Tuần báo L’Espresso thực hiện cuộc phỏng vấn Đức Bênêđíctô XVI chưa được công bố của chuyên gia danh dự Sandro Magister
Quyển sách tiếng Ý “In Dialogo con il proprio tempo” (Đối thoại với thời gian) sắp được xuất bản tại Ý, dày hơn 500 trang gồm 39 cuộc phỏng vấn của triết gia Jürgen Habermas với Đức Joseph Ratzinger từ năm 1968 đến năm 2004, trong đó có nhiều bài chưa bao giờ được đăng bằng một ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Đức.
Được Thư viện Vatican cho phép, lần đầu tiên chúng tôi đăng một trong những cuộc phỏng vấn này bằng tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Anh. Ở đây chúng tôi chỉ ghi lại ba câu hỏi thiết yếu: lý do khủng hoảng đức tin trong thời đại chúng ta, sự xung đột giữa Chúa Giêsu của Tin Mừng và Chúa Giêsu “lịch sử” và sự hiểu biết kém cỏi về thực tại thực sự của Bí tích Thánh Thể. Cuối cuộc phỏng vấn, bắt đầu từ mùa thu năm 2003, một năm rưỡi trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng, ngài cho biết ngài sẽ viết một quyển sách về Chúa Giêsu và sẽ viết từ ba đến bốn năm.
Sau đây là phần tóm tắt của mỗi chương và hai đoạn trích về những cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc và nguồn gốc của Tin Mừng Gioan:
“Chúa Giêsu thật vẫn là Chúa Giêsu mà Tin Mừng mang đến cho chúng ta” Joseph Ratzinger
Việc nói về một cuộc khủng hoảng đức tin trong Giáo hội là điều tốt cho người công giáo quan tâm đến truyền thống. Nhưng nó không luôn như thế này sao?
Hồng y Joseph Ratzinger: Tôi đồng ý với ông. Đức tin của mỗi tín hữu luôn có những khó khăn, những vấn đề, những giới hạn và chừng mực của nó. Chúng ta không thể đánh giá điều này. Nhưng có thể nói, trong lãnh vực tâm linh cơ bản, một điều gì đó khác đã xảy ra. Cho đến thời kỳ Khai sáng và tiếp theo đó, chắc chắn thế giới đã thấm nhuần Chúa, bằng một cách nào đó đằng sau thế giới này có một trí tuệ cao hơn, rằng thế giới với tất cả những gì nó chứa đựng – sự sáng tạo với sự phong phú, lý trí và nét đẹp của nó – là phản ánh của một Thần linh sáng tạo. Ngoài mọi chia rẽ, còn có bằng chứng cơ bản rằng, trong Kinh Thánh, chính Thiên Chúa nói với chúng ta, rằng Ngài đã mạc khải khuôn mặt của Ngài cho chúng ta, rằng Thiên Chúa đến gặp chúng ta trong Chúa Kitô. Trong khi đó lại có một giả định tập thể là phải tuân theo đức tin bằng cách này hay cách khác – luôn có tất cả những giới hạn và điểm yếu của con người – và cần có một hành động nổi loạn có chủ ý để chống lại đức tin; sau thời kỳ Khai Sáng, mọi thứ đã thay đổi: ngày nay, hình ảnh về thế giới hoàn toàn đảo ngược.
Dường như mọi thứ đều bị giải thích ở khía cạnh vật chất; giả thuyết về Chúa, như tác giả Laplace đã nói, không còn cần thiết nữa, mọi thứ đều được giải thích qua yếu tố vật chất. Có thể nói, sự tiến hóa đã trở thành thần tính mới. Không có tài liệu nào đòi hỏi một Đấng Tạo Hóa. Ngược lại, việc nói về Thiên Chúa dường như mâu thuẫn với sự chắc chắn về mặt khoa học, do đó là không thể bào chữa được. Và Kinh Thánh bị lấy ra khỏi tay chúng ta, cho rằng chúng ta nên xem Kinh Thánh như một sản phẩm có nguồn gốc có thể được giải thích về mặt lịch sử, phản ánh các tình huống lịch sử và không cho chúng ta biết bất cứ điều gì mà chúng ta nghĩ có một cái gì đó hoàn toàn khác. Vì thế dựa trên hoàn cảnh khách quan của ý thức, có một điểm khởi đầu khác, đó là lý do vì sao đức tin đòi hỏi một cam kết lớn hơn và một lòng can đảm để chống lại những điều chắc chắn của bề ngoài. Đến với Chúa đã trở nên khó khăn hơn nhiều.
Lối chú giải Kinh Thánh hiện đại chắc chắn đã góp phần rất lớn vào việc làm các tín hữu mất phương hướng. Nhiều bài chú giải Kinh Thánh giải thích đức tin của các cộng đoàn tiên khởi, nhưng họ không nhìn đến Chúa Giêsu lịch sử và các hành động của Ngài. Đây có phải là kết quả của kiến thức khoa học vững chắc về Kinh Thánh hay quay lại với Chúa Giêsu lịch sử sẽ thuận tiện hơn?
Việc này phải được thực hiện trong mọi trường hợp. Vấn đề chú giải-phê bình-lịch sử đương nhiên là rất lớn. Từ hơn 100 năm nay, nó đã làm rung chuyển Giáo hội, chứ không chỉ Giáo hội Công giáo. Cả với Giáo hội Tin lành đây cũng là một vấn đề lớn. Điều có ý nghĩa là trong đạo Tin lành, các cộng đồng theo trào lưu chính thống đã được thành lập để chống lại những khuynh hướng tan rã như vậy và để tái khám phá đức tin một cách trọn vẹn qua việc bác bỏ phương pháp phê bình lịch sử. Ngày nay các cộng đồng theo trào lưu chính thống đang phát triển và thành công trên toàn thế giới, trong khi “các giáo hội chính thống” đang gặp khủng hoảng, cho chúng ta thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Về nhiều mặt, người Công giáo chúng ta khá hơn. Trên thực tế, những người theo đạo Tin lành từ chối chấp nhận dòng chú giải không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố là không thể chạm đến được Kinh Thánh. Có thể nói, Giáo hội Công giáo có một không gian rộng lớn hơn, theo nghĩa chính Giáo hội sống động là không gian của đức tin, một mặt đặt ra những giới hạn, nhưng mặt khác lại cho phép có rất nhiều khả năng biến đổi.
Sẽ là một sai lầm nếu lên án toàn bộ việc chú giải phê bình lịch sử một cách thuần túy và đơn giản. Nhờ nó mà chúng ta đã học được vô số điều. Kinh Thánh trở nên sống động hơn đối với chúng ta nếu chúng ta tính đến khoa chú giải với tất cả các kết quả: sự hình thành, tiến hóa của Kinh Thánh, sự thống nhất nội tại trong sự phát triển của nó, v.v. Và như vậy: một mặt, khoa chú giải hiện đại đã mang lại cho chúng ta rất nhiều nhưng nó sẽ trở nên có tính hủy diệt nếu chúng ta chỉ bằng lòng tuân theo mọi giả thuyết của nó, xem đặc tính khoa học được cho là của nó là tiêu chuẩn duy nhất.
Thực tế là các giả thuyết nổi trội bị tiếp thu kém đã lồng ghép vào việc dạy giáo lý và được cho là mới nhất trong “khoa học” cho thấy nó có sức tàn phá đặc biệt. Sai lầm của mười lăm năm qua là đã xem việc chú giải trong thời điểm này một cách có hệ thống là “khoa học”, trình bày nó một cách quá hào nhoáng, xem “khoa học” này là thẩm quyền duy nhất có giá trị, bây giờ không còn nữa, không còn uy tín. Hậu quả là bài giáo lý và thông báo tan rã: hoặc chúng ta tiếp tục tuân theo các truyền thống, nhưng không có đức tin chắc chắn, để cuối cùng mọi người thấy chúng ta nghi ngờ về đức tin hoặc chúng ta đã bỏ qua cái gọi là kết quả cho những chân lý khoa học.
Trên thực tế, lịch sử khoa chú giải là nghĩa địa của những giả thuyết, mỗi lần lại phản ánh tinh thần thời đại hơn là tiếng nói thực sự của Kinh Thánh. Những người xây dựng trên nền tảng này quá nhanh, quá liều lĩnh và nhầm nó với khoa học thuần túy, cuối cùng họ bị đắm tàu khi đi tìm kiếm chiếc phao cứu sinh, họ sẽ có thể bị chìm nhanh chóng. Chúng ta phải mong muốn một khuôn khổ cân bằng hơn.
Ngày nay lại có một sự căng thẳng đang diễn ra: khoa chú giải phê bình lịch sử là hỗ trợ cho việc giải thích và cho chúng ta tiếp cận với những kiến thức thiết yếu, và do đó, nó phải được tôn trọng nhưng cũng cần phải bị phê phán. Thật ra các nhà chú giải trẻ ngày nay cho thấy khoa chú giải ẩn chứa một lượng lớn triết học đáng kinh ngạc. Những gì dường như chỉ phản ánh những sự kiện cụ thể và được cho là tiếng nói của khoa học thì trên thực tế lại là biểu hiện của một quan niệm nào đó về thế giới, theo đó, chẳng hạn, không thể có sự sống lại từ cõi chết, hoặc Chúa Giêsu không thể nói như thế và theo cách như vậy, vân vân. Các nhà chú giải trẻ có khuynh hướng tương đối hóa việc chú giải lịch sử, một lối chú giải vẫn giữ nguyên tất cả ý nghĩa của nó nhưng lại chứa đựng trong đó những giả định triết học cần phê phán.
Vì vậy, cách giải thích ý nghĩa này của Kinh Thánh phải được tổng hợp thông qua các hình thức khác, đặc biệt là qua tầm nhìn của các tín hữu uy tín, những người đi một con đường hoàn toàn khác, đã chạm đến trái tim chân thực và sâu sắc của Kinh Thánh, trong khi rõ ràng khoa học làm sáng tỏ, nhưng chỉ muốn đi tìm sự thật, vẫn còn rất hời hợt và chưa đi xa đến lý do sâu sắc tác động và duy trì sự thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh. Một lần nữa, chúng ta phải công nhận đức tin của tín hữu là một cách nhìn và hiểu biết đích thực, nhờ đó chúng ta có được một tầm nhìn rộng hơn.
Có hai điều quan trọng: luôn thận trọng trước mọi thứ được ban cho chúng ta như “khoa học” và trên hết là tin tưởng vào đức tin của Giáo hội, một đức tin vẫn là hằng số đích thực và cho chúng ta thấy Chúa Giêsu thực sự. Chúa Giêsu thực sự vẫn luôn là Chúa Giêsu mà Tin Mừng loan báo cho chúng ta. Tất cả các công trình xây dựng khác đều rời rạc và phản ánh tinh thần của thời đại hơn là nguồn gốc. Các nghiên cứu chú giải cũng tiết lộ rằng nhiều khi những hình ảnh khác nhau về Chúa Giêsu không phải là dữ liệu khoa học mà là sự phản ánh những gì của một cá nhân hoặc của một thời đại và được cho đó là kết quả của khoa học.
Trong tương lai gần, người công giáo và tin lành có cùng nhau trên cùng một bàn thờ không?
Về mặt con người thì tôi sẽ nói không. Lý do trước hết là sự chia rẽ nội bộ của chính các cộng đồng truyền giáo. Lấy ví dụ chủ nghĩa Luther ở Đức, họ có những tín hữu có đức tin sâu sắc và được đào tạo theo Giáo hội nhưng họ cũng có một phe tự do, trong một phân tích cuối cùng, họ xem đức tin như một lựa chọn cá nhân và bỏ qua Giáo hội.
Nhưng ngay cả khi bỏ qua những chia rẽ nội bộ này trong thế giới Phúc âm, vẫn có những khác biệt cơ bản giữa các cộng đồng xuất phát từ cuộc Cải cách thế kỷ 16 và Giáo hội Công giáo. Nếu chúng ta xem tập sách nhỏ chính thức về “Bữa Tiệc Ly” của Giáo hội Tin lành Đức, chúng ta thấy có hai điểm thực sự cho thấy một sự rạn nứt rất sâu sắc.
Một mặt, họ cho rằng về cơ bản, mọi tín hữu kitô được rửa tội đều có thể chủ tế Bí tích Thánh Thể. Như thế ngoài rửa tội sẽ không có cơ cấu bí tích trong Giáo hội. Điều này có nghĩa chúng ta không công nhận việc kế nhiệm tông truyền với các chức vị giám mục và linh mục, dù chúng ta đã thấy trong Kinh Thánh, đó là hình thức cấu thành cơ cấu của Giáo hội. Cấu trúc Kinh điển Tân Ước – các “bản văn” Tân Ước – theo bối cảnh này. Quy tắc này rõ ràng không hình thành một mình. Quy tắc đã được công nhận. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có một cơ quan có thẩm quyền quyết định. Quyền này chỉ có thể là quyền tông truyền và nó hiện diện trong chức năng kế vị. Quy tắc – Kinh thánh – Tông truyền, cũng như chức năng giám mục là chức năng không thể tách rời.
Yếu tố thứ hai làm tôi ngạc nhiên trong “tập sách nhỏ” này là tập sách chỉ đưa ra những phần thiết yếu của việc cử hành Bữa Tiệc Thánh. Nhưng không có dấu vết nào của “Thánh Thể”, lời cầu nguyện thánh hiến không phải do Giáo hội phát minh, nhưng bắt nguồn trực tiếp từ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu – lời cầu nguyện chúc lành cao cả của truyền thống do thái – lời cầu nguyện khi dâng bánh và rượu tượng trưng cho lễ vật hiến tế của Chúa dành cho Giáo hội của Ngài. Qua đó chúng ta cầu nguyện trong lời cầu nguyện và qua lời cầu nguyện của Chúa Giêsu – đó là hành vi hy sinh thực sự được thực hiện một cách hữu hình trên thập giá – hy tế của Chúa Kitô hiện diện và Bí tích Thánh Thể không chỉ là một bữa ăn.
Đây là lý do vì sao tầm nhìn công giáo về Giáo hội, cũng như về Bí tích Thánh Thể rõ ràng rất khác xa với tất cả những gì được nói trong “tập sách nhỏ” của Giáo hội tin lành Đức. Nhưng đằng sau điều này là vấn đề trọng tâm của “sola Scriptura” (chỉ có kinh thánh) mà Jüngel, một giáo sư tại Tübingen đã tóm tắt trong công thức: chính Giáo luật là sự kế thừa tông truyền. Nhưng làm sao chúng ta biết được điều đó? Ai giải thích cho chúng ta? Mỗi người ở mỗi bên của mình? Hay các chuyên gia? Trong trường hợp này, đức tin của chúng ta sẽ chỉ dựa trên những giả định mà chúng ta không thể dựa vào trong khi sống hay sau khi chết. Nếu Giáo hội không có tiếng nói, nếu Giáo hội không thể khẳng định bất cứ điều gì có thẩm quyền về những vấn đề thiết yếu của đức tin, thì không có đức tin cộng đồng. Khi đó chúng ta có thể xóa từ “Giáo hội” vì một Giáo hội không bảo đảm cho chúng ta một đức tin chung thì không phải là Giáo hội.
Vì vậy, câu hỏi cơ bản liên quan đến Giáo hội và Kinh Thánh cuối cùng vẫn là một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ và chưa được giải đáp. Tuy nhiên, tất cả những điều này không loại trừ thực tế là các tín hữu chân chính có thể gặp nhau trong sự gần gũi thiêng liêng sâu sắc, và tôi đã có thể liên tục làm với lòng biết ơn.
Ngài là trưởng Hồng Y đoàn, ngài còn thì giờ để làm các việc cá nhân không? Nếu có thì giờ, ngài muốn ưu tiên giải quyết vấn đề thần học nào, chủ đề của tác phẩm sẽ là chủ đề nào?
Trên hết, tôi phải ngày càng học cách tin tưởng vào Chúa, dù tôi còn thì giờ hay không vì tôi không còn trẻ nữa. Nhưng bằng cách nào đó, trong vài giờ rảnh dù hiếm hoi, tôi vẫn cố gắng làm điều gì đó, từng chút một. Tháng 8, tôi bắt đầu viết quyển sách về Chúa Giêsu. Theo hiện tại, tôi hy vọng có ba hoặc bốn năm để viết. Tôi muốn chứng tỏ từ Kinh Thánh có một nhân vật sống động và hài hòa đã đến gặp chúng ta như thế nào và Chúa Giêsu trong Kinh Thánh cũng là một Chúa Giêsu hiện diện tuyệt đối như thế nào.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn