Im lặng có thể là tội nhưng cũng có thể hữu ích | © Kristina Flour/Unsplash

“Một thời để im lặng, một thời để nói.” Nhân đức thinh lặng vừa là cách ứng xử cao đẹp vì nó tốt lành nhưng cũng vì nó biết đến đúng lúc. Mùa Chay là thời gian của thinh lặng nhưng đây là thinh lặng khô cằn hay thinh lặng hữu ích? Và bây giờ có phải là lúc thích hợp để nói đến thinh lặng không? Chúng ta có nên lên tiếng để chống với muôn vàn lời lẽ của bạo lực, dối trá, phản bội và chiếm đoạt đang lan tràn không? Mùa Chay là mùa mạnh nhất Giáo hội xin chúng ta giữ thinh lặng. Như thế chúng ta sẽ sống lời kêu gọi này như thế nào?

Có những thinh lặng không phải là dấu chỉ của nhân đức nhưng đơn thuần chỉ là khoảng thinh lặng giữa các lời nói. Miệng thì im, nhưng lòng sôi sục. Lời nói chỉ bị kìm nén nhưng nó sẵn sàng bùng lên để chống một thinh lặng biến đổi, một thinh lặng thanh luyện hay gọt giũa. Khi đó, thinh lặng không hữu ích, chỉ là sự trống rỗng vô nghĩa. Thêm nữa, thinh lặng thành bất lực khi chúng ta muốn giữ thinh lặng để yên ổn làm ngơ, để không bị quấy rầy với những khổ đau và bất công, để khỏi thay đổi thói quen, để khỏi đến gần những người bị tổn thương, bị khinh miệt, để không chấp nhận rủi ro của lòng trắc ẩn, để không cùng đau với nỗi đau của tha nhân.

“Những lời hay ý đẹp chỉ thật sự tốt lành và mang sức mạnh chữa lành nếu những lời này được xuất phát từ một trái tim run rẩy vì đã ở trong thinh lặng.”

Ngày nay thế giới đầy biến động của chúng ta cần lời nhân danh Tin Mừng. Nhưng thực sự để nói lên được những lời này, chúng ta phải biết khi nào nên giữ thinh lặng, biết chấp nhận thinh lặng. Nhưng không cam chịu. Thinh lặng sinh hoa trái không phải là những lời nhai đi nhai lại nhàm chán, chai sạn, nhưng là những lời mới mẻ, đầy cảm hứng và sức sống.

Thánh vịnh 45 hướng dẫn chúng ta với câu mở đầu: “Lòng tôi trào dâng những lời cẩm tú.” Như lời bà Etty Hillesum (1914-1943), chết trong Trại Tập Trung Do thái đã nói: “Thế giới chúng ta mong chờ dầu thơm để xoa dịu vết thương.” Những lời hay ý đẹp chỉ thật sự tốt lành và mang sức mạnh chữa lành nếu những lời này được trái tim run rẩy nói lên, vì những trái tim này đã ở trong thinh lặng, đã được kết nối với Nguồn mạch của mọi lời nói để từ đó những lời nói này được cất lên.

“Chúng ta hãy bước vào nhà thờ với trái tim đầy những lời lẽ nhiệt tình, để tìm thấy sự thinh lặng mang đến bình an.”

Chúng ta cần chú ý đến hai đặc điểm của thinh lặng hiệu quả

Đầu tiên, đó là thinh lặng của bất lực. Không phải thinh lặng để chuẩn bị lập luận sắc bén nhưng chấp nhận chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ, buông bỏ quyền thống trị thế giới này. Chính trong thinh lặng của yếu đuối mà tình yêu, thi ca, ngỡ ngàng và lời ngợi khen được khai sinh.

Thứ hai, đó là thinh lặng của đón nhận. Thời gian thinh lặng để lắng nghe là một kairos, là khoảnh khắc ân sủng, là cơ hội để chúng ta nhận diện chính mình từ Nguồn mạch sự sống. Thinh lặng này là thinh lặng đón nhận tha nhân, không bằng lời nhưng bằng sự hiện diện âm thầm tràn đầy yêu thương, xem người khác là ơn vô giá Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đón nhận họ như một ơn để rồi chúng ta cũng là ơn của họ.

Chúng ta hãy bước vào nhà thờ với trái tim đầy những lời lẽ nhiệt tình, để tìm thấy sự thinh lặng mang đến bình an. Khi được như vậy, chúng ta không còn vội vã rời đi, chỉ muốn cảm nhận bình an lặng lẽ này như miếng bọt biển thấm nước chung quanh mình.

Một nơi thanh tịnh giúp những ai bước vào tìm được tĩnh lặng hiệu quả để họ tiếp tục đi giữa tiếng ồn ào của thế gian. Một hình ảnh đẹp để nói về Giáo Hội với một trong những nhân đức của Giáo hội: Giáo Hội thinh lặng. Giáo Hội biết cất đi những lời vô ích, những lời đóng lại Nước Trời thay vì mở ra (Mt 23,13). Khi đó, Giáo Hội có thể để cho Lời đích thực được vang lên, lời khiêm tốn được truyền đi không ồn ào, nhưng dịu dàng để xoa dịu thương tích thế gian, để giúp thế gian tìm lại ánh sáng.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Nguồn: phanxico.vn