Thứ Tư, ngày 9 tháng Bảy, lần đầu tiên Đức Lêô XIV đã cử hành thánh lễ theo bản mẫu mới cầu cho việc bảo vệ Công trình tạo dựng. Sau khi công bố thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2015, điều quan trọng là phải có một cách tiếp cận phụng vụ để “tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Công trình tạo dựng”, Cha Gilles Drouin, giám đốc Viện cao học Phụng vụ, khẳng định như vậy.
Mười năm sau khi thông điệp Laudato si’ được công bố, một bản mẫu thánh lễ mới dành cho những dịp đặc biệt đã được giới thiệu vào thứ Tư ngày 2 tháng Bảy. Đây là bản mẫu thánh lễ “cầu cho việc bảo vệ Công trình tạo dựng”. Một tuần sau, thứ Tư ngày 9 tháng Bảy vừa qua tại khu vườn Castel Gandolfo, nơi ngài đang đi nghỉ hai tuần, Đức Lêô XIV đã cử hành thánh lễ theo bản mẫu mới này. Việc thêm các bản mẫu vào Sách lễ Rôma cho phép phụng vụ càng gần gũi nhất có thể với nguyện vọng của dân Chúa, như Cha Gilles Drouin, giám đốc Viện cao học Phụng vụ ở Paris, giải thích.
Việc tạo ra các bản mẫu thánh lễ mới có hiếm không?
Không, nó diễn ra đều đặn, đó là thường xuyên và mang tính truyền thống sâu xa. Chẳng hạn, tôi đã làm việc rất nhiều về sách lễ sau Công đồng Trentô (1545-1563) và, ở cấp Tòa Thánh hoặc cấp giáo phận, một số bản mẫu đã được đưa ra cho các nhu cầu đặc biệt, hoặc của một Giáo hội cụ thể, hoặc của một thời điểm cụ thể.
Thật thú vị vì những thánh lễ mà chúng ta gọi là “có ý cầu nguyện riêng” này cuối cùng cho chúng ta biết về những điểm cần quan tâm trong đời sống của Giáo hội và về việc Thánh Thể quan tâm đến đời sống cụ thể con người đến mức nào. Khi xã hội còn là nông thôn, có những thánh lễ cầu cho việc tránh bão, những thánh lễ cầu cho thời tiết tốt, v.v. Ngày nay, mối quan hệ với vũ trụ đã khác vì rõ ràng chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng sinh thái và, vì lý do này, có thánh lễ cầu cho việc bảo vệ Công trình tạo dựng.
Có cần thiết sau thông điệp Laudato si’ để có một bản dịch phụng vụ về tính cấp thiết của việc chăm sóc Công trình tạo dựng mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến không?
Công đồng Vatican II nói rằng phụng vụ là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu. Vì vậy, điều quan trọng là không có một bên là mệnh lệnh đạo đức và bên kia là cách thức chúng ta cầu nguyện. Mọi thứ đều được liên kết với nhau như Đức cố Giáo hoàng đã nói. Đặc biệt hơn nữa là vì Laudato Si’ nói rất ít về các vấn đề phụng vụ, nhưng lại có một tính chất rất đòi hỏi và rất đạo đức. Về căn bản, Đức Thánh Cha đã nói với chúng ta: “Có lửa trong nhà và mỗi người phải nhận trách nhiệm của mình để tránh thảm họa”, cuối cùng với một cách tiếp cận thuộc phạm vi thần học luân lý.
Trong khi có một cách tiếp cận khác cho vấn đề sinh thái vốn gắn liền đến Bí tích Thánh Thể hơn, đó là tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Công trình tạo dựng. Do đó, một cách tiếp cận tạ ơn có lẽ có thể làm cho việc hoán cải sinh thái trở nên quan trọng và dễ dàng hơn. Có một mối liên hệ mang tính cấu trúc giữa thần học về Công trình tạo dựng, việc tôn trọng Công trình tạo dựng, bảo vệ Công trình tạo dựng và Bí tích Thánh Thể. Thật hay khi Thánh lễ này xuất hiện vì có lẽ ở Tây phương, không giống như những người bạn Đông phương của chúng ta, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến cách tiếp cận luân lý hơn là cách tiếp cận phụng vụ.
Đâu là những nguyện vọng của dân Chúa được phản ánh trong các văn bản dưới bản mẫu mới này?
Bản mẫu này tôn vinh cả hai cực của thần học về Công trình tạo dựng. Trước tiên, trong lời nguyện nhập lễ, chúng ta xin được ngoan ngoãn trước Chúa Thánh Thần để trở thành những người quản lý tốt hồng ân của Thiên Chúa, hồng ân Công trình tạo dựng vốn đã tạo nên chúng ta.
Tiếp đến, sau khi rước lễ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa gia tăng sự hiệp thông với Ngài và với anh chị em chúng ta, trong khi chờ đợi Trời mới Đất mới. Lời cầu nguyện này hướng tới thế giới cuối cùng và tuyên xưng sự kiện rằng tất cả công trình tạo dựng sẽ được cứu độ, chứ không chỉ riêng con người. Thiên Chúa đã tạo ra công trình tạo dựng và Thiên Chúa muốn tôi muốn cứu độ toàn bộ vũ trụ, chứ không chỉ con người.
Liệu chúng ta có thể có những bản mẫu thánh lễ mới khác trong tương lai không?
Nếu Thánh lễ không bao giờ cũ đi, thì bản mẫu có thể cũ đi vì nó tính đến những vấn đề của nhân loại, của con người, của dân Chúa trong lịch sử tính của họ. Có những thánh lễ từ thế kỷ XVII mà chúng ta không thể dâng được nữa vì các vấn đề và mối quan hệ với thế giới đã thay đổi. Một ví dụ khác, vào những năm 1970, chúng ta đã có một thánh lễ cầu cho việc hòa giải, trong đó hàm ý nhấn mạnh nhiều đến mối nguy hiểm hạt nhân, nhiều hơn là mối nguy hiểm về sinh thái.
Tuy nhiên, ngoài Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng để lại cho chúng ta thông điệp Fratelli Tutti và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể có một bản mẫu cầu cho tình huynh đệ, đặc biệt là tại các đô thị liên văn hóa toàn cầu hóa của chúng ta. Sứ điệp Tin Mừng, và rất mạnh mẽ trong Fratelli Tutti, nói với chúng ta rằng đối mặt với những căng thẳng này, có một câu trả lời từ sứ điệp Tin Mừng, đơn giản bởi vì, bất kể nền văn hóa của chúng ta, bất kể nguồn gốc của chúng ta, tất cả chúng ta đều là con cái của cùng một Thiên Chúa, do đó đều là anh chị em.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Jean-Benoît Harel, Vatican News)