Tuổi trẻ là thời kỳ của những khát vọng lớn lao, của những bước chân vội vã và những ước mơ không giới hạn. Thế nhưng, giữa guồng quay của học hành, công việc, hoạt động và các mối bận tâm hằng ngày, có lẽ ít ai dừng lại thật sự để lắng nghe một Đấng vẫn đang âm thầm hiện diện, đang đợi chờ, đang mời gọi từng người trong chúng ta qua Bí tích Thánh Thể.
Trong khuôn khổ Sa mạc huấn luyện Nghĩa sĩ Vừng Hồng VII, các sa mạc sinh đã có cơ hội quý báu được lắng nghe và trải nghiệm về cầu nguyện qua bài chia sẻ “Phương pháp cầu nguyện với Thánh Thể” do Soeur Maria Hương Lan SPC hướng dẫn. Đây là lời mời gọi đi vào tương quan thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể, một tương quan sống động, đơn sơ, nhưng đầy sâu sắc và tình yêu.
Trong phần chia sẻ, Soeur Hương Lan nhấn mạnh rằng Thánh Thể chính là trung tâm của đời sống cầu nguyện nơi người trẻ Công giáo, đặc biệt là những Nghĩa sĩ thuộc Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Giờ chầu không phải là một nghi thức bắt buộc hay một hình thức khô cứng, nhưng là giây phút linh thiêng để gặp gỡ chính Chúa Giêsu, Đấng đang thật sự hiện diện, âm thầm nhưng rất sống động trong Bí Tích Thánh Thể. Trong giờ chầu, người trẻ được mời gọi đến bên Chúa như một người bạn, một người thân, để tâm sự, để lắng nghe, để được yêu và để yêu.
Với cách trình bày rất gần gũi, dễ hiểu, Soeur đã giúp các các sa mạc sinh nhận ra rằng, để có một giờ chầu ý nghĩa, điều cần không phải là số lượng lời kinh hay sự dài dòng trong nghi thức, mà là một tâm tình đơn sơ nhưng trọn vẹn. Chỉ với bốn tâm tình: thờ lạy, tạ ơn, xin lỗi và xin ơn, một giờ chầu có thể trở thành cuộc gặp gỡ sâu lắng giữa linh hồn con người với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó là khi ta ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa, biết cúi đầu thờ lạy, cất lên lời cảm tạ vì muôn ơn lành, khiêm tốn xin ơn tha thứ, và cuối cùng là trình bày những nhu cầu, những ước mơ và thao thức của tuổi trẻ trước mặt Chúa.
Điểm nhấn đáng chú ý trong bài chia sẻ là phương pháp cầu nguyện với Lời Chúa trong giờ chầu. Bắt đầu bằng sự thinh lặng để tâm hồn lắng đọng và ý thức rằng mình đang đặt mình trước mặt Chúa. Sau đó là lời cầu xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, tiếp đến là đọc một đoạn Tin Mừng, lựa chọn một câu chạm đến trái tim, và đặt mình vào khung cảnh của trình thuật Tin Mừng ấy, như Matta, Maria, Gia Kêu hay người mù bên vệ đường. Qua đó, người trẻ được mời gọi để suy gẫm: Chúa đang nói gì với tôi qua câu này? Câu chuyện này có liên quan gì đến đời sống của tôi hôm nay? Và cuối cùng, bằng lời nguyện đơn sơ, hãy thưa với Chúa những cảm xúc thật nhất của mình: niềm vui, nỗi sợ, sự phân vân hay những trăn trở chưa có lời giải.
Lời mời gọi của Soeur không chỉ dừng lại ở giờ chầu trong nhà thờ hay trong các dịp đặc biệt như Sa mạc. Soeur nhấn mạnh rằng giờ chầu, hay đúng hơn là tương quan sống với Chúa Giêsu Thánh Thể, có thể trở thành một phần của đời sống hằng ngày. Đó có thể là vài phút thinh lặng vào đầu ngày, một lời nguyện vắn tắt trước khi đi ngủ, hay ánh nhìn yêu mến hướng về nhà tạm mỗi khi đi ngang qua nhà thờ. Dù ở đâu, dù lúc nào, nếu tâm hồn chúng ta mở ra với Chúa, thì chính giây phút ấy trở thành giờ chầu thánh thiện và đầy ý nghĩa.
Giữa bao xáo trộn của tuổi trẻ, khi niềm vui và nỗi lo đan xen, khi hoài bão và bất an song hành, chúng ta cần một điểm tựa. Và không có nơi nào vững chắc hơn là trái tim yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể. Giờ chầu không phải là một bổn phận, càng không phải là một thủ tục. Đó là cuộc hẹn yêu thương, là không gian linh thánh nơi Chúa muốn ở lại với từng người chúng ta.
Nếu hôm nay bạn đang mệt mỏi, hãy đến và nghỉ ngơi bên Chúa. Nếu bạn đang hạnh phúc, hãy đến và tạ ơn. Nếu bạn đang lạc hướng, hãy đến để được dẫn lối. Hãy thử một lần dừng lại, ngồi xuống bên Thánh Thể, thinh lặng và mở lòng. Bạn sẽ ngạc nhiên vì nhận ra: Chúa vẫn luôn ở đó, đợi bạn từ rất lâu rồi.
Bình Nguyên SPC