Bác ái là nhân đức đối thần được Thiên Chúa ban cho chúng ta trong ngày rửa tội. Bác ái đóng vai trò thiết yếu để phát triển đời sống thiêng liêng của người tín hữu kitô.
Trong lễ rửa tội, người được rửa tội nhận được ơn thánh hóa để được xóa bỏ tội nguyên tổ và được làm con Chúa. Ngài ban cho chúng ta ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo giải thích, các nhân đức này “chuẩn bị cho người tín hữu kitô sống trong mối tương quan với Chúa Ba Ngôi, là nguồn gốc, động cơ và đối tượng”.
Ba nhân đức này là ân huệ nhưng không của Chúa, không giống các nhân đức khác, chúng ta không có được bằng công đức hay việc làm của con người: “Chúng được Thiên Chúa Ba truyền vào tâm hồn các tín hữu để làm cho họ có khả năng hành động như con cái của Người và đáng được hưởng phúc sự sống trường cửu.” (GLHTCG 1813). Ba nhân đức thần học này bảo đảm sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi khả năng con người. Đức tin giúp chúng ta tin vào Thiên Chúa, vào tất cả những gì Ngài mạc khải và những gì Giáo hội mời gọi chúng ta tin. Hy vọng là khao khát “Nước Trời và Sự sống Đời đời”, tin tưởng vào lời Chúa Kitô hứa, vào ý Ngài với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần (GLCG 1817). Cuối cùng, đức ái giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình vậy. Với Thánh Phaolô, đức ái là nhân đức cao cả nhất trong ba nhân đức: “Điều còn lại là đức tin, đức cậy và đức mến; nhưng cao trọng nhất trong ba điều đó là đức bác ái” (1 Cr 13:13).
Không có lòng bác ái thì không có sự phát triển tâm linh
Nếu lòng bác ái đồng nghĩa với tình yêu thì đó không chỉ là tình cảm của con người mà là một tình yêu siêu nhiên vượt lên hạnh phúc đơn thuần. Vì lòng yêu mến Thiên Chúa, đức ái khuyến khích chúng ta làm điều tốt cho người khác, nhất là cho kẻ thù của mình. Đó là ơn Chúa mà chúng ta nhận được khi rửa tội và trong suốt cuộc đời, chúng ta phải liên tục xin ơn này. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đặt Thiên Chúa lên hàng đầu và yêu thương người anh em, ngay cả những người làm hại mình. Thánh Phaolô đã tóm tắt: “Nếu tôi thiếu tình yêu thương, tôi chẳng là gì cả” (1 Cor 13:3).
Vì vậy, để tiến bộ về mặt thiêng liêng, cần phải cầu xin và làm việc bác ái. Làm thế nào để thực hành đức ái trong đời sống hàng ngày? Bằng cách tuân theo các điều răn của Chúa, cố gắng làm chứng cho Chúa với những người chung quanh, cố gắng nhận các bí tích để có được ân sủng và vượt qua lỗi lầm và tội lỗi của chính mình.
Điều cần thiết là yêu thương người anh em, vì nếu chúng ta không yêu thương được người anh em thì tình yêu của của chúng ta là trống rỗng và vô nghĩa, như Thánh Phaolô đã nói: “Nếu tôi không có đức mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoản” (1Cr 13, 1). Vì thế chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn