Trong khi Israel và Hamas đang tiến gần đến một thỏa thuận ngừng bắn, các Giám mục Công giáo tại Thánh địa cho biết thỏa thuận này là một bước đi cần thiết, nhưng đồng thời cũng thừa nhận rằng cần phải có nhiều hành động hơn nữa để “giải quyết một cách đáng tin cậy các vấn đề sâu xa” ở cốt lõi của cuộc xung đột.
“Chúng tôi hy vọng rằng lệnh ngừng bắn này sẽ đánh dấu một sự kết thúc quan trọng cho tình trạng bạo lực đã gây ra sự đau khổ không thể đo đếm được. Đây là một bước cần thiết để ngăn chặn sự tàn phá và đáp ứng nhu cầu nhân đạo cấp bách của vô số gia đình bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột”, các Giám mục Công giáo cho biết trong một tuyên bố vào ngày 16 tháng 1.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rằng chiến tranh kết thúc không có nghĩa là chấm dứt xung đột”, các Giám mục Công giáo cho biết. “Do đó, cần phải giải quyết một cách nghiêm túc và đáng tin cậy các vấn đề sâu xa đã là gốc rễ của cuộc xung đột này trong thời gian quá dài”.
“Hòa bình đích thực và lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua một giải pháp công bằng giải quyết nguồn gốc của cuộc đấu tranh lâu dài này”, họ tiếp tục. “Điều này đòi hỏi một quá trình dài, sự sẵn lòng thừa nhận nỗi đau khổ của nhau và một nền giáo dục tập trung vào lòng tin dẫn đến việc vượt qua nỗi sợ hãi về người khác và biện minh cho bạo lực như một công cụ chính trị”.
Được thành lập vào năm 1992, Hội đồng các giám mục Công giáo tại Thánh địa bao gồm các Giám mục, của Giáo hội Công giáo nắm giữ quyền tài phán trên lãnh thổ tại Thánh địa: Giêrusalem, Palestine, Israel, Jordan và Síp. Các Giám mục này thuộc về Giáo hội nghi lễ La tinh, Giáo hội nghi lễ Maronite và các Giáo hội Công giáo Hy Lạp Melkite, Armenia, Syriac và Chaldean.
Hiện nay, Hội đồng Giám mục này có 27 thành viên. Theo luật định, Hội đồng do Đức Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem, hiện là Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa người Ý, làm Chủ tịch.
Đức Hồng y Pizzaballa, trong tuyên bố ngày 16 tháng 1, đã gọi lệnh ngừng bắn là “bước ngoặt cần thiết mà chúng ta cần”.
“Hy vọng rằng đây là sự khởi đầu của một quá trình – mặc dù kéo dài – hy vọng sẽ mang lại nền hòa bình lâu dài”, Đức Hồng y Pizzaballa cho biết, đồng thời lưu ý rằng trong tương lai gần, thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, nơi người dân “rất cần sự hỗ trợ”.
Đức Giám mục Elias Zaidan, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ cũng cho biết ngài đón nhận tin tức này với niềm hy vọng lớn lao, đồng thời gọi đây là “một dấu hiệu hòa bình đáng khích lệ cho một khu vực đã chứng kiến quá nhiều sự đổ máu và tàn phá”.
“Tôi cầu nguyện để nền hòa bình này có thể bén rễ vững chắc và lâu dài ở Trung Đông, và tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với vai trò quan trọng trong việc xây dựng hòa bình mà Hoa Kỳ đã đóng góp trong lệnh ngừng bắn và việc trả tự do cho các con tin này”, Đức Giám mục Zaidan, Giám mục của Giáo phận Đức Mẹ Lebanon nghi lễ Maronite cho biết trong tuyên bố ngày 16 tháng 1.
Thỏa thuận ngừng bắn đã được công bố vào ngày 15 tháng 1. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết vào ngày 16 tháng 1 rằng một “cuộc khủng hoảng phút chót” với Hamas đã kìm hãm thỏa thuận. Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 1, nội các an ninh Israel đã chấp thuận thỏa thuận và gửi đến toàn thể nội các Israel để bỏ phiếu phê duyệt cuối cùng. Nếu được chấp thuận, thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Gaza trong 42 ngày và giải thoát hàng chục con tin Israel và tù nhân Palestine.
Hamas bắt đầu cuộc chiến hiện tại bằng cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ thêm 250 người làm con tin. Trong số 100 con tin ước tính vẫn còn ở Gaza, một phần ba được cho là đã chết, theo Lực lượng Phòng vệ Israel.
Nếu đạt được thỏa thuận và lệnh ngừng bắn bắt đầu, Israel và Hamas sẽ cần đạt được thỏa thuận thứ hai để có thể tiếp tục sau 42 ngày ban đầu.
Các Giám mục Công giáo cho biết trong tuyên bố, được công bố trước khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố thỏa thuận bị tạm dừng, rằng họ cầu nguyện để lệnh ngừng bắn sẽ mang lại cảm giác “thanh thản và nhẹ nhõm” và “cho phép mọi người tìm thấy sự an ủi, xây dựng lại cuộc sống và tìm lại niềm hy vọng cho tương lai”.
Các Giám mục Công giáo bày tỏ “hy vọng vững chắc” mà họ duy trì cho tương lai. Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ truyền cảm hứng cho những nỗ lực mới “cho đối thoại, sự hiểu biết lẫn nhau và nền hòa bình lâu dài cho tất cả mọi người”, và đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới dẫn đầu những nỗ lực đó.
“Cuối cùng, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng quốc tế triển khai một tầm nhìn chính trị rõ ràng và công bằng cho giai đoạn hậu chiến”, các Giám mục Công giáo cho biết. “Một tương lai được xây dựng trên phẩm giá, an ninh và tự do cho tất cả mọi người là điều kiện tiên quyết cho nền hòa bình thực sự và lâu dài”.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thực hiện các bước ngay lập tức và đàm phán các bước tiếp theo của thỏa thuận một cách thiện chí”, các Giám mục Công giáo tiếp tục.
Giống như những tổ chức khác, Cơ quan Phát triển Công giáo Hải ngoại – cơ quan viện trợ chính thức của Giáo hội Công giáo tại Anh ở xứ Wales – cho biết việc tạm dừng giao tranh mang lại “sự trì hoãn đáng hoan nghênh”, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận dài hạn.
“Sự tạm dừng này sẽ mang lại sự trì hoãn đáng hoan nghênh trong các cuộc giao tranh, nhưng điều quan trọng là sự tạm dừng này phải kéo dài thành lệnh ngừng bắn dài hạn, một nền hòa bình bền vững, công bằng và lâu dài, và đồng thời chấm dứt tình trạng chiếm đóng để chấm dứt sự đau khổ cho người dân ở Gaza, mang lại hòa bình và an ninh trên khắp khu vực”, Janet Symes, người đứng đầu khu vực Châu Á và Trung Đông của cơ quan này cho biết trong tuyên bố ngày 15 tháng 1.
Minh Tuệ (theo Crux)
Nguồn: dcctvn.org