải Lời Chúa thôi. Tôi cũng đã thử vài lần, nhưng giáo dân góp ý rằng giảng không phải là lúc diễn giải các đoạn Kinh Thánh. Dù rất cần thiết, nhưng sau đó, tôi nghĩ giảng lễ có thể mở rộng hơn, nó bao gồm những câu chuyện cá nhân, chứng nhân đức tin hoặc suy tư về cuộc sống.

Chắc độc giả đều đồng ý với tôi rằng: Bài giảng hay có nghĩa là nó chạm đến trái tim mỗi người. Thách đố là trong mỗi thánh lễ thường có nhiều thành phần khác nhau, thậm chí có cả trẻ em đến người già, từ tầng lớp công nhân cho đến giáo sư đại học. Vậy, tôi phải nói làm sao cho thông điệp có thể đến với tất cả họ? Về câu hỏi này, tôi rất thích chia sẻ của linh mục bề trên trong cộng đoàn tôi. Ngài nói: “Trong khi giải tội, giáo dân chia sẻ những gì họ đang đấu tranh, những nỗi đau họ phải chịu. Điều này giúp tôi hiểu được thông điệp Tin Mừng cần phải thích đến đâu, để phù hợp với hoàn cảnh của họ.” Tôi nhớ thêm đến lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho mỗi linh mục, mỗi người giảng thuyết cần “mang lấy mùi của con chiên”. Khi đó, người truyền tải lời Chúa mới có thể trao cho giáo dân những điều họ cần.

Một vấn đề khác tôi cũng thường để ý: Có nên đưa các vấn đề xã hội vào bài giảng không? Có lẽ ở một mức độ nào đó, điều này là cần thiết. Là mục tử, các linh mục cần hướng dẫn giáo dân trong ánh sáng của lời Chúa. Mỗi ngày đều có những sự kiện giáo dân quan tâm. Trong khi giảng thuyết, tôi nghĩ linh mục có thể khéo léo giúp giáo dân nhận định, đánh giá vấn đề. Xin mở ngoặc ở đây: Tôi không đồng tình với việc linh mục dùng tòa giảng để la mắng giáo dân!

Khi học giảng thuyết, tôi thích nhận xét này của Karl Barth (1886–1968), một trong những nhà thần học Tin Lành quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông nói rằng “một nhà giảng thuyết cần có hai tài liệu: Kinh Thánh và báo chí hằng ngày.”Nói cách khác, một tay linh mục cần nắm lấy Thiên Chúa, tay kia nắm lấy giáo dân. Theo đó, tôi nghĩ các linh mục không cần nói về mọi vấn đề xã hội – nhất là chính trị đảng phái – nhưng cũng không thể để nhà thờ trở thành một không gian tách biệt khỏi thực tế. Đôi khi, linh mục cần phải giải thích những vấn đề của xã hội dưới ánh sáng của Tin mừng. Đôi khi sự thật khó nghe, nhưng chính nó sẽ giải thoát chúng ta.. Hơn nữa, vấn đề xã hội có thể là những suy tư đạo đức. Linh mục có trách nhiệm giúp giáo dân phân định những tình huống đạo đức, cân nhắc các vấn đề quan trọng. Ví dụ, vấn đề môi trường, vấn đề phá thai, bất công, v.v.

Trở lại ý ở trên, một bài giảng không chỉ có nội dung hay, nhưng còn cần: dáng đứng và cử chỉ, giọng điệu và tốc độ nói. Một yếu tố quan trọng nữa: thời gian phù hợp để giáo dân dễ tiếp thu. Một khảo sát gần đây cho thấy các tín hữu Công giáo thích bài giảng kéo dài từ 7 đến 15 phút. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói đây là thời lượng phù hợp. Chúng ta vẫn biết điều này: Nếu bài giảng có độ dài hợp lý và nhất quán, giáo dân sẽ dễ tiếp thu thông điệp hơn. Dù ngắn gọn nhưng súc tích, một bài giảng vẫn có thể để lại ảnh hưởng sâu sắc.

Vai trò của AI trong bài giảng?

Chắc không ai cấm linh mục dùng AI để tham khảo trong khi soạn bài giảng. Thú thực tôi cũng thường sử dụng ChatGPT để lên ý tưởng, sau khi cầu nguyện với đoạn Lời Chúa. Sau thời gian dùng AI, tôi xin đưa ra hai nhận xét từ góc độ cá nhân:

  1. Có nguy cơ lười biếng suy tư. AI soạn bài giảng nhanh hơn nhiều, thậm chí có lúc hay hơn một người soạn giảng. Sẽ là quá đáng nếu linh mục luôn dùng AI để soạn bài giảng mà không cầu nguyện trước và sau. Nếu phó thác cho AI mà quên mất Chúa Thánh Thần, thì bài giảng ấy sẽ không bao giờ hay được.
  2. Công nghệ có thể hỗ trợ. Trước đây chúng ta dùng đến sách vở để tham khảo. Nhiều linh mục dùng “google” để tra cứu, nay có thêm AI. Tuy nhiên chúng ta đồng ý rằng AI không thể thay thế trái tim và tâm hồn của người giảng thuyết.

Với hai yếu tố trên, tôi thường làm điều này: Để Lời Chúa thấm vào mình bao nhiêu có thể. Sau đó, có thể tham khảo AI để tìm thêm những chi tiết thú vị nhằm giúp giáo dân hiểu hơn về Lời Chúa. Trước khi giảng lễ, tôi luôn ý thức mình cần giảng từ “lời lẽ của con tim”. Ngôn ngữ của trái tim sẽ giúp người nghe cảm thấy gần gũi, dễ hiểu và dễ áp dụng. Dù tôi có dùng AI, nhưng luôn để trái tim mình nói trong khi giảng, người nghe sẽ nhận ra thông điệp của Tin Mừng.

AI chỉ là máy móc, công cụ. Linh mục dùng công cụ này một cách khôn ngoan cũng có thể hấp dẫn giáo dân trong mỗi bài giảng. Dĩ nhiên sự hấp dẫn này không hẳn là công sức của người giảng, nhưng luôn là thành quả của Chúa Thánh Thần, Ngài tác động lên cả người giảng và người nghe.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Nguồn: dongten.net

Xem Thêm

Theo Thầy

Ba năm trước Nơi Biển Hồ Galilê quen thuộc Thầy gọi tôi… Trái tim tôi rất thấp thỏm bồi hồi Thầy...

Diễn Văn Của Đức Giáo Hoàng Lêô Xiv Gửi...

Đức Lêô XIV đã tiếp kiến 3.000 nhà báo và đại diện truyền thông tại Hội trường...

Chiêm Ngắm Những Khuôn Mặt Xung Quanh Chúng Ta

Đây là một trong mười lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Mùa Chay...