Trong bài giáo lý được chuẩn bị cho buổi tiếp kiến ​​chung vào ngày 5 tháng Ba, Đức Phanxicô mời gọi các Kitô hữu hãy đặt mình theo bước chân Chúa, Đấng không để mình bị giới hạn bởi những sơ đồ và giới luật của chúng ta.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 5/3/2025 :

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Trong bài giáo lý cuối cùng này về thời thơ ấu của Đức Giêsu, chúng ta sẽ bắt đầu từ câu chuyện lúc 12 tuổi, Người ở lại trong Đền Thờ mà không nói cho cha mẹ biết, họ lo lắng kiếm tìm và đã tìm thấy Người sau 3 ngày. Trình thuật này trình bày cho chúng ta một cuộc đối thoại rất thú vị giữa Mẹ Maria và Đức Giêsu, giúp chúng ta suy tư về hành trình của Thân Mẫu Đức Giêsu, một hành trình chắc chắn không hề dễ dàng. Thật vậy, Đức Maria bắt đầu cuộc hành trình thiêng liêng mà trong đó, Mẹ tiến tới việc nhận hiểu mầu nhiệm của Con Mẹ.

Chúng ta hãy nhìn lại những giai đoạn trước của hành trình này. Lúc bắt đầu mang thai, Maria viếng thăm bà Êlisabét và ở với người chị họ này trong ba tháng, cho đến khi sinh hạ Gioan Tẩy Giả. Sau đó, lúc bấy giờ khi Mẹ mang thai được 9 tháng, vì cuộc điều tra dân số nên Mẹ cùng thánh Giuse đi đến Bêlem, nơi Mẹ sinh hạ Chúa Giêsu. Sau 40 ngày, các ngài đi lên lên Giêrusalem để tiến dâng hài nhi; và trở lại cuộc hành hương lên Đền Thờ hằng năm sau đó. Nhưng khi Đức Giêsu vẫn còn là một đứa trẻ, Đức Maria và thánh Giuse đã lánh nạn tại Ai Cập trong thời gian dài để bảo vệ Hài Nhi khỏi Hêrôđê, và chỉ sau khi vua chết thì các ngài mới định cư lại tại Nazarét. Khi Đức Giêsu, đã trưởng thành, bắt đầu sứ vụ của Người, thì Mẹ Maria mới hiện diện và là vai chính ở tiệc cưới Cana; rồi Mẹ đi theo Người ‘từ xa’, cho đến hành trình cuối cùng của Người lên Giêrusalem, và cho đến cuộc vượt qua và cái chết của Người. Sau khi Chúa Phục Sinh, Đức Maria vẫn ở Giêrusalem, như là Mẹ của các môn đệ, nâng đỡ đức tin của họ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần được ban xuống.

Qua hành trình này, Đức Trinh Nữ chính là người lữ hành của niềm hy vọng, theo nghĩa mạnh mẽ rằng Mẹ trở thành ‘nữ tử của Con Mẹ’, môn đệ đầu tiên trong số các môn đệ của Người. Đức Maria đã mang Đức Giêsu, Niềm Hy Vọng của nhân loại, vào thế giới; Mẹ dưỡng nuôi, chăm sóc Người lớn lên, đi theo Người, để cho bản thân trở thành người đầu tiên được uốn nắn bởi Lời Chúa. Như Đức Bênêdictô XVI đã nói: ‘Chúng ta chứng kiến một Đức Maria đã thoải mái với Lời Chúa như thế nào, … tư tưởng Mẹ phù hợp với tư tưởng của Chúa như thế nào, và ý muốn của Mẹ nên một với Ý Chúa ra sao. Và bởi vì Đức Maria đã hoàn toàn thấm nhuần Lời Chúa, nên Mẹ có thể trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể’ (Thông điệp Deus caritas est, số 41). Tuy nhiên, mối hiệp thông đặc biệt này với Lời Chúa không tránh cho Mẹ khỏi nỗ lực ‘học việc’ đầy đòi hỏi.

Kinh nghiệm về Đức Giê-su 12 tuổi đi lạc trong cuộc hành hương hằng năm lên Giêrusalem đã làm Đức Maria hoảng sợ đến mức Mẹ cũng nói với thánh Giuse khi các ngài tìm lại được con mình: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2, 48). Đức Maria và Thánh Giuse cảm nhận được nỗi đau của những bậc cha mẹ mất con: các ngài đều nghĩ rằng Đức Giêsu ở trong đoàn lữ hành với họ hàng của mình, nhưng sau đó lại không nhìn thấy Người trong suốt cả ngày, Đức Maria và thánh Giuse bắt đầu cuộc tìm kiếm có thể dẫn họ trở lại lộ trình của mình. Khi trở lại Đền Thờ, các ngài nhận thấy rằng, trong mắt mình, cho đến thời gian ngắn trước đó, Đức Giêsu vẫn còn là một đứa trẻ cần được bảo vệ, bỗng nhiên dường như đã trưởng thành, giờ đây có thể tham gia vào các cuộc bàn luận về Kinh Thánh, tự tin đối đáp với những thầy dạy Luật.

Đối mặt với lời quở trách của Mẹ Maria, Đức Giêsu trả lời với sự hồn nhiên làm nguôi giận: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Đức Maria và thánh Giuse không hiểu: mầu nhiệm của Thiên Chúa đã làm cho đứa trẻ vượt quá trí hiểu của họ. Cha mẹ muốn bảo vệ người con quý giá ấy dưới đôi cánh tình thương của mình; ngược lại, Đức Giêsu muốn sống ơn gọi của Người như là Con của Chúa Cha, phục vụ và sống đắm chìm trong Lời của Người.

Vậy là những trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca khép lại với những lời sau cùng của Đức Maria, gợi nhắc lại tình phụ tử của Thánh Giuse đối với Đức Giêsu, và với những lời đầu tiên của Đức Giêsu, nhìn nhận rằng phẩm tính làm cha này bắt nguồn từ Cha trên trời của Người, Đấng mà Đức Giêsu công nhận quyền tối thượng tuyệt đối.

Anh chị em thân mến, như Đức Maria và Thánh Giuse, tràn đầy hy vọng, chúng ta cũng hãy theo bước dấu chân của Chúa, Đấng không để mình bị kìm hãm bởi những giới luật của chúng ta, và bị giới hạn quá nhiều ở một nơi chốn, nhưng là trong lời đáp trả tình yêu với tình phụ tử dịu dàng của Thiên Chúa, một sự đáp trả yêu thương chính là đời sống đượm tình con thảo.

———————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

Từ: vatican.va

Nguồn: xuanbichvietnam.net